Các công ty Đức hỗ trợ chương trình vũ khí hóa học ở Syria?

Chủ Nhật, 17/05/2015, 07:45
Các tài liệu Chính phủ và những thông tin tình báo thu thập được cho thấy, các công ty của Đức đã giúp Syria sản xuất vũ khí hóa học trong nhiều thập kỷ qua dưới hình thức sản xuất phân bón. Phóng sự điều tra mới nhất được đăng trên tờ Der Spiegel còn chỉ ra rằng, mặc dù đã được cảnh báo song chính quyền Đức lại có vẻ không muốn “bới sâu” vấn đề này.

Từ báo cáo của OPCW...

Hơn 16 tháng qua, Chính phủ Đức đã có trong tay danh sách tên các công ty của Đức được cho là đã giúp chính quyền Syria trước đây xây dựng kho vũ khí hóa học, biến Syria trở thành một trong những quốc gia sở hữu vũ khí hóa học lớn nhất thế giới. Cơ quan cung cấp "danh sách đặc biệt" này là Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) từng được trao giải Nobel Hòa bình năm 2013 vì những nỗ lực lớn để loại bỏ vũ khí hóa học.

Cùng với các chuyên gia của Liên Hiệp Quốc (LHQ), OPCW cũng đang tiến hành tiêu hủy vũ khí hóa học của Syria. Báo cáo của OPCW cho biết, trong những năm qua, Syria sản xuất và lưu trữ vũ khí, khí độc với một sức mạnh tương đương 1.500 megaton.

Việc sử dụng chất độc sarin trong cuộc nội chiến ở Syria đã cướp đi sinh mạng của hàng ngàn người. Ảnh: RT.

Trong số các loại vũ khí là khí sarin thần kinh, khí độc này phá vỡ dẫn truyền thần kinh dẫn đến co thắt quanh cổ và nghẹt thở. Hơn 1.400 người đã bị giết bởi khí độc trong cuộc nội chiến đang diễn ra ở Syria, mặc dù nó chưa được chứng minh một cách thuyết phục cho dù các vũ khí hóa học đã được triển khai bởi quân đội Chính phủ Syria của lực lượng chống đối.

Báo cáo còn chỉ ra rằng, các công ty của Đức đã tham gia vào sản xuất vũ khí hóa học từ lâu, trong đó có nhiều công ty lớn như nhà sản xuất thủy tinh Schott, nhà sản xuất thiết bị phòng thí nghiệm Kolb, Công ty công nghệ Heraeus, Công ty Hoechst Riedel-de Haen, Công ty dược phẩm Merck và Công ty Gerrit van Delden…

Tài liệu mà phóng viên Del Spiegel thu thập được dựa trên các báo cáo của Viện Lịch sử đương đại Đức cho thấy, ngày 6/12/1984, trong cuộc gặp với đại diện Bộ Ngoại giao Đức, Đại sứ Israel tại Đức khi đó là Yitzhak Ben-Ari đã cung cấp một tài liệu mang tên "Những phát hiện tình báo", cho rằng từ những năm 70 thế kỷ trước, các nhà khoa học đã tìm cách sản xuất vũ khí hóa học cho Syria và ngụy trang dưới hình thức "nghiên cứu nông nghiệp và y tế".

Đại sứ Yitzhak Ben-Ari khẳng định, bộ phận hóa học của Trung tâm d'Etudes et des Recherches Scientifiques ở Damascus, một trung tâm nghiên cứu đã nhận được tài trợ từ UNESCO trong một chương trình bí mật. Cũng theo Đại sứ Yitzhak Ben-Ari, một cơ sở thí nghiệm đã được xây dựng vào năm 1982, Syria đã ký kết hợp đồng với các công ty châu Âu liên quan đến 3 dây chuyền sản xuất.

Tình báo Israel khi đó nhận định, đến năm 1985, Syria sẽ có khả năng sản xuất 700kg sarin, đủ để giết chết hàng triệu người. Tờ Der Spiegel khẳng định, khi đó, Bộ Ngoại giao Đức đã hứa sẽ điều tra thông tin mà Israel cung cấp nhưng có vẻ như cuộc điều tra đã không diễn ra. Nói thế là bởi lẽ, thông thường trong một tình huống như vậy, Bộ  Ngoại giao hoặc các cơ quan của Đức sẽ thành lập một ủy ban điều tra để có khám phá riêng của mình. Nhưng người đứng đầu nước Đức khi đó là Helmut Kohl đã không làm vậy.

Một điểm đáng lưu ý là vào thời điểm đó, cuộc chiến Iraq - Iran nổ ra và Iraq đã triển khai khí độc chống lại quân đội Iran. Năm 1988, hàng ngàn người Iran đã bị chết bởi khí độc sarin. Cùng năm đó, có thông tin cho rằng, Iraq còn sử dụng khí độc để chống lại người Kurd. Đáng chú ý hơn cả là việc Iraq được trợ giúp để xây dựng các cơ sở sản xuất vũ khí hóa học ở Syria, và các công ty của Đức được đề nghị bằng văn bản việc hỗ trợ công nghệ và bảo vệ hoạt động của các cơ sở này.

Chưa hết, OPCW còn cho rằng, nhiều khả năng, những công ty của Đức được tham gia vào chương trình phá hủy vũ khí hóa học của Syria chính là những công ty từng hợp tác với cả Syria và Iraq trước đây. Chẳng hạn như Công ty Karl Kolb GmbH & Co KG có trụ sở tại thị trấn Dreieich, bang Hesse.

Tháng 12/1984, đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ đã thông  báo với Đại sứ quán Đức tại Washington rằng công ty này đã chuyển giao "nghiên cứu hóa học và thiết bị để sản xuất một lượng lớn khí độc" cho Iraq. Hoạt động sản xuất ở Iraq được biết dưới hình thức là nhà máy sản xuất thuốc trừ sâu. Pilot Plant GmbH, một công ty có mối quan hệ làm ăn thân thiết với Karl Kolb GmbH & Co KG đã được giao hỗ trợ xây dựng 4 cơ sở kiểu trên với tổng chi phí 7,5 triệu mác Đức. Các nhà ngoại giao Mỹ khi đó cũng đã cố gắng gây áp lực thường xuyên lên Chính phủ Đức để kiềm chế hoạt động của Karl Kolb GmbH & Co KG.

Kết quả là Karl Kolb GmbH & Co KG đã rút hết các nhân viên Đức tham gia trong các dự án Samarra ở Iraq khi Israel đe dọa đánh bom. Nhưng đổi lại, công ty này cử các chuyên gia Ba Lan thay thế. Mãi đến năm 1990, khi Chính phủ Đức mạnh tay hơn trong vấn đề này, Karl Kolb GmbH & Co KG mới hạn chế các hoạt động kinh doanh này. Cùng năm đó, thủ tục pháp lý chống lại Karl Kolb GmbH & Co KG về việc này cũng kết thúc trong tuyên bố trắng án.

... đến chính thức thừa nhận?

Các thông tin mà tờ Der Spiegel thu thập được còn cho thấy, Cơ quan Tình báo nước ngoài của Đức (BND) nắm nhiều bằng chứng xác thực về việc các công ty của Đức giúp Iraq và Syria sản xuất vũ khí hóa học và chương trình Samarra thực chất là nơi để phát triển cơ sở sản xuất vũ khí hóa học.

Chương trình tiêu hủy vũ khí hóa học ở Syria đang được tiến hành khẩn trương. Đến nay, 3 trong số 12 địa điểm sản xuất vũ khí hóa học ở Syria đã được phá bỏ hoàn toàn. Ảnh: AP.

Một báo cáo tuyệt mật của BND mà Der Spiegel có được, có đoạn viết: "Mọi thứ đều được bảo vệ nghiêm ngặt, được đặt ở giữa sa mạc và không để lộ ra ngoài. Tất cả các tòa nhà hành chính đều được xây ở phía ngược chiều gió...". Thậm chí, khi lãnh đạo BND báo lại với Bộ  Ngoại giao và các cơ quan chức năng khác về những nghi ngờ trong việc giao hàng của một số công ty Đức nói trên, họ đã được lệnh không được phép do thám các công ty này.

Và những nghi ngờ nói trên sẽ tiếp tục bị đưa vào kho tài liệu mật nếu không có sự quyết tâm tìm ra mọi việc của đảng cánh tả ở Đức. Kết quả là, cuối năm 2013 đầu năm 2014, Chính phủ Đức thừa nhận rằng từng chuyển cho Syria những hóa chất "lưỡng dụng" có nguy cơ bị sử dụng để sản xuất khí độc sarin. Tờ Frankfurter Rundschau dẫn tài liệu của Chính phủ Đức đối với các câu hỏi của nghị sĩ cánh tả trong Quốc hội cho hay, trong giai đoạn 2002-2006, Đức đã xuất khẩu 134 tấn nguyên liệu có thể được sử dụng để pha chế chất khí chết người này. Lô hóa chất đầu tiên được Đức chuyển giao cho Syria trong giai đoạn 2002-2003, dưới thời cầm quyền của Thủ tướng Gerhard Schroeder.

Lần thứ hai là vào năm 2005-2006, dưới sự lãnh đạo của những người trung hữu đương nhiệm. Một số nguồn tin cho hay, nếu tính từ năm 1998 đến 2011 thì số hóa chất mà Đức xuất khẩu sang Syria vào khoảng 360 tấn, tức là gấp 3 lần con số công bố của Bộ Kinh tế. Các hóa chất này bao gồm hydrogenfluorid, ammonium bifluoride, natriumfluorid cũng như các thành phần hóa chất có chứa xyanua kali và natri.

Số hóa chất này được Bộ Kinh tế Đức biện minh là có thể dùng vào mục đích dân sự và "Giấy phép chuyển giao (hóa chất) được cấp sau khi đã rà soát kỹ lưỡng tất cả các rủi ro tiềm ẩn, kể cả những nguy cơ bị sử dụng sai và bị chuyển hướng với mục đích có thể liên quan đến vũ khí hóa học". Tuy  nhiên, theo ông Ralf Trapp, chuyên gia của OPCW, Syria có thể sản xuất khí độc sarin từ số hóa chất trên.

Các tài liệu lịch sử cho thấy, nguồn gốc của vũ khí hóa học mà cụ thể là khí độc sarin bắt nguồn từ nghiên cứu về các loại thuốc trừ sâu có tên là tabun của một nhà khoa học người Đức mang tên Gerhard Schrader hồi năm 1936. Khi đó, trong quá trình nghiên cứu, hai người làm việc chung với ông Gerhard Schrader đã thấy chóng mặt, mờ mắt, khó thở khi tiếp xúc với hợp chất này. Biết tin, Đức Quốc xã đã yêu cầu Gerhard Schrader tập trung nghiên cứu để sản xuất vũ khí cho quân đội Đức.

Sau khi chiến tranh kết thúc, Gerhard Schrader đã từ chối lời mời làm việc của Chính phủ Anh mà quay về hợp tác với Bayer (người sáng chế aspirin).

Dựa trên những kết quả nghiên cứu hóa học về tabun, Otto Ambros, kỹ sư trưởng về vũ khí hóa học của Hitler đã chế tạo ra vũ khí hóa học thần kinh sarin - một loại chất độc thần kinh không màu, không mùi, có thể cản trở hoạt động của enzim có tên acetylcholinesterase mang chức năng kiểm soát tín hiệu từ thần kinh đến các cơ.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, sarin có khả năng gây chết người mạnh gấp 26 lần xyanua, chỉ một giọt sarin nhỏ bằng kim châm đã có thể khiến một người đột tử. Còn theo OPCW, các triệu chứng khi tiếp xúc với sarin là đau đầu, buồn nôn, mờ mắt, chảy nước dãi, co giật, ngừng hô hấp và bất tỉnh. Nếu hít phải 200 mg sarin, một người có thể chết "trong vài phút", thậm chí không có thời gian để xuất hiện triệu chứng. Vì thế, chất độc thần kinh sarin đã bị LHQ xếp vào loại vũ khí hủy diệt hàng loạt.  Việc sản xuất và tích trữ sarin bị cấm bởi Hiệp định Vũ khí hóa học năm 1993.

Ngọc Khuê (tổng hợp)
.
.