Các thế hệ tàu sân bay của Liên Xô

Thứ Sáu, 30/12/2005, 10:05

Chiếc tàu sân bay đầu tiên của Liên Xô, tàu Moskva, bắt đầu được chế tạo tại xưởng đóng tàu Nicoliev vào năm 1965. Hai năm sau, chiếc tàu được chính thức đưa vào biên chế của Hải quân Liên Xô.

Phương án chế tạo tàu sân bay đầu tiên của Liên Xô được nêu ra từ cuối những năm 30 của thế kỷ XX. Sau Thế chiến II, sự đánh giá về năng lực tác chiến của tàu sân bay Mỹ trong chiến tranh Thái Bình Dương đã kích thích mạnh lực lượng Hải quân Liên Xô, nên họ lại một lần nữa nêu ra chương trình chế tạo tàu sân bay.

Nhưng Chiến tranh lạnh diễn ra, mọi ngân sách dành cho quân sự của Liên Xô phải dùng vào việc cung cấp hậu cần cho quân đội đồn trú tại CHDC Đức và các nước Đông Âu, ngoài ra còn phải dùng vào việc tái thiết và khôi phục sau chiến tranh, bởi vậy mà dự án tàu sân bay vừa nêu ra đã bị chính phủ phủ quyết.

Năm 1950, kế hoạch chế tạo tàu sân bay lại một lần nữa được đề xuất, nhưng Khrushov, người kế nhiệm Stalin lại không chú tâm mấy tới hạm đội tàu hải quân cỡ lớn mà chỉ chú ý tới việc chế tạo vũ khí hạt nhân.

Thử nghiệm bước đầu: tàu sân bay Moskva

Năm 1964, cùng với việc Brejnev trở thành nguyên thủ, Liên Xô bước vào thời kỳ chạy đua vũ trang quyết liệt với Mỹ. Chính trong thời kỳ này, sức mạnh của Hải quân Liên Xô được phát triển một bước dài. Cuộc khủng hoảng Cuba những năm 50 của thế kỷ XX đã khiến các nhà lãnh đạo Liên Xô thấm thía được tác dụng quân sự và ý nghĩa chiến lược của tàu sân bay.

Năm 1965, chiếc tàu sân bay đầu tiên của Liên Xô, tàu Moskva, bắt đầu được chế tạo tại xưởng đóng tàu Nicoliev. Hai năm sau, chiếc tàu được chính thức đưa vào biên chế của Hải quân Liên Xô. Năm 1968, chiếc tàu sân bay Moskva thứ hai, tàu Leningrad được hạ thủy và giao cho lực lượng Hải quân Liên Xô.

Xét về bản chất thì Moskva không được coi là một tàu sân bay đúng nghĩa của nó, bởi nó chỉ làm mỗi công việc chở máy bay lên thẳng làm nhiệm vụ chống tàu ngầm. Đóng tàu Moskva chỉ nhằm mục đích trước mắt là chống lại sự đe dọa ngày càng tăng của tàu ngầm hạt nhân Mỹ. Nhưng đây chính là bước đi đầu tiên của chương trình tàu sân bay ở Liên Xô.

Điều đáng nói là, Hải quân Liên Xô và cả Nga sau này luôn coi tàu sân bay là loại tuần dương hạm chở máy bay hoặc tuần dương hạm hàng không, vì vậy, chỉ qua tên gọi cũng có thể thấy sự khác biệt căn bản về định vị tác chiến của Liên Xô và Mỹ đối với tàu sân bay.

Ý tưởng mới: Kế hoạch Orel

Mặc dù tàu sân bay thế hệ Moskva là thử nghiệm mang tính cách mạng, nhưng rõ ràng là tàu sân bay này về căn bản không thể làm tròn được nhiệm vụ phòng ngự. Bởi vậy thời Grechko làm Bộ trưởng Quốc phòng, ông ra lệnh thiết kế loại tàu sân bay sau thế hệ tàu Moskva có thể chở được máy bay chiến đấu có cánh cố định, đó là nguyên nhân trực tiếp ra đời kế hoạch Orel.

Theo kế hoạch này thì tàu sân bay lớp Orel có lượng dẫn nước (displacement) lên tới 80.000 tấn, chạy bằng lò phản ứng hạt nhân, ít nhất có thể chở được 70 chiếc máy bay chiến đấu phản lực, có nhiều tính năng phòng vệ và tác chiến như tàu sân bay Mỹ. Xét về mặt số lượng và chất lượng tàu sân bay thì trong thời gian ngắn không thể đuổi kịp Mỹ nên được lấp lỗ hổng bằng cách trang bị tối đa số lượng tên lửa đạn đạo hạm để khi hữu sự sẽ áp dụng chiến thuật đánh phủ đầu cấp tập và tiến công bão hòa đối với biên đội tàu sân bay Mỹ.

Nhưng thật đáng tiếc là kế hoạch tàu sân bay lớp Orel chỉ dừng lại bước hoàn tất bản vẽ trong Viện Thiết kế Hải quân Liên Xô. Nguyên soái Grechko qua đời, người kế nhiệm là Nguyên soái Ustinov không mấy mặn mà với kế hoạch Orel.

Kế hoạch mới - tàu sân bay Kiev ra đời

Hải quân Liên Xô quyết định chế tạo tàu sân bay loại nhẹ Kiev. Yêu cầu cơ bản của nó là: lượng dẫn nước 40.000 tấn, sử dụng động lực thông thường (động cơ diesel), có thể chở máy bay lên thẳng chống tàu ngầm và máy bay chiến đấu phản lực cất, hạ cánh thẳng đứng/cự ly hoạt động ngắn.

Quy mô thực tế của tàu sân bay Kiev sau khi hạ thủy: dài 274m, tốc độ 32 knot (32 hải lý/giờ, tức 59,3km/giờ), lượng rẽ nước hơi lớn hơn so với thiết kế (40.500 tấn), có thể chở được hơn 20 chiếc máy bay lên thẳng chống tàu ngầm và 12 chiếc máy bay chiến đấu hạ cánh thẳng đứng Yak-38 Ironsmith. Đây có thể coi là bước tiến bộ dài của Hải quân Liên Xô.--PageBreak--

Chiếc tàu sân bay Kiev khởi công chế tạo cuối năm 1972, tới năm 1975 hạ thủy, đưa vào biên chế của lực lượng Hải quân. 2 chiếc tàu sân bay Kiev tiếp theo mang tên Minsk và Noverosisk lần lượt hạ thủy năm 1978 và 1982, đều được biên chế vào Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Liên Xô. Đây là cái mốc nổi bật cho sự vươn ra xa Thái Bình Dương của Hải quân Liên Xô.

Chiếc tàu sân bay cuối cùng thuộc lớp Kiev mang tên Baku được khởi công đóng năm 1982. Bởi đây là chiếc tàu sân bay duy nhất được lắp đặt các thiết bị máy móc kỹ thuật tiên tiến nhất nên mãi tới năm 1987 mới hoàn thành chính thức bước vào trực chiến. Trên Baku có lắp đặt hệ thống rađa ma trận khống chế pha mặt thẳng “Lính gác vũ trụ - 3D”. Loại rađa này về sau còn được lắp đặt trên tàu sân bay Kuznetov.

Tàu sân bay kiểu nhảy trượt: Kuznetov

Bộ trưởng Quốc phòng đương thời là Ustinov khi thị sát cuộc diễn tập Miền Tây-81 của Hải quân, đã tận mắt chứng kiến những nhược điểm to lớn của tàu sân bay Kiev bộc lộ trong chiến đấu. Cuối cùng ông đã phê chuẩn Dự án thiết kế tàu sân bay thế hệ mới, chế tạo tàu sân bay cỡ trung kiểu nhảy trượt.

Phương Tây rất quan tâm tới kế hoạch tàu sân bay này, vệ tinh do thám của Mỹ đã chụp được các bức ảnh cho thấy xưởng đóng tàu Nicolaiev đang chế tạo loại tàu sân bay mới. Sau đó 2 tàu sân bay mới lần lượt được chế tạo, đó là tàu Kuznetov và tàu Valenge.

Kuznetov là loại tàu sân bay có lượng rẽ nước 65.000 tấn, chạy bằng động cơ thường và đây cũng là chiếc tàu sân bay duy nhất của Liên Xô có thể chở loại máy bay chiến đấu cất hạ cánh trên đường băng theo kiểu truyền thống. Nó có thể chở được hơn 40 chiếc máy bay các loại. Tàu sân bay này có mũi hếch lên 12o, tạo thành mặt boong (đường băng) kiểu nhảy trượt, nhờ vậy mà không cần máy bật (catapult) máy bay chiến đấu phản lực cũng có thể cất cánh dễ dàng trên đường băng ngắn.

Nhằm khắc phục nhược điểm chở được ít máy bay, trên tàu sân bay Kuznetov (và trên các tàu sân bay kế tiếp) có lắp hỏa lực cực mạnh gồm vũ khí phòng không, chống hạm nổi và chống tàu ngầm, bao gồm hệ thống tên lửa đạn đạo chống hạm nổi phóng thẳng đứng SS-N19 (12 ống phóng), pháo kết hợp SA-N9 và CADS-N-1, một cặp bom chìm chống tàu ngầm RBU-12.000. Cốt lõi thiết bị điện tử của tàu sân bay này là rađa "Lính gác vũ trụ - 3D".

Tàu sân bay Kuznetov khởi công năm 1985, đến năm 1991 mới hoàn thành đưa vào sử dụng, nhưng mãi tới năm 1995 mới chính thức đưa vào trực chiến trong đội hình Hạm đội miền Bắc của Hải quân Nga...

Bùi Hữu Cường (theo Comsomolskaya Pravda)
.
.