Các cơ quan tình báo Ấn Độ hoạt động kém hiệu quả

Thứ Ba, 28/06/2011, 02:30

Trong khi thế giới đang chú ý đến thành công của CIA sau vụ tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden, thì các cơ quan tình báo Ấn Độ lại liên tiếp tự mình chuốc lấy những chuyện không vui.

Chuyện thứ nhất, hôm 29/5, Pakistan đã trả lại cho Ấn Độ bản danh sách "50 tên khủng bố truy nã đang trốn ở Pakistan". Bản danh sách này đã được Cục Điều tra Trung ương (CBI - tương đương FBI của Mỹ) tập hợp và trao cho phía Pakistan từ hôm 11/5 và yêu cầu hỗ trợ điều tra truy nã khủng bố.

Điều đáng nói là, lý do để Pakistan trả lại bản danh sách là vì trong số những nghi can khủng bố nêu trong bản danh sách có 2 tên: Wazhul Kamar Khan, nghi phạm loạt đánh bom Mulund năm 2003, và Feroze Rashid Khan, nghi phạm vụ đánh bom Mumbai năm 1993, hiện đang ở Ấn Độ chứ không có ở Pakistan. Vụ việc này khiến cho Chính phủ Ấn Độ hết sức bối rối, khó ăn khó nói với láng giềng nhiều hiềm khích.

Chuyện thứ hai, vào ngày 20/5, thông tin được tiết lộ rằng, tên khủng bố Rajkumar Meghen đã bị Cơ quan Điều tra quốc gia (NIA) bắt nhốt từ tháng 10/2010, và thông tin đó đã được thông báo cho Cơ quan Cảnh sát Manipur, nơi thường trú của Meghen, thế nhưng người ta không hiểu sao hắn lại tiếp tục có tên trong danh sách truy nã của CBI.

Vụ đánh bom khủng bố ở Mumbai tháng 11/2008 được xem là thất bại nặng nề của các cơ quan tình báo Ấn độ.

Nhưng như thế vẫn chưa hết. Trong khi vụ việc "bản danh sách truy nã" chưa kịp lắng dịu thì CBI lại tiếp tục gặp một "sự cố" khác: phái đoàn CBI vừa từ Ấn Độ đến Copenhagen, Đan Mạch, đã buộc phải quay trở về Ấn Độ trong tủi hổ, vì đến đó để dự lễ dẫn độ nghi phạm Kim Davey - tên lính đánh thuê tự phong đã gây ra vụ thả vũ khí đạn dược xuống Purulia vào năm 1995 - nhưng giấy mời đã hết hạn từ lâu.

Ngay sau vụ việc Meghen, CBI và Bộ Nội vụ Ấn Độ đã viện ra nhiều lý do để biện minh cho sai sót ngớ ngẩn này. Các quan chức CBI than phiền rằng, do cơ quan này bị quá tải nên nhân viên mới dễ bị sai sót trong tác nghiệp.

Bộ Nội vụ thì cho rằng, sự việc có lẽ không đến nỗi như thế nếu Ấn Độ triển khai dự án NATGRID - dự án cho phép chính phủ tiếp cận 21 nhóm cơ sở dữ liệu như hàng không, thuế thu nhập, tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng, thông tin di trú,… nhằm truy tầm và kiểm soát mọi hoạt động thường nhật của các cá nhân khả nghi.

CBI đưa ra báo cáo cho rằng, tổng số nhân sự làm việc cho CBI hiện vào khoảng hơn 5.000 người, trong khi nhu cầu thực tế lên đến 6.500 người. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, vấn đề ở chỗ, các cơ quan tình báo Ấn Độ vừa hoạt động kém hiệu quả, thủ tục rườm rà, lại vừa thiếu sự phối hợp nhịp nhàng với nhau trong tác nghiệp. Các thống kê tác nghiệp lại chứng minh rằng, con số 5.000 nhân sự có vẻ còn quá nhiều so với số vụ án thụ lý điều tra (867 vụ) và điều tra sơ bộ (142 vụ).

Joginder Singh - một cựu giám đốc CBI - là người phê phán gay gắt tính kém hiệu quả của hệ thống thu thập thông tin tình báo Ấn Độ. Ông Singh chỉ ra rằng sau hàng loạt vụ việc, như vụ đụng độ ở Batla House tháng 10/2008, vụ khủng bố Mumbai ngày 26/11/2008 và những vụ tấn công gần đây nhất, không có cá nhân nào phải chịu trách nhiệm vì sai sót hay yếu kém để xảy ra vụ việc.

Từng lãnh đạo CBI từ giữa thập niên 90 thế kỷ XX, ông Singh hiểu rõ vấn đề lớn nhất của CBI cũng như các cơ quan tình báo khác của Ấn Độ chính là sự thiếu chia sẻ thông tin tình báo với nhau.

Các cơ quan điều tra như CBI và NIA, và các cơ quan tình báo như IB (Cục Tình báo quốc gia) và RAW (Cơ quan Tình báo đối ngoại) hầu như chẳng màng việc chia sẻ thông tin cho nhau, chủ yếu là mạnh ai nấy làm, việc ai nấy biết.

Đó là chưa kể việc các cơ quan còn ganh tị với nhau nên mỗi khi thu thập được một thông tin nào đó, cho dù là thông tin "còn non" hoặc đó chỉ mới là manh mối của những sự việc lớn hơn, các cơ quan đều nhanh chóng báo cáo lên cấp trên để "lấy điểm". Hậu quả thường là làm cho vụ việc không được theo dõi đến nơi đến chốn, bị bỏ dở nửa chừng.

Ngoài ra, Ấn Độ không có một cơ chế quản lý thông tin chung cho các cơ quan tình báo để tập hợp toàn bộ những thông tin từ các cơ quan. Có ý kiến đề xuất nên lập ra "ngân hàng dữ liệu" để lưu giữ các vụ án, điệp vụ, danh tính các nghi can, những kẻ bị bắt và được tha án,… Một phương án cũng được xem xét đến, đó là triển khai dự án NATGRID. Phương án này được Bộ Nội vụ Ấn Độ ủng hộ và bộ này đã thuê hẳn một chuyên gia giỏi để triển khai dự án.

Tuy nhiên, các bộ Quốc phòng và Tài chính Ấn Độ đều không đồng ý các đề xuất nêu trên, vì lý do chúng rất dễ bị lạm dụng để theo dõi và quấy rối công dân, thậm chí nhũng nhiễu để vòi tiền hối lộ. Vụ biệt kích Mỹ tiêu diệt Osama bin Laden được nêu ra làm ví dụ điển hình: không cần danh bạ điện thoại, Internet hay danh mục thông tin cá nhân, thẻ tín dụng nhưng CIA vẫn có thể truy tìm ra được nơi ẩn náu của Bin Laden. Đó là nhờ vào hoạt động thu thập thông tin tình báo do con người thực hiện

Quốc Vương (tổng hợp)
.
.