Cha đẻ bom nguyên tử: “Bàn tay chúng tôi đã vấy máu đồng loại”

Chủ Nhật, 16/08/2015, 13:00
70 năm đã trôi qua, kể từ thời điểm trái bom nguyên tử đầu tiên xuất hiện trong lịch sử nhân loại, nhiều thông tin xoay quanh sự kiện này vừa hết thời hạn bảo mật, đã hé lộ về chương trình chế tạo vũ khí tốn kém nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Đứng trước nguy cơ nước Đức phát xít có thể chế tạo thành công bom nguyên tử, góp phần giúp A. Hitler giành thắng lợi mang tính quyết định trong Thế chiến II, ngay từ giữa năm 1942, Tổng thống Mỹ  Franklin Roosevelt đã cho thành lập Dự án Manhattan, với nguồn kinh phí khổng lồ vào thời điểm ấy là 2 tỉ USD để nghiên cứu và chế tạo thứ vũ khí hủy diệt hàng loạt đáng sợ nhất.

Dự án Manhattan được xem là chương trình nghiên cứu khoa học có kinh phí chỉ đứng sau Dự án Chinh phục mặt trăng vào năm 1969 với 4,5 tỉ USD. Người được bổ nhiệm đứng đầu Dự án Manhattan là giáo sư vật lý Mỹ Julius Robert Oppenheimer, Giám đốc đầu tiên của Phòng thí nghiệm Quốc gia (LANL) có trụ sở đặt tại thành phố Los Alamos (tiểu bang New Mexico), người đi vào lịch sử như là "cha đẻ" của bom hạt nhân. Dưới quyền Giám đốc J. R. Oppenheimer quy tụ một đội ngũ các nhà khoa học hàng đầu thế giới, trong đó có 4 người đoạt Giải Nobel Vật lý là Niels Bohr, người Đan Mạch; Enrico Fermi, người Italia; Richard Feynman, người Mỹ gốc Do Thái và Hans Bethe, người Mỹ gốc Đức.

Nhà khoa học J. R. Oppenheimer.

Theo tiết lộ của bà Heather McClanahan, Giám đốc lâu năm của Viện Bảo tàng Lịch sử Los Alamos, thì trong thời gian diễn ra Dự án Manhattan có khoảng 6.000 nhà khoa học cùng thân nhân của họ cư ngụ trên địa bàn Los Alamos. Còn trên cả nước có hơn 125.000 người thuộc đủ các lĩnh vực ngành nghề khác nhau, đã nỗ lực tham gia vào chương trình chế tạo bom nguyên tử theo yêu cầu của quân đội Mỹ. Tuy nhiên, chỉ có số ít được biết mục đích thực sự về công việc mình đang làm.

Tổng cộng có 3 quả bom vận hành theo nguyên lý phản ứng hạt nhân đã được nghiên cứu và gấp rút chế tạo tại LANL. Cặp bom đầu tiên mang mật danh là "Gadget" (Cái mở hộp) và "Little Boy" (Cậu bé) thuộc loại bom có lõi uranium, còn trái bom thứ 3 mang mật danh "Fat Man" (Chàng mập) có lõi là plutonium với sức công phá mạnh hơn nhiều. Vào ngày 16/7/1945, quả bom "Gadget" đã được cho kích nổ qua chương trình thử nghiệm với mật danh "Trinity" (Chúa ba ngôi) trên sa mạc Alamogordo, cũng thuộc tiểu bang New Mexico nằm cách LANL 25km theo đường chim bay, cho thấy sức tàn phá ghê gớm của nó.

Trái bom nguyên tử đầu tiên mang tên “Gadget’.

Nhưng chưa đầy một tháng sau, nhằm bẻ gãy sức đề kháng của quân đội Nhật Bản, 2 trái bom nguyên tử còn lại đã được lần lượt ném xuống hai thành phố Hiroshima (ngày 6/8) và Nagasaki (ngày 9/8), cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người ngay một lúc, cũng như để lại di chứng cho các thế hệ sau cho đến tận ngày nay.

Khi đài phát thanh Mỹ đưa tin quả bom đầu tiên “Little Boy” đã nổ đúng theo kế hoạch trên đất Nhật, giáo sư Oppenheimer đã bật dậy khỏi chỗ ngồi, tiến lại phía các đồng nghiệp như người mất hồn, rồi ông thốt lên một câu trong trường ca Bhagavad Gita, tác phẩm tiếng Phạn cổ nổi tiếng nhất với người theo đạo Hindu ở Ấn Độ: "Giờ đây ta đã biến thành thần chết, kẻ hủy diệt cả thế gian này".

Trong buổi tiếp tân tại Nhà Trắng sau khi quân Nhật đầu hàng vô điều kiện, Tổng thống Harry S. Truman tỏ ý khen ngợi những người thực hiện Dự án Manhattan đã góp phần đem lại chiến thắng kết thúc Thế chiến II, ông Oppenheimer liền đáp lại: "Thật ra bàn tay chúng tôi đã vấy máu đồng loại…". Cho đến lúc cuối đời, giáo sư Oppenheimer luôn sống trong tâm trạng hối hận day dứt khôn nguôi vì đã chế tạo ra một trong những vũ khí  hủy diệt loài người.

Thu Hường (theo Deutsche Welle)
.
.