Canada cáo buộc tin tặc Trung Quốc tấn công mạng chính quyền
Vừa qua, Canada lên tiếng cáo buộc một nhóm hacker được chính quyền Trung Quốc bảo trợ đang cố gắng xâm nhập mạng máy tính chính quyền nước này, song Bắc Kinh đã thẳng thừng bác bỏ điều này. Mạng máy tính mà Canada đề cập đến thuộc về Ủy ban Nghiên cứu Quốc gia Canada (NRC) - đơn vị làm việc với các công ty bao gồm nhà sản xuất máy bay và tàu hỏa Bombardier Inc.
Cáo buộc được đưa ra trong bối cảnh Canada đang gia tăng hoạt động bán dầu mỏ cho Trung Quốc, bất chấp mối quan hệ giữa hai quốc gia còn chưa ổn định. Cuộc tấn công mạng NRC được cho là do Cơ quan An ninh Viễn thông Canada (CSEC) phát hiện.
Theo Hãng tin Reuters, Adam Hodge - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Canada - tuyên bố: "Chính quyền Canada đánh giá sự việc là rất nghiêm trọng, và chúng tôi đang đưa vấn đề đến các cấp cao nhất của chính quyền Bắc Kinh và Ottawa".
Theo tờ Sydney Morning Herald của Australia, Canada đã có biện pháp đề phòng khi tách mạng máy tính của NRC ra khỏi các mạng khác dù là chúng không được hệ thống của chính quyền sử dụng. Tháng 4/2014, Cơ quan Thuế liên bang Canada cũng báo cáo hacker Trung Quốc xâm nhập dữ liệu mạng lấy cắp thông tin về những người đóng thuế.
Yang Yundong, người phát ngôn cho Đại sứ quán Trung Quốc ở Ottawa, thì một mực khăng khăng bác bỏ cáo buộc tấn công mạng, cho là không có cơ sở.
Hôm 29/7 vừa qua, Ngoại trưởng Canada John Baird đã có cuộc gặp gỡ với người đồng cấp Trung Quốc tại Bắc Kinh để trao đổi thẳng thắng về các quan điểm đôi bên nhân chuyến viếng thăm 7 ngày đến Mông Cổ, Nhật Bản và Trung Quốc. Trong khi đó, Yang Yundong luôn nhấn mạnh rằng chính quyền Trung Quốc phản đối những cuộc tấn công mạng đồng thời cho biết năm 2013 Bắc Kinh cũng hứng chịu nhiều vụ đột nhập hệ thống của họ từ "các máy chủ nước ngoài".
Theo Yang Yundong: "Đó là thách thức chung mà cộng đồng quốc tế phải đối mặt để bảo đảm an ninh mạng. Hiện nay, mối quan hệ ngoại giao Trung Quốc - Canada đang dần phát triển. Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với Canada để tạo lập môi trường không gian ảo hòa bình, an toàn, cởi mở và hợp tác".
Cáo buộc của Canada xuất hiện sau một loạt những động thái từ Washington chống lại Bắc Kinh trong những tháng gần đây, bao gồm vụ buộc tội 5 thành viên quân đội Trung Quốc xâm nhập mạng một số công ty Mỹ. Về phía mình, đầu năm 2014, chính quyền Trung Quốc đã yêu cầu các thể chế tài chính nước này ngưng sử dụng máy tính do Hãng IBM của Mỹ sản xuất.
Năm 2012, một ủy ban Quốc hội Mỹ đã lên tiếng cảnh báo về việc sử dụng công nghệ do các công ty Trung Quốc sản xuất, bao gồm Huawei Technology Co LTD. và ZTE Corporation.
Về phần mình, NRC cho biết đang cố gắng xây dựng lại cơ sở hạ tầng mạng máy tính. Hiện NRC đang hợp tác nghiên cứu với khu vực doanh nghiệp tư nhân nước này để phát triển công nghệ mới. Đây không phải là lần đầu tiên Canada trở thành nạn nhân tấn công mạng vốn được cho là xuất phát từ Trung Quốc - nhưng đây là lần đầu tiên chính quyền Ottawa chính thức lên tiếng cáo buộc đối với Bắc Kinh về vụ tấn công mạng NRC.
Michel Juneau-Katsuya, chuyên gia an ninh và là thành viên Cơ quan Tình báo An ninh Canada (CSIS), khẳng định trong một cuộc phỏng vấn của Hãng tin CBC News (Mỹ): "Trung Quốc là tâm điểm của vấn đề khi đề cập đến gián điệp mạng. Họ đầu tư hàng trăm triệu USD và sử dụng hàng chục nghìn người có chuyên môn về tấn công mạng để phục vụ lợi ích quốc gia". Juneau-Katsuya tin rằng Trung Quốc coi Canada như là "mảnh đất cơ hội để giành lấy tài nguyên thiên nhiên mà họ rất cần".
Tháng 1/2011, chính quyền liên bang Canada buộc phải đóng mạng Internet đối với 2 trung tâm kinh tế đầu não của chính phủ là Bộ Tài chính và Ngân hàng Trung ương Canada sau khi phát hiện một nhóm hacker nước ngoài xâm nhập hệ thống dữ liệu mật liên bang.
Một cuộc tấn công khác xảy ra trước đó nhằm vào Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Canada (DRDC) - thuộc Bộ Quốc phòng (DND) có nhiệm vụ hỗ trợ các nhu cầu công nghệ và khoa học của quân đội Canada - và buộc DRDC phải phong tỏa một trong các máy chủ suốt 2 tháng. Những cuộc tấn công mạng này đều được quy cho các máy chủ đặt tại Trung Quốc.
Thật ra, chính quyền Canada đã trở thành mục tiêu của hacker từ năm 2009, theo cuộc điều tra quốc tế của nhóm chuyên gia công nghệ Canada gọi là Người giám sát chiến tranh thông tin (IWM). Theo IWM, mạng gián điệp điện tử đặt trụ sở chính tại Trung Quốc đã tiến hành vô số cuộc tấn công mạng nhằm vào 1.300 mạng máy tính chính quyền của 103 quốc gia trên thế giới! IWM gọi đó là GhostNet - tức chiến dịch gián điệp mạng khổng lồ.
Trong khi nhiều quốc gia nhanh chóng có những biện pháp củng cố cơ sở hạ tầng viễn thông để đối phó với hacker Trung Quốc, thì ngược lại Canada bình thản như không có chuyện gì xảy ra cho đến mùa thu năm 2010 họ mới bắt đầu thấy lo ngại trước những cuộc xâm nhập mạng và giao nhiệm vụ lập bức tường bảo vệ cho CSEC