Chặn kế hoạch sản xuất vũ khí hạt nhân của Triều Tiên: Còn nhiều gian nan!

Thứ Ba, 11/10/2016, 13:45
Sau khi Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho tuyên bố "Triều Tiên không còn sự lựa chọn nào khác" và sẽ tiếp tục tăng cường năng lực hạt nhân bất chấp nghị quyết của Liên Hiệp Quốc (LHQ), Mỹ và nhiều nước Đông Bắc Á đã có những phản ứng quyết liệt.

Lần đầu tiên các công ty của Trung Quốc vi phạm nghị quyết của LHQ đã bị trừng phạt. Bán đảo Triều Tiên đang nóng hơn bao giờ hết với những tuyên bố theo kiểu "lên nòng" từ cả các phía. Sẽ là quá nguy hiểm cho khu vực nếu chiến tranh hạt nhân nổ ra.

Bao vây, chặn tiếp viện

Ngoại trưởng Ri Yong-ho đã chỉ trích việc Mỹ điều các siêu máy bay ném bom tới Hàn Quốc, điều này khiến Washington phải đối diện với những "hậu quả khủng khiếp"; chiến tranh hạt nhân có thể xảy ra và "Seoul sẽ thành đống tro tàn", thì ở bên kia, Hàn Quốc cũng khẳng định sẽ đáp trả thích đáng mọi hành động của Triều Tiên.

Trong khi đó, Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính Mỹ cho biết việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Công ty Hồng Tường Đan Đông (Hongxiang Dandong), chi nhánh tại thành phố Đan Đông (Dandong), tỉnh Liêu Ninh, Đông Bắc Trung Quốc cùng bốn đối tượng vì đã "sử dụng một mạng lưới trái phép hỗ trợ chương trình phổ biến vũ khí hạt nhân của Triều Tiên".

Một đơn vị hoạt động trong chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Ảnh: world.fedpress.ru.

Bộ Tài chính Mỹ cũng cho biết, đã đóng băng 25 tài khoản ngân hàng do Hồng Tường Đan Đông kiểm soát với cáo buộc "liên quan tới hoạt động rửa tiền". Báo "JoongAng" của Hàn Quốc đưa tin Chủ tịch Công ty Hồng Tường bà Mã Hiểu Hồng (Ma Xiaohong), 44 tuổi, đã bị bắt. Hiện một số quan chức thành phố cùng nhân viên hải quan ở Đan Đông hiện đang bị điều tra.

Ông Adam J. Szubin, Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ, chuyên trách về tình báo tài chính và khủng bố cho biết, "công ty Hồng Tường Đan Đông đã ngụy tạo hệ thống buôn lậu hỗ trợ hoạt động phát triển vũ khí của Triều Tiên. Phía Mỹ chỉ rõ những sản phẩm cụ thể được trao đổi, buôn bán giữa Hồng Tường và Triều Tiên gồm: oxit nhôm, thỏi nhôm, amoni paratungstate và vonfram cũng như vật liệu được sử dụng trong các máy ly tâm, làm giàu hạt nhân và thiết kế tên lửa...

Báo cáo do Viện Nghiên cứu chính sách Asan tại Seoul và Trung tâm Nghiên cứu quốc phòng tiên tiến ở Washington công bố tuần trước xác định trong thời gian từ tháng 1/2011 đến tháng  9/2015, Công ty Hồng Tường đã thực hiện các giao dịch trị giá hơn 530 triệu USD với Triều Tiên. Các giao dịch gồm mua bán nhiều nguyên liệu sử dụng trong làm giàu hạt nhân và thiết kế tên lửa.

Theo báo cáo, số tiền này đủ để đầu tư cho các cơ sở làm giàu urani của Triều Tiên, đầu tư cho các khâu như thiết kế, chế tạo và kể cả thử hạt nhân. Giới chức Mỹ cũng cáo buộc Hồng Tường có liên hệ với Ngân hàng Kwangson của Triều Tiên từng bị Bộ Tài chính Mỹ nghi nghờ cung cấp tài chính cho hoạt động mua trái phép vũ khí và nguyên liệu liên quan đến chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Phát biểu ngày 28-9 trong phiên điều trần tại Thượng viện, điều phối viên chính sách trừng phạt thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ Daniel Fried cho biết cơ quan này đang giám sát một loạt các doanh nghiệp Trung Quốc.

Theo ông này, quyết định trừng phạt mới đây cho thấy Washington sẵn sàng trừng phạt các doanh nghiệp Trung Quốc vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ và LHQ. Ông Fried cảnh báo các ngân hàng và doanh nghiệp Trung Quốc cần hiểu việc giao dịch với các đối tác Triều Tiên, đặc biệt những đối tượng bị trừng phạt, là việc làm nguy hiểm.

"Hạ cánh mềm" bằng đàm phán

Tất nhiên là sự vào cuộc quyết liệt của Mỹ đã được Trung Quốc "bật đèn xanh". Hiện nay, Trung Quốc và Mỹ đã bắt đầu tham vấn về nội dung của nghị quyết trừng phạt mới của HĐBA. Đại diện của ba nước gồm Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã bắt đầu có phiên tham vấn đặc biệt.

Nguồn tin tình báo Mỹ cho biết, trước đó một tuần, Trung Quốc và Mỹ đã đạt được thỏa thuận nhất trí tăng cường hợp tác tại HĐBA LHQ cũng như trên các kênh thực thi pháp luật. Hợp tác giữa Trung Quốc và Mỹ ngoài việc nhằm vào chi nhánh Công ty Hồng Tường, phía Mỹ sẽ điều tra một loạt doanh nghiệp Trung Quốc tình nghi "bắt tay" với Triều Tiên.

Các tên lửa mang đầu đạn hạt nhân được trình diễn trong một cuộc duyệt binh gần đây. Ảnh: CNN.

Ngoại giao của bán đảo một lần nữa bước vào thời điểm quan trọng mang tính lịch sử. Các nước lớn đã tập trung vây quanh Triều Tiên với những biện pháp được cho sẽ cứng rắn nhất để buộc cuộc khủng hoảng này sẽ phải "hạ cánh mềm", tiến tới nối lại các cuộc đàm phán 6 bên đã bị gián đoạn từ mấy năm qua.

Hiện tại, để cuộc khủng hoảng này "hạ cánh mềm" và đưa Triều Tiên trở lại bàn đàm phán 6 bên, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho rằng, điều kiện tiên quyết là các bên phải dẹp bỏ bất đồng về lập trường. Ngoại trưởng Vương Nghị đã nói thẳng ra rằng, không quan trọng có mấy bên mà chỉ cần có lợi cho tiến trình phi hạt nhân hóa và hòa bình, ổn định trên bán đảo Triều Tiên thì Trung Quốc sẽ hỗ trợ đầy đủ.

Về lâu dài, các biện pháp trừng phạt của LHQ đối với vấn đề hạt nhân của Triều Tiên chưa biết có đạt được hiệu quả hay không, nhưng để Triều Tiên trở lại bàn đàm phán do các lệnh trừng phạt không phải là việc dễ dàng. Hiện nay điều có thể làm là hạn chế Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân, và đó cũng là nội dung chính trong lệnh trừng phạt của LHQ.

Ngoài ra, các biện pháp trừng phạt hiện nay không phải là không có hiệu quả, mặc dù không đủ để Triều Tiên trở lại bàn đàm phán, nhưng các biện pháp trừng phạt ngày càng gay gắt hơn là không thể phủ nhận. Điều đáng bàn tới là, muốn ngăn chặn Triều Tiên tiến hành thử hạt nhân, chỉ trừng phạt không thôi là chưa đủ mà cần tìm cách nối lại đối thoại.

Thế giới đang chờ đợi LHQ sẽ đưa ra lệnh trừng phạt mới như thế nào để ngăn chặn các vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa gắn đầu đạn hạt nhân của Triều Tiên, trong bối cảnh Mỹ-Trung Quốc-Hàn Quốc và cả Nhật Bản có những lợi ích mâu thuẫn nhau ngay chính tại bán đảo Triều Tiên.

Những vấn đề như hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD đang khiến quan hệ Trung-Hàn rạn nứt liệu có phải là con bài được đưa ra mặc cả, dẫn đến Trung Quốc không muốn thực hiện biện pháp trừng phạt của LHQ đối với Triều Tiên, khiến nước này ngày càng liều lĩnh sở hữu vũ khí hạt nhân. Nếu cộng đồng quốc tế có thể đạt được sự nhất trí trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên, câu hỏi tiếp theo là trừng phạt như thế nào? Làm thế nào để đánh giá hiệu quả của biện pháp trừng phạt đó?

Hiện nay, tất cả các nước chỉ mới đơn giản đánh giá vụ thử hạt nhân của Triều Tiên qua mức chấn động mà nó gây ra, chưa nước nào hiểu rõ mức độ, tính chất, quy mô, sức mạnh thực sự chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.

Thế giới ngày càng lo ngại khi tất cả các vụ thử hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên luôn khiến tất cả bị động. Hệ thống tình báo lừng danh của Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc hay của Nga... đều không thể biết trước những gì sắp xảy ra tại Triều Tiên.

Thậm chí, khi xảy ra các vụ thử, các cơ quan tình báo cũng không biết chính xác điều gì đang diễn ra. Giới tình báo đã thực sự "thất thủ" trước "thành trì tình báo" Triều Tiên. Điển hình nhất là vụ thử nghiệm được tuyên bố là một quả bom nhiệt hạch vào ngày 6-1-2016, theo sau đó là vụ phóng vệ tinh vào ngày 7-2... Có thể thấy rõ, trong hàng chục năm qua, năng lực thực sự các cơ sở hạt nhân của Bắc Triều Tiên vẫn là "hộp đen" bí ẩn đối với tình báo Mỹ và các nước. Không ai biết Triều Tiên sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân như thế nào trong cả hai trường hợp mặc cả chính trị và tác chiến khi có tình huống xảy ra.

"Hố đen" tình báo

Quy mô phổ biến kỹ thuật hạt nhân nhạy cảm của Triều Tiên hiện ở mức nào? Động cơ của Triều Tiên là gì? Chính cựu Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates - nguyên Giám đốc Cục Tình báo Trung ương (CIA) trong bài trả lời phỏng vấn Reuters khi còn đương chức đã thừa nhận rằng ông không có nhiều thông tin về các cơ sở làm giàu hạt nhân mà Bắc Triều Tiên sở hữu.

Giới chức Mỹ thừa nhận, tình báo nước này cực kỳ khó khăn trong thu thập thông tin tình báo về các nhà lãnh đạo cao nhất của Triều Tiên. Nhưng cái khó đó chỉ là một phần triệu khi so với thông tin tình báo về phát triển vũ khí hạt nhân ở Triều Tiên. "Chương trình phát triển vũ khí hạt nhân là thông tin mật nhất trong những thông tin tuyệt mật", ông Bruce Klingner, nguyên Trưởng chi nhánh của CIA hoạt động ở Triều Tiên cho biết.

Ông Victor Cha, Vụ trưởng Các vấn đề châu Á trong Hội đồng An ninh quốc gia dưới thời Tổng thống G.W.Bush nói: "Xét dưới góc độ tình báo, đây là cơn ác mộng tồi tệ nhất. Quy mô của cơ sở hạt nhân của Triều Tiên vượt ra ngoài tầm đánh giá của các cơ quan tình báo Mỹ và nó nằm ngay trước mắt mà tình báo Mỹ không phát hiện ra". 

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á-Thái Bình Dương Kurt Campbell - người có nhiều năm tham gia các hoạt động liên quan tới chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên đã lưu ý Quốc hội Mỹ rằng, những thông tin tình báo Mỹ biết về Triều Tiên "thường là lạc hậu và có nhiều thông tin bị đánh lừa ngay từ đầu".

Ông thừa nhận Triều Tiên là "mục tiêu rất, rất khó khăn và có lẽ là mục tiêu rắn nhất thế giới".

Phong tỏa tin tức tình báo của Triều Tiên đã lên tới mức "thượng thừa" khi giới tình báo của Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc sững sờ trước tin cái chết của nhà lãnh đạo Kim Jong-Il. Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc (NIS) Won Sei-hoon đã thừa nhận, tình báo Hàn Quốc chỉ biết tin sau khi có thông báo chính thức từ Bình Nhưỡng, đồng thời "cay đắng" đổ lỗi rằng, ngay cả tình báo Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản "dường như cũng chẳng hơn gì".

Các chuyên gia lo ngại trong khi cả thế giới bị "bịt mắt", tốc độ của những tiến bộ hạt nhân của Triều Tiên là khá nhanh, và việc liên tục thiếu vắng sự xác minh độc lập của các cơ quan tình báo đối với những "thành tựu" này càng làm gia tăng sự hoang mang khi xảy ra cuộc chiến tranh hạt nhân thực sự. Bởi, điều thế giới lo ngại nhất là Triều Tiên đang cố chứng minh, họ là nước sở hữu vũ khí hạt nhân.

Sự nguy hiểm của "quốc gia sở hữu hạt nhân"

Những năm 1970, Triều Tiên dẫn trước Hàn Quốc trong lĩnh vực kinh tế và nhiều lĩnh vực khác. Cùng thời điểm này, Triều Tiên đã bắt đầu phát triển vũ khí hạt nhân để đạt tới địa vị và tư cách "quốc gia sở hữu hạt nhân".

Triều Tiên nhiều lần nói rằng theo đuổi khả năng răn đe hạt nhân là để "tự vệ", phá vỡ sự tấn công hạt nhân có khả năng xảy ra trong tương lai của Mỹ đối với nước này. Đây cũng là "quân bài" để Triều Tiên phá vỡ sức ép trừng phạt của quốc tế, buộc cộng đồng quốc tế chấp nhận "sự thật hạt nhân" của Triều Tiên, và thậm chí làm thay đổi sức ép từ bỏ vũ khí hạt nhân của thế giới đối với nước này.

Mặt khác, Triều Tiên cũng đẩy nhanh các bước thử nghiệm hạt nhân và phóng tên lửa gắn đầu đạn hạt nhân để "nhắc nhở" các nước rằng họ là quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân thực sự. Chỉ trong một thời gian ngắn Triều Tiên đã nhiều lần thử hạt nhân và phóng thử tên lửa gắn đầu đạn hạt nhân. Một khi thử nghiệm thành công, Triều Tiên sẽ trở thành quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân đích thực, và điều này sẽ tác động mạnh tới Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT).

Nhận thức rõ nguy cơ này, không khó để lý giải việc Trung Quốc không phản đối Mỹ khi trừng trị các công ty của Trung Quốc đã "tiếp tay" cho chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Điều này cũng cho thấy Trung Quốc đã lo ngại trước sự phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, trong bối cảnh đàm phán sáu bên đã bị gác lại trong nhiều năm, không thể khôi phục đối thoại.

Chính một chuyên gia quân sự Trung Quốc nhận định, khi Triều Tiên phát triển thành quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, tình hình Đông Á sẽ không thể kiểm soát. Hậu quả lớn hơn là nếu Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân, chắc chắn sẽ làm cho Hàn Quốc và Nhật Bản nghiên cứu phát triển vũ khí hạt nhân trên quy mô lớn hơn với công nghệ hiện đại hơn, điều này sẽ khiến cho tình hình Đông Bắc Á ngày càng trở nên căng thẳng, dẫn tới rủi ro ở khu vực Đông Bắc Á tăng lên ở quy mô lớn hơn.

Cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên do vụ thử hạt nhân lần thứ nhất vào năm 2006 dẫn tới đã kéo dài suốt 10 năm. Dự báo nó còn tiếp tục dài và những kịch bản xấu nhất có thể xảy ra, khi Triều Tiên có thể tiến hành một cuộc chiến tranh hạt nhân.

Hoa Huyền (tổng hợp)
.
.