Canada: Bắt giữ một sĩ quan hải quân vì tội hoạt động gián điệp

Thứ Ba, 14/02/2012, 17:40

Một vụ bê bối gián điệp mới với mức độ nghiêm trọng được đánh giá là "chưa có tiền lệ" đang gây chấn động Canada, sau khi tay sĩ quan hải quân có tên Jeffrey Paul Delisle (40 tuổi) bị bắt giữ với cáo buộc hợp tác với cơ quan tình báo nước ngoài.

Theo khẳng định của Kênh truyền hình CTV dựa trên nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Canada, Delisle đã hoạt động cho tình báo Nga trong suốt 5 năm, trao cho Moskva thông tin di chuyển tàu chiến của các quốc gia đồng minh với Canada, trong đó hàng đầu là Mỹ.

Vụ việc, theo ý kiến của các chuyên gia, sẽ khiến Washington phải cân nhắc xem xét lại mức độ trao đổi thông tin mật chung với Canada. Tay sĩ quan hải quân trên sẽ là gián điệp đầu tiên bị xét xử theo một đạo luật được thông qua từ sau sự kiện 11/9/2001.

Theo những thông tin ban đầu, Cơ quan Phản gián Canada hôm 14/1 vừa qua đã bắt giữ thiếu úy hải quân Jeffrey Paul Delisle vào đúng lúc đối tượng đang chuyển giao tài liệu mật cho một người nước ngoài. Những thông tin cụ thể về vụ án hiện vẫn được giữ kín vì những lý do an ninh quốc gia. Tuy nhiên, giới báo chí địa phương đã kịp khai thác được khá nhiều chi tiết.

Delisle bắt đầu gia nhập hải quân vào năm 1996 với tư cách một quân nhân dự bị. Năm 2008, anh ta được phong hàm sĩ quan, được điều tới phục vụ tại căn cứ hải quân Halifax lớn nhất Canada, là nơi đóng đô của hạm đội Đại Tây Dương.

Vào thời điểm trên, Delisle đã hợp tác và chuyển giao tài liệu mật cho tình báo nước ngoài được một năm. Nguồn tin từ cơ quan phản gián tiết lộ thêm, kẻ bị bắt giữ thường gặp gỡ với các liên lạc viên của mình tại Halifax và Ottawa.

Hậu quả của vụ bê bối gián điệp trên được đánh giá là đặc biệt nghiêm trọng nếu biết rằng, Delisle từng phục vụ tại Trinity, một đơn vị tinh nhuệ của tình báo hải quân, là nơi có quyền tiếp cận những thông tin bí mật nhất không chỉ về Canada mà còn về các đối tác của Ottawa trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Các nhân viên của Trinity từ trước đến nay gần như được tham gia vào tất cả các chiến dịch của NATO, trong đó có cả chiến dịch quân sự tại Libya vào năm ngoái. Vị trí làm việc của Delisle còn giúp anh ta khai thác được hầu hết các thông tin về sự di chuyển của các tàu chiến Mỹ và các nước trong NATO; chưa kể dữ liệu theo dõi các tàu chiến của Trung Quốc, Iran và CHDCND Triều Tiên; các tuyến vận tải hàng hóa chính của những quốc gia này trên khắp thế giới; dữ liệu thu thập được từ các máy bay không người lái do hải quân điều phối; mật mã liên lạc giữa các nước thành viên NATO v.v…

"Điều tra cho thấy, Canada đang rất dễ bị tổn thương trước những mối đe dọa của các nước và các tổ chức đang âm mưu xâm phạm đến chủ quyền quốc gia - Robert Nolson, người đứng đầu Cơ quan Cảnh sát liên bang phát biểu về vụ án - Chúng ta cần phải cảnh giác trước nguy cơ hoạt động gián điệp từ phía nước ngoài và tiếp tục triển khai tất cả các nỗ lực để ngăn ngừa, phát hiện, điều tra cũng như trừng phạt tất cả những hành động trên".

Vụ án gián điệp của Delisle còn được đánh giá sẽ làm tổn hại đáng kể uy tín của Canada trong con mắt của các nước đồng minh. Trang web GlobalSecurity.org còn khẳng định, Mỹ cần phải xem xét lại mức độ trao đổi thông tin mật chung với Canada.

Các tàu chiến của Hải quân Canada.

Khi được yêu cầu bình luận về vụ bê bối, Bộ trưởng Quốc phòng Peter MacKay đã cam đoan với các phóng viên rằng, Canada vẫn đang trong tình trạng an toàn, đồng thời khẳng định không cần lo ngại về ảnh hưởng tới quan hệ của Canada với các nước đồng minh.

Tuy nhiên, những phát biểu trên của ông MacKay được đánh giá chỉ nhằm tự bào chữa và tự trấn an. Nếu xem xét khách quan tất cả những dữ liệu mà Delisle từng có khả năng tiếp cận, Ottawa trong thời gian sắp tới rất có thể phải đón nhận những hậu quả quân sự-chính trị nghiêm trọng trong quan hệ với các đối tác trong NATO.

Ban đầu, báo chí cho rằng, “khách hàng” của Delisle có thể là Trung Quốc, các nước Arập hay thậm chí một tổ chức khủng bố quốc tế nào đó. Tuy nhiên sau đó, kênh truyền hình CTV của Canada dựa trên một nguồn tin từ Bộ Quốc phòng đã thông báo, tình báo Nga chính là khách hàng mua những thông tin mật của Delisle. CTV còn cảnh báo, mức độ hoạt động của tình báo Nga hiện nay đã gia tăng tương đương với quy mô từ thời Chiến tranh lạnh.

Vào năm 2006, Canada từng bắt giữ một đối tượng có tên Paul William Hampel vì nghi ngờ hoạt động gián điệp. Trong quá trình điều tra, nhân vật này thừa nhận là một người Nga và đã bị trục xuất. Mật vụ Canada khi đó cho rằng, kẻ bị bắt giữ là một điệp viên mật hoạt động cho Cơ quan Tình báo đối ngoại Nga (SVR).

Các cơ quan hành pháp Canada thừa nhận, tội trạng của Delisle chưa được chứng minh rõ ràng. Nhiều khả năng, tay sĩ quan này sẽ được thuyết phục hợp tác với cơ quan điều tra, thừa nhận tất cả để đổi lấy khả năng được giảm án phạt. Theo các nhà chức trách, Delisle sẽ bị xét xử dựa trên đạo luật về "An toàn thông tin" được Canada thông qua vào tháng 9/2001.

Điều đáng chú ý là Canada kể từ sau khi đạo luật trên có hiệu lực đã bắt được không ít các gián điệp cũng như phần tử khủng bố, nhưng chưa bao giờ đem ra áp dụng. Chi tiết này đã phần nào cho thấy mức độ nghiêm trọng trong vụ án của Delisle. Theo đó, tay sĩ quan hải quân có nguy cơ phải nhận mức án từ 5 năm tù cho tới chung thân

Thái Quân (tổng hợp)
.
.