Chernobyl hồi sinh

Thứ Hai, 11/04/2011, 07:35

Trong khi thảm họa hạt nhân tại Nhật Bản vẫn chưa có hồi kết thì một tin mừng đã đến với Chernobyl, nơi từng xảy ra vụ nổ nhà máy điện hạt nhân kinh hoàng nhất trong lịch sử nhân loại cách đây 25 năm. Để giảm lượng ô nhiễm phóng xạ của đất ở vùng này, các phương pháp khoa học mới đang được thử nghiệm và thật trùng hợp là chính nhờ sự giúp đỡ hữu ích từ phía các chuyên gia Nhật Bản.

Đã 25 năm sau ngày xảy ra thảm họa hạt nhân, người dân sống trong khu vực xung quanh Chernobyl giờ đây đã có những tia hy vọng mới. Trong khuôn khổ của Chương trình phục hồi và phát triển Chernobyl, được dẫn dắt bởi Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc, khu vực này đang có những thay đổi thực sự.

Cộng đồng quốc tế đang rất quan tâm đến việc gây dựng một cuộc sống ổn định cho người dân trên những khu vực mà lượng phóng xạ đã giảm đi đáng kể kể từ năm 1986. Tuy nhiên, tình hình lại không mấy khả quan về mặt y tế. Những người dân vẫn đang sống trên những mảnh đất nhiễm phóng xạ, trong đó có cả những ngôi làng mà đáng ra họ đã phải sơ tán từ lâu.

Natalya Klymtchouk, trợ lý bác sĩ trưởng một cơ sở y tế tại địa phương cho biết, tỉ lệ mắc các bệnh có liên quan đến phóng xạ ở người lớn và trẻ em là rất cao, chủ yếu là các bệnh về máu, các cơ quan tạo huyết và tuyến nội tiết. Hơn nữa, nhiều người dân còn bị suy giảm hệ thống miễn dịch, gặp các vấn đề về tiêu hóa và rối loạn trao đổi chất. Theo Klymtchouk, chỉ có 1-2% những đứa trẻ sinh ra là có sức khỏe tốt và một trong những nguyên nhân chính của tình trạng này là việc sử dụng các sản phẩm nông nghiệp được trồng trên các mảnh đất bị nhiễm phóng xạ.

Cánh đồng cải dầu tại Narodithi, Ukraina, giúp giảm lượng ô nhiễm đất quanh Nhà máy Điện nguyên tử Chernobyl.

Thực tế này đã làm thay đổi một phần chiến lược hành động của các tổ chức nhân đạo như Chernobyl-Chubu, một tổ chức hỗ trợ Chernobyl đến từ vùng Chubu, Nhật Bản. Đến thời điểm hiện tại, tổ chức phi chính phủ này đã tài trợ thuốc và thiết bị y tế cho Ukraina. Nhóm chuyên gia người Nhật Bản cũng đang phát động dự án "Trồng cây cải dầu để phục hồi vùng Narodytchi". Một trong những nhân vật chính của dự án này là nhà sinh vật học Masahara Kawata, người được phong làm công dân danh dự của vùng Narodytchi.

Bà Evguenia Dontcheva, Phó giám đốc Tổ chức nhân đạo Otages de Tchernobyl cho biết, Nhật Bản đã tài trợ cho Chernobyl số tiền 9,3 triệu yen. Về phía tổ chức Chernobyl-Chubu, các khoản viện trợ bao gồm những khoản đóng góp cá nhân và học bổng, phần lớn đến từ các quỹ tiết kiệm bưu điện Nhật Bản. Để đảm bảo việc giám sát khoa học trong các dự án, ban lãnh đạo tổ chức Otages de Chernobyl đã nhờ đến sự giúp đỡ của các chuyên gia Đại học Nông nghiệp quốc gia Jytomir.

Theo ông Tomiyo Hara, đồng tác giả dự án, việc trồng cây cải dầu sẽ làm giảm lượng phóng xạ có trong đất tại Chernobyl (hiện nay, tỉ lệ phóng xạ vẫn vượt quá mức cho phép). Cây cải dầu có khả năng hấp thụ yếu tố phóng xạ tốt hơn những loại cây trồng khác. Một khi dự án này thành công, người dân sẽ có thể trồng những loại cây khác. Họ cũng hi vọng giảm thiểu sự ô nhiễm trong sản xuất nông nghiệp, rồi từ đó đẩy lùi sự nhiễm xạ ở người do sử dụng các thực phẩm địa phương. Việc tiêu thụ những sản phẩm này là một trong những nguyên nhân làm tăng tỉ lệ mắc bệnh của người dân.

Ông Tomiyo Hara cho biết, trên thế giới, chưa dự án nào có quy mô lớn đến như thế. Ông cũng lưu ý rằng có thể sử dụng dầu hạt cải để sản xuất nhiên liệu sinh học, còn với lượng sinh khối (thân và lá), những bộ phận hấp thụ phóng xạ trong đất, sẽ được sử dụng làm biogaz (gaz sinh học). Loại gaz này không chứa strontium và césium hay ít nhất là không ở mức nguy hiểm.

Theo những tính toán khoa học, vùng Narodytchi có 10.000 ha đất nhiễm phóng xạ có thể phục hồi và đưa vào sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, Tiến sĩ Didoukh không chắc rằng người dân sẽ ra đồng một cách hào hứng. Nguyên nhân chính của việc này là sự phức tạp của các kỹ thuật nông nghiệp mà người dân không thành thạo. Kỹ thuật phục hồi đất bằng cây trồng đòi hỏi phải có một hệ thống luân canh rất phức tạp và phải sử dụng giống cải dầu thích nghi với khí hậu địa phương.

Gần ngôi làng Stary Charno khô cằn, từ 3 năm nay, vào mùa xuân các chuyên gia đã cho gieo trồng cải dầu trên một cánh đồng thí nghiệm nhiễm xạ rộng 4ha. Sau đó, hạt cải phải được xử lý tại Narodytchi, nơi mà hệ thống máy ép và lọc dầu, cũng như máy móc để sản xuất nhiên liệu sinh học đã được phía đối tác Nhật Bản tài trợ lắp đặt. Các cuộc kiểm nghiệm đã được thực hiện trên những mẫu sản phẩm nhiên liệu sinh học.

Còn tại làng Lasky, trang trại Ihor Kaletskiy đang cố gắng để sản xuất biogaz từ phân bò, ông Tomiyo Hara thì xây dựng một bể thu hồi khí mêtan. Một đợt biogaz đã được giao nhưng chỉ với khối lượng nhỏ. Kỹ thuật vẫn chưa thực sự đột phá và vẫn đang tiếp tục được nghiên cứu. Trong số những trở ngại mà chương trình đang gặp phải, Hara có nhắc đến việc các cơ sở sản xuất tại địa phương vẫn chưa được đào tạo đầy đủ, người dân trong vùng không có nhiều kinh nghiệm trong việc sản xuất gaz và nhiên liệu sinh học.

Ở Ukraina, có rất ít chuyên gia trong lĩnh vực bày. Cả hai phía Nhật Bản và Ukraina không đồng quan điểm trong việc thực hiện dự án nhưng để nhân rộng mô hình, cần càng nhiều người tham gia càng tốt.

Đây không phải là lần đầu tiên việc thử nghiệm biogaz đem lại kết quả. Những người liên quan đến dự án, dù là công chức hay nhân viên đều có ý thức về những cơ hội mà thử nghiệm này mang lại, chúng giúp phát triển công nghệ mới, phân tích những vấn đề liên quan đến việc ứng dụng cụ thể vào điều kiện thực tế của đất trồng trên phương diện công nghiệp và nông nghiệp. Tuy nhiên, khuôn khổ của dự án không cho phép việc sử dụng, máy móc thiết bị vào mục đích thương mại. Vì vậy, hiện nay, dự án này không thu hút được sự chú ý của các doanh nghiệp tư nhân.

Số người làm việc tại hiện trường có thể đếm trên đầu ngón tay (vài người đến từ Narodytchi và Lasky, làm việc dưới sự chỉ đạo của Didoukh), Tomiyo Hara thì thường xuyên về Nhật Bản, còn những người đại diện cho tổ chức Otages de Tchernobyl cũng không có mặt thường xuyên.

Dù thế nào đi chăng nữa, bằng sự hợp tác với các nhà khoa học Jytomir, người Nhật đã cho người Ukraina một cái cần câu để giúp họ hy vọng về một cái giỏ đầy cá trong tương lai. Việc làm sạch Chernobyl có thể cải thiện đáng kể sức khỏe cho người dân đồng thời mở ra tương lai mới cho ngành kinh doanh năng lượng. Liệu người Ukraina có nắm bắt lấy cơ hội hiếm có này hay không? Tất cả tùy thuộc vào chính họ

H.N. (tổng hợp)
.
.