Kyrgyzstan:

Các hợp đồng mờ ám trong việc cung cấp xăng máy bay của Mỹ

Thứ Hai, 15/11/2010, 15:45
Những bí mật xung quanh các hợp đồng cung cấp xăng cho máy bay chiến đấu Mỹ ở căn cứ quân sự Manas, ngoại ô thủ đô Bishkek, bị dư luận Kyrgyzstan bất bình phản đối bấy lâu nay vừa được hé lộ trên các báo Mỹ. Quốc hội Mỹ và Viện Công tố Kyrgyzstan đang tiến hành song song 2 cuộc điều tra về những khuất tất, sai sót trong các hợp đồng này. Chúng có thể ảnh hưởng xấu đến tương lai của việc Mỹ có được tiếp tục thuê căn cứ Manas nữa hay không.

Những "mắt xích" trong quan hệ làm ăn bí mật

Sau các chiến dịch quân sự đánh bật quân Taliban ra khỏi Kabul, Afghanistan, vào cuối năm 2001, Mỹ muốn tiếp tục đưa quân vào nước này nhằm phục vụ cuộc chiến chống khủng bố. Để thực hiện điều đó một cách hợp lý, Mỹ phải tìm cách để duy trì các chuyến bay tiếp tế cho chiến trường Afghanistan. Đó là lý do để Mỹ thuê căn cứ không quân Manas ở Kyrgyzstan. Từ đó phát sinh nhu cầu cung cấp nhiên liệu cho máy bay, nên Lầu Năm Góc đã cho xây 18 bể chứa xăng khổng lồ trong căn cứ Manas có sức chứa tổng cộng 3,6 triệu gallon (tương đương 9 triệu lít xăng), mỗi ngày phải bơm đầy một lần.

Để bơm đầy 18 bể xăng mỗi ngày, Lầu Năm Góc đã chọn 2 công ty Mina Corporation và Red Star Enterprises. Đây là 2 công ty có lai lịch lẫn hành tung hết sức bí mật. Cho đến bây giờ, sự tồn tại của 2 công ty này vẫn còn gây thắc mắc cho nhiều người, không ai có thể biết được tường tận chúng được thành lập và hoạt động ra sao. Dường như 2 công ty được thành lập vào khoảng đầu năm 2002, tức là ngay sau khi Mỹ tấn công vào Afghanistan, mở màn cuộc chiến chống khủng bố tại đây.

Lần theo các địa chỉ ghi trong hồ sơ, các nhà điều tra phát hiện ra một điều là cơ sở vật chất của 2 công ty này hoàn toàn không tương xứng với tầm vóc của các đơn vị nhận cung cấp nhiên liệu quan trọng cho quân đội Mỹ trị giá hàng tỉ USD. Cả 2 công ty đều đăng ký hoạt động tại Gibraltar, có cùng một địa chỉ ở đó và vài văn phòng ở Mỹ, Canada, Anh và khu vực Trung Đông.

Tại địa chỉ ở Gibraltar, các nhà điều tra phát hiện nơi đó không có văn phòng công ty nào là Mina hay Red Star cả mà chỉ có một công ty luật tư nhân chuyên nghề "dịch vụ văn phòng ảo", tức cho thuê địa chỉ làm trụ sở đăng ký cho các công ty không có văn phòng cố định. Mina chỉ có một văn phòng thật ở London, còn Red Star thì có văn phòng đại diện tại Toronto, Canada, và sử dụng làm địa chỉ giao dịch trong hợp đồng đầu tiên với Lầu Năm Góc.

Tháng 1/2010, 2 công ty mới mở thêm văn phòng đại diện tại Dubai, Các tiểu Vương quốc Arập thống nhất (UAE).

Ngay cả người chủ của cả 2 công ty trên cũng là một điều bí mật. Trước sức ép của dư luận, Nhà Trắng đã nhiều lần thúc đẩy Lầu Năm Góc phải minh bạch những hoạt động cung cấp nhiên liệu tại căn cứ Manas. Thế nhưng mãi đến ngày 5/11 vừa qua, tên người chủ của cả 2 doanh nghiệp này mới được tiết lộ là bà Delphine Le Dain, công dân Pháp, không dính dáng gì đến hoạt động cung cấp nhiên liệu máy bay ở căn cứ Manas và cũng chẳng biết gì về công việc này.

Một điều lạ lùng nữa là, Lầu Năm Góc cũng chỉ mới được biết đến người chủ là bà Le Dain vào ngày 4/11, sau gần 8 năm ký hợp đồng làm ăn với Mina và Red Star. Tuy nhiên, theo nhiều nguồn tin thì người chủ thật sự của 2 công ty này chính là Douglas Edelman, vị hôn phu của bà Le Dain. Edelman và vợ nắm quyền sở hữu hơn 50% cổ phần của Red Star và Mina, phần còn lại thuộc sở hữu của một đối tác thân cận của Edelman là Erkin Bekbolotov, người Kyrgyzstan.

Mỗi ngày, căn cứ Manas tiếp hàng triệu lít nhiên liệu cho các máy bay tham chiến ở Afghanistan.

Vậy nhờ đâu mà 2 công ty như vậy lại có thể được Bộ Quốc phòng Mỹ chọn lựa giao hợp đồng cho cung cấp nhiên liệu quốc phòng? Câu trả lời nằm ở "mắt xích" quan trọng là ông Edelman, công dân Mỹ 58 tuổi, đến từ Stockton, bang California. Theo những người quen biết, Edelman là một người kín đáo và luôn thay đổi công ăn việc làm, luôn chạy đi tìm cái mới chứ không ở yên một chỗ. Vì thế, ít người nắm rõ những bí mật trong chuyện làm ăn của Edelman.

Vào thập niên 80 thế kỷ XX, Edelman bắt đầu rời nước Mỹ đi đây đó, từng sống ở Tây Ban Nha một thời gian, buôn bán đủ thứ "thượng vàng hạ cám". Khoảng đầu thập niên 90, Edelman bắt đầu chuyển đến làm ăn ở các quốc gia thuộc Liên Xô cũ vừa mới độc lập. Ông ta làm ăn một thời gian ở Moskva trong một công ty có tên gọi là First Leader rồi sau đó chuyển đến Bishkek, Kyrgyzstan, lập ra hệ thống bar và tiệm ăn chuyên bán món thịt băm mang tên American Bar and Grill.

Khi quân đội Mỹ bắt đầu vào Afghanistan năm 2001 thì Edelman đã đứng chân ở Trung Á từ lâu rồi. Còn hiện nay, Edelman sống ở London, Anh, nhưng vẫn điều hành công việc làm ăn ở Bishkek.

Edelman không đóng vai trò gì nhiều trong 2 công ty Red Star và Mina, chỉ giữ chức cố vấn đặc biệt, nhưng lại là người đứng đằng sau điều khiển mọi việc. Ông ta liên hệ với quân đội Mỹ, cụ thể là Bộ Chỉ huy Trung tâm (CENTCOM) - cơ quan trực tiếp chỉ huy chiến trường Afghanistan và Căn cứ Manas, thông qua Chuck Squires, một trung tá về hưu từng phục vụ 27 năm trong quân đội Mỹ, từng làm cố vấn các vấn đề Trung Á cho CENTCOM.

Squires từng làm tùy viên quân sự Đại sứ quán Mỹ tại Bishkek giai đoạn 1997-1999, quen biết Edelman do thường xuyên lui tới quán American Bar and Grill của Edelman. Từ mối quen biết này, ngay sau khi nghỉ hưu vào năm 2003, Squires lập tức được Edelman mời vào làm Giám đốc hoạt động cho Red Star và Mina.

Để có thể làm ăn trót lọt ở Kyrgyzstan, Edelman đã có Bekbolotov, Tổng giám đốc của cả 2 công ty Red Star và Mina (đến giữa năm 2010, Bekbolotov đã được thay thế bởi Denis Grigoriev trên cương vị Tổng giám đốc). Nhưng để ký được các hợp đồng cung cấp nhiên liệu trị giá bạc tỉ cho quân đội Mỹ thì Edelman phải trông cậy vào Squires. Là cựu quân nhân và là cựu cố vấn CENTCOM, Squires có thừa khả năng thuyết phục Cơ quan Tiếp vận Quốc phòng (DLA) trực thuộc lãnh đạo Lầu Năm Góc để ký hợp đồng nhận thầu cung ứng nhiên liệu.

Chẳng hạn, khi DLA tìm nhà thầu cung ứng nhiên liệu cho căn cứ Bagram, Afghanistan, cơ quan này ra quy định nhiên liệu phải được cung ứng bằng đường ống dẫn, vì xe bồn rất nguy hiểm, có thể trở thành mục tiêu tấn công của Taliban, Squires thuyết phục quân đội cho phép Red Star xây dựng một đường ống dẫn nhiên liệu như thế. Lúc đó, Red Star là công ty duy nhất có được đường ống như thế, nên dễ dàng nhận được hợp đồng.

Bí mật những hợp đồng bạc tỉ

Red Star nhận được hợp đồng đầu tiên để cung cấp nhiên liệu cho Lầu Năm Góc vào tháng 12/2002, tức không lâu sau khi thành lập công ty. Để thực hiện trót lọt hợp đồng này, Red Star hợp tác với 2 công ty địa phương là Manas International Services và Aalam Services - cả 2 công ty đều do bà con của Tổng thống Askar Akayev làm chủ. Theo Tổng giám đốc Bekbolotov, Bộ Quốc phòng đã quy định bắt buộc Red Star phải được quyền ra vào sân bay của căn cứ để cung cấp nhiên liệu. Và đây được cho là đặc quyền chỉ dành cho các công ty có liên hệ với Tổng thống Akayev.

Còn ở Afghanistan, Red Star bắt đầu nhận được hợp đồng cung ứng nhiên liệu cho căn cứ Bagram từ năm 2004 sau khi Squires thuyết phục được DLA rằng việc cung ứng nhiên liệu có thể đi qua Kyrgyzstan ở phía bắc. Đây chính là tuyến cung ứng nhiên liệu huyết mạch thay thế cho tuyến đi qua Pakistan vốn nhiều trắc trở và rủi ro cao.

Cũng kể từ đó, Red Star và Mina trở thành những nhà thầu độc quyền cung cấp nhiên liệu cho các căn cứ Manas và Bagram. Tổng cộng trong 8 năm, 2 công ty Mina và Red Star đã ký hợp đồng cung cấp nhiên liệu cho Lầu Năm Góc trị giá tổng cộng hơn 3 tỉ USD. Mới đây nhất, ngày 3/11 vừa qua, Lầu Năm Góc lại trao cho Red Star và Mina hợp đồng cung ứng nhiên liệu trị giá 600 triệu USD, có nghĩa là giá trị các hợp đồng mà 2 công ty này ký với Lầu Năm Góc đã gần đạt 4 tỉ USD.

Những khuất tất do thiếu minh bạch

Việc Lầu Năm Góc bí mật giao nhiều hợp đồng cung cấp nhiên liệu quốc phòng cho 2 nhà thầu Mina và Red Star mà không thông qua đấu thầu công khai như quy định khiến cho nhiều công ty lớn, lâu năm ở Mỹ và nhất là trong khu vực Trung Á không thể dự thầu, từ đó gây nên làn sóng bất bình. Nhiều điều tiếng cũng từ đó bắt đầu lan ra. Dư luận lẫn chính quyền Kyrgyzstan hiện hay đều đang rất bất bình đòi chính quyền Mỹ phải có câu trả lời thỏa đáng đối với những hợp đồng được trao bí mật cho Mina và Red Star.

Theo các nhà điều tra thuộc Viện Công tố quốc gia Kyrgyzstan, có nhiều dấu hiệu sai sót trong các hợp đồng giữa DLA với Mina và Red Star. Chẳng hạn, năm 2009, khi DLA cần nguồn cung cấp 100 triệu gallon (250 triệu lít) xăng máy bay cho căn cứ Manas dùng trong 12 tháng, DLA đã không theo quy trình đấu thầu thông thường mà chọn ngay Mina để ký hợp đồng.

Một điều nữa khiến các nhà điều tra quan tâm, chính là việc 2 công ty Red Star và Mina trong nhiều năm liền đã thuê hàng trăm cựu quân nhân, đặc biệt là các nhân viên tình báo quân đội hoạt động trong khu vực Trung và Nam Á về làm việc, để từ đó xây dựng mối quan hệ ngày càng chặt chẽ với Lầu Năm Góc. Đây có thể là lý do khiến DLA chọn lựa nhà thầu một cách thiên vị, bỏ qua các bước đấu thầu.

Cũng theo các nhà điều tra thuộc Viện Công tố quốc gia Kyrgyzstan, nguồn nhiên liệu chủ yếu mà 2 công ty Red Star và Mina cung ứng cho quân đội Mỹ được mua từ các công ty ở Nga, sau đó nhập khẩu vào Kyrgyzstan, một phần cung cấp cho căn cứ Manas, phần còn lại tái xuất đi Afghanistan để cung cấp cho căn cứ Bagram. Khuất tất là ở chỗ, các quan chức hàng không dân dụng Kyrgyzstan lại phê duyệt số nhiên liệu này được dùng cho mục đích dân sự nên được phía Nga miễn giảm thuế xuất khẩu. Lẽ ra lượng xăng đó phải được giữ lại Kyrgyzstan để dùng cho mục đích dân sự thì chúng được tái xuất đi Afghanistan phục vụ cuộc chiến tại đó.

Bộ trưởng Tài chính Kyrgyzstan Temir Sariyev cho rằng việc tái xuất xăng đi Afghanistan đã vi phạm hiệp định hải quan giữa Kyrgyzstan và Nga. Nếu làm đúng quy định thì chi phí đầu vào sau khi đã có thuế xuất khẩu từ Nga sẽ tăng thêm khoảng 1/3. Năm 2008, Bazarbai Mambetov, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà kinh doanh xăng dầu Kyrgyzstan, đã viết thư cho Đại sứ quán Mỹ ở Bishkek phản ánh tính bất hợp pháp của việc tái xuất xăng nhưng mọi chuyện vẫn đâu vào đấy.

Vấn đề cung cấp xăng cho quân đội Mỹ ở Kyrgyzstan từng là ngòi nổ dẫn đến cuộc bạo loạn lật đổ Tổng thống Akayev vào năm 2005. Ngay sau đó, Tổng công tố Kyrgyzstan đã viết thư cho Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Donal Rumsfeld phản ánh sự bất bình của dư luận quanh các hợp đồng cung cấp xăng máy bay của Red Star và Mina. Song song đó, chính quyền Bishkek cũng thuê luật sư Mỹ để tiến hành điều tra nhưng không được phía Mỹ hợp tác.

Ngay sau khi lên nắm quyền hồi tháng 4 năm nay, chính quyền của bà Otunbayeva đã cho tiến hành cuộc điều tra mới. Lập tức Công ty Mina đã "vận động hậu trường" để xin gặp bà Tổng thống nhằm tìm cách điều đình nhưng đã bị bà Otunbayeva thẳng thắn cự tuyệt.

Sau đó, Mina xoay trở theo hướng khác: tìm cách lôi kéo Atai Sadybakasov, con trai bà Otunbayeva. Kết quả là Bekbolotov đã có được cuộc tiếp xúc bí mật với Atai tại Istanbul vào tháng 7/2010. Tuy nhiên, bà Otunbayeva đã không cho con trai bà dính sâu vào vụ này nên đã bảo anh ta lánh đi nước ngoài một thời gian.

Tại một cuộc họp với Tổng thống Mỹ Barack Obama tại New York hồi tháng 9/2010, Tổng thống Kyrgyzstan bà Roza Otunbayeva (lên nắm quyền từ tháng 4/2010 sau khi lật đổ ông Kurmanbek Bakiyev) đã nêu ra mối bận tâm của chính quyền bà và thẳng thắn đề nghị phía Mỹ phải thay thế 2 nhà thầu Red Star và Mina bằng nhà thầu liên doanh Nga-Kyrgyzstan, nếu không thì Bishkek có thể xem xét lại việc tiếp tục cho Mỹ thuê căn cứ Manas.

Đáp lại, Bộ Quốc phòng Mỹ đã tuyên bố có thể đáp ứng một phần yêu cầu của bà Otunbayeva, nhưng vẫn không thể "từ bỏ" được Red Star và Mina

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.