Các nhà cung cấp dịch vụ internet kiện Cơ quan Tình báo tín hiệu Anh

Thứ Ba, 05/08/2014, 18:35

Các nhà cung cấp dịch vụ Internet trên thế giới đã chính thức kiện ra tòa án chống lại Cơ quan Tình báo tín hiệu Anh (GCHQ) vì cho rằng GCHQ sử dụng phần mềm độc hại để tấn công đột nhập các cơ sở hạ tầng mạng của họ.

Tuyên bố từ 7 công ty hoạt động tại 6 quốc gia - bao gồm Chaos Computer Club (Đức), Greenhost (Hà Lan), Jinbonet (Hàn Quốc), GreenNet (Anh), Riseup Networks và May First/People Link (Mỹ) và Mango Email Service (Zimbabwe) - làm gia tăng sức ép quốc tế đến chính quyền Anh sau những tiết lộ của Edward Snowden, cựu nhân viên NSA, Mỹ về các chương trình gián điệp hàng loạt của các cơ quan tình báo Anh và Mỹ. Đây là lần đầu tiên GCHQ phải đối mặt với hành động kiện tụng như thế.

Các nhà cung cấp dịch vụ Internet đã lập hồ sơ gửi Tòa án về các Quyền lực điều tra (IPT) ở London chính thức kiện GCHQ đã có những hoạt động gián điệp đánh cắp dữ liệu vi phạm pháp luật. Vào cuối tháng 7 này, IPT cũng sẽ tiến hành điều tra đơn kiện từ các nhóm nhân quyền về việc các trang mạng thông tin xã hội trở thành mục tiêu của GCHQ.

Trong khi đó, chính quyền Anh ra sức bảo vệ cho các cơ quan an ninh tình báo khi chỉ ra rằng hoạt động tìm kiếm trực tuyến thường có nguồn gốc nước ngoài và "những giao tiếp hải ngoại" có thể được giám sát mà không cần có sự cảnh báo cá nhân.

Nhưng, phía những người chỉ trích lại không chấp nhận cách lý giải như thế. Tuyên bố mới nhất nhằm chống lại GCHQ đặt trụ sở gần thị trấn Cheltenham ở Gloucesteshire miền Tây nước Anh và Bộ Ngoại vụ nước này. Tuyên bố căn cứ theo tiết lộ của tờ báo Đức Der Spiegel cho rằng, GCHQ tiến hành cuộc tấn công bằng phần mềm độc hại mang tên mã Chiến dịch Xã hội nhằm vào nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn nhất của Bỉ Belgacom.

Cuộc tấn công mạng của GCHQ được tiết lộ vào tháng 6/2013 sau khi các chuyên gia kỹ thuật của Belgacom dò thấy một virus lây nhiễm cho vài chục máy tính trung ương.

Các chuyên gia cho rằng phần mềm độc hại hoạt động ít nhất 2 năm trong các máy tính của Belgacom và đặc biệt nhắm vào hoạt động viễn thông do các công ty con của Belgacom cung cấp - trong số đó bao gồm Belgacom International Carrier Services (BCIS), công ty cung cấp dịch vụ truyền tải cho hơn 1.000 nhà cung cấp dịch vụ viễn thông ở châu Phi và Trung Đông.

Didier Bellens, CEO của Belgacom, cho biết đội ngũ chuyên gia của công ty không biết được các công ty con quốc tế bị gián điệp trong thời gian bao lâu. Theo bên nguyên đơn kiện GCHQ, những cuộc tấn công mạng vi phạm trắng trợn Luật sử dụng trái phép máy tính (CMA) năm 1990 đồng thời can thiệp vào quyền riêng tư cá nhân theo Công ước châu Âu về nhân quyền (ECHR).

Trong số các chương trình gián điệp mạng của GCHQ bao gồm Turbine - chương trình tự động truyền dữ liệu và có thể lây nhiễm cho hàng triệu máy tính. Thứ hai là Warrior Pride, chương trình tự động kích hoạt từ xa microphone trên các iPhone và thiết bị di động nền Android. Việc kiện GCHQ ra tòa án của các nhà cung cấp dịch vụ Internet nhận được sự ủng hộ của Privacy International, một tổ chức quảng bá và bảo vệ nhân quyền trên toàn thế giới của Anh.

Eric King, Phó giám đốc Privacy International tuyên bố: "Trong khi bên nguyên đơn không trực tiếp nêu ra các tài liệu do Edward Snowden tiết lộ, loại gián điệp mạng đe dọa các nhà cung cấp dịch vụ Internet và người dùng. Những cuộc tấn công gián điệp mở rộng nhằm vào các nhà cung cấp dịch vụ đã phá hoại lòng tin người dùng vào Internet và gây tổn hại cho công cụ mạnh nhất thế giới về dân chủ và tự do ngôn luận. Do đó, các hoạt động gián điệp bất hợp pháp của GCHQ và NSA phải được chấm dứt ngay lập tức".

Trụ sở GCHQ gần thị trấn Cheltenham.

Cedric Knight, chuyên gia kỹ thuật của GreenNet, phát biểu với báo chí: "Những tiết lộ của Edward Snowden phơi bày quan điểm của GCHQ rằng các tổ chức dịch vụ độc lập như GreenNet là mục tiêu hợp pháp cho hoạt động gián điệp mạng để qua đó thu thập dữ liệu người dùng. Chúng tôi cho rằng hành động gián điệp không gian mạng ồ ạt của GCHQ là bất hợp pháp và hoàn toàn không thể chấp nhận được trong nền dân chủ".

Trong khi đó, GCHQ vẫn một mực khẳng định hành động của mình được tiến hành "phù hợp với luật pháp và khung chính sách bảo đảm các hoạt động đều được phép, cần thiết và thích đáng".

Devin Theriot-Orr, luật sư và người phát ngôn của  Riseup Networks, lên tiếng: "Quyền cơ bản của con người là giao tiếp lẫn nhau một cách tự do mà không bị chính quyền giám sát ồ ạt. Quyền giao tiếp trong bí mật là nền tảng của xã hội tự do. GCHQ phải ngưng ngay mọi hoạt động gián điệp bất hợp pháp".

Yeo Kyung-chang, nhà hoạt động chính sách của Jinbonet (Hàn Quốc), cho rằng: "Mọi công dân và người sử dụng đều bình đẳng trên Internet. Quyền riêng tư của người dùng trên khắp thế giới phải được bảo vệ như nhau và không được xâm phạm bởi bất cứ chính quyền nào".

Đối với Sacha van Geffen, CEO của Greenhost, thì: "Sự xâm phạm của GCHQ đã gây tổn hại cho người dùng Internet mà không có cơ sở pháp lý. Hoạt động bất hợp pháp của GCHQ không chỉ vi phạm nhân quyền quá rõ ràng mà còn gây hại đến cuộc sống của người vô tội".

Còn Alfredo Lopez, đồng sáng lập May First/People Link; cũng như Jan Girlich, người phát ngôn cho Chaos Computer Club, đều cho rằng hành động gián điệp không gian mạng mở rộng của GCHQ chắc chắn đã vi phạm quyền riêng tư của con người cũng như đi ngược lại mục đích sáng tạo và phát triển Internet.

Jan Girlich nhấn mạnh: "Chúng ta đang hướng đến một nhà nước cảnh sát và cách duy nhất để chống lại là hành vi gián điệp quy mô rộng phải chấm dứt ngay"

Diên San (tổng hợp)
.
.