Các đồng minh đối đầu trong lĩnh vực tình báo

Thứ Tư, 21/12/2005, 08:42
Trong lĩnh vực tình báo, khái niệm "đồng minh" dường như chẳng mấy khi có ý nghĩa. Mối quan tâm đặc biệt đối với hoạt động của các đồng minh và thông tin họ khai thác được về các nước thứ ba luôn được xếp vào một trong những ưu tiên hàng đầu trong nhiệm vụ của nhiều cơ quan mật vụ trên khắp thế giới.

Trong báo cáo gần đây của Trung tâm Phản gián quốc gia Mỹ có nhan đề "Báo cáo hàng năm về hoạt động tình báo kinh tế và công nghiệp" đã phải nhận định, lãnh thổ nước Mỹ đang là địa bàn hoạt động tích cực của đại diện nhiều quốc gia được coi là "đồng minh thân cận" của Washington như Nhật, Israel, Pháp, Hàn Quốc, Đài Loan hay Ấn Độ...

 

Mùa gián điệp "bội thu" tại Mỹ

Ngày 10/9/2005, cả nước Mỹ phải xôn xao với vụ bắt giữ công dân 46 tuổi gốc Philippines Leandro Aragonsilo vì tội hoạt động gián điệp cho Philippines. Sau 21 năm phục vụ trong một đơn vị lính thủy đánh bộ, đến tháng 7/1999, Aragonsilo còn được xếp vào lực lượng bảo vệ của Nhà Trắng, giành được sự tín nhiệm trong văn phòng của Phó tổng thống Albert Gore, và sau đó là người kế nhiệm Dick Cheney.

Tiếp đó, Aragonsilo còn làm chuyên gia phân tích tại một trong các chi nhánh của FBI tại New Jersey. Chính tại nơi đây, anh ta đã lấy cắp và chuyển cho phe đối lập Philippines hơn 100 tài liệu mật khác nhau liên quan đến Philippines, cũng như giúp làm cơ sở để bôi nhọ uy tín của đương kim Tổng thống Gloria Arroyo. Theo khẳng định của các nhà chức trách, cựu lính thủy đánh bộ và nhân viên an ninh đã hoạt động một cách hoàn toàn không vụ lợi, mà chỉ xuất phát từ “tình yêu đối với quê hương đầu tiên của mình”.

Gần như đồng thời với vụ của Leandro Aragonsilo là những lời thú nhận mới nhất của Larry Franklin, một cựu nhân viên 58 tuổi của Lầu Năm Góc, về việc đã hoạt động gián điệp cho Israel. Khi còn là một chuyên viên trong Ban Cận Đông và Nam Á của Cơ quan Tình báo Quân đội Mỹ (DIA), Franklin đã thông báo cho Tel-Aviv nhiều quan điểm trong chính sách của Mỹ, cũng như hoạt động của những tên khủng bố mà Mỹ thu thập được. Bản án cho Franklin dự tính sẽ được tuyên vào tháng giêng năm 2006 và được dự đoán là sẽ rất nghiêm khắc.

Bản danh sách đáng buồn

Nếu ngược trở lại lịch sử, Mỹ đã không ít lần bị đồng minh Israel “đâm trộm từ sau lưng”. Đầu tiên phải nhắc tới điệp viên nổi tiếng nhất của Israel bị bắt tại Mỹ là Jonathan Pollard, từng là một chuyên gia phân tích trong Cơ quan Tình báo Hải quân Mỹ. Pollard biện minh cho hoạt động của mình bằng việc, Mỹ đã cố tình che giấu những thông tin sống còn về vấn đề an ninh của Israel. Trong khi Washington và Tel-Aviv từ năm 1983 đã ký kết một thỏa thuận hợp tác song phương về việc trao đổi thông tin tình báo.

Liên quan đến vụ việc này, cả hai bên đã thỏa thuận, Israel sẽ trao trả lại tất cả những tài liệu nhận được từ điệp viên này, đồng thời Mỹ sẽ không sử dụng chúng làm bằng chứng buộc tội. Về phần mình, Pollard đã rất thành khẩn trong việc hợp tác với cơ quan điều tra để đổi lấy kết luận, anh ta “không cố tình gây tổn hại cho nước Mỹ”. Dù vậy, nhân vật này vẫn phải nhận một bản án chung thân hết sức nghiêm khắc. Israel cho tới giờ vẫn đang xúc tiến nhiều nỗ lực nhằm yêu cầu Mỹ trả tự do cho Pollard.

Danh sách các vụ việc Mỹ bị đồng minh chơi khăm còn rất dài. Điển hình như Michael Allen, một nhân viên điện đài của Hải quân Mỹ phục vụ tại Philippines. Hồi cuối năm 1986, anh ta đã móc nối để cung cấp cho Tình báo Philippines các thông tin được phản gián Mỹ khai thác, trước khi bị bắt vào tháng 12 năm đó. Phiên tòa xét xử vào tháng 8/1987 đã kết án Allen 8 năm tù cùng với khoản tiền phạt 10 ngàn USD.

Tiếp theo là trường hợp của Thomas Dolche, một nhà phân tích và chuyên gia về tiến hành chiến tranh bí mật, làm việc tại Trung tâm Thử nghiệm vũ khí bí mật gần Baltimore từ năm 1973. Trong giai đoạn từ năm 1979 đến 1983, anh ta đã trao nhiều tài liệu bí mật liên quan đến các trang bị của Liên Xô cho các đại diện của Nam Phi tại Washington, Los AngelesLondon.

Frederic Hamilton là một nhân viên của DIA, từng làm việc trong cơ quan tùy viên quân sự Mỹ tại Peru (1989-1991). Mùa xuân năm 1991, anh ta thừa nhận đã chuyển giao cho các đại diện chính thức của Ecuador (quốc gia đang có xung đột nhiều năm với Peru về mặt lãnh thổ) thông tin về các chiến dịch bí mật của Tình báo Mỹ trong khu vực này.

Điệp viên của Hy Lạp Steven Lalas - một công dân Mỹ gốc Hy Lạp và là một sĩ quan liên lạc của Bộ Ngoại giao Mỹ. Anh ta đã hợp tác với Tình báo Hy Lạp và trao cho họ hàng trăm bản tài liệu tuyệt mật liên quan đến chính sách của Washington tại Balkan. Lalas bị bắt giữ vào tháng 5/1993 và đến tháng 9 năm đó phải nhận bản án 14 năm tù.

Chưa hết, một trường hợp khác từ phía đồng minh Philippines là Josef Braun từng phục vụ tại Không quân Mỹ và làm việc tại Philippines trong khuôn khổ một chương trình của Bộ Ngoại giao. Trong giai đoạn 1990-1991, anh ta nhận từ bạn gái (nữ nhân viên CIA Virginia Beinz) nhiều tài liệu mật về lực lượng nổi dậy ở Philippines và các cơ quan mật vụ Iraq, và trao lại nó cho một quan chức của Chính phủ Philippines. Cả Braun và Beinz về sau đã bị triệu hồi và bắt giữ tại Mỹ, với những bản án tương ứng là 6 và 3,5 năm tù.

Robert Kim là một nhân viên phân tích của Tình báo Hải quân Mỹ. Là một người gốc Triều Tiên, anh ta tới Mỹ từ năm 1967 và được nhận quốc tịch nước này. Kim đã trao cho Đại sứ quán Hàn Quốc tại Washington rất nhiều tài liệu có giá trị về CHDCND Triều Tiên trong giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 9/1996. Kim bị bắt giữ trong một lần gặp gỡ với một tùy viên Hải quân Hàn Quốc. Anh ta bị kết án 9 năm tù sau đó 10 tháng.

Chỉ mới tháng 9 năm ngoái, Mỹ đã bắt giữ Donald Keiser, một cựu nhân viên 61 tuổi của Bộ Ngoại giao (từng có thời làm cố vấn về Trung Quốc cho Ngoại trưởng Colin Powell), vì bị nghi ngờ có quan hệ với mật vụ Đài Loan. Các nhân viên phản gián Mỹ đã bắt quả tang Keiser gặp gỡ một nữ điệp viên Đài Loan và trao đổi những chiếc phong bì nào đó. Tháng 10-2005 vừa qua, kỹ sư Hoshir Jovadia (gốc Ấn Độ) bị bắt giữ tại Hawaii; vì tội đã chuyển giao tài liệu mật cho ít nhất 8 quốc gia (trong đó có không ít là đồng minh của Mỹ). Cần biết là chuyên gia này từng tham gia vào dự án nghiên cứu công nghệ của loại máy bay tàng hình B-2.

Không chỉ có nước Mỹ...

Hai năm trước, Đức đã bắt giữ sĩ quan 64 tuổi Iohan Schiffelholz thuộc Phòng Đông Âu và Balkan ở Cơ quan Tình báo liên bang (BND). Điều tra cho thấy, Schiffelholz có quan hệ với một nữ nhân viên Cơ quan Tổng lãnh sự Bulgaria tại Munich (trên thực tế là điệp viên của Cơ quan Tình báo quốc gia Bulgaria). Trong thời gian từ tháng 7/2002 đến 9/2003, anh ta đã gặp gỡ nữ điệp viên này vài lần để chuyển giao nhiều tài liệu mật. Nhưng vụ việc này sau đó đã được làm “mềm hóa” đi rất nhiều từ những nhượng bộ của Bulgaria.

Dù được coi là “nạn nhân” của rất nhiều âm mưu hoạt động gián điệp, nước Mỹ về phần mình cũng không từ bỏ mọi cơ hội hoạt động tình báo chống lại các quốc gia đồng minh của mình. Điển hình nhất là những rắc rối liên quan đến hệ thống nghe trộm khổng lồ Echelon vào cuối năm ngoái được triển khai nhằm nghe trộm thông tin của các quốc gia châu Âu. Trước sự phản đối quyết liệt từ nhiều nước đồng minh, Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) đã buộc phải thu hẹp một phần phạm vi hoạt động của Echelon tại khu vực này

T.Q. (Tổng hợp)
.
.