Cảnh sát New York ngừng chương trình theo dõi người Hồi giáo

Thứ Hai, 12/05/2014, 21:30

Sở Cảnh sát New York (NYPD) tuyên bố: Chính thức từ bỏ chương trình bí mật cài điệp viên giả dạng dân thường xâm nhập các cộng đồng người Hồi giáo nghe lén những cuộc trò chuyện và sau đó xây dựng các bộ hồ sơ chi tiết về mọi sinh hoạt của họ như: ăn uống, cầu kinh và mua sắm ở những nơi nào.

Quyết định chấm dứt chương trình gián điệp gây tranh cãi của cơ quan cảnh sát lớn nhất nước Mỹ là dấu hiệu đầu tiên cho thấy William J. Bratton - tân lãnh đạo NYPD - không ủng hộ một số phương pháp thu thập thông tin tình báo của người tiền nhiệm. Các chiến thuật trước đây của NYPD đã hứng chịu nhiều chỉ trích gay gắt từ phía các nhóm nhân quyền.

Thậm chí, một quan chức của Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) cũng tuyên bố các chiến thuật tình báo của NYPD gây tổn hại cho an ninh quốc gia do gây mất lòng tin vào luật pháp trong các cộng đồng Hồi giáo.

Đối với nhiều người Hồi giáo, nhóm gián điệp có tên gọi "Đội đánh giá khu vực" (ZAU) - trước kia được gọi là "Đội Nhân khẩu học" (DU) - của NYPD luôn coi mọi sinh hoạt của họ đều đáng nghi ngờ! NYPD lập bản đồ các cộng đồng Hồi giáo ở bên trong lẫn bên ngoài thành phố New York, phái các điệp viên mặc thường phục la cà những nơi có người mặc trang phục Hồi giáo truyền thống đang ăn uống, nghe lén những cuộc nói chuyện của họ tại các quầy bán thức ăn nhanh.

Linda Sarsour, 34 tuổi, Giám đốc Hiệp hội người Arập Mỹ ở New York, cho biết: "ZAU đã tạo nên cuộc chiến tranh tâm lý trong cộng đồng chúng tôi. Họ theo dõi những nơi chúng tôi sinh sống. Quán cà phê nào tôi thường đến ăn uống và nơi tôi cầu kinh hay nơi tôi mua hàng hóa. Họ có thể nhìn xuyên thấu toàn bộ cuộc sống của chúng tôi thể hiện trên các tấm bản đồ này. ZAU hoàn toàn can thiệp vào đời sống tinh thần của chúng tôi".

Tân lãnh đạo NYPD, William J. Bratton.

Stephen Davis, người phát ngôn của NYPD, tuyên bố ZAU không còn hoạt động rầm rộ nữa và mới đây được phân công lại sau khi William Bratton chính thức lãnh đạo NYPD vào tháng 1-2014. Stephen Davis giải thích: "Trong tương lai, chúng tôi sẽ thu thập thông tin - nếu thấy cần thiết - thông qua sự tiếp xúc trực tiếp với cảnh sát khu vực và đại diện của các cộng đồng mà họ phục vụ".

Sự thay đổi của NYPD phản ánh việc đánh giá lại của chính quyền liên bang Mỹ về các chính sách thời hậu 11/9/2001. ZAU, được thành lập năm 2003, là sản phẩm của sĩ quan Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) Lawrence Sanchez khi người này đang làm việc cho NYPD nhưng tên vẫn nằm trong bảng lương của cơ quan tình báo. Các thành viên của ZAU có nhiệm vụ dò tìm những phần tử cực đoan lẩn trốn trong các cộng đồng Hồi giáo trong và ngoài thành phố New York để phát hiện sớm những âm mưu khủng bố.

ZAU gồm khoảng chục thành viên, lân la làm quen với nhân viên các doanh nghiệp do người Hồi giáo làm chủ để dò la quan điểm về nước Mỹ và chính sách đối ngoại của nước này. Căn cứ vào các bản đồ và ảnh chụp, ZAU biết được những nơi mà người Albania chơi cờ vào buổi chiều, người Ai Cập xem bóng đá và người vùng Nam Á chơi cricket. Tuy nhiên, sau nhiều năm dài thu thập thông tin tình báo, NYPD vẫn không hề phát hiện được "mầm móng cực đoan" nào trong các cộng đồng người Hồi giáo ở New York!

Sau khi Hãng tin Associated Press (AP) công bố các tài liệu mô tả hoạt động gián điệp của NYPD vào năm 2011, người Hồi giáo và các nhóm nhân quyền bắt đầu lên tiếng phản đối và yêu cầu cơ quan cảnh sát chấm dứt chương trình bí mật của họ.

Linda Sarsour, Giám đốc Hiệp hội người Arập Mỹ ở New York.

Vào đầu tháng 4, William Bratton có cuộc họp với những người chỉ trích các chính sách của NYPD một cách gay gắt nhất để bàn luận về những biện pháp cải tổ cơ quan của ông.

Ahmad Jaber, người tự nguyện rời khỏi bộ phận chuyên trách về các cộng đồng người Hồi giáo vào năm 2013 để chống đối các chiến thuật gián điệp vi phạm nhân quyền của NYPD, bày tỏ: "Đây là lần đầu tiên chúng tôi cảm thấy thoải mái khi ngồi lại với nhau. NYPD đã có ban lãnh đạo mới sẵn sàng lắng nghe tâm tư của mọi người".

Ngoài ZAU, các thám tử NYPD còn xâm nhập các nhóm sinh viên người Hồi giáo tại các trường đại học Mỹ để thu thập tên tuổi, số điện thoại và địa chỉ nơi cư trú của họ. Các chuyên gia phân tích của NYPD sục sạo các trang web và e-mail nhằm theo dõi các học giả người Hồi giáo và những người tham dự các buổi thuyết trình của họ. Cảnh sát cũng cho rằng, toàn bộ các thánh đường Hồi giáo có khả năng là "các tổ chức khủng bố" để cho phép các điệp viên ghi lại biển số xe trong bãi đỗ xe của các tòa nhà tôn giáo, kín đáo quay phim tất cả những ai ra vào những nơi này và sử dụng microphone giấu trong người để ghi âm các bài thuyết giáo.

Tân Thị trưởng New York Bill de Blasio bày tỏ, ông "rất lo lắng" trước chiến thuật gián điệp các thánh đường Hồi giáo của NYPD. Nhưng, bất chấp nỗ lực điều tra kéo dài qua nhiều năm, cuối cùng NYPD vẫn không có được bằng chứng nào để có thể buộc tội một thánh đường hay một tổ chức Hồi giáo nào là "tổ chức khủng bố" cả

Trang Thuần (tổng hợp)
.
.