Cha đẻ thuyết tương đối và mối tình với nữ điệp viên Liên Xô
- Picasso đã vẽ thuyết tương đối của Einstein?
- Bé 12 tuổi có chỉ số IQ cao hơn nhà bác học Einstein
- Thư của nhà bác học Einstein trị giá gần nửa triệu đôla
Cơ quan tình báo Liên Xô còn giao nhiệm vụ cho nữ điệp viên này thông qua các mối quan hệ đặc biệt của Albert Einstein đánh cắp những tin tức tình báo tuyệt mật về quá trình nghiên cứu chế tạo bom nguyên tử cũng như việc phát triển của ngành vật lý nguyên tử Mỹ. Chính nhà bác học lỗi lạc là người rơi vào tấm lưới tình nhưng "con chim sơn ca mồi" trong lưới cũng không thoát khỏi những hệ lụy.
Năm 1933, sau khi trở thành quốc trưởng của Đệ tam đế chế, trùm phát xít Adolf Hitler bắt đầu cho thực thi chính sách diệt chủng, đặc biệt nhắm đến người Do Thái. Hàng loạt nhà khoa học châu Âu, trong đó có Robert Oppenheimer, người sau này trở thành cha đẻ của bom nguyên tử, phải rời quê hương sang Mỹ lánh nạn. Lúc này, dưới sự chỉ đạo của Werner Heiseinberg, các nhà khoa học Đức cũng đang đẩy mạnh việc nghiên cứu một loại vũ khí mới có sức hủy diệt cực lớn.
Margarita Konenkova (ảnh chụp trước khi bà cùng chồng sang Mỹ). |
Mùa hè năm 1939, nhà khoa học gốc Hunggari Galdbach lên tiếng yêu cầu chính phủ Mỹ đi trước Đức trong việc nghiên cứu chế tạo bom nguyên tử. Tuy nhiên, nhà cầm quyền Mỹ khi tiếp nhận bản kiến nghị này đã tỏ ra xem thường. Cảm thấy thất vọng, Galback đã tìm tới nhà bác học lừng danh Albert Einstein thuyết phục ông trực tiếp gửi thư cho Tổng thống Mỹ F. Roosevelt nói rõ việc phá vỡ hạt nhân nguyên tử có thể sẽ giúp chế tạo ra một loại bom mới có uy lực cực lớn. Albert Einstein đồng ý, đề nghị Galdbach thảo một bức thư, sau đó tự tay ký tên vào đó rồi gửi cho Tổng thống F. Roosevelt.
Ngày 7-12-1941, bị quân Nhật bất ngờ tập kích ở Trân Châu cảng, Mỹ chính thức trở thành nước tham gia vào Chiến tranh thế giới lần thứ 2. Kiến nghị nghiên cứu chế tạo bom nguyên tử cũng nhanh chóng được phê chuẩn. Mùa hè năm 1942, đứng trước dã tâm ngày càng lớn của phát xít Đức, Mỹ bí mật chi 2,5 tỷ USD cho Dự án Manhattan, đẩy mạnh việc nghiên cứu chế tạo bom nguyên tử. Dưới sự chỉ đạo của nhà vật lý Robert Oppenheimer, dự án Manhattan đã huy động được sự tham gia của một đội ngũ đông đảo các nhà khoa học và nhân viên kỹ thuật Mỹ, lúc đông nhất lên tới 100.000 người.
Ngày 16-7-1945, Mỹ thử nghiệm thành công quả bom nguyên tử đầu tiên. Đối mặt với "hiểm họa nhãn tiền" từ Wasshington, Moscow càng quyết tâm đẩy mạnh việc nghiên cứu chế tạo bom nguyên tử. Ngày 18-8-1945, Ủy ban Quốc phòng Liên Xô quyết định thành lập tiểu ban đặc biệt chuyên trách việc nghiên cứu chế tạo bom nguyên tử, nhưng xem ra khó có thể bắt kịp Mỹ bằng phương pháp danh chính ngôn thuận, Cơ quan tình báo Liên Xô phải vào cuộc và họ đã không mất nhiều thời gian để tìm và đào tạo một điệp viên với điệp vụ chuyên biệt bởi họ đã có sẵn "những con chim mồi" mang vỏ bọc hoàn hảo.
Đó là nhà điêu khắc nổi tiếng Sergey Konenkov và vợ là Margarita, hai người đến New York vào năm 1923 để tham gia cuộc triển lãm nghệ thuật Liên Xô nhưng họ không quay về quê hương vì theo lời của Sergey Konenkov, "nước Mỹ mới là mảnh đất ươm mầm cho những tài năng và niềm đam mê nghệ thuật".
Trong khi ông Sergey Konenkov miệt mài với những tác phẩm điêu khắc, Margarita thì đầu tư công sức cho một phòng trà ở Greenwich Village, nơi bà dành để tiếp đãi các chính trị gia Mỹ nổi tiếng và các mệnh phụ phu nhân. Tài ngoại giao và nhãn quan nghệ thuật tinh tế của Margarita nhanh chóng được truyền tai và giúp bà có mối quan hệ cá nhân với đệ nhất phu nhân Eleanor Roosevelt. Từ đây, Margarita dễ dàng tiếp cận với vợ chồng "cha đẻ của bom nguyên tử" Robert Oppenheimer, và vào năm 1935, bà gặp gỡ Albert Einstein, lúc đó đang giảng dạy tại Đại học Priceton.
Mối lương duyên này được tạo nên hoàn toàn tình cờ: Lãnh đạo Trường Priceton muốn tạc một bức tượng Einstein để trưng bày và họ đã mời Sergey Konencov, nhà điêu khắc tài hoa người Liên Xô thực hiện bức tượng.
Khi vừa chạm mặt người tạc tượng mình và bóng hồng bên cạnh, Einstein ngay lập tức bị vẻ đẹp đằm thắm và bí ẩn của Margarita cuốn hút. Lúc nhận chỉ thị trực tiếp từ Lisa Zarubina, vợ của Trưởng cơ quan tình báo Liên Xô ở Mỹ, ban đầu Margarita vẫn nghĩ đây cũng chỉ là một trong những nhiệm vụ mà bà phải hoàn thành như bất kỳ các nhiệm vụ trước đó.
Margarita lộng lẫy và đầy quyến rũ. Bà khiến tất cả đàn ông đều si mê khi gặp mình, trong đó có không ít nhân vật nổi tiếng như nhạc sĩ Sergey Rakhmaninov, danh ca Feodor Shaliapin. Nhưng bản thân của Margarita cũng không ngờ rằng, chính bà cũng lại bị thu hút bởi trí tuệ uyên bác và phong cách nói chuyện thông minh, không kém phần dí dỏm của Cha đẻ Thuyết tương đối có mái tóc bù xù. Dù đây là lần gặp đầu tiên nhưng cả hai đều bị trúng "mũi tên vàng của thần tình yêu Cupidon".
Đương nhiên, Albert Einstein không hề biết Margarita Konenkova là một nữ điệp viên của Liên Xô đang hoạt động tại Mỹ, ông chỉ biết Margarita là một phụ nữ Nga xinh đẹp thông minh đang có những hoạt động tích cực trong các phong trào phản đối chiến tranh. Tháng 5-1940, cả châu Âu lan tỏa bầu không khí chiến tranh thế giới.
Margarita Konenkova (bìa trái) chụp cùng gia đình Einstein tại vườn nhà ông ở Prinston, năm 1935. Ảnh: TASS. |
Trong thời gian nhà điêu khắc hoàn thành bức tượng Albert Einstein thì Margarita Konenkova đã cùng những kiều dân Nga đang sinh sống tại Mỹ xuống đường tham gia phong trào phản chiến. Nhờ những cống hiến tích cực của mình mà Margarita Konenkova đã được bầu làm Tổng thư ký Hiệp hội trợ giúp Liên Xô tại Mỹ. Hình ảnh của Margarita Konenkova xuất hiện trên các trang báo nổi tiếng của Mỹ lúc bấy giờ, tiếng tăm cùng sức ảnh hưởng của người phụ nữ Nga xinh đẹp được làng báo chí Mỹ xem là một hình mẫu phụ nữ hiện đại.
Sau một thời gian dài chôn giấu tình cảm, Albert Einstein đã mạnh dạn đưa ra lời hẹn hò chính thức cùng Margarita và nhận được sự đồng thuận chỉ vài ngày sau đó. Bắt đầu từ đây, Albert Einstein và Margarita bí mật qua lại với nhau. Những cánh thư viết vội cho nhau ngập tràn những lời yêu thương xuất phát từ hai con tim bị dồn nén càng làm cho cả Albert Einstein và Margarita Konenkova cảm thấy tình yêu của mình dành cho người kia ngày càng sâu đậm.
Đây cũng là lúc "kỳ thủ" Margarita nhận lệnh phải có những bước chuyển động trên bàn cờ. Khi thời gian hoàn thành bức điêu khắc sắp đến gần, Albert Einstein lo sợ không được ở bên người tình nữa. Hai người lên kế hoạch nói dối là cô bị bệnh phải ở lại Mỹ chữa trị một thời gian không thể về Liên Xô ngay được.
Với sự hỗ trợ bí mật của các bác sĩ tiếng tăm của Mỹ lúc đó, Margarita Konenkova không khó khăn gì làm cho chồng cô tin rằng vợ mình thật sự mắc bệnh. Và chồng Margarita đã trở về Liên Xô một mình vì có việc gấp, để người vợ xinh đẹp ở lại nước Mỹ.
Thế là hai người kết thúc những ngày tháng hẹn hò lén lút, tình cảm bị dồn nén bấy lâu nay mới có cơ hội bùng cháy mạnh mẽ. Dù đã có thể ở bên Albert Einstein, dành tình cảm chân thành và sâu đậm cho ông nhưng Margarita Konenkova vẫn không thể quên nhiệm vụ của mình. Những thông tin mà Margarita Konenkova đưa về cho Cục Tình báo Liên Xô được đánh giá là rất có giá trị nhưng cũng chính vì điều này làm cho Margarita Konenkova thêm dằn vặt đau khổ.
Ngày 6-8-1945, Mỹ ném hai quả bom nguyên tử xuống hai thành phố của Nhật Bản là Hiroshima và Nagasaki. Lúc này, Cục Tình báo Liên Xô càng giục Margarita Konenkova phải nhanh chóng có được nguyên lý chế tạo bom nguyên tử để phá tan thế độc quyền về vũ khí hạt nhân của Mỹ trên thế giới, mà người nắm giữ nguyên lý chế tạo đó lại là nhà bác học Albert Einstein.
Giữa tháng 8, Margarita cùng Albert Einstein tới khu nghỉ mát Saranack. Nhiệm vụ nặng nề khiến Margarita không còn tâm trí nào cho "tuần trăng mật không chính thức". Margarita biết rằng cấp trên của mình khống chế điệp viên rất nghiêm ngặt. Nếu đào thoát, rũ bỏ trách nhiệm ở lại Mỹ với Albert Einstein, người thân của Margarita ở trong nước sẽ bị liên lụy.
Cuối cùng, trong làn nước mắt giàn giụa, Margarita tự thú mọi chuyện với người yêu rồi thỉnh cầu Albert Einstein đi gặp Phó Lãnh sự Liên Xô tại Mỹ Mikhailov. Không khỏi bàng hoàng khi sự thật được phơi bày, nhưng trước sự đau khổ khôn cùng của người yêu và những phiền phức mà người yêu phải chịu nếu không hoàn thành nhiệm vụ, cuối cùng, Albert Einstein quyết định mạo hiểm.
Cũng như nhiều nhà khoa học tham gia Dự án Manhattan, luôn cảm thấy dằn vặt lương tâm, Albert Enstein từ lâu cũng có ý định cung cấp cho Liên Xô những tin tức liên quan đến việc nghiên cứu chế tạo bom nguyên tử để tạo thế cân bằng, không cho Mỹ độc quyền bom nguyên tử. Lúc đầu, nhằm giành ưu thế với Đức trong việc nghiên cứu chế tạo bom nguyên tử, Albert Einstein đã đồng ý với đề nghị của Galback.
Sau đó, nhằm ngăn chặn khả năng xảy ra chiến tranh hạt nhân đơn cực, đối với một người yêu hòa bình như Albert Einstein, việc "giúp" Liên Xô đẩy nhanh việc nghiên cứu chế tạo bom nguyên tử cũng là điều dễ hiểu. Trong cuộc gặp bí mật với phó Lãnh sự Liên Xô tại Mỹ Mikhailov, Albert Einstein đã được gợi ý viết một bức điện cho Viện khoa học Liên Xô. Albert Einstein đã đồng ý với lời đề nghị đó.
Tới nay, tuy chưa có văn bản hay lời truyền khẩu nào khẳng định trong cuộc gặp đó, Albert Einstein có cung cấp thông tin tình báo giá trị nào cho Liên Xô hay không, nhưng rõ ràng việc nhà bác học vĩ đại này chịu nói chuyện với những người cộng sản và ủng hộ Liên Xô phát triển bom nguyên tử, rõ ràng trong việc này có công lớn của Margarita.
Khi quyết định cho phép Margarita lộ chân tướng điệp viên với Albert Einstein, cơ quan tình báo Liên Xô cũng đã tính tới phương án rút điệp viên này về nước vào một thời điểm thích hợp. Trên thực tế, nhằm đảm bảo an toàn tình báo và tránh những rắc rối ngoại giao không cần thiết, Margarita được lệnh tìm cách quay về Liên Xô. Khi nhận được tin này từ chính Margarita, Albert Einstein vô cùng đau khổ, ông cầu xin bà ở lại Mỹ. Nhưng sau đó bình tâm nghĩ lại, Albert Einstein hiểu rằng ở lại Mỹ là chuyện hết sức nguy hiểm cho cả hai người, nhất là đối với Margarita.
Tháng 12-1945 Margarita Konenkova trở về Liên Xô, người ta không thấy Albert Einstein đưa bà ra sân bay nhưng trên tay của Margarita Konenkova có đeo chiếc đồng hồ bằng vàng mà ông trao tặng. Để xoa dịu nỗi đau gây ra bởi cuộc chia ly ngoài ý muốn với Margarita, theo chỉ thị của cơ quan tình báo Liên Xô, Margarita gửi cho Albert Einstein một địa chỉ nhận thư gián tiếp. Qua đó, hai người vẫn tiếp tục trao đổi thư từ với nhau, cuộc sống tinh thần của Albert Einstein như thế vẫn được "vỗ về".
Không lâu sau, Liên Xô và Mỹ lâm vào Chiến tranh Lạnh, Margarita buộc phải cắt đứt mọi liên hệ với Albert Einstein. Ở Liên Xô, nhằm ghi nhận công lao của Margarita, cơ quan tình báo Liên Xô đã dành cho nữ điệp viên này một khoản tiền thưởng lớn và cấp cho vợ chồng bà một ngôi biệt thự sang trọng ở ngoại ô Moscow.
Tháng 4-1955, Albert Einstein qua đời vì bệnh ung thư động mạch ở tuổi 76, người ta tìm thấy một tấm hình nhỏ của Margarita Konenkova trên túi áo ngực của ông. Năm 1950, Cục Điều tra liên bang Mỹ FBI đã có nhiều bằng chứng cho thấy nhà bác học Albert Einstein làm nội gián cho phía Liên Xô và bí mật lập hồ sơ theo dõi ông.
Ngày 10-2, FBI bắt giữ Klaus Fuchs, người được Albert Einstein giới thiệu vào làm việc tại dự án Manhattan vì tình nghi làm gián điệp cho Liên Xô. Sau vụ bắt giữ này, Giám đốc FBI John Edgar Hoover càng chắc chắn rằng Albert Einstein đã giúp đỡ Liên Xô trong sản xuất vũ khí nguyên tử. Sau quá trình điều tra theo dõi mọi động tĩnh của Albert Einstein, FBI đã thu được một tập hồ sơ dày đến 1.800 trang. Việc này chỉ kết thúc khi ông qua đời và 1.800 trang hồ sơ được cất vào kho lưu trữ của FBI.
Năm 1980, 6 năm sau khi chồng mất, Margarita cũng qua đời. Trước khi mất, bà nhờ người thân đem đốt tất cả những tài liệu quan đến cuộc đời và sự nghiệp, chỉ nêu ý nguyện được mang theo bên mình 9 bức thư tình và chiếc đồng hồ vàng - kỷ vật của Albert Einstein.