Chernobyl – Những nỗ lực và hy sinh để khắc phục chế độ phát tán thảm họa (bài 2)

Thứ Sáu, 21/04/2017, 14:04
Bất chấp phóng xạ cực mạnh, những người tham gia khắc phục hậu quả tại lò phản ứng số 4 vẫn dũng cảm lao vào cuộc. Họ là những người dập tắt ngọn lửa, bơm nước vào lò phản ứng và làm sạch nó bằng nitơ lỏng; là những người thả cát và chì từ trực thăng vào lò phản ứng, lặn xuống hồ nước bên dưới để mở cửa cống…

Bài 2: Hàng nghìn con người xứng đáng được vinh danh

Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl tuy mang tên của thị trấn nhỏ chỉ gồm hơn 12.000 dân nhưng còn cách xa nó 15km. Cận kề với nhà máy, chỉ 3km, là thị trấn Pripyat, nơi có dòng sông Pripyat hiền lành chảy qua để đổ vào hồ chứa nước Kiev. Toàn bộ 49.360 dân cư của thị trấn yên bình nhưng bất hạnh ấy buộc phải bỏ lại mọi thứ tài sản cũng như nhà cửa của họ trong vòng 3 ngày sau tai nạn.

Vài tháng sau, thêm 67.000 người phải chuyển về chỗ ở mới theo sắp xếp của chính phủ, nâng số cư dân buộc phải ra đi lên 116.360. Nếu kể cả những người tự rời bỏ các vùng lân cận do lo sợ ảnh hưởng của chất phóng xạ, người ta ước đoán, tổng số người ly hương có thể tới khoảng 200.000. 

Vụ nổ xảy ra đêm 26-4-1986, ngày 30-4 là ngày kỷ niệm 41 năm Hồng quân Liên Xô tiến vào giải phóng Berlin, đến ngày 1-5 là Quốc tế lao động và 9-5 là ngày Chiến thắng-mọi việc đã chuẩn bị: những cuộc duyệt binh, diễu hành, mít tinh… Có vẻ chính quyền chẳng muốn người dân bất an trong những ngày trọng đại, thêm nữa lại vì thể diện một cường quốc trên trường quốc tế, nên chẳng ai nói về tai họa khủng khiếp này.

Khi đó phương tiện thông tin liên lạc còn khá thô sơ, thế nên tỷ lệ người biết chuyện là rất nhỏ, cả đất nước Liên Xô vẫn tưng bừng làm lễ kỷ niệm chiến thắng phát xít Đức, mặc dù đã bắt đầu có những lời đồn đại gây hoang mang. Quy mô của tai họa lúc đó chưa được nói đến, nên mọi người chỉ đoán già đoán non, không đánh giá được mức độ nguy hiểm và nhiều người lại cảm thấy an tâm khi bắt gặp hình ảnh Bí thư nước Cộng hòa Ukraine dẫn theo lên lễ đài dự lễ duyệt binh trên Quảng trường Đỏ cả 2 đứa cháu nhỏ của mình để trấn an nhân dân!

Khoảng 1.350 phương tiện gồm máy bay trực thăng, xe bus, xe ủi, xe tăng, xe tải, xe cứu hỏa và xe cấp cứu đã được huy động ứng cứu Chernobyl và tất cả đều đã bị nhiễm xạ.

Phải hai tuần sau vụ nổ, chính quyền Liên Xô mới chính thức thừa nhận về "một thảm họa hạt nhân đang tồn tại ở Ukraine". Hậu quả của sự bưng bít thông tin dẫn đến sự hoang mang lan rộng khi người ta bắt đầu biết được một vài điều. Lúc đó bắt đầu xuất hiện căn bệnh tâm lý sợ nhiễm phóng xạ "radiophobia" ở Cộng hòa Ukraine. Hơn nữa, thông tin thiếu chính xác cũng gây ra sự thổi phồng và nhầm lẫn trong giới truyền thông của phương Tây.

Hãng thông tấn UPI trích một nguồn tin ở Kiev cho biết, có tới 2.000 người thiệt mạng ngay lập tức trong vụ nổ và con số này đã xuất hiện trên rất nhiều trang nhất các báo lớn. Giới chức Mỹ cũng đưa ra nhiều thông tin dựa vào các bức ảnh chụp từ vệ tinh. Một nguồn tin Lầu Năm Góc tiết lộ với kênh truyền hình Mỹ NBC vào ngày 29-4-1986 rằng, con số 2.000 người chết "có vẻ đúng vì có 4.000 người làm việc tại nhà máy Chernobyl".

Tới những ngày đầu của tháng 5-1986, các nhóm trực tiếp giải quyết hậu quả vụ nổ đưa ra cảnh báo về lượng phóng xạ bị rò rỉ bắt đầu tăng trở lại. Họ lo ngại lõi lò phản ứng bị tan chảy sẽ thiêu đốt cả hệ thống nền móng và làm nó bị sập, đồng thời khiến số nhiên liệu hạt nhân bên trong bị nổ lần nữa. Các chuyên gia lo sợ vụ nổ thứ hai này sẽ còn lớn hơn nhiều so với vụ đầu tiên. Từ đó lõi lò phản ứng sẽ tiếp tục lún sâu xuống lòng đất, có thể gây ô nhiễm cả nguồn nước sạch cung cấp cho thủ đô Kiev, nơi đang có 2,5 triệu dân sinh sống.

Bất chấp phóng xạ cực mạnh, những người tham gia khắc phục hậu quả tại lò phản ứng số 4 vẫn dũng cảm lao vào cuộc. Họ là những người dập tắt ngọn lửa, bơm nước vào lò phản ứng và làm sạch nó bằng nitơ lỏng; là những người thả cát và chì từ trực thăng vào lò phản ứng, lặn xuống hồ nước bên dưới để mở cửa cống, hoặc đào dưới chân móng lò phản ứng để lắp đặt một hệ thống ống dẫn; là những người tháo dỡ các khu đổ nát, xây dựng các kho giữ chất thải, đập chắn, làm sạch khu vực nhà máy và vùng phụ cận...

Hàng nghìn con người dành cả mùa hè năm 1986 để dựng lên “cỗ quan tài” bằng bê tông bịt kín lò phản ứng hoàn toàn xứng đáng được vinh danh. Điều đáng nói là rất nhiều công nhân tham gia khắc phục hậu quả tại Chernobyl đều trong tình trạng bị phơi nhiễm chất phóng xạ. Những người này, gồm nhiều tình nguyện viên, không hề được trang bị thiết bị đo phóng xạ tại nơi mình làm việc để ý thức được môi trường ở đó nguy hiểm như thế nào. Trước nguy cơ đe dọa sự sống trên quy mô rộng lớn như vậy, chính quyền Liên Xô đã huy động gần như toàn bộ sức người, sức của và trí tuệ đến Chernobyl để ứng cứu. Hơn 600.000 người được tập trung đến đây để tham gia chiến dịch dọn chất độc phóng xạ.

Ngày nay "Chernobyl" đã trở thành một từ cửa miệng. Tiến sĩ El Baradei, Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), gọi đây là "một thảm họa nhưng là một bước ngoặt quan trọng đối với IAEA". Nó làm lay chuyển niềm tin của cả thế giới vào sự an toàn của năng lượng nguyên tử, nguồn năng lượng khổng lồ mà nhân loại hy vọng nhờ đó mà loài người chẳng bao giờ còn phải lo lắng về viễn cảnh thiếu hụt năng lượng. Quy tắc an toàn hạt nhân ở Liên Xô cũ không đảm bảo được rằng, các lò phản ứng được xây dựng buộc phải có yếu tố dự phòng khi xảy ra trường hợp xấu nhất, phải ổn định ở các vùng công suất khác nhau, phải tôn trọng nguyên tắc "phòng ngự chiều sâu" để đề phòng tai nạn.

Điều tệ hại nhất là ở Chernobyl không có hệ thống nhà lò bảo vệ (containment), yếu tố quyết định của chiến lược "phòng ngự chiều sâu", để trong tình huống lò phản ứng bị vỡ, chất phóng xạ sẽ bị chôn chặt trong đó mà không thoát ra ngoài. Nhưng các sai lầm thiết kế cũng chỉ đóng vai trò nguy cơ tiềm ẩn, chính thói khinh suất của con người mới biến các nguy cơ ấy thành hiện thực. Sau thảm họa Chernobyl, thuật ngữ "văn hóa an toàn" (safety culture) mới ra đời và việc xây dựng nền văn hóa ấy được IAEA coi là công việc đặc biệt quan trọng của các quốc gia đã có hoặc sẽ có điện hạt nhân.

"Nấm mồ phóng xạ" tuy đã được dựng lên thần tốc khi xảy ra thảm họa nhưng khác rất xa các chuẩn mực về chôn cất nhiên liệu đã cháy. Các thanh nhiên liệu sau sử dụng, nếu không đưa vào tái chế, phải chôn giữ trong các kho thải nằm sâu hàng trăm mét dưới lòng đất, tại những nơi có cấu trúc địa tầng, điều kiện địa chất - thuỷ văn phù hợp, cùng với nhiều hàng rào bảo vệ có độ bền vững vài vạn năm.

Ở thời điểm xảy ra tai nạn, lò phản ứng số 5 và số 6 (mỗi lò có khả năng sản xuất 1 gigawat) đang được xây dựng và bị dừng lại ngay sau đó nhưng lò phản ứng số 1, 2 và 3 vẫn tiếp tục sản sinh năng lượng. Rắc rối vẫn bám đuổi Ukraine khi năm 1991, một đám cháy bùng phát tại lò phản ứng số 2 gây hư hại nghiêm trọng và chính quyền Ukraine lần này mới buộc nó phải ngừng hoạt động.

Lò phản ứng số 1 bị đóng cửa vào cuối năm 1996 do sự phản đối kịch liệt của dư luận, đây cũng là một phần của thỏa thuận giữa Ukraine và các tổ chức quốc tế như IAEA. Lò phản ứng số 3 tiếp tục hoạt động cho đến năm 2000 khi các cuộc đàm phán quốc tế về vấn đề hạt nhân đạt được kết quả nhất định. Như vậy là phải đến 14 năm kể từ sau khi thảm họa xảy ra, chính quyền Ukraine mới cho ngừng hoàn toàn hoạt động của nhà máy điện hạt nhân Chernobyl.

Báo chí viết về sự kiện này nhiều nhưng mâu thuẫn, tạo ra một áp lực tâm lý nặng nề lên dân cư từng sống gần nơi tai nạn, lên cư dân sống ở các nước khác có nhà máy điện hạt nhân, và lên cả những nhà hoạch định chính sách năng lượng của các quốc gia.

Tình hình nghiêm trọng đến nỗi năm 2004, 18 năm sau vụ tai nạn, Liên Hiệp Quốc phải tổ chức một hội thảo quốc tế với sự tham gia của IAEA và tất cả các cơ quan có liên quan thuộc tổ chức này, cùng các nước Nga, Ukraina, Belarus để sàng lọc tất cả các tin tức, phân biệt đúng sai, đưa ra một tổng kết trình lên Đại hội đồng.

Diễn đàn quốc tế này đã "cung cấp các tin tức trung thực có trách nhiệm về tình hình thực tế hậu Chernobyl", tức là để người ta phân biệt được những tin tức bịa đặt, võ đoán trong thời đại bùng nổ thông tin. Nhưng thật ra, ngay trong giới các nhà chuyên môn, sự đánh giá về phạm vi ảnh hưởng và mức độ tai hại của thảm họa này cũng còn rất khác nhau.

Dù nhà máy điện nguyên tử Chernobyl đã bị đóng cửa nhưng các hoạt động của nhà máy vẫn chưa thể chấm dứt hoàn toàn bởi các lò phản ứng cần được tháo rời và khử nhiễm, các thanh uranium nghèo có tính phóng xạ cao cũng cần được gỡ bỏ. Và công việc không chỉ dừng lại ở đó; còn phải khử nhiễm và bảo quản từng thiết bị đã được sử dụng trong nhà máy Chernobyl vì việc xử lý chất thải hạt nhân không đơn giản như xử lý chất thải công nghiệp hay rác thải thông thường.

Giới chuyên gia đánh giá rằng, "nấm mồ bê tông" được chụp lên lò phản ứng số 4 chỉ là giải pháp tình thế và theo chính phủ Ukraine, khu vực nhà máy sẽ chỉ hoàn toàn được giải phóng sau năm 2065 nhưng các hạt phóng xạ vẫn sẽ tồn tại tới hàng nghìn năm sau.

Lo ngại về mái vòm nhà máy điện hạt nhân Chernobyl đã quá cũ nát và có thể đổ sập bất kỳ lúc nào, với sự giúp đỡ của nhiều nước, Ukraine đã bắt tay vào nghiên cứu chế tạo một mái vòm thép khác thay thế mái vòm cũ. Tuy vậy, việc bắt tay xây dựng "chiếc quan tài" mới cho lò phản ứng số 4 của Chernobyl cũng bị trì hoãn nhiều lần. Cho đến khi Liên Xô tan rã năm 1991, các nỗ lực quốc tế đầu tiên mới được triển khai. Ukraine bắt đầu mở cuộc thi quy mô quốc tế tìm biện pháp cho Chernobyl. Một tổ hợp xây dựng của Pháp đề xuất kế hoạch bao trùm lò phản ứng số 4 cùng cấu trúc vòm bê tông cũ bằng một kết cấu mới. Việc xây dựng phải diễn ra bên ngoài, sau đó mới chuyển tới Chernobyl.

10 năm sau thảm họa, các bước đầu tiên của dự án được tiến hành. Tháng 6-1997, Tại Hội nghị thượng đỉnh các nước G7 diễn ra tại Denver, Mỹ thông qua phương án đầu tư 300 tỷ USD. Vài tháng sau, Phó tổng thống Mỹ Al Gore, Tổng thống Ukraine Leonid Kuchma cùng Giám đốc Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu gặp gỡ tại New York, chính thức chuyển giao gói tài chính nhằm khắc phục thảm họa Chernobyl.

Mái vòm mới bao phủ cả lò phản ứng số 4 và cấu trúc bê tông do Liên Xô xây dựng.

Thiết kế vòm thép được chính phủ Ukraine phê duyệt năm 2004. Các phần cấu thành vòm thép được sản xuất tại Italia, sau đó chuyển về Chernobyl bằng 18 con tàu và 2.500 xe tải với quy trình hoàn thiện trong suốt 20 năm. Phần khung chính được dựng lên cuối năm 2014, 28 năm sau khi thảm họa xảy ra. Hai năm sau, các thành phần bên trong như hệ thống thông gió, máy quay video và hệ thống cần cẩu điều khiển từ xa nhằm tháo dỡ cấu trúc bê tông bên trong và vô hiệu hóa lò phản ứng được lắp đặt xong. Để hạn chế phơi nhiễm phóng xạ cho công nhân, cấu trúc khổng lồ được dựng cách địa điểm xảy ra sự cố 300m.

Ngày 15-11-2016, công việc di chuyển và chụp một mái vòm bằng thép nặng 36.000 tấn lên lò phản ứng số 4 của nhà máy điện nguyên tử Chernobyl đã được triển khai. Tổng kinh phí cho việc chế tạo mái vòm thép có chiều dài lên tới 275 mét, rộng 162 mét, cao 108 mét (cao hơn tượng nữ thần Tự do ở New York, Mỹ; nặng gấp 3 lần trọng lượng Tháp Eiffel của Pháp) là 1,5 tỷ euro.

Giám đốc an toàn hạt nhân thuộc Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD) Vince Novak cho biết, đây là công việc vô cùng phức tạp với sự tham gia của Ukraine và nhiều nước trên thế giới trong nhiều năm qua. Kỹ thuật chế tạo mái vòm thép mới đòi hỏi kỹ thuật phức tạp chưa từng có, và việc di chuyển "cấu trúc bằng thép có thể di chuyển lớn nhất trên Trái Đất" được thực hiện bằng một hệ thống đặc biệt bao gồm 224 kích thủy lực. Với tuổi thọ thiết kế là 100 năm, dự kiến toàn bộ công trình này sẽ được hoàn tất vào tháng 11-2017.

Quốc Hùng (tổng hợp)
.
.