Cái chết bí ẩn của một cố vấn Nhà Trắng

Thứ Bảy, 02/09/2006, 08:45

Cho dù đã có kết luận điều tra chính thức, cái chết bí ẩn của cố vấn Nhà Trắng Vincent Foster không khỏi khiến gia đình và chính phủ của ông Clinton mang tai tiếng. Đã có đến 5 cuốn sách với những nhận định trái ngược nhau về sự kiện này, trong đó mới nhất là cuốn "Cái chết bí ẩn của Vincent Foster" của tác giả Christopher Ruddy được xuất bản vào năm 2005.

Vào lúc 10 giờ 15 phút ngày 20/7/1993, chuyến tuần tra đầu tiên của mình trong ngày, nhân viên gác rừng Christopher Perry phát hiện xác một người đàn ông nằm chết úp mặt gần một bụi cây ở bìa rừng Công viên quốc gia Fort Marcay, bang Virginia, và trong tay còn nắm một khẩu súng ngắn, nên liền báo tin cho cảnh sát. Kiểm tra của cảnh sát cho biết nạn nhân có lẽ đã dùng súng, một khẩu súng ngắn loại P38, bắn vào cằm để tự tử. Kiểm tra giấy tờ tùy thân cho biết nạn nhân tên Vincent Foster, 48 tuổi, một cố vấn đương chức của Nhà Trắng.

Tiến hành kiểm tra chiếc xe hơi của nạn nhân, một chiếc Honda Civic màu đỏ, đậu cách hiện trường chừng 50m, cảnh sát tìm thấy một chiếc cặp làm việc bên trong có nhiều mảnh giấy bị xé (27 mảnh tất cả) có nội dung khiếu kiện tờ Wall Street Journal về tội phỉ báng cá nhân. Lập tức, Cảnh sát hạt Park một mặt báo tin cho Nhà Trắng, mặt khác thông báo cho Cục Điều tra liên bang (FBI) để phối hợp điều tra vì nạn nhân là một viên chức liên bang cao cấp. Chỉ đến chiều, vụ tự tử trên đã được loan truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng với nhiều luồng dư luận đồn đại khác nhau về nguyên nhân và trở thành vấn đề thời sự nóng hổi vào lúc đó.

Vincent Walker Foster sinh ngày 15/1/1945 tại thành phố Hope, bang Arkansas. Năm 1978, sau khi tốt nghiệp Khoa Luật Đại học Arkansas, Foster hành nghề luật sư và trở thành một luật sư tiếng tăm ở Arkansas. Là bạn học của Thống đốc Bill Clinton, năm 1980 Foster được nhận vào làm việc tại Công ty Luật Rose, nơi mà bà Hillary Clinton cũng hành nghề luật sư biện hộ. Năm 1992, khi Bill Clinton trở thành Tổng thống Mỹ, Foster được bổ nhiệm làm cố vấn luật pháp cho Nhà Trắng.

Ở nhiệm vụ mới, xem ra Foster rất khó khăn để hòa nhập với nhịp sống và cả đời sống chính trị tại thủ đô nước Mỹ. Đã không ít lần, Foster trở thành đối tượng công kích, bêu riếu bởi các phương tiện thông tin đại chúng mà kịch liệt nhất là báo Wall Street Journal. Các đối thủ chính trị của Tổng thống Clinton, tập trung ở đảng Cộng hòa, vốn còn chưa hết bàng hoàng về sự thất bại của ứng cử viên George H.Bush (Bush-cha) trong kỳ bầu cử vào năm 1992, muốn thông qua các thiếu sót của Foster, tìm cách đánh vào uy tín của vị tân Tổng thống thuộc đảng Dân chủ. Mắc chứng trầm cảm, đã vài lần Foster phải nhập viện và được chỉ định dùng thuốc chống trầm cảm liều cao Trazodone. Và chính trong hoàn cảnh như vậy đã xảy ra vụ tự tử bí ẩn của Foster vào ngày 20/7/1993.

Để điều tra làm sáng tỏ cái chết bí ẩn của cố vấn Nhà Trắng Vincent Foster, ngoài Cảnh sát hạt Park, FBI, còn có một ủy ban điều tra của Quốc hội do nghị sĩ Jerry Fadwell phụ trách và một ủy ban điều tra độc lập do 2 công tố viên Robert Fiske và Kennett Starr phụ trách. Trong khi các cuộc điều tra của cảnh sát nghiêng về nghi vấn đây là một vụ giết người rồi ngụy trang thành một vụ tự tử thì các cuộc điều tra của FBI, Ủy ban điều tra của Quốc hội và Ủy ban điều tra độc lập lại nghiêng về nghi vấn, đó là một vụ tự tử. Chính mâu thuẫn của các cuộc điều tra đã khiến dư luận Mỹ càng quan tâm hơn về vụ tự tử  bí ẩn của cố vấn Nhà Trắng Vincent Foster.

Theo điều tra của Cảnh sát Hạt Park thì nạn nhân đã chết do một viên đạn bắn từ cằm lên đầu, nhưng không phải do nạn nhân tự bắn mà là do một người khác bắn. Tại hiện trường, cảnh sát không tìm thấy vỏ đạn. Ngoài ra, khẩu súng mà nạn nhân nắm trong tay, được cho là phương tiện dùng để tự tử, lại được sản xuất từ năm 1982. Trong khi khẩu súng ngắn P-38 mà nạn nhân thường mang theo mình được sản xuất vào năm 1985 thì lại không thấy đâu. Tổng hợp các yếu tố này, cảnh sát kết luận là nạn nhân không tự tử mà bị giết chết tại một nơi nào đó rồi đem đến bìa rừng Công viên quốc gia Fort Marcay để ngụy tạo thành một vụ tự tử.

Nếu Vincent Foster bị giết chết thì thủ phạm và kẻ chủ mưu là ai? Từ kết luận của cảnh sát, dư luận nghiêng về giả thuyết chính vợ chồng Tổng thống Clinton có liên quan ít nhiều vụ giết hại Foster. Vì Foster là bạn rất thân của gia đình Clinton nên nạn nhân đã nắm rất rõ những bí mật mà gia đình Clinton rất muốn giấu kín như tình hình tài chính, các vụ việc liên quan đến vụ đầu tư tai tiếng Whitewater, nạn tham nhũng trong ngành cảnh sát bang Arkansas mà ông Clinton đã cố tình bao che khi còn làm thống đốc...

Ngay trước thời điểm mà Foster tự tử, Quốc hội Mỹ đang điều tra về vụ bê bối Whitewater có liên quan đến gia đình Clinton mà Foster được xem là chìa khóa mở cho sự thành công hay thất bại của cuộc điều tra này. Và cách tốt nhất để giấu kín các bí mật và tránh gặp rắc rối với cuộc điều tra của Quốc hội là phải loại bỏ Foster. Tuy nhiên, kết luận điều tra của Cảnh sát hạt Park chỉ dừng lại ở việc xác định Foster là nạn nhân của một vụ giết người rồi ngụy tạo thành vụ tự tử, họ đã không xác định được thủ phạm là ai và giết chết Foster vì mục đích gì.

Trong khi đó các cuộc điều tra của FBI, Ủy ban điều tra Quốc hội và Ủy ban điều tra độc lập đều có chung kết luận là nạn nhân Foster đã tự tử do mắc chứng trầm cảm nặng. Chứng cứ là giảo nghiệm pháp y cho thấy có sự hiện diện quá mức của dược chất Trazodone trong cơ thể của nạn nhân. Riêng trong kết luận điều tra của mình, hai công tố viên Robert Fiske và Kennett Starr nhận định là nạn nhân đã tự tử tại một nơi khác mà việc phát hiện sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín của chính quyền Clinton nên người ta đã cho mang xác của nạn nhân đến đặt tại bìa rừng Công viên quốc gia Fort Marcay.

Cho dù đã có kết luận điều tra chính thức, nhưng vụ tự tử bí ẩn của cố vấn Nhà Trắng Vincent Foster không khỏi khiến gia đình và chính phủ của ông Clinton mang tai tiếng vì mãi 44 năm sau khi xảy ra vụ tự tử của Bộ trưởng Quốc phòng James Forrestal (đời Tổng thống Harry Truman) lại mới xảy ra vụ tự tử đầy nghi vấn của một viên chức cao cấp Nhà Trắng. Về sau, có đến 5 cuốn sách với những nhận định trái ngược nhau về vụ tự tử của cố vấn Vincent Foster đã được xuất bản, trong đó mới nhất là cuốn "Cái chết bí ẩn của Vincent Foster" của tác giả Christopher Ruddy được xuất bản vào năm 2005

Văn Hòa (theo Crime Magazine)
.
.