Tiết lộ âm mưu đảo chính gây chấn động chính trường Brazil
Và dư luận báo chí ở Brazil bắt đầu dùng từ "đảo chính" để nói đến cuộc bỏ phiếu quyết định luận tội bà Rousseff, vì nó có đầy đủ những yếu tố của một cuộc đảo chính thật sự, trong đó bao gồm một âm mưu, một kế hoạch, hành động cụ thể và có cả vai trò không thể thiếu của quân đội.
Bản ghi chép đoạn ghi âm dài 75 phút đã được tờ báo lớn nhất Brazil, Folha de Sao Paulo đăng tải trong số báo ra ngày 23-5. Nội dung ghi âm tiết lộ những cuộc nói chuyện bí mật vào tháng 3-2016, vài tuần trước thời điểm Hạ viện Brazil tổ chức bỏ phiếu luận tội nữ Tổng thống dân cử Dilma Rousseff. Không rõ đoạn ghi âm nói trên đã được thực hiện bằng cách nào và bằng cách nào nó được tung lên mặt báo, nhưng tờ báo Intercept dẫn lời chính ông Juca xác nhận rằng cuộc trò chuyện bí mật diễn ra tại nhà riêng của ông hoặc tại văn phòng làm việc của ông.
Sau vụ tiết lộ ghi âm, Tổng thống lâm thời Michel Tamer khó có thể ngồi lâu trên chiếc ghế không phải của mình. |
Tờ Intercept dẫn lại tờ Folha cho biết, nội dung ghi âm các cuộc trò chuyện giữa ông Romero Juca - Bộ trưởng Kế hoạch trong chính phủ lâm thời của Tổng thống Michel Tamer - với ông Sergio Machado, một cựu Thượng nghị sĩ; cả hai đều đang là đối tượng điều tra trong cuộc điều tra chống tham nhũng mang tên Lava Jato (Rửa Xe).
Một đoạn ghi âm được báo Folha trích dẫn cho thấy ông Machado yêu cầu ông Juca "giúp đỡ" ngăn chặn cuộc điều tra, vì nếu không sẽ có rất nhiều người, trong đó có hàng chục chính khách, kể cả bản thân Juca và Machado, sẽ phải ngồi tù hoặc chí ít cũng phải đối mặt với các cơ quan chức năng. Juca đồng ý là cần thiết phải có một "thỏa thuận quốc gia" để hạn chế cuộc điều tra. Juca nói với Machado rằng, "chính phủ phải được thay thế để dừng cuộc chảy máu này lại" - Folha trích dẫn.
Dân chúng Brazil biểu tình phản đối ông Tamer tại nơi ở của ông ở Sao Paulo. |
Nội dung bản ghi âm chứa đầy những câu tuyên bố về mục tiêu thật sự của việc luận tội và những ai đứng đằng sau nó. Đặc biệt là nhấn mạnh vai trò quan trọng của các cơ quan, định chế quyền lực mạnh nhất nước trong việc phế truất bà Rousseff: Đó là các lãnh đạo quân đội Brazil, là những thẩm phán Tòa án Tối cao Brazil. Cái mà Juca gọi là "thỏa thuận quốc gia" chính là sự hợp tác, phối hợp của những lãnh đạo quân đội, thẩm phán Tòa án tối cao và các nghị sĩ trong Quốc hội để triển khai tiến trình luận tội bà Rousseff nhằm mục tiêu duy nhất là ngăn chặn ngay lập tức cuộc điều tra Lava Jato để cứu lấy bản thân Juca và nhiều người nữa trong vây cánh của ông ta.
Trong ghi âm, Juca nói rằng, ông ta đã tiếp xúc các tướng chỉ huy quân đội và đã nhận được sự ủng hộ của họ cho kế hoạch phế truất bà Rousseff. Juca nói, các tướng chỉ huy quân đội cho biết đang giám sát Phong trào Công nhân Không đất (MST), một phong trào của công nhân vùng nông thôn ủng hộ đảng Công nhân (PT) của bà Rousseff. Juca cũng tuyên bố đã tiếp xúc và nhận được sự ủng hộ của rất nhiều thẩm phán tại Tòa án Tối cao, nơi được xem là luôn tìm mọi cách để đảm bảo cuộc luận tội, phế truất bà Rousseff diễn ra một cách hợp pháp.
Thẩm phán duy nhất mà Juca không thể tiếp cận để lôi kéo là Teori Zavascki do bà Rousseff bổ nhiệm và quan trọng hơn là người mà Juca không thể đút lót để mua chuộc sự giúp đỡ thực hiện âm mưu chặn cuộc điều tra Lava Jato.
Ngày 23-5, ngay sau khi báo Folha đăng tải nội dung ghi âm, ông Juca đã buộc phải từ chức trước các cáo buộc ông âm mưu cản trở cuộc điều tra chống tham nhũng lớn nhất nước. Sự ra đi của Bộ trưởng Juca đã giáng một đòn nặng vào Chính phủ lâm thời của ông Michel Tamer. Là một nhà kinh tế học được đào tạo bài bản và có trên 20 năm trong Thượng viện, Juca là thành viên then chốt trong việc vận động Quốc hội Brazil thông qua dự toán ngân sách mới để tránh cho Chính phủ phải đóng cửa vào tháng 6.
Bên cạnh đó, hàng loạt chính sách kinh tế quan trọng mà Chính phủ lâm thời của ông Tamer cũng cần những nhân vật giàu uy tín như ông Juca chủ trì vận động trong Quốc hội để bảo đảm chúng được thông qua. Trong các chính sách đó bao gồm cả những thay đổi liên quan đến các chương trình an sinh xã hội vì người nghèo, chính sách bảo hiểm xã hội ưu đãi có từ thời Tổng thống Lula Da Silva được Chính phủ của bà Rousseff tiếp tục triển khai.Tamer đổ lỗi cho các chính sách này tạo nên gánh nặng làm suy yếu nền kinh tế, cho nên ông ta quyết tâm xóa bỏ chúng.
Và quyết định này của ông Tamer đang làm vui lòng thành phần ưu tú trong xã hội Brazil - vốn đối nghịch với các tầng lớp thấp hơn trong xã hội vì mâu thuẫn trong phân chia tài sản xã hội và phân hóa giàu nghèo - nhưng đồng thời cũng sẽ khiến cho đại bộ phận dân chúng Brazil có thu nhập trung bình và thấp bất bình.
Sự ra đi của Juca cho thấy Chính phủ của ông Tamer đã bất ổn ngay từ khi mới được "dựng tạm" lên. Trước hết là việc ông bổ nhiệm hàng loạt bộ trưởng là những người thân tín bị "dính chàm" trong cuộc điều tra Lava Jato. Rồi kế đến ông Tamer lại quyết định sáp nhập nó vào Bộ Giáo dục "để tiết kiệm chi tiêu".
Vụ sáp nhập này đã gây nên làn sóng phản đối dữ dội trong giới văn nghệ sĩ, dẫn đến các cuộc biểu tình rầm rộ trước nhà riêng của ông Tamer tại bang Sao Paulo. Rốt cuộc Tamer đành phải thực hiện một động thái "giữ thể diện" là thành lập lại Bộ Văn hóa. Vụ đó vừa tạm lắng lại đến vụ Juca.
Tờ báo Estado de Sao Paulo hôm 23-5 nhận định rằng, việc hy sinh "con bài" Juca là cách duy nhất ông Tamer có thể làm vào lúc này, nhưng nó vẫn sẽ không giải quyết được các vấn đề mà chính phủ của ông đang phải đối mặt. Bởi, Juca ra đi nhưng dấu vết âm mưu đảo chính vẫn còn lưu lại trong đoạn ghi âm đã được đăng báo. Nó là mồi lửa cho một làn sóng mới xuống đường, không phải để chống bà Rousseff nữa mà là chống ông Tamer - kẻ đang bị cáo buộc dùng công cụ tư pháp để làm đảo chính, đoạt lấy quyền lực từ tay bà Rousseff.
Cuộc biểu tình phản đối ông Tamer đã diễn ra đêm 22-5. Tờ báo Intercept phân tích, nếu sau vụ tiết lộ ghi âm này mà việc luận tội bà Rousseff vẫn tiếp tục tiến hành, thì những nội dung trong đoạn ghi âm này cũng sẽ khiến cho ông Tamer rất khó tiếp tục ngồi trên chiếc ghế không phải của mình. Dân chúng Brazil đang rất "mệt mỏi" với những màn đấu đá chính trị liên miên trong thời gian qua, cho nên hiện nay có đến trên 60% mong muốn một cuộc bầu cử mới để họ bầu lại vị tổng thống mà họ tín nhiệm.
Đây lại chính là nỗi ám ảnh khó chịu đối với thành phần ưu tú Brazil, vì họ lo sợ những chính khách có đường lối giống ông Lula da Silva sẽ lại giành chiến thắng, trong đó đáng chú ý nhất là cựu Bộ trưởng Môi trường Marina Silva - người đang có uy tín rất cao trong cử tri Brazil.