“Căn cứ chống khủng bố” ở Kiejkuty, trang sử đen về vi phạm nhân quyền của Mỹ

Thứ Ba, 15/04/2014, 16:15

Từ trên đỉnh đồi, người ta có thể phóng tầm mắt nhìn xuống một căn cứ quân sự cách Warsaw 100 dặm về phía Bắc, nằm trong ngôi làng đẹp như tranh - từng ngôi nhà vùng thôn dã duyên dáng hiện lên bên hồ nước trong xanh. Nhưng chẳng mấy ai biết đó là một “khu vực đen” bí mật của CIA dùng để tra tấn, thậm chí kết án oan những người bị cho là khủng bố.

Nhân dân Ba Lan không muốn Mỹ tiếp tục duy trì "căn cứ chống khủng bố"

 Được bao quanh bằng hàng rào thép gai sắc nhọn, đâu đó ở bên trong là dấu hiệu của một căn cứ quân sự dùng làm trung tâm huấn luyện tình báo Ba Lan. Tuy nhiên, cơ sở này bị tình nghi là nơi Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) tra tấn các nghi can khủng bố trong thời gian họ lùng sục Osama bin Laden từ năm 2002-2005.

Theo thông tin tờ Washington Post có được, CIA đã trả cho Cơ quan Tình báo Ba Lan 15 triệu USD/năm để sử dụng khu nhà này hoặc một ngôi nhà khác nằm trong rừng để làm "khu vực đen" bí mật.

Mặc có tố cáo về tra tấn và thủ tiêu gợi nhớ những tội ác man rợ nhất gần đây trong lịch sử đầy bi thương của Ba Lan, nhưng các nhà hoạt động nhân quyền quốc tế cho biết, chính phủ nước này vẫn đang ngăn cản công tác điều tra. Hầu hết người dân ở Stare Kiejkuty đều biết điều đó.

Tại cửa hàng bán đồ tạp hóa duy nhất ở Stare Kiejkuty nằm đối diện căn cứ quân sự, chủ cơ sở kinh doanh cá thể này ngày càng biểu hiện thái độ không bằng lòng với tình báo nước ngoài khi có phóng viên báo chí đến. Một phụ nữ trung niên, tóc nâu, ăn mặc giản dị, có nốt ruồitrên má cho biết, người dân nơi đây rất bất mãn vì bị coi thường là không biết gì về những tội ác đang diễn ra bên trong "cơ sở mật" của CIA.

"Tôi chẳng hề biết về bất cứ chuyện gì diễn ra ở đây. Nhưng nếu cứ vậy, thì sẽ có những căn cứ như thế này tràn ngập khắp thế giới" giọng bất bình, người phụ nữ trên nói.

Không chỉ những người có tuổi, thế hệ trẻ ở Stare Kiejkuty cũng có suy nghĩ như vậy, David, một thanh niên đang đi cùng bạn gái tán đồng với ý kiến của người phụ nữ nọ. Anh cho biết: "Miễn là bọn khủng bố không thể trốn thoát khỏi căn cứ đó để làm hại phụ nữ và trẻ em trong thị trấn này là được. Tôi không quan tâm chuyện gì xảy ra với chúng trong đó".

Hầu hết người dân Ba Lan đều không muốn Mỹ tiếp tục duy trì cơ sở điều tra khủng bố ở Kiejkuty.

Cơ sở "chống khủng bố" của CIA ở Stare Kiejkuty.

Sợ đối mặt với công lý vì vi phạm nhân quyền, Mỹ gây sức ép với Ba Lan?

Trước khi đến với câu hỏi nêu trên, chúng ta hãy lật lại lịch sử quan hệ Mỹ-Ba Lan: Để nhận được sự "đảm bảo an ninh" từ Mỹ và NATO kể từ năm 2005, Ba Lan đã nhanh chóng chấp nhận đề xuất của nguyên Tổng thống Mỹ George W. Bush "làm bạn với chúng tôi hoặc đối đầu với chúng tôi".

Đề nghị đó được đưa ra trong lúc Mỹ rất cần Ba Lan để cảnh cáo Pháp và Đức rằng: Mỹ quyết đánh Iraq, Pháp và Đức không đồng tình thì chính quyền Washington sẽ làm bạn với Warsaw. Nhưng không ít người hoài nghi về sự "ủng hộ" của Ba Lan trong cuộc chiến đó, đặc biệt, sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama thay đổi kế hoạch xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa ở Ba Lan.

Luật sư của 2 người đàn ông được cho là nạn nhân của cuộc điều tra dùng biện pháp tra tấn ở Ba Lan cho biết, CIA từng khảo sát kỹ khu rừng thơ mộng này vì có điểm tương tự giống như một khu vực đen ở Thái Lan đầy rẫy những loài rắn độc. Họ tố cáo tình báo Mỹ bí mật dùng máy bay chở các nghi can khủng bố đến một sân bay gần đó và sau đó chuyển họ tới căn cứ quân sự nằm dưới tán rừng âm u quanh năm chẳng thấy bóng mặt trời.

Theo nội dung của một lá đơn tố cáo CIA gửi Tòa án Nhân quyền châu Âu: Babu Zubaydah, Ab dal Rahim al Nashiri đều là người Arập Xêút và có thể còn nhiều người khác được cho là phải đội mũ trùm đầu và "diễu" qua mặt các điều tra viên trong khi trên người không có một mảnh vải che thân. Họ bị tra tấn thậm tệ đến nỗi một nghi can bị trật khớp vai, tất cả đều rơi vào tình trạng căng thẳng.

Tờ Washington Post từng có bài điều tra: các thẩm vấn viên thường dùng nhục hình và liên tục dìm nghi phạm xuống nước để ép họ thừa nhận có sự liên hệ với khủng bố. Khali Sheik Mohammed, nghi can chính đứng đằng sau vụ khủng bố 11-9 đã bị tra tấn tới 183 lần.

Bấy giờ, mọi  người dân ở Stare Kiejkuty đều có thể nghe thấy tiếng gào khóc thảm thiết. Theo ông Amrit Singh - vị luật sự bảo vệ cho al Nashiri, người từng bị giam giữ không qua xét xử ở Guantanamo từ năm 2003 cho rằng có thể áp lực từ Mỹ, nên Ba Lan đang cố gắng giấu nhẹm vụ việc này.

Hy vọng nào dành cho các nạn nhân trong cuộc chiến công lý đòi lại công bằng?

Bà Julia Hall.

Bà Julia Hall, chuyên gia về khủng bố và nhân quyền thuộc Tổ chức Ân xá quốc tế khẳng định: Mặc dù Chính phủ Ba Lan cố tình trì hoãn và cản trở nhưng công tác điều tra ở Stare Kiejkuty vẫn được tiếp tục.

Ngoài Ba Lan, thì Lithuania và Romania đang bị tố cáo có những "khu vực đen" đang tìm mọi cách ngăn chặn những nỗ lực tìm công lý của nạn nhân bị vu oan là khủng bố. Nhưng bây giờ, các sự kiện ở Ukraina có thể khẳng định, sự hỗ trợ an ninh mà Mỹ dành cho Ba Lan sẽ tạo ra mối quan ngại lớn hơn về tính hợp pháp và đạo đức trong những hành động của Mỹ.

Bà Hall cho rằng, có điều gì đó không chỉ đe dọa số phận những nạn nhân bị kết tội oan mà còn cả tương lai của hệ thống pháp luật ở các quốc gia có căn cứ "chống khủng bố" được Mỹ thuê như Ba Lan.

Một lệnh tra tấn có thể khiến Zubaydah và Al Nashiri chết trước khi lĩnh án tử hình. Julia Hall cho biết, bà sẽ gửi yêu cầu rõ ràng đến Chính phủ Mỹ để giải thích rõ và mong Ba Lan ngừng việc che đậy hành động vi phạm nhân quyền của Mỹ thông qua hành động tra tấn nghi phạm khủng bố.

Khác với các vị luật sư bảo vệ cho 2 nghi can Zubaydah và Al Nashiri,  đưa vụ việc ra Tòa án Nhân quyền châu Âu sẽ gặp nhiều khó khăn, trở ngại, bà Hall tin vụ việc ở Ba Lan có thể được làm sáng tỏ khi xem xét những điều đã xảy ra ở Stare Kiejkuty.

Được biết vào tháng 6/2013, Chính phủ Ba Lan cản trở công tác điều tra khi bị Tổ chức Ân xá chỉ trích, nhưng bà Hall tin tưởng công tố viên Ba Lan vẫn hoạt động độc lập, mặc dù Mỹ tiếp tục gây sức ép để ém nhẹm vụ việc. Việc bổ sung hồ sơ gần đây của một nạn nhân thứ 3 cung cấp cơ sở lạc quan hơn.

Bà Hall cho rằng: để biết được toàn bộ sự thật giấu đằng sau những gì đã diễn bên trong các "cơ sở đen" của CIA thì "Ba Lan là người đứng cuối cùng"

Phạm Khôi Nguyên (tổng hợp)
.
.