Các nhà ngoại giao Canada từng bí mật làm gián địêp cho CIA

Thứ Sáu, 26/10/2012, 17:40

Theo tiết lộ từ cuốn sách mới phát hành tại Canada với tựa đề "Những người đàn ông ở Havana phục vụ cho ai? Những cuộc phiêu lưu bên ngoài sứ mạng ngoại giao" của cựu Đại sứ Canada John Graham, một vài nhà ngoại giao chính thức của Canada được Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) tuyển mộ để gián điệp Cuba sau cuộc khủng hoảng tên lửa năm 1962.

Hoạt động gián điệp trợ giúp các nỗ lực tình báo của CIA ở Cuba sau cuộc khủng hoảng tên lửa (và có lẽ cả nhiều năm sau đó) của chính quyền Canada được coi là chương ít được biết đến trong thời kỳ Chiến tranh lạnh.

Nhà ngoại giao dùng bản vẽ tay thay máy chụp ảnh

John Graham tuyên bố ông nằm trong số những nhà ngoại giao làm việc cho CIA ở Havana sau khi quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Cuba bị cắt đứt vào năm 1961 khiến cho CIA phải rời khỏi hòn đảo tự do. Theo cuốn sách, vào tháng 5/1963, Tổng thống Mỹ lúc đó là John F. Kennedy đã đích thân yêu cầu Thủ tướng thứ 14 của Canada là Lester Pearson giúp đỡ CIA thu thập thông tin tình báo ở Cuba tại cuộc gặp thượng đỉnh ở Hyannis, bang Massachusetts.

Đề nghị được chấp thuận và nhóm nhà ngoại giao Canada làm gián điệp ở Cuba cho đến ít nhất năm 1970. John Graham cho biết thời gian đó không có tùy viên quân sự trong Đại sứ quán CanadaHavana và ông làm gián điệp từ năm 1962 đến 1964. Graham được ủy quyền tham quan các căn cứ quân sự của Xôviết, xác định các loại vũ khí và trang thiết bị điện tử cũng như giám sát mọi sự chuyển quân của siêu cường này.

Từ cuộc khủng hoảng tên lửa căng thẳng có nguy cơ dẫn đến cuộc chiến tranh hạt nhân giữa hai siêu cường Mỹ - Liên Xô trên thế giới lúc bấy giờ, Moskva đồng ý rút các hệ thống tên lửa chiến thuật gắn đầu đạn hạt nhân khỏi lãnh thổ Cuba và đáp lại Washington phải cam kết đóng cửa các căn cứ tên lửa của Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ và Italia, đồng thời cam kết không tấn công xâm lược Cuba.

Để giám sát sự thỏa thuận của chính quyền Xôviết, người Mỹ phải liên tục cập nhật dữ liệu tình báo từ các chuyến bay do thám của chiếc U-2 thực hiện gần như hàng ngày. Trên lãnh thổ Cuba, các điệp viên người Cuba của CIA lần lượt bị cơ quan phản gián hoạt động rất hiệu quả của Fidel Castro phát hiện.

Không bao lâu sau đó, Ottawa gửi nhà ngoại giao George Cowley đến Havana. Cowley (hiện đã chết) - người từng làm đại sứ ở Nhật Bản - trải qua khoảng 2 tháng ở Havana vào cuối mùa xuân năm 1963. Sau đó, John Graham được thuyên chuyển từ chức vụ đại diện lâm thời ở Cộng hòa Dominican đến Cuba thay thế cho Cowley. Trước khi nhận nhiệm vụ ngoại giao mới ở Havana, John Graham được huấn luyện tình báo cấp tốc chỉ vài ngày tại tổng hành dinh CIA ở Langley, bang Virgnia.

Cựu Đại sứ John Graham.

Vào cuối khóa tình báo ngắn hạn, một sĩ quan CIA trao cho Graham "món quà tạm biệt" là chiếc camera tinh xảo có thể chụp từ xa. Nhưng Graham đã từ chối món quà đặc biệt này với lý do là nếu bị phát hiện thì chắc chắn ông sẽ bị Cơ quan Tình báo Cuba bắt giữ ngay. Để có báo cáo chi tiết đến tổng hành dinh CIA về việc những đoàn xe quân sự của quân đội Xôviết chở theo các trang thiết bị gì, John Graham cho biết ông sẽ trình bày bằng những bức vẽ chi tiết. Và, để chuyển giao thông tin hình ảnh nhạy cảm về Canada, Graham phải bay đến Mexico City để liên lạc với Đại sứ quán Canada, từ đó những hình vẽ được giao về Ottawa rồi những bản sao sau đó được gửi đến tổng hành dinh CIA.

John Graham mãi sau này mới biết những bức vẽ quan trọng của ông được CIA trình lên Tổng thống Kennedy ở Nhà Trắng. Còn những báo cáo viết tay của Graham - trong đó chứa đựng các chi tiết về hệ thống điện tử được sử dụng trong các căn cứ quân sự của Xôviết ở Cuba - được gửi điện mã hóa đến Đại sứ quán Canada ở Washington rồi sau đó đến Ottawa. Ngoài ra, thông tin mật của Graham còn cung cấp cho các chuyên gia Mỹ về hệ thống vũ khí của Liên Xô. Mặc dù Moskva đã cho di chuyển kho vũ khí hạt nhân ra khỏi lãnh thổ Cuba vào thời điểm John Graham được biệt phái đến Havana, song sự hiện diện quân sự của Liên Xô vẫn còn khá lớn ở đảo quốc này.

Trong thời gian làm gián điệp ở Havana, có một lần Graham bị cảnh sát chặn lại khi đang lang thang vào khu vực an ninh trong tòa nhà truyền thông, nhưng sau khi khai báo mình là du khách ông được thả cho đi. Trong một số điệp vụ, Graham hành động phối hợp với một điệp viên từ quốc gia khác của phương Tây - người mà ông nhận định là thông minh và cực kỳ chuyên nghiệp nhưng không muốn tiết lộ danh tính. Năm 1964, sứ mạng gián điệp của Graham được chuyển giao cho Alan McLaine.

Đại sứ quán Canada ở Havana, Cuba.

Thực ra, theo tiết lộ trong cuốn sách của John Graham, vai trò đại diện cho CIA của Canada ở Cuba còn tiếp tục trong vài năm nữa, thậm chí dưới thời chính quyền của Pierre Trudeau - Thủ tướng thứ 15 của Canada - người chủ trương phát triển mối quan hệ thân thiện với lãnh đạo Fidel Castro của Cuba. John Graham, nay đã 78 tuổi, sau đó phục vụ ở London (Anh), Venezuela và lãnh đạo bộ phận quảng bá dân chủ của Tổ chức Các quốc gia châu Mỹ (OAS). John Graham không phải là nhà ngoại giao đầu tiên thừa nhận từng làm việc cho CIA.

"Người của chúng ta ở Tehran"

Ngoài sự “khai nhận” tường tận của nhà ngoại giao John Graham, cựu Đại sứ Ken Taylor cùng với một đồng nghiệp của Canada cũng thú nhận từng là "tài sản của CIA" ở thủ đô Tehran của Iran với nhiệm vụ giúp giải cứu số người  Mỹ bị nước này bắt làm con tin.

Năm 2010, Ken Taylor cho biết, nếu như hoạt động gián điệp của ông bị phát hiện thì "người Iran sẽ không dung thứ và hậu quả tất nhiên sẽ vô cùng nghiêm trọng". Các hoạt động thu thập thông tin tình báo của Ken Taylor được giữ bí mật tuyệt đối trong suốt hơn 30 năm theo thỏa thuận giữa hai chính quyền Mỹ và Canada, mặc dù sau này vai trò của ông trong việc che giấu 6 người Mỹ và sau đó đưa họ rời khỏi Iran được công khai và nhận được sự biết ơn sâu sắc của người Mỹ.

Trong cuốn sách "Người của chúng ta ở Tehran", Giáo sư tiến sĩ sử học Robert Wright, Đại học Trent, đề cập đến câu chuyện Thủ tướng Canada lúc đó là Joe Clark nhấn mạnh rằng, hoạt động gián điệp của Ken Taylor phải được giữ bí mật vì lo ngại một hậu quả chính trị tiêu cực sẽ xảy ra nếu như công chúng Canada biết được chuyện một đại diện ngoại giao nước này làm việc cho CIA.

Trong cuốn sách của Wright, Ken Taylor được gọi là "trưởng trạm CIA không chính thức". Nhiệm vụ của Ken Taylor là cung cấp thông tin cho người Mỹ sau thỏa thuận riêng qua điện thoại giữa Tổng thống Mỹ Jimmy Carter và Thủ tướng Joe Clark vào ngày 30/11/1979. Sau khi nhận được thông tin từ nữ Ngoại trưởng Canada Flora MacDonald, Taylor đồng ý và bắt đầu hoạt động gián điệp tại Tehran từ Đại sứ quán Canada.

Cựu Đại sứ Ken Taylor.

Mọi thông tin mà Ken Taylor thu thập hàng ngày được chuyển về Ottawa và chỉ được trình lên Bộ Ngoại giao Canada, Giám đốc phân tích tình báo Louis Delvoie và Pat Black - trợ lý Thứ trưởng phụ trách an ninh và tình báo. Sau đó các tài liệu mật được gửi đến Thủ tướng Clark và Ngoại trưởng MacDonald trước khi cung cấp cho Kenneth Curtis, đại sứ Mỹ ở Ottawa để chuyển về Washington.

Trên thực tế, Ken Taylor điều hành trạm tình báo của Canada chứ không phải của CIA, và điệp viên Mỹ gia nhập cơ sở này do họ không có mạng lưới hoạt động riêng. Điệp viên đầu tiên của CIA được phái đến Iran nhưng không được Ken Taylor chấp nhận do thiếu năng lực, và điệp viên thứ 2 với mật danh "Bob" được ông phê chuẩn để hoạt động bên ngoài Đại sứ quán CanadaTehran. Còn Louis Devoie có trách nhiệm làm trung gian giữa Ken Taylor và tổng hành dinh CIA ở Langley. Theo thỏa thuận, mọi báo cáo của Bob đều phải thông qua Taylor trước khi được chuyển về cấp trên của anh ta ở Langley.

Người cùng chung sứ mạng với Đại sứ Ken Taylor là Jim Edward, lãnh đạo bộ phận an ninh của Đại sứ quán CanadaTehran. Jim Edward được Taylor phân công làm nhiệm vụ trà trộn vào những đám đông người Iran bên ngoài Sứ quán Mỹ bị chính quyền Tehran chiếm đóng để thăm dò tin tức về 6 người Mỹ bị giam giữ bên trong. Taylor phối hợp cùng với Edward và Bob đảm nhận việc bố trí địa điểm bí mật ở Tehran để giấu chiếc xe tải nhỏ chuẩn bị chở 6 người Mỹ đến nơi máy bay trực thăng hạ cánh để giải cứu số con tin bị giam trong Sứ quán Mỹ trong chiến dịch gọi là "Vuốt đại bàng".

Một con tin người Mỹ bị bịt mắt được chính quyền Tehran đưa ra trình diện trước giới truyền thông.

Trách nhiệm của Edward là báo cáo lực lượng bảo vệ sứ quán, tình trạng vũ trang và thời gian đổi ca gác, xác định nơi giam giữ số người Mỹ, theo dõi số người và thực phẩm vào và ra tòa nhà - đặc biệt là quan sát số thực phẩm được đưa vào và số rác được đưa ra khỏi tòa nhà giúp Ken Taylor có cơ sở tính toán số calorie được những người Mỹ hấp thu hàng ngày, từ đó biết rõ hơn về tình hình sức khỏe của họ.

Ken Taylor sau này cho biết ông tin tưởng chiến dịch "Vuốt đại bàng" của Mỹ sẽ thành công bởi vì tình hình Iran lúc đó đang hỗn loạn và nguy cơ thất bại là rất ít. Ken Taylor cũng chắc chắn ông có thể đưa số "vị khách" - tức 6 người Mỹ được che giấu trong nhà của ông và tư dinh của John Sheardown, cố vấn nhập cư của Sứ quán Canada ở Tehran - rời khỏi Iran mà không cần đến sự ra tay của Mỹ, song Washington không muốn người Canada tự lo liệu mọi chuyện.

CIA làm việc với Ken Taylor để sắp xếp cho 6 con tin người Mỹ (sử dụng hộ chiếu Canada) rời khỏi Tehran trên chuyến bay  đến thành phố Zurich của Thụy Sĩ vào ngày 27/1/1980. Con tin cuối cùng trong Sứ quán Mỹ ở Tehran chỉ được thả ra sau khi người kế nhiệm Jimmy Carter là Ronald Reagan nhậm chức tổng thống Mỹ vào ngày 20/1/1981. Ngay sau đó, Ken Taylor đóng cửa sứ quán và rời khỏi Iran.

Giáo sư tiến sĩ Robert Wright bắt đầu biên soạn cuốn sách "Người của chúng ta ở Tehran" về vụ giải cứu con tin theo đề nghị của Giám đốc Nhà xuất bản Harper Collins ở Canada. Ken Taylor cho báo giới biết, nên cảm thấy hết sức ngạc nhiên khi nhận được cú điện thoại từ Rodney Moore - người phát ngôn Bộ Ngoại vụ và Thương mại Canada - hỏi xem ông có muốn tham gia vào tiến trình thực hiện cuốn sách hay không.

Giáo sư Wesley Wark của Trung tâm Nghiên cứu quốc tế Muck gọi sự hợp tác bí mật của Ken Taylor với CIA là "chưa từng có" và "bất thường" đồng thời cảnh báo vụ việc được tiết lộ có thể khiến cho Đại sứ quán Canada ở Iran bị coi là "hang ổ gián điệp Mỹ" khi Sứ quán Mỹ đã không còn hoạt động ở nước này. Điều đó có thể hiểu là mối quan hệ ngoại giao của Canada với Iran sẽ gặp nguy cơ khủng hoảng

Diên San - Thiên Minh (tổng hợp)
.
.