CIA sử dụng dữ liệu Công ty Viễn thông AT&T trong chống khủng bố

Thứ Sáu, 22/11/2013, 20:45

Cục Tình báo Trung ương Mỹ trả cho AT&T hơn 10 triệu USD/năm để công ty viễn thông cung cấp cơ sở dữ liệu khổng lồ về các cuộc gọi điện thoại - bao gồm cả những cuộc gọi quốc tế của người Mỹ - giúp cơ quan tiến hành những cuộc điều tra chống khủng bố ở hải ngoại, theo tiết lộ của một số quan chức giấu tên ở Washington. Sự hợp tác được thực hiện theo hợp đồng tự nguyện và dĩ nhiên không có lệnh tòa án ép buộc tham gia. CIA cung cấp cho AT&T số điện thoại của các nghi can khủng bố hải ngoại rồi sau đó công ty tìm kiếm chúng trong cơ sở dữ liệu của mình và chuyển giao dữ liệu cho cơ quan tình báo.

Chương trình giám sát điện thoại của CIA được tiết lộ góp phần tạo ra một đề tài mới cho cuộc tranh cãi về hoạt động gián điệp xâm phạm đời tư của chính quyền Mỹ trong những tháng gần đây mà mục tiêu là Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA).

Sự tiết lộ mới này cung cấp thêm chi tiết về các mối quan hệ kín đáo giữa giới chức tình báo Mỹ và các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông hàng đầu nước này. Điều đó cho thấy không chỉ NSA, mà các cơ quan tình báo khác cũng cố gắng khai thác sử dụng siêu dữ liệu (metadata) - nhật ký về ngày tháng, độ dài cuộc gọi và các số điện thoại liên quan đến cuộc gọi nhưng không bao gồm nội dung chi tiết - để phân tích các mối liên kết giữa các đối tượng thông qua những chương trình được thiết kế đặc biệt không tuân theo những tiêu chuẩn pháp lý.

Do việc CIA bị luật pháp cấm do thám người Mỹ trong nước cho nên cơ quan buộc phải đặt ra những "lá chắn" riêng cho chương trình. Ví dụ, phần lớn những nhật ký cuộc gọi do AT&T cung cấp đều diễn ra với những người ở nước ngoài, nhưng khi những cuộc gọi quốc tế có liên kết đến Mỹ thì danh tính của người Mỹ sẽ không được tiết lộ mà thay vào đó là "mặt nạ" bao gồm vài chữ số của số điện thoại. CIA cũng chia sẻ thông tin về "mặt nạ" với Cục Điều tra Liên bang Mỹ để hai cơ quan cùng hợp tác điều tra đối tượng.

Giám đốc CIA John O. Brennan (trái) và Giám đốc Tình báo Quốc gia James R. Clapper Jr.

Dean Boyd, người phát ngôn của CIA, từ chối khẳng định về sự tồn tại của chương trình với báo chí, song nhấn mạnh hoạt động thu thập thông tin tình báo của cơ quan là "hợp pháp" và "được giám sát chặt chẽ". Dean Boyd cho biết: "CIA bảo vệ quốc gia cũng như quyền riêng tư của công dân Mỹ và chỉ tập trung thu thập thông tin tình báo nước ngoài cũng như phản gián tuân thủ luật pháp Mỹ. CIA bị cấm tiến hành các hoạt động thu thập thông tin bên trong nước Mỹ cho nên không bao giờ làm thế".

Mark Siegal, người phát ngôn của AT&T, tuyên bố: "Chúng tôi tôn trọng quyền riêng tư của khách hàng và cố gắng bảo vệ điều đó theo đúng những quy định của luật pháp. Chúng tôi không bình luận về những vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia. Trong mọi trường hợp, bất cứ một thực thể chính quyền nào tìm kiếm thông tin từ công ty thì chúng tôi phải bảo đảm rằng yêu cầu và sự đáp ứng của chúng tôi luôn thích đáng và tuân thủ luật pháp".

Vừa qua, AT&T cũng phát đi thông điệp thừa nhận công ty được CIA trả một số tiền lớn để cung cấp thông tin nhưng từ chối bình luận về sự hợp tác với cơ quan tình báo.

Tháp Whitacre ở Dallas, tòa nhà trụ sở toàn cầu của AT&T.

Các nhà quan sát nhận định, chương trình gián điệp của CIA có vẻ như là "bản sao" của NSA. Nhưng, một quan chức CIA cho rằng, cơ quan nhất thiết phải có chương trình riêng để giám sát những cuộc gọi điện thoại liên kết với các nghi can khủng bố ở nước ngoài. Từ tháng 6/2013, khi người tố giác Edward Snowden tiết lộ các hoạt động gián điệp của NSA, một cuộc tranh cãi quốc tế bắt đầu tìm hiểu về mối quan hệ "cửa sau" giữa cộng đồng cơ quan tình báo và các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông và Internet. Tuy nhiên, nhiều công ty đã nhanh chóng lên tiếng khẳng định họ bị buộc phải có trách nhiệm hợp tác theo quy định của pháp luật.

Sau vụ bê bối động trời của NSA, các chính quyền châu Âu bắt đầu yêu cầu sự minh bạch nhiều hơn từ các công ty đồng thời đe dọa sẽ có những biện pháp kiềm chế gắt gao. Ví dụ, AT&T đang nghiên cứu kế hoạch mua lại nhà cung cấp dịch vụ điện thoại di động Vodafone của châu Âu và chính khách nơi này cam đoan sẽ theo dõi sát sao giao dịch này.

AT&T có lịch sử hợp tác với chính quyền Mỹ, giúp đỡ chương trình gián điệp của chính quyền Mỹ qua việc cho phép NSA lắp đặt thiết bị bí mật trong các hệ thống kết nối Internet của công ty. Và, trong ít nhất 6 năm qua, AT&T đã biệt phái một số nhân viên của công ty làm việc trong cơ sở điều tra ma túy của FBI, giúp phân tích các cuộc gọi điện thoại từ cơ sở dữ liệu do AT&T cung cấp.

Câu chuyện chi tiết về chương trình do thám hợp tác giữa CIA và AT&T hiện vẫn còn chưa rõ ràng và các nhà quan sát cho rằng có lẽ nó bắt đầu trước năm 2010, sau đó tạm ngưng một thời gian. Theo tiết lộ của một số quan chức ở Washington, các ủy ban tình báo của lưỡng viện cũng từng được báo cáo về chương trình của CIA. Hiện nay, nhiều người ở Mỹ đang đặt vấn đề về việc chương trình gián điệp bí mật lợi dụng Luật Ái quốc để ép buộc các công ty dịch vụ điện thoại di động trong nước hợp tác cung cấp cơ sở dữ liệu về các cuộc gọi điện thoại.

Một số nhà lập pháp còn đề nghị sửa đổi Luật Ái quốc để các công ty điện thoại có quyền kiểm soát dữ liệu chứ không phải NSA hay CIA. Không chỉ có AT&T, mà Verizon và các công ty viễn thông khác cũng có lịch sử hợp tác bí mật trong các chương trình gián điệp trong nước bất hợp pháp của chính quyền Mỹ.

Nhờ các tài liệu mật do Snowden tiết lộ mà thế giới biết được về "quỹ đen" lên đến 52,6 tỉ USD cung cấp cho các cơ quan tình báo Mỹ, trong đó riêng NSA đã nắm giữ 10,8 tỉ USD

Duy Minh (tổng hợp)
.
.