Canada: Quan chức công du nước ngoài coi chừng bị theo dõi

Thứ Sáu, 09/08/2013, 17:30

Cơ quan Tình báo An ninh Canada (CSIS) lên tiếng cảnh báo các quan chức chính quyền công du ra nước ngoài có thể bị đánh thuốc mê, bắt cóc hay tống tiền sau khi rơi vào bẫy “ngọt ngào” của một đối tượng khác phái quyến rũ. Đã có nhiều trường hợp các cơ quan tình báo hải ngoại chứng kiến nhân viên của họ - và cả thông tin nhạy cảm mà họ mang theo bên người - trở thành mục tiêu có giá trị cao cho điệp viên nước khác khai thác.

Mối đe dọa có thật này đã thúc đẩy CSIS biên soạn một tập sách đặc biệt tư vấn cho giới quan chức Canada có những biện pháp đề phòng như: không nói chuyện quá nhiều trước mặt tài xế taxi, luôn giữ laptop trong tầm tay của mình hay phải biết cất giấu tài liệu mật trong khu vực an toàn của khách sạn lưu trú.

Nhờ Luật về quyền truy nhập thông tin (AIA) của Canada mà mới đây, báo chí nước này có được bản sao cuốn sách (được đóng dấu "Dành riêng cho quan chức chính quyền") phát hành nội bộ năm 2012 của CSIS có tựa đề "Xa quê hương: Sách hướng dẫn công du an toàn dành cho giới quan chức chính quyền".

Richard Fadden - Giám đốc CSIS lúc đó và hiện là Thứ trưởng Quốc phòng Canada - nhận định, hoạt động gián điệp ngày nay cũng căng thẳng không kém thời Chiến tranh lạnh và do Canada là quốc gia hàng đầu về công nghệ, năng lượng cũng như các lĩnh vực kinh tế khác cho nên "chúng ta là mục tiêu hấp dẫn trước các cơ quan tình báo nước ngoài".

Trong thời đại toàn cầu hóa như hiện nay, hơn bao giờ hết, sự thịnh vượng của Canada phụ thuộc vào việc duy trì một vị thế quốc tế và điều đó có nghĩa là người Canada phải mạnh dạn đầu tư ra nước ngoài cho nên Dick Fadden cảnh báo: "Điều tối quan trọng là phải hành động thật an toàn với đôi mắt mở to".

Trong bức thư kèm theo ấn bản "Xa quê hương" tháng 6/2012 gửi đến Bộ trưởng An ninh lúc đó là Vic Toews, Fadden cho biết, ông có kế hoạch gửi các bản sách đến các thứ trưởng trong chính phủ cũng như tham mưu trưởng của Toews, đồng thời đề nghị Toews phân phát sách đến các quan chức cao cấp khác. Cuốn sách cảnh báo bất cứ chi tiết nào trình báo với nhân viên biên giới hay hãng hàng không đều có thể bị quốc gia chủ nhà thu thập hay chia sẻ với các quốc gia khác.

Khuyến cáo của CSIS đối với giới quan chức bao gồm: hành lý có thể bị lén lút lục soát để sao chép thông tin trên laptop hay điện thoại thông minh, và có khả năng có người theo dõi.

CSIS cũng khuyên: "Không bao giờ trò chuyện trước mặt các tài xế taxi, người phục vụ bàn và chuyên viên pha chế rượu - những người có thể là sĩ quan tình báo hay người đưa tin. Mỗi một mẫu thông tin nhỏ cũng có thể hữu ích cho đối thủ cạnh tranh". CSIS cũng nhắc nhở giới quan chức công du ra nước ngoài tránh nhận những món quà kỹ thuật số tinh xảo bởi vì chúng có thể là công cụ được kiểm soát từ xa để thu thập thông tin tình báo.

Quyển tự truyện của Julie Couillard.

CSIS cũng đề nghị các quan chức khi công du không nên mang theo ra nước ngoài "thiết bị (laptop và điện thoại thông minh) chứa các e-mail, thông tin liên lạc và tài liệu" mà nên sử dụng thiết bị thay thế không chứa dữ liệu nhạy cảm để được xóa sạch khi trở về Canada. Ngoài ra, CSIS cũng cảnh báo về những cái "bẫy ngọt ngào" - đó là lợi dụng sự hấp dẫn giới tính để moi móc thông tin hay tống tiền.

Theo ấn bản của CSIS, "cũng từng có báo cáo về các cá nhân bị nghi ngờ đã bị đánh thuốc mê và sau khi tỉnh dậy mới biết căn phòng khách sạn của mình bị lục soát, điện thoại thông minh bị mất cắp và những tài liệu kinh doanh bí mật biến mất". Do đó, các tài liệu mật cần được giữ trong kho an ninh của Đại sứ quán Canada ở nước ngoài.

Tuy nhiên, điều khôi hài là những sự vi phạm an ninh nổi bật nhất trong quá khứ lại diễn ra ngay trên lãnh thổ Canada chứ không phải trong biên giới các quốc gia khác. Cách đây 5 năm, Ngoại trưởng Maxime Bernier trong Chính phủ Thủ tướng Stephen Harper buộc phải từ chức sau khi thừa nhận đã "để quên" một số tài liệu mật trong căn nhà của bạn gái cũ Julie Couillard ở thành phố Montreal hơn 1 tháng! Sau đó, Couillard trở thành trung tâm của cơn bão chính trị khi quá khứ dính líu đến băng nhóm cưỡi xe môtô của người phụ nữ này bị phát hiện.

Năm 2012, sĩ quan tình báo hải quân Canada Jeffrey Delisle bị tuyên án 20 năm tù sau khi nhận tội chuyển giao thông tin tình báo mật của phương Tây cho Nga để đổi lấy một lượng lớn tiền mặt được trả đều đặn trong thời gian hơn 4 năm. Ấn bản "Xa quê hương" của CSIS cũng nhấn mạnh mối đe dọa bắt cóc từ nhiều nhóm khủng bố phổ biến ở một số quốc gia nhằm đòi tiền chuộc để tài trợ cho các hoạt động phi pháp.

Năm 2011, cựu điệp viên Trung Quốc Li Fengzhi (bỏ ngũ năm 2003 và chạy sang Canada) tuyên bố trong một cuộc họp báo rằng, chính quyền Trung Quốc rất thèm khát đánh cắp các bí mật thương mại, công nghệ cũng như quân sự của Canada cũng như các quốc gia phương Tây khác và Mỹ. Theo Li Fengzhi, các vòi bạch tuộc của tình báo Trung Quốc còn vươn xa đến cả cộng đồng dân sự - các học viện cho đến các tổ chức phi chính phủ. Nhà ngoại giao kỳ cựu Brian McAdam cho biết, chính quyền Trung Quốc tuyển dụng nhiều phụ nữ để giăng "bẫy ngọt ngào".

Theo tiết lộ của McAdam, gần như mọi khách sạn ở Trung Quốc đều có lắp đặt thiết bị theo dõi và nhiều nhà thổ, quán bar karaoke... ở nước này đều nằm dưới sự điều hành của Hội Tam hoàng hợp tác với các cơ quan tình báo Trung Quốc. Mục đích là dụ dỗ những quan chức phương Tây mất cảnh giác vào "bẫy ngọt ngào". McAdam cho biết, những đối tượng sau khi bị rơi vào "bẫy ngọt ngào" sẽ bị vu cáo là cưỡng bức hay mưu toan cưỡng bức phụ nữ (nhất là trẻ vị thành niên) và cuối cùng họ phải lựa chọn hoặc hợp tác với tình báo Trung Quốc hoặc phải ngồi tù

Trang Thuần (tổng hợp)
.
.