Căn cứ thử nghiệm tên lửa bí mật của Đức ở Neuwark

Thứ Tư, 02/05/2007, 08:15
Neuwark là một đảo hoang thuộc hạt Cuxhaven, bang Hạ Saxony ở miền Bắc nước Đức, có địa lý tiếp giáp với Biển Bắc và là nơi có cửa sông Elbe đổ ra biển. Từ năm 1933, Gerhard Zucker, được xem là cha đẻ của ngành tên lửa Đức, đã tiến hành thử nghiệm phóng nhiều tên lửa trên đảo Neuwark.

Vào trưa ngày 7/5/1979, dân làng Braulage ở miền Bắc nước Đức hốt hoảng khi trông thấy một vật lạ rơi từ trên trời xuống rồi phát nổ khiến 3 người chết tại chỗ và 15 người khác bị thương phải đưa đi cấp cứu tại bệnh viện.

Điểm đặc biệt là ngay sau khi xảy ra vụ nổ, hàng chục cảnh sát có mặt ngay để phong tỏa hiện trường.

Chưa đầy hai tiếng đồng hồ sau, quân đội cũng đến nơi, chụp ảnh, ghi hình rồi thu dọn tất cả đưa lên xe chở đi.

Nhiều người cho rằng vụ nổ có thể do một vật thể lạ rơi từ trên không trung xuống gây ra, có thể đó là một máy bay quân sự nhỏ hay là một tên lửa. Nghi vấn này chỉ được làm sáng tỏ vào tháng 8/1979, khi Chính phủ Đức và chính quyền bang Hạ Saxony, nơi có làng Braulage, công khai trước dư luận vụ nổ làm chết và bị thương hàng chục người vào trưa ngày 7/5/1979, là do một tên lửa phóng đi từ căn cứ thử nghiệm tên lửa trên đảo Neuwark thuộc hạt Cuxhaven, bang Hạ Saxony, gây ra. Từ đó bí mật về sự hiện diện trong suốt một thời gian dài của một căn cứ thử nghiệm tên lửa trên lãnh thổ Tây Đức mới được làm sáng tỏ.

Neuwark là một đảo hoang thuộc hạt Cuxhaven, bang Hạ Saxony ở miền Bắc nước Đức, có địa lý tiếp giáp với Biển Bắc và là nơi có cửa sông Elbe đổ ra biển. Từ năm 1933, Gerhard Zucker, được xem là cha đẻ của ngành tên lửa Đức, đã tiến hành thử nghiệm phóng nhiều tên lửa trên đảo Neuwark.

Khi Chiến tranh thế giới lần thứ 2 xảy ra, Đức Quốc xã đã cho xây dựng trên đảo Neuwark một căn cứ quân sự để phóng thử nghiệm các tên lửa loại V-1 và V-2. Khi chiến tranh đi vào giai đoạn kết thúc với các trận phản công của Đồng minh lấn sâu vào lãnh thổ Đức, Anh quyết định mở chiến dịch quân sự có tên gọi Backfire tập trung quân đội tấn công vào miền Bắc nước Đức, nơi có căn cứ thử nghiệm tên lửa trên đảo Neuwark, để cố tận thu càng nhiều càng tốt hiện vật cũng như kỹ thuật chế tạo tên lửa của Đức Quốc xã.

Tháng 4/1945, hạt Cuxhaven và đảo Neuwark rơi vào tay quân Anh. Lập tức các nhà khoa học Anh, Mỹ đuợc lệnh đến ngay đảo Neuwark để kiểm tra, quản lý, niêm phong toàn bộ cơ sở vật chất của căn cứ phóng thử nghiệm tên lửa này.

Tháng 10/1945, 4 tên lửa loại V-2 đã được phóng biểu diễn tại căn cứ Neuwark trước sự chứng kiến của lãnh đạo nhiều quốc gia Đồng minh như Thủ tướng Anh Winston Churchill, tướng Mỹ Dwight Eisenhower, chỉ huy quân đội Đồng minh (sau này trở thành Tổng thống Mỹ)...

Từ cuối năm 1945, đầu năm 1946, quân đội Anh ráo riết “dọn dẹp” căn cứ thử nghiệm tên lửa trên đảo Neuwark khi biết rằng nơi này sẽ được giao cho phía Liên Xô tạm thời quản lý như theo quy định phân chia quyền quản lý lãnh thổ Đức được các quốc gia Đồng minh ký kết tại thành phố Postdam của Đức.

Phải cần đến 400 toa xe lửa, 600 xe tải quân sự cùng 70 máy bay ném bom hạng nặng loại Lancaster (được cải tạo lại thành máy bay chở hàng) mới chuyên chở hết máy móc, linh kiện, phụ tùng liên quan đến kỹ thuật chế tạo tên lửa của Đức Quốc xã tại căn cứ Neuwark.

Sau khi được bàn giao lại cho Liên Xô tạm quản lý, căn cứ Neuwark bị đóng cửa và bỏ hoang. Tháng 8/1949, đảo Neuwark được Liên Xô bàn giao lại cho nước Tây Đức mới.

Theo báo cáo điều tra về vụ tai nạn tên lửa tại làng Braulage vào ngày 7/5/1979 thì căn cứ Neuwark được bí mật khôi phục lại vào năm 1952. Cũng vào năm này tại Tây Đức đã thành lập hai công ty chuyên nghiên cứu chế tạo tên lửa phục vụ mục đích dân sự có tên gọi Công ty tên lửa Đức (GRC) và Công ty Hermann Oberth (HOC). Người ta cho rằng đây là hai công ty bình phong được thành lập nhằm che đậy cho một chương trình nghiên cứu và chế tạo tên lửa quy mô của Chính phủ Tây Đức.

Chỉ từ năm 1952 đến năm 1957, hàng trăm triệu mark đã được chính phủ chi ra, thông qua hoạt động của hai công ty GRC và HOC để cải tạo, nâng cấp, trang bị cho căn cứ thử nghiệm tên lửa trên đảo Neuwark và cả để nghiên cứu chế tạo tên lửa.

Tên lửa V-2 của Đức quốc xã bị thu giữ  tại căn cứ Neuwark.

Vào thời gian này, dân chúng được khuyến cáo là không nên đến đảo Neuwark vì lý do đây là một căn cứ quân sự cũ của Đức Quốc xã còn vương vãi mìn và các loại vũ khí khác có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Để tránh đánh động sự chú ý của dư luận, mọi hoạt động chuyên chở nguyên, vật liệu, khí tài từ đất liền đến đảo Neuwark không diễn ra trên địa bàn hạt Cuxhaven mà tập trung tại Duhnen, một vịnh nhỏ cách Cuxhaven 40km về phía tây.

Nhiều người cho rằng, việc bí mật khôi phục căn cứ thử nghiệm tên lửa trên đảo Neuwark của Chính phủ Đức có sự hậu thuẫn của Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Ngày 24/8/1957, một tên lửa loại Koschmieder đã nổ tung ở độ cao 300m trong lần phóng thử nghiệm đầu tiên tại căn cứ Neuwark. Đến ngày 8/6/1958, với nhiều cải tiến đáng kể, một tên lửa cùng loại Koschmieder đã được phóng thử nghiệm thành công.

Năm 1963, NATO kết hợp với Chính phủ Tây Đức triển khai các cuộc thử nghiệm tên lửa vào mục đích quân sự tại căn cứ Neuwark.

Liên Xô, qua chứng cứ thu thập được của các cơ quan tình báo như KGB, GRU đã lên tiếng cảnh báo cộng đồng quốc tế về nguy cơ tái vũ trang quân đội của Tây Đức nhưng đều bị Mỹ và các quốc gia phương Tây phớt lờ.

Chỉ từ năm 1958 đến năm 1979, đã có hàng trăm lượt tên lửa được bí mật thử nghiệm tại căn cứ Neuwark cho đến khi xảy ra vụ tai nạn tên lửa tại làng Braulage vào trưa ngày 7/5/1979. Để xoa dịu dư luận và để đối phó với các chỉ trích quốc tế, nhất là từ các quốc gia XHCN Đông Âu, Chính phủ Tây Đức cũng tiến hành điều tra nói là để làm rõ nguyên nhân nhưng sự thật là để bưng bít về các hoạt động phóng thử nghiệm tên lửa bí mật với mục đích quân sự trên đảo Neuwark.

Năm 1982, trước phản ứng dữ dội của dư luận Đức, nhất là của dân chúng bang Hạ Saxony, Chính phủ Tây Đức buộc phải công khai hoạt động thử nghiệm tên lửa tại căn cứ Neuwark đồng thời đề ra nhiều biện pháp bảo vệ an toàn cho cư dân quanh vùng để tránh xảy ra thêm trường hợp tên lửa gặp sự cố rơi xuống khu dân cư gây thiệt hại về nhân mạng.

Ngày nay, Neuwark là một căn cứ thử nghiệm tên lửa với mục đích dân sự, là nơi mà người dân Đức có quyền lui tới để chứng kiến các cuộc phóng thử nghiệm tên lửa

Văn Hoà (theo Historia)
.
.