Chỉ huy lực lượng đặc nhiệm Tajikistan trở thành tư lệnh IS ở Iraq

Thứ Hai, 12/09/2016, 15:00
Chỉ vài ngày sau khi Mohammad al-Adnani, phát ngôn viên đồng thời là kẻ cầm đầu cơ quan tình báo IS bị quân đội Chính phủ Iraq tiêu diệt, khoảng trống quyền lực lập tức được lấp đầy bởi Đại tá Gulmurod Khalimov, người Tajikistan.

Trong một video clip do IS tung lên mạng Internet, Gulmurod Khalimov - nguyên là chỉ huy Lực lượng Cảnh sát đặc nhiệm (OMON) của nước Cộng hòa Tajikistan, từng sang Mỹ 3 lần để tham dự những khóa huấn luyện chống khủng bố - đã chính thức xuất hiện với vai trò tổng tư lệnh IS ở Iraq…

Vài nét về Khalimov

Hình ảnh trong video clip do Tổ chức Nhà nước Hồi giáo Iraq tự xưng (Daesh) tung lên mạng Internet cho thấy Khalimov ngồi cạnh hai chiến binh IS, tay giữ khẩu súng bắn tỉa Dragunov, lớn tiếng tuyên bố với những lời lẽ rất thô tục: "Nghe này, những con lợn Mỹ. Tao đã đến Mỹ ba lần và tao đã thấy chúng mày đào tạo binh sĩ cách bao vây, tấn công, tiêu diệt người Hồi giáo như thế nào. Vâng theo ý Allah, tao sẽ cầm vũ khí đến từng ngôi nhà, từng thành phố của chúng mày rồi giết sạch…".

Khalimov lúc còn là Đại tá Chỉ huy trưởng lực lượng đặc nhiệm OMON, Tajikistan.

Cũng trong video clip ấy, Khalimov còn kêu gọi tất cả người Tajik, bao gồm cả những người sống ở Nga nên nhanh chóng tham gia IS để chiến đấu chống lại chế độ Emomali Rahmon (là Tổng thống nước Cộng hòa Tajikistan) và đồng thời chống lại nước Nga: "Nghe này lũ chó, chúng mày nên biết rằng bao nhiêu chàng trai của chúng tao đang ở đây, chờ đợi, mong muốn trở về Tajikistan để lập lại luật Sharia, chặt đầu bọn vô đạo…".

Sinh ngày 14-5-1975 tại tỉnh Varzob, nước Cộng hòa Tajikistan - lúc đó là một phần của Liên Xô. Khi Liên Xô sụp đổ, Tajikistan tuyên bố trở thành một quốc gia độc lập, Khalimov gia nhập quân đội rồi nhanh chóng nổi tiếng là một tay súng bắn tỉa siêu hạng.

Năm 1992, Emomali Rahmon trở thành Tổng thống Tajikistan sau khi Tổng thống Nabiyev buộc phải từ chức. Một trong những việc làm đầu tiên của vị tổng thống mới có khuynh hướng thân phương Tây là nhanh chóng áp dụng một chính sách nhằm ngăn chặn sự bành trướng của Hồi giáo bằng việc cấm đàn ông theo đạo Hồi để râu dài, cấm phụ nữ mang khăn trùm mặt ở những nơi công cộng và hạn chế việc tụ tập đông người tại các thánh đường Hồi giáo, trong lúc phần lớn dân số Tajikistan - một trong những nước nghèo nhất Trung Á - là tín đồ Hồi giáo. Nhiều người Tajik buộc phải kiếm sống ở nước ngoài - chủ yếu ở Nga - nơi mà đôi khi họ bị phân biệt đối xử và bài xích chủng tộc.

Bên cạnh đó, Tổng thống Rahmon còn được sự hỗ trợ của Nga với hàng trăm triệu đôla viện trợ để xây dựng một căn cứ quân sự, làm tiền đồn ngăn chặn sự lây lan của chủ nghĩa khủng bố vào nước Nga. Các nhà phân tích cho rằng có thể chính những hành động của Tổng thống Rahmon đã khiến Khalimov phát sinh lòng căm hận để rồi sau đó, cuối tháng 4-2015, Khalimov bỏ chạy sang hàng ngũ IS, thực hiện việc trả thù.

Năm 2003, Khalimov đến Mỹ lần đầu tiên để theo học một khóa đào tạo chống khủng bố tại căn cứ Baton Rouge, bang Louisiana dưới sự bảo trợ của Bộ Ngoại giao Mỹ. Trong khóa học này, ông ta được huấn luyện cách xây dựng lực lượng đặc nhiệm, cách đánh giá, phân tích tình hình để đưa ra quyết định đúng đắn nhất, cách chuẩn bị chiến trường, cách tổ chức những cuộc đột kích, phục kích, trinh sát, học các bài tập chiến thuật đánh cận chiến - đặc biệt là trong địa hình đô thị, cách tổ chức mạng lưới thông tin liên lạc và cách thoát hiểm, mưu sinh…

Abu Saleh (cầm gươm) khi gia nhập Al Nusra.

Được đánh giá là giỏi, từ đó cho đến năm 2014, Khalimov sang Mỹ học thêm 2 lần nữa, chủ yếu về tình báo và phản gián. Không những thế, ông ta còn được "Spetsnaz" - một đơn vị đặc biệt ưu tú của Nga đào tạo về chống khủng bố ở Moscow. Với hàm đại tá, Khalimov là người đứng đầu Lực lượng đặc nhiệm OMON - một tổ chức cảnh sát tinh nhuệ ở Tajikistan

Nguyên trước đây, lúc Liên bang Xô Viết chưa sụp đổ, OMON (Otryad Mobilny Osobogo Naznacheniya) là đơn vị cảnh sát đặc biệt trực thuộc Bộ Nội vụ Liên Xô, chuyên về chống khủng bố, giải cứu con tin, bảo vệ các nhà lãnh đạo cao cấp… Sau khi Liên Xô tan rã, một số nước như Belarus, Kazakhstan, Tajikistan…, vẫn duy trì sự hoạt động của lực lượng này.

Tháng 5-1992, một số sĩ quan, binh lính trong lực lượng OMON ở Tajikistan đào ngũ rồi thành lập những nhóm nổi dậy chống chính phủ do tổng thống Nabiyev lãnh đạo - và cũng chính vì vụ việc này mà Thổng thống Nabiyev phải từ chức, nhường quyền cho ông Rahmon. Thời điểm ấy, Khalimov được giao nhiệm vụ trấn áp bằng những vụ tàn sát đẫm máu với hơn 100.000 người chết. Chịu không nổi, những kẻ sống sót trong nhóm nổi dậy phải bỏ chạy sang nước láng giềng Kyrgyzstan và Kazakhstan.

Trở mặt

Cuối tháng 4-2015, Khalimov nói với gia đình rằng ông ta sẽ đi công tác 3 ngày nhưng Bộ Nội vụ Takikistan, nơi quản lý đơn vị OMON lại không hay biết. Đến đầu tháng 5-2015, một nguồn tin tình báo của Tajikistan xác định Khalimov đã được nhìn thấy cùng với 10 người Tajik khác tại một sân bay ở Moscow, Nga. Tin tình báo cũng cho biết từ cuối năm 2014, Khalimov đã trở thành tín đồ cuồng nhiệt của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và đã tiến hành tuyên truyền về đường lối của IS cho những người thân cận với ông ta.

Ngày 11-5-2015, trong một nỗ lực nhằm ngăn chặn những lời đồn đãi về sự "trở mặt" của Khalimov, Bộ Nội vụ Tajikistan ra thông báo, khẳng định "Đại tá Gulmurod Khalimov đang chính thức đi công tác ở Thổ Nhĩ Kỳ" nhưng bất ngờ, ngày 19-5, Cơ quan an ninh Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ đã bắt giữ Khalimov khi ông này sử dụng hộ chiếu giả để vào Syria.

Và mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ đã thông tin về việc bắt giữ Khalimov nhưng vụ việc lại chìm vào im lặng, chẳng ai biết ông ta đang ở đâu. Tại Tajikistan, chỉ huy lực lượng OMON lập tức được thay thế bởi người phó của Khalimov. Theo các nhà phân tích, sở dĩ những kẻ cầm đầu IS giấu kín chuyện Khalimov bỏ chạy sang hàng ngũ của họ suốt một thời gian dài nhằm mục đích bảo vệ ông ta tránh khỏi sự săn lùng của Cơ quan an ninh Iraq cũng như Liên quân chống IS do Mỹ dẫn đầu.

Đến tháng 7-2015, Abu Omar al-Shishani - hay còn gọi là Omar Chechnya - nhân vật được coi như "Bộ trưởng Bộ Chiến tranh" của Nhà nước Hồi giáo Iraq tự xưng, bị tiêu diệt trong một trận đánh ở thành phố Shirqat, phía nam Mosul, Iraq, thì chỉ một thời gian ngắn sau đó, có tin đồn rằng Khalimov được cử lên, thay thế vị trí này.

Tuy nhiên, mọi việc chỉ thật sự sáng tỏ khi IS cho công bố một video clip dài 10 phút bằng tiếng Nga, trong đó Khalimov kể lại sự nghiệp 19 năm của mình trong lực lượng OMON và động cơ khiến ông ta gia nhập IS.

Video clip cũng gián tiếp xác nhận "Đại tá Gulmurod Khalimov là tổng tư lệnh tối cao của các lực lượng vũ trang IS tại Iraq". Với cương vị ấy, Khalimov là nhân vật quyền lực thứ hai, chỉ đứng sau Abu Bakr al-Baghdadi, kẻ sáng lập và lãnh đạo tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS

Việc Khalimov trở mặt theo IS đã khiến người Mỹ lúng túng bởi lẽ ông ta đã được học chống khủng bố ở Mỹ một cách rất bài bản. Bây giờ, chắc chắn Khalimov sẽ đem những kiến thức ấy ra, truyền đạt lại cho những tay súng IS để "gậy ông đập lưng ông". Một quan chức cao cấp của Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối nêu tên nói với hãng tin Reuters: "Chúng tôi coi Gulmurod Khalimov là một mối đe dọa cho an ninh quốc gia Mỹ bởi những kinh nghiệm chống khủng bố mà ông ta đã được huấn luyện trước đây".

Trước sự việc Khalimov xuất hiện trong video clip, Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra thông báo số 13.224, xác định Khalimov là một trong những kẻ khủng bố toàn cầu đồng thời treo thưởng 3 triệu USD cho bất cứ ai cung cấp thông tin dẫn đến việc bắt giữ hoặc tiêu diệt ông ta.

Bên cạnh đó, Liên Hiệp Quốc và Liên minh châu Âu EU cũng đưa Khalimov vào danh sách trừng phạt. Đến tháng 6, Tajikistan ban hành lệnh truy nã quốc tế đối với Khalimov vì các tội danh phản quốc, tham gia bất hợp pháp vào các hoạt động vũ trang ở nước ngoài.

Khalimov (ngồi giữa) trong video clip được cho LÀ “tổng tư lệnh tối cao các lực lượng vũ trang IS tại Iraq".

Theo các chuyên gia chống khủng bố, việc bổ nhiệm Khalimov làm tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang IS là điều bất thường trong nội bộ Nhà nước Hồi giáo tự xưng bởi lẽ từ ngày ra đời đến nay, hàng ngũ lãnh đạo cao cấp của IS hầu hết đều là người Syria hoặc Iraq, trong lúc tổ chức này vừa đánh mất quyền kiểm soát tại một số vùng lãnh thổ rộng lớn ở Iraq cũng như Syria nên nhiều khả năng việc đào tẩu sang phía IS của Khalimov sẽ là tác nhân chuyển cuộc chiến tranh đến một số nước Trung Á và Đông Nam Á, nơi có gần 400 triệu người theo đạo Hồi.

Hiện tại, Cơ quan an ninh Takikistan đang tiến hành điều tra các âm mưu khủng bố có thể sẽ xảy ra do những phần tử theo IS còn ở trong nước hoặc những kẻ đã sang Iraq, Syria chiến đấu trong hàng ngũ IS và nay đã trở về.

Theo ước tính, hiện có khoảng 400 đến 500 tay súng người Tajik đang hoạt động cho IS ở Iraq và Syria. Bên cạnh đó, Cơ quan an ninh Tajikistan cũng tin rằng một số nhóm Hồi giáo cực đoan khác - chịu ảnh hưởng của Khalimov - trong đó có người nguyên là lính OMON nhưng đã bỏ chạy sang nước láng giềng Kyrgyzstan và Kazakhstan cũng có thể sẽ xâm nhập Tajikistan theo tuyến biên giới giáp với Afghanistan để thực hiện những vụ tấn công.

Được biết OMON Tajikistan nhận hàng triệu đôla mỗi năm từ "Chương trình chống khủng bố và chống buôn bán ma túy của Bộ Quốc phòng Mỹ", bao gồm áo giáp chống đạn, mũ bảo hiểm đặc biệt, mặt nạ, ống nhòm, súng đạn và các phương tiện cơ giới. Hồi năm 2013, Đại sứ Mỹ tại Tajikistan tự hào khoe rằng: "Năm ngoái, các sĩ quan Tajik OMON từng qua đào tạo tại Mỹ đã chứng tỏ tính chuyên nghiệp cao trong hành động…". Tuy nhiên, một số quan chức tình báo châu Âu và Arab thì tỏ ý thất vọng và lo ngại về các chương trình huấn luyện của Bộ Ngoại giao Mỹ vì một số phần tử được đào tạo để chống khủng bố thì nay lại chạy theo khủng bố, chẳng hạn như Abu Yusaf, Abu Saleh và bây giờ là Khalimov.

Abu Saleh là người Lybia, cùng với một số người Lybia khác, họ được phía Mỹ huấn luyện và cung cấp vũ khí, tài chính để tiến hành những cuộc nổi dậy nhằm lật đổ chế độ do Tổng thống Gaddafi lãnh đạo. Thế nhưng, sau khi thành công, năm 2012 Abu Saleh đến Thổ Nhĩ Kỳ rồi vượt biên vào Syria và lần này, ông ta gia nhập Mặt trận Al Nusra - cũng là một tổ chức khủng bố. Trả lời một phóng viên của tạp chí Financial Times, Abu Saleh không giấu vẻ khôi hài: "Tôi vẫn thường hay nói rằng tôi đánh Mỹ bằng chính những kỹ năng do người Mỹ đào tạo…".

V.C. (theo Crime Inside)
.
.