Chỉ huy tình báo Đức là điệp viên 2 mang của Liên Xô?

Thứ Năm, 16/06/2011, 22:30

Ngay từ cuối những năm 90 thế kỷ trước, tạp chí Der Spiegel của Đức đã có được một số tài liệu quan trọng, trong đó nhắc tới khả năng có một "con chuột chũi" ngay trong giới lãnh đạo cao cấp nhất của Cơ quan Tình báo đối ngoại CHLB Đức (BND). Các nhà báo đã bí mật tổ chức một cuộc điều tra riêng.

Nhà xuất bản Ecowin tại Áo vừa cho ra mắt cuốn sách đáng chú ý có nhan đề "Enttarnt. Doppelagenten: Namen, Fakten, Beweise" (Những phát giác. Các điệp viên hai mang: tên tuổi, sự kiện và bằng chứng). Tác giả Peter-Ferdinand Koch của cuốn sách khẳng định: Người sáng lập ra Cơ quan tình báo thời hiện đại của Đức (BND) là Reinhardt Gehlen đã lôi kéo vào làm việc tại tổ chức này hàng ngàn cựu thành viên phát xít Đức cũ, nhiều người trong số này đã được tình báo Xôviết tuyển mộ từ trước đó. Cái tên đáng chú ý nhất được nhắc tới trong cuốn sách là Volker Foertsch, một chỉ huy cao cấp tại BND.

Ngay từ cuối những năm 90 thế kỷ trước, tạp chí Der Spiegel của Đức đã có được một số tài liệu quan trọng, trong đó nhắc tới khả năng có một "con chuột chũi" ngay trong giới lãnh đạo cao cấp nhất của Cơ quan Tình báo đối ngoại CHLB Đức (BND). Các nhà báo đã bí mật tổ chức một cuộc điều tra riêng.

Theo số liệu của tác giả Koch (là biên tập viên tại Spiegel vào thời điểm đó), mối nghi ngờ của các nhà báo tập trung vào một vài nhân viên tình báo Đức, nhưng đáng chú ý nhất là giám đốc bộ phận phản gián và an ninh nội bộ của BND là Volker Foertsch.

Nếu lần giở lại hồ sơ, có thể thấy Volker đã có được một quá trình thăng tiến chóng mặt tại cơ quan tình báo nhờ có sự giúp đỡ của ông bố German và người bác Friedrich. Cả Friedrich và German từng là những viên tướng phát xít, sau đó bị bắt làm tù binh vào tháng 5/1945. Friedrich sau khi bị bắt đã được chuyển tới một trại tù quân sự tại Siberia trong suốt 8 năm. Còn German lại đầu hàng người Mỹ. Đến cuối những năm 40, ông ta cùng với Reinhardt Gehlen phối hợp thành lập cơ quan tình báo của Tây Đức, bắt đầu hoạt động song song với tình báo Anh và Mỹ.

Đầu năm 1953, theo yêu cầu của chính German, Gehlen đã nhận chàng thanh niên trẻ Volker (khi đó mới có 19 tuổi) vào làm việc trong cơ quan tình báo. Từ một nhân viên quèn, Volker nhanh chóng trở thành một trong những sĩ quan tùy tùng của Gehlen, cùng làm việc trong một văn phòng với ông ta suốt 6 năm.

Trong thời gian này, Volker đã kịp học từ ông chủ của mình nhiều kỹ năng cũng như mánh khóe trong lĩnh vực tình báo. Cho đến khi bức tường Berlin sụp đổ và Liên Xô bắt đầu tan rã, Volker đã có được một trong những cương vị quan trọng nhất tại BND - chỉ huy Ban 1 chuyên đảm trách việc khai thác thông tin tình báo.

Trên thực tế, Volker đang lãnh đạo một bộ phận có khả năng chỉ đạo và nắm bắt về hoạt động của tất cả các chi nhánh của BND tại nước ngoài. Một trong những nhiệm vụ trực tiếp của Volker chính là điều hành hoạt động các điệp viên hai mang của BND đang làm việc tại các cơ quan mật vụ nước ngoài.

Đến giữa những năm 90, Volker chuyển sang lãnh đạo Ban số 5 - là bộ phận phụ trách phản gián và an ninh nội bộ của BND. Chỉ huy Ban 5 về truyền thống vẫn được coi là nhân vật quyền lực thứ ba tại BND sau giám đốc và phó giám đốc.

Trong giai đoạn này, Volker bắt đầu phải hứng chịu những thất bại đầu tiên. Chẳng hạn như báo chí có thông tin khẳng định, các điệp viên BND theo chỉ thị của Volker đã tổ chức theo dõi và thu thập tài liệu về các phóng viên có quan điểm chỉ trích chính phủ gay gắt. Cần nói thêm là theo luật hiện hành, các hoạt động của BND trong nước về cơ bản bị ngăn cấm. Còn việc theo dõi các phóng viên cũng nằm ngoài khuôn khổ luật pháp (luật cho phép các phóng viên được giữ bí mật xuất xứ của các nguồn tin). 

Tuy nhiên, rắc rối lớn nhất của Volker chỉ bắt đầu sau khi có sự xuất hiện của điệp viên Rubezahl, một nhân viên KGB tại Moskva được BND tuyển mộ lại. Đầu năm 1997, Rubezahl thông báo cho viên sĩ quan điều hành hoạt động của mình rằng, tại BND đang có một "con chuột chũi lớn", không chỉ đơn giản là một điệp viên hai mang, mà còn là một trong những quan chức lãnh đạo cấp cao nhất tại Pullach (trụ sở của BND cho đến trước năm 1998). Thông tin trên ngay lập tức có mặt trên bàn của Volker, và ông này lệnh cho một sĩ quan cao cấp tiến hành điều tra để làm rõ tay gián điệp của Nga.

Theo ý kiến của Volker, thông tin của Rubezahl thật ra chỉ là giả mạo, hay chính xác hơn, đó là một chiến dịch tung tin giả quy mô của mật vụ Nga. Tuy nhiên, viên sĩ quan này đã chú ý tới một số chi tiết trong báo cáo của Rubezahl, trong đó mô tả cuộc sống riêng tư của “chuột chũi lớn” gián điệp - chẳng hạn có người vợ bệnh tật và một đứa con trai đã tự sát.

Cuốn "Enttarnt. Doppelagenten: Namen, Fakten, Beweise" của tác giả Peter-Ferdinand Koch.

Điều quan trọng nhất là những chi tiết trên trùng hợp 100% với hoàn cảnh của Volker - ông ta có người vợ bị ung thư và đứa con trai đã tự sát, trong khi các nhân viên còn lại của BND đều không có đặc điểm tương tự như trên. Tay sĩ quan điều hành Rubezahl đã trực tiếp báo cáo những nghi ngờ trên lên cho Giám đốc Konrad Porzner, người ngay sau đó đã chỉ thị đặt máy nghe trộm tại văn phòng và nhà của Volker, tổ chức theo dõi ông ta suốt ngày đêm.

Theo tác giả cuốn sách, Giám đốc Porzner còn ký một sắc lệnh bí mật, ban thưởng 100.000 mark cho ai cung cấp được thông tin về mối quan hệ của chỉ huy bộ phận phản gián BND với Moskva. Vòng vây bao quanh Volker bị xiết chặt đến nỗi, ông ta bị buộc phải từ chức.

Tháng 5/1998, Viện Kiểm sát tối cao chính thức khởi tố vụ án hình sự chống lại Volker vì bị nghi ngờ hoạt động cho tình báo nước ngoài. Tuy nhiên cũng chỉ vài ngày sau, vụ án trên lại bị đóng lại, do các lời cáo buộc được cho là thiếu căn cứ. Tay sĩ quan tại BND từng nhận được báo cáo của Rubezahl bị chỉ trích và xét xử vì tội giả mạo tài liệu. Riêng Volker bị cho về hưu trước thời hạn.

Nhưng mọi chuyện không chỉ kết thúc đơn giản như vậy. Biên tập viên Koch khẳng định, việc đóng lại hồ sơ xét xử Volker có nhiều điểm đáng nghi ngờ. Có ít nhất 3 sự kiện trong tiểu sử của Volker cho thấy ông ta có nhiều khả năng là một gián điệp của Nga.

Năm 1953, Volker khi còn trẻ được giao nhiệm vụ kiểm soát việc cung cấp hộ chiếu cho những người chạy khỏi CHDC Đức, đang tập trung tại một trại đón tiếp ở Marienfeld (Berlin). Những kẻ đào thoát khỏi Nga và các nước Đông Âu ban đầu thường được đưa tới trại này. Cũng tại đây, Volker làm quen với một nhân vật gốc Czech có tên Gerfried Pachmann, người đã làm cho tay nhân viên tình báo trẻ tuổi phải mê mẩn vì những kiến thức về văn hóa và những mối quan hệ tại Đông Berlin.

Volker và Pachmann đã từng gặp nhau vài lần tại nhà hàng Hardtke-Tây Berlin. Theo như lời của Volker, ông ta muốn nhờ Pachmann giúp đỡ làm rõ số phận của người bác Friedrich tại trại tù binh của Liên Xô. Người đàn ông Czech này hứa hẹn sẽ giúp thông qua một số mối quan hệ tại Bộ Chỉ huy quân sự Liên Xô ở Berlin. Hiện không rõ Friedrich có phải được trả tự do nhờ sự giúp đỡ của người bạn cháu mình hay không, nhưng nhân vật có tên Pachmann quả thật từng có mặt tại Berlin vào thời điểm đó. Chỉ có điều người này không phải ở trại Marienfeld, mà là một nhân viên của Cơ quan Tình báo quân đội Xôviết (GRU) tại Berlin.

Còn theo chi tiết thứ hai, trong tay Volker vào năm 1962 có được tài liệu về hai nhân viên cao cấp của BND là Felfe và Clemens, những người về sau bị phát hiện và xét xử với tư cách những điệp viên hai mang. Cả hai nhân vật trên đã được KGB tuyển mộ, và cứ mỗi thứ bảy trên một dải tần nhất định họ lại liên lạc với trung tâm, nhận được những tín hiệu dưới dạng các con số, chỉ có thể đọc được nhờ một thiết bị giải mã đặc biệt.

Felfe cho tới giờ vẫn được coi là một thành công lớn nhất của tình báo Xôviết trong thời kỳ Chiến tranh lạnh. Nhưng có lần, Felfe đã không  thể đọc được thông điệp liên lạc do thiết bị giải mã của ông ta không hoạt động. Felfe chỉ còn cách gọi điện cho Clemens, yêu cầu người này gửi cho mình thiết bị giải mã. Nhưng tất cả những hành động trên đã không qua mắt được các nhân viên BND.

Tất cả các tài liệu và bằng chứng về sau đó đã xuất hiện trên bàn của Volker, nhưng không hiểu vì sao ông ta không tiếp tục cho điều tra mà lại ém nhẹm đi. Volker chỉ thông báo về những bằng chứng này, sau khi cả hai điệp viên trên đã bị bắt. 

Trong một chi tiết khác, Công tố viên trưởng Schulz khi thẩm vấn Volker (sau khi ông ta bị cách chức) đã hỏi về chuyến đi đáng ngờ của ông ta tới Moskva vào năm 1997. Volker đã không chịu trả lời về mục đích của chuyến đi là chuyện cá nhân hay công tác.

Cuối cùng, trong văn bản kết luận của Viện Kiểm sát tối cao CHLB Đức chỉ nói rằng: "Có những mối nghi ngờ về việc, Volker Foertsch từ năm 1993 đến 1997 đã là điệp viên của FSB, còn trong vòng 16 năm trước đó đã làm việc cho KGB, có giả thuyết cho cả STASI (Cơ quan Tình báo CHDC Đức)"

Linh Nga (tổng hợp)
.
.