CIA từng tìm cách tuyển dụng Thủ tướng Thuỵ Điển Olof Palme

Thứ Tư, 21/10/2009, 10:55
Trong việc tuyển dụng các nhân vật nổi tiếng trên các lĩnh vực chính trị, văn hóa, nghệ thuật, khoa học... kể cả lãnh đạo một số quốc gia để cộng tác hay làm nội gián,  CIA đã gặp nhiều thất bại hơn là thành công. Trong số người này phải kể đến Olof Palme, Thủ tướng Thụy Điển, khi ông này còn là một lãnh tụ sinh viên vào đầu thập niên 50.

Olof Palme từng lãnh đạo đảng Dân chủ Xã hội Thụy Điển từ năm 1969 tới ngày bị ám sát 28/2/1986. Palme từng hai lần làm Thủ tướng, đứng đầu chính phủ lần đầu từ năm 1969 đến  1976 và lần thứ hai từ năm 1982 - 1986. Cùng với hai nhà ngoại giao Raoul Wallenberg và Dag Hammarskjold, Palme được xem là người Thụy Điển nổi tiếng nhất thế kỷ XX.

Gần đây, ngày 11/9/2009, báo The Local và Kênh thời sự SVT của Truyền hình quốc gia Thụy Điển đã đồng loạt tiết lộ về việc CIA từng tìm cách tuyển dụng chính trị gia trẻ tuổi Olof Palme.

Palme bắt đầu lọt vào tầm ngắm của CIA khi ông đang học đại học tại bang Ohio, Mỹ từ năm 1948, nhất là khi Pame đã viết một bài khảo luận phê bình quyển sách “The Road to Serfdom” của nhà khoa học chính trị người Anh gốc Áo nổi tiếng Friedrich Hayek và một luận văn ca ngợi Nghiệp đoàn công nhân ngành xe hơi Mỹ do Walther Reuther lãnh đạo.

Năm 1949, sau khi tốt nghiệp đại học ở Mỹ, Palme quay về lại Thụy Điển học tiếp ngành luật tại Đại học Stockholm và nhanh chóng trở thành một thủ lĩnh khi tham gia các hoạt động chính trị trong Hội Liên hiệp sinh viên quốc gia Thụy Điển (SIV). CIA quyết định tiếp cận để tuyển dụng Palme vào năm 1952, khi Palme được bầu là Chủ tịch SIV, Tom Farmer, một điệp viên CIA nằm vùng tại Stockholm hoạt động tình báo dưới vỏ bọc Tùy viên văn hóa và giáo dục của Sứ quán Mỹ tại thủ đô Stockholm được giao nhiệm vụ tiếp cận với Palme.

Vào thời kỳ đó, CIA nghi vấn SIV được hậu thuẫn bởi tình báo Liên Xô để phát động các phong trào chống đối việc Thụy Điển tham gia Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) và thỏa thuận cho NATO triển khai nhiều căn cứ quân sự trên lãnh thổ Thụy Điển. Thông qua Palme, CIA sẽ lần ra hoạt động của tình báo Liên Xô trong giới sinh viên Thụy Điển và phối hợp với phản gián Thụy  Điển để phá vỡ các hoạt động điệp báo nằm vùng này. Một lý do khác cũng khiến CIA muốn tuyển dụng Palme là để thu thập các thông tin về Liên Xô và các quốc gia XHCN Đông Âu do Palme thường có những chuyến công tác đến Liên Xô và một số quốc gia XHCN Đông Âu ở cương vị Chủ tịch SIV và là Ủy viên Ban lãnh đạo Hiệp hội sinh viên quốc tế (ISC) có trụ sở đặt tại thủ đô Stockholm.

Điệp viên Farmer có cuộc tiếp xúc lần đầu với Palme là vào tháng 7/1952 khi SIV tổ chức hội nghị về bang giao giữa sinh viên Thụy Điển với các trường đại học ở Mỹ và do Sứ quán Mỹ tài trợ. Không biết kết quả của lần tiếp xúc đầu tiên này như thế nào và Palme có chấp thuận làm việc cho CIA hay không, nhưng đến năm 1953, Palme được bầu làm Chủ tịch ISC, một tổ chức được CIA tài trợ và thao túng. Ingemar Engman, một cựu sĩ quan của Cơ quan Tình báo quân đội Thụy Điển (IB) đã tiết lộ với báo The Local và Kênh truyền hình thời sự  SVT, rằng: "Chúng tôi biết rằng CIA tìm cách tuyển dụng Palme và hình như Palme cũng có quan hệ với Sứ quán Mỹ nhưng không biết có cộng tác với CIA hay không?".

Tuy nhiên, không biết vì lý do gì, đến tháng 10/1953, Palme quyết định từ bỏ vai trò chủ tịch SIV lẫn ISC, cắt đứt mọi quan hệ với Farmer và Sứ quán Mỹ để bắt đầu sự nghiệp của một chính khách khi trở thành thành viên ban cố vấn của Thủ tướng Tage Erlander và đến năm 1957 được bầu làm đại biểu Quốc hội Thụy Điển của đảng Dân chủ Xã hội.

Olof Palme khi còn là lãnh tụ sinh viên Thuỵ Điển vào đầu thập niên 50.

Olof Palme giữ nhiều chức vụ trong các đời nội các Chính phủ Thụy Điển cho đến khi trở thành Thủ tướng năm 1969. Palme được cho là đã có tác động sâu xa tới tình cảm của nhiều người. Ông rất được các phe phái cánh tả ưa thích nhưng cũng bị cánh hữu ghét bỏ. Điều này một phần là do các hoạt động quốc tế của ông, đặc biệt là chống đối Mỹ quyết liệt. Ngay trước khi bị ám sát, Palme đã bị Mỹ và phương Tây cáo buộc là thân Liên Xô và không bảo vệ đầy đủ lợi ích của quốc gia.

Quanh vụ ám sát Thủ tướng Palme vào tháng 2/1986 từng có nhiều giả thuyết, mà giả thuyết mới nhất do nhà báo người Thụy Điển Anders Leopold đưa ra vào năm 2008 khi buộc tội chính George H. Bush, Phó tổng thống Mỹ vào năm 1986, đã ra lệnh cho CIA phải trừ khử Olof Palme do ông này không chỉ là một chính trị gia bài Mỹ, từng cho phép định cư tại Thụy Điển những người Chile cánh tả bị săn đuổi khỏi Chile sau khi Tổng thống Salvador Alliende bị CIA lật đổ vào năm 1973 mà còn là người đã chỉ trích và phê phán kịch liệt việc Mỹ bí mật bán trang thiết bị quân sự cho Iran vào thập niên 80 để lấy tiền tài trợ cho hoạt động của đội quân Contra phản động được Mỹ hậu thuẫn chống lại chính quyền cách mạng ở Nicaragua.

Theo nhà báo Leopold, Palme đã bị Roberto Thieme, thành viên tổ chức dân binh cực hữu Patria Libertad ở Chile vốn được CIA hậu thuẫn, bắn chết vào ngày 28/2/1986 tại thủ đô Stockholm.

Denis Carlton, một cựu điệp viên CIA, từng phụ trách các hoạt động của CIA tại Bắc Âu cũng xác nhận với báo The Local và Kênh truyền hình thời sự SVT rằng chính Phó tổng thống Mỹ Gerge H. Bush đã ra lệnh cho CIA tổ chức giết hại Thủ tướng Palme. Và nếu quả thật như vậy thì vụ ám sát Thủ tướng Palme là một đòn trả thù của CIA. Tuy nhiên, CIA đã phủ nhận các tiết lộ này

Hoàng Phú (theo CiCentre)
.
.