Căn cứ Waihopai theo dõi các quốc đảo Thái Bình Dương

Thứ Tư, 01/04/2015, 12:00
Waihopai là một trong những căn cứ quan trọng trong mạng lưới các căn cứ nghe lén công nghệ cao của hệ thống nghe lén toàn cầu Five Eyer (Năm con mắt). Những chi tiết thiết kế và công nghệ, các hoạt động của hệ thống Waihopai vừa được báo chí đăng tải theo tiết lộ mới nhất từ các hồ sơ mật do cựu nhân viên Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) Edward Snowden cung cấp.

Hệ thống ăngten nghe lén mang hình những quả bóng golf khổng lồ

Hệ thống nghe lén điện tử toàn cầu Năm con mắt được thiết kế xây dựng trên cơ sở công nghệ của Mỹ và do NSA phụ trách điều khiển chung. Trong hệ thống này, Mỹ là "bên thứ nhất" còn Anh, Canada, Australia và New Zealand được xem là các "bên thứ hai", tức là 4 nước đối tác của Mỹ. Hệ thống được xây dựng gồm một mạng lưới gồm nhiều "mắt xích" là các căn cứ được đặt biệt danh khác nhau tại nhiều quốc gia khác nhau, nhưng được chia ra quản lý bởi 5 quốc gia trong hệ thống Five Eyes.

Mỗi căn cứ được đặt một mật danh. Căn cứ "Năm con mắt" tại Australia đặt tại một địa điểm gần thành phố cảng Geraldton, miền Tây Australia, có mật danh là Stellar. Một trạm của Anh đặt trên đất Oman có mật danh là Snick, một trạm khác đặt tại Kenya có tên gọi là Scapel, và một trạm ở Síp tên là Sounder.

Riêng căn cứ tại vùng Cornwall, Anh thì được đặt tên là Carboy, và căn cứ lớn nhất trong hệ thống Năm con mắt là Moonpenny ở Harrogate, Yorkshire. Trong khi đó, Mỹ có các căn cứ tương tự như Waihopai gồm: Jackknife ở bang Washington bên bờ Thái Bình Dương, Timberline ở bang West Virginia và Coraline ở Puerto Rico trong vùng biển Caribbe.

Thủ tướng New Zealand John Key (thứ 2 từ phải qua) trong chuyến thăm Marshall Islands, năm 2013.

Theo Sunday Star-Times, căn cứ Waihopai có mật danh là Ironsand, là một "mắt xích" của Năm con mắt tại New Zealand, là "con mắt" chính tại khu vực Nam Thái Bình Dương. Trong căn cứ Waihopai còn có một hệ thống các chương trình tình báo được đặt mật danh khá phong phú, như Juggernaut, Legalreptile và Venusaffect…

Tại thung lũng Waihopai, vùng Marlborough, New Zealand, người ta có thể nhìn thấy những kiến trúc vòm cầu hình quả bóng golf khổng lồ nằm rải rác quanh khu tòa nhà chính. Đó là những hệ thống ăngten nghe lén có thể can thiệp, thu thập dữ liệu từ các vệ tinh trên khoảng không gian vùng châu Á - Thái Bình Dương, thu thập lượng dữ liệu truyền thông khổng lồ giữa các quốc gia trong khu vực, bao gồm điện thoại, hoạt động truyền dữ liệu điện tử giữa các ngân hàng, công ty và tất cả các loại giao tiếp Internet tư nhân lẫn nhà nước.

Các tài liệu mật do Edward Snowden tiết lộ cho thấy một số hoạt động tình báo của New Zealand được lồng ghép bên trong hệ thống của Mỹ. Một báo cáo năm 2009 của Cục An ninh Truyền thông Chính phủ (GCSB) - Cơ quan tình báo tín hiệu của New Zealand đã đưa ra một lý giải về việc Waihopai được tích hợp vào hệ thống Xkeyscore của Mỹ. Điều này hoàn toàn phù hợp với thực tế New Zealand là một "con mắt" của hệ thống Năm Con Mắt toàn cầu.

Cần nhắc lại rằng, hệ thống do thám Xkeyscore được NSA sử dụng để phân tích một khối lượng khổng lồ dữ liệu email và giao tiếp trên Internet được đánh chặn từ khoảng 150 địa điểm khác nhau trên toàn cầu. Theo tiết lộ của Edward Snowden, GCSB cung cấp thông tin tình báo có giá trị cao bổ sung cho mạng lưới do thám toàn cầu của NSA ở bang Maryland (Mỹ).

Các đảo quốc Thái Bình Dương nằm trong danh sách do thám của GCSB bao gồm: Tuvalu, Nauru, Kiribati, Samoa, Vanuatu, quần đảo Solomon, Fiji, Tonga và hai vùng lãnh thổ hải ngoại của Pháp là New Caledonia và French Polynesia. Trong khi đó, mỗi một đảo quốc và vùng lãnh thổ nhỏ bé này đều có quan hệ đồng minh thân thiết với chính quyền New Zealand đồng thời không hề có mối đe dọa an ninh nào đối với quốc gia này!

Tầm "phủ sóng" của Waihopai ở Nam Thái Bình Dương.

Mặc dù Samoa, Fiji, Tonga và Vanuatu nằm trong danh sách do thám của GCSB song nhiều dữ liệu của các đảo quốc này hiện nay được truyền qua những đường kết nối cáp ngầm dưới biển cho nên mạng vệ tinh đánh chặn tín hiệu của Waihopai không xoay xở gì được.

Ví dụ, trước đây Samoa truyền thông tin giao tiếp ra hải ngoại thông qua vệ tinh Intelsat cho nên luôn nằm trong khả năng giám sát của Waihopai. Có thể do đó mà trước tiết lộ mới đây về hoạt động gián điệp của GCSB, Thủ tướng Samoa Tuilaepa Sailele Malielgaoi vẫn tuyên bố không cảm thấy lo ngại! Khi ông Malielegaoi viếng thăm New Zealand vào tháng 10-2012, Thủ tướng New Zealand John Phillip Key tuyên bố: "Samoa là quốc gia duy nhất trên thế giới chính thức ký Hiệp ước Hữu nghị với New Zealand". Mặc dù vậy, Samoa vẫn bị GCSB giám sát chặt chẽ!

Các hệ thống bên trong Waihopai

Các hệ thống chương trình bên trong Waihopai có chức năng, nhiệm vụ riêng. Latentheat phân rã các tín hiệu bắt được từ vệ tinh thành từng mẩu giao tiếp đơn lẻ. Legalreptile thì thu thập các mẩu tin nhắn và các dữ liệu đặc tả từ điện thoại di động, Semitone can thiệp vào đường truyền fax, tin nhắn và giọng nói, còn Surfboard phụ trách mảng điện thoại hữu tuyến mặt đất.

Fallowhaunt nhắm đến các mục tiêu là các giao tiếp vệ tinh, Juggernaut xử lý các cuộc gọi từ các mạng lưới điện thoại di động (giọng nói, fax, dữ liệu đặc tả và tin nhắn), và Lopers được sử dụng nhắm vào các cuộc gọi điện thoại hữu tuyến mặt đất. Xkeyscore từng là một chương trình nghe lén tuyệt mật, nhưng nay nó đã được cả thế giới biết đến nhờ tiết lộ của Snowden.

Đây là một chương trình dò tìm và can thiệp dữ liệu giao tiếp trên Internet cực nhạy, có thể truy ra ngay các cơ sở dữ liệu của các địa chỉ IP, lịch sử duyệt web, nội dung và dữ liệu đặc tả email, tin nhắn mạng xã hội,… Tất cả các cuộc gọi điện thoại và giao tiếp trên Internet mà các hệ thống thu thập được sẽ được xử lý, phân loại tại căn cứ, rồi ngay sau đó được truyền thẳng về các cơ sở dữ liệu của NSA.

Mỗi hệ thống tình báo nêu trên cho ra ngay các dữ liệu đặc tả các giao tiếp thu thập được và cung cấp cho các nhà phân tích tình báo Mỹ và đồng minh. Hầu hết trang thiết bị và các chương trình khác tại căn cứ Waihopai đều của người Mỹ. Và tất cả các hệ thống theo dõi lớn tại Waihopai đều do người Mỹ cung cấp, cho nên chúng có thể được tìm thấy tại nhiều căn cứ khác trên toàn cầu. Và cách thức phối hợp hoạt động giữa các hệ thống chương trình tình báo cũng giống nhau.

Trạm nghe lén Waihopai của GCSB ở Marlborough.

Chẳng hạn, theo tiết lộ của tờ Der Spiegel (Đức), trong 30 ngày từ tháng 12/2012 đến tháng 1/2013, đã có 417 triệu hồ sơ dữ liệu đặc tả giao tiếp được thu thập ở Đức. Trong đó, các hệ thống lớn chiếm 90%, bao gồm Xkeyscore thu thập 182 triệu hồ sơ, Lopers 131,5 và Juggernaut 93,5. Các hệ thống chương trình tình báo này cũng được sử dụng tại Waihopai, và cách thức phối hợp thu thập dữ liệu đặc tả tại các quốc gia láng giềng ở Nam Thái Bình Dương cũng giống như Mỹ và Anh thu thập dữ liệu tại các nước đồng minh châu Âu.

Tài liệu mật của GCSB có nêu một hệ thống có tên gọi là Shadowcat đã được lắp đặt tại Waihopai từ năm 2012. Chương trình này, do cơ quan phụ trách Năm con mắt của Anh xây dựng. Đây là một chương trình tiêu chuẩn được dùng trong toàn hệ thống Năm con mắt. Và các nhân viên làm việc trong hệ thống Năm con mắt có thể luân chuyển giữa các căn cứ.

Tháng 4/2010, một số nhân viên của NSA tại căn cứ Menwith Hill, Anh - căn cứ nghe lén vệ tinh lớn nhất thế giới - đã đến Waihopai để "trao đổi kỹ thuật". Tại cuộc thảo luận đó, các chuyên viên kỹ thuật của Waihopai đã thuyết minh cho các "đồng nghiệp" Mỹ về quy trình thu thập dữ liệu tại Waihopai được gọi tên là "Thu thập tất cả".

Một tài liệu do Snowden tiết lộ nhan đề "Mô tả việc thu thập dữ liệu của NSA" đã mô tả quy trình đó vận hành như sau: Bước thứ nhất gọi là "Đánh hơi tất cả" ám chỉ một chương trình đặt tại Torus, một khu phức hợp ăngten mới xây dựng ở Waihopai có thể can thiệp thu thập dữ liệu vệ tinh. Bước thứ hai là "Biết tất cả", sử dụng chương trình Darkquest. Bước thứ ba là "Thu thập tất cả" nhằm mục tiêu "tăng cường dung lượng tín hiệu. Bước thứ tư là “Xử lý tất cả", với hệ thống Xkeyscore của NSA làm hạt nhân hoạt động thu thập dữ liệu. Các tài liệu được tiết lộ cho thấy sau bước xử lý ban đầu, dữ liệu được truyền từ Waihopai đến cơ sở dữ liệu tổng hợp của NSA.

Năm 1987, lần đầu tiên Thủ tướng New Zealand lúc đó là Keith Locke thông báo Trạm Waihopai ở vùng Marlborough là một phần của ECHELON - mạng lưới tình báo điện tử khổng lồ của phương Tây nằm dưới sự lãnh đạo của Mỹ và Anh.

Waihopai bao gồm 2 đĩa đánh chặn vệ tinh được bao bọc bởi mái vòm khổng lồ và cơ sở này thường xuyên là mục tiêu tấn công của những nhà hoạt động hòa bình như vụ đột nhập năm 2008 phá hỏng một mái vòm gây thiệt hại ước tính 1 triệu USD.

GCSB chỉ được phép thu thập thông tin tình báo nước ngoài và luật pháp New Zealand cấm cơ quan đánh chặn tín hiệu giao tiếp công dân trong nước. GCSB có hiệp ước trao đổi thông tin tình báo với NSA cũng như các cơ quan tình báo tín hiệu trong liên minh Five Eyes.

Andrew Little, lãnh đạo đảng Lao động đối lập New Zealand, cho biết, mặc dù chấp nhận hoạt động tình báo là cần thiết để bảo vệ quyền lợi đất nước song ông vẫn nhấn mạnh trong cuộc phỏng vấn của Radio New Zealand là ông "cảm thấy choáng váng trước mức độ quy mô của thông tin được thu thập" bởi GCSB.

Trong khi đó, Thủ tướng New Zealand John Phillip Key tuyên bố với báo chí rằng các tài liệu của Edward Snowden đã cũ, không có giá trị thời gian và thậm chí một số thông tin có thể bị làm giả. Thủ tướng cũng nhấn mạnh rằng GCSB là cơ quan tình báo đối ngoại, thu thập thông tin vì lợi ích của New Zealand và bảo vệ công dân nước này.

Các tài liệu của Edward Snowden còn tiết lộ chương trình giám sát hàng loạt của GCSB gọi là "Speargun" tập trung mắc nối vào đường truyền hệ thống cáp ngầm dưới biển Southern Cross kết nối Internet giữa New Zealand với phần còn lại của thế giới. Speargun - được triển khai từ năm 2012 qua 2 giai đoạn với sự hợp tác chặt chẽ của NSA -  thu thập thông tin truyền qua hệ thống cable trong thời gian thực về ngày tháng, giờ giấc, người gửi và nội dung của email cùng cuộc gọi điện thoại…

Ngoài ra, GCSB còn gián điệp bất hợp pháp những cuộc liên lạc của tỉ phú Kim Dotcom - cư dân hợp pháp ở New Zealand, nhà sáng lập dịch vụ lưu trữ và chia sẻ file Megaupload. GCSB được cho là bắt đầu gián điệp bất hợp pháp Kim Dotcom sau khi Cảnh sát New Zealand bố ráp căn nhà của Kim Dotcom tại nước này liên quan đến việc truy tố tội vi phạm bản quyền tại Mỹ.

Năm 1996, một quyển sách nhan đề “Quyền lực bí mật” (Secret Power) của tác giả Nicky Hager đã tiết lộ rằng, New Zealand đã nghe lén thông tin truyền qua vệ tinh và sóng radio ở Nam Thái Bình Dương. Năm 2006, xuất hiện một báo cáo mật của GCSB đã được soạn từ thập niên 80 thế kỷ XX, tiết lộ rằng New Zealand đã do thám cả Liên Hiệp Quốc và nhiều quốc gia khác, trong đó có Nhật Bản, Pháp và các quốc gia Thái Bình Dương.

Như vậy, New Zealand đã tham gia hệ thống Năm con mắt từ rất lâu, và những gì mà Edward Snowden tiết lộ gần đây chỉ là những thông tin "công khai hóa" để mọi người được biết mà thôi.

Nguyên Khang - Duy Ân (tổng hợp)
.
.