Chiến dịch Barras giải cứu binh sĩ Anh tại Sierra-Leone

Thứ Tư, 17/11/2004, 16:13

Ngày 25/8/2000, 11 binh sĩ của Trung đoàn hoàng gia Ireland tại quốc gia châu Phi Sierra-Leone đã bị một nhóm cảnh sát nổi loạn có tên “Những chàng trai Westside” bắt cóc. Theo lời những người từng đối đầu với nhóm này, thành phần của nhóm phiến loạn gồm toàn những kẻ nghiện rượu và ma túy.

Vào thời điểm đó, Anh đang có khoảng 200 quân tại Sierra-Leone. Trước đó, có khoảng 1.000 lính Anh được gửi tới đây để giúp đỡ di tản các công dân nước ngoài. Nhiệm vụ tiếp theo của họ là hỗ trợ các chiến dịch nhân đạo của LHQ và huấn luyện quân chính phủ. Trong khi bảo vệ thủ đô Freetown cũng như khu vực sân bay, quân Anh đã từng đụng độ với các đơn vị của Mặt trận cách mạng thống nhất (RUF). Quân Anh còn tham gia hỗ trợ việc bắt giữ thủ lĩnh phe nổi loạn Fondea Sankon.

Những giả thuyết về vụ bắt cóc và cuộc tìm kiếm

Theo những giả thuyết đầu tiên của phía Anh, 11 quân nhân nước này đã bị bắt cóc khi đang đi trên ba chiếc “Landrover” trở về Freetown sau khi gặp gỡ với một đơn vị quân đội Jordan trong thành phần LHQ. Chỉ huy lực lượng phối hợp của LHQ tại đây khẳng định, trước đó, ông đã bàn bạc với các quân nhân Anh về nạn bắt cóc trẻ em trong khu vực và cảnh báo sự xuất hiện của họ có thể bị những điều phiền toái.

Còn theo tướng Garb, chỉ huy một đơn vị của Nigeria, người Anh đã không thông báo cho các đồng nghiệp về hoạt động của mình tại đây và họ đã bị bắt trong rừng rậm. Cũng theo ông, quân Anh còn chưa kịp gặp những người lính Jordan.

Sơ đồ chi tiết về diến tiến của chiến dịch "Barras".

Ngay khi nhận được thông tin về vụ mất tích của các quân nhân, bộ chỉ huy quân Anh đã báo động và lập tức triển khai tìm kiếm. Nhưng chiếc trực thăng rà soát khu vực mất tích của các binh sĩ này đã không phát hiện được gì. Vào thời điểm đó, một nhóm đặc nhiệm SAS gồm 12 người cũng được cử tới Sierra-Leone.

Quá trình đàm phán

Cũng trong ngày này, nhóm “Những chàng trai Westside” đã lên tiếng nhận trách nhiệm về mình trong vụ này và yêu cầu trả tự do cho thủ lĩnh của họ là viên tướng Par để đổi lấy các binh sĩ Anh. Hai ngày sau, một người lính bị bắt cóc được phép ra gặp chỉ huy của mình để đàm phán. Anh ta cho biết, điều kiện giam giữ được đảm bảo tốt và không có ai bị thương. Đến thời điểm này, Chính phủ Anh đã xác định được các binh sĩ bị bắt cóc đang được giam giữ sâu trong lãnh địa của lực lượng nổi loạn.

Tình hình được cải thiện hơn một chút, khi ngày 30/8, 5 con tin được trả tự do. Họ được thả để đổi lấy thuốc men y tế và điện thoại di động. Những con tin còn lại được hứa hẹn chỉ thả sau khi mọi yêu cầu của những kẻ nổi loạn được đáp ứng. Thay mặt cho những kẻ nổi loạn tham gia đàm phán là Đại tá Combodia. Ông này yêu cầu phải xem xét lại hiệp ước hòa bình của Sierra-Leone, phục hồi lại cương vị cũ trong quân đội cho thành viên các nhóm nổi loạn cũng như giải phóng cho các chỉ huy của họ đang bị giam giữ.

Để hỗ trợ việc giải quyết tình hình bằng con đường hòa bình, hai chuyên gia về đàm phán trong thành phần Trung đoàn số 22 của SAS đã tới Sierra-Leone. Cùng lúc đó, Bộ Tham mưu các lực lượng vũ trang Anh cũng gửi tới Senegal các đơn vị bổ sung. Ngày 5/9, 100 lính dù Tiểu đoàn 1, Trung đoàn Dù tinh nhuệ đã sang đây để chuẩn bị phương án giải cứu con tin bằng vũ lực. --PageBreak--

Ban đầu, tất cả các đơn vị dự kiến tham gia chiến dịch được tập trung tại căn cứ Hereford, trước khi tới Sierra-Leone. Các chiến sĩ SAS đã ngụy trang rất kín, xâm nhập khu vực giam giữ con tin để trinh sát. Họ thậm chí còn quan sát được cảnh những kẻ nổi loạn nhạo báng tù binh, nhằm bẻ gãy ý chí của những người này. Chúng còn đưa những người này ra trước hàng quân để giả vờ như chuẩn bị xử bắn họ.

Qua thiết bị nghe trộm, các nhân viên đặc nhiệm còn biết được thông tin bọn bắt cóc định chuyển các con tin lên những ngọn đồi cao phía trên. Nhưng ba ngày sau, nhóm con tin được chuyển xuống khu trại bên bờ sông. Quá trình trinh sát còn làm rõ được thành phần lực lượng, các điểm hỏa lực và phòng thủ chính, cũng như cơ sở hạ tầng của khu trại chính nằm bên bờ sông Rokel.

Diễn biến chiến dịch

Sau khi Thủ tướng Tony Blair phê chuẩn quyết định dùng vũ lực giải cứu con tin, chiến dịch được triển khai ngay từ rạng sáng ngày 11/9. Lúc 6 giờ 16 phút, ba chiếc trực thăng vận tải Chinook và hai trực thăng hỗ trợ hỏa lực Westland Links cất cánh từ sân bay Freetown. Tất cả đều lao nhanh về khu trại của những kẻ nổi loạn với vận tốc 200 dặm/giờ. Cùng lúc này, các nhân viên đặc nhiệm SAS đã có mặt tại những vị trí quan trọng nhằm chỉ đạo và hỗ trợ hoạt động của lực lượng nhảy dù.

Cuộc tấn công bắt đầu vào lúc 6 giờ 30 phút. Ban đầu, một chiếc trực thăng tấn công khu trại từ trên cao nhằm mục đích nghi binh. Trong khi ba chiếc trực thăng vận tải đã đổ quân xuống vị trí cách khu trại vài trăm mét.

Theo tường thuật của Đài CNN, một chiếc Chinook đã hạ cánh gần như ngay trước những túp lều của kẻ nổi loạn (trước đó không phát hiện thấy từ trên cao) khiến bộ phận đổ bộ phải hứng chịu một hỏa lực dày đặc ngay khi vừa bước chân xuống đất. Sự kiện này đã khiến một số chiến sĩ SAS buộc phải tiêu diệt một số ổ đề kháng nguy hiểm, thay vì chỉ tập trung tìm kiếm và giải cứu con tin.

Chỉ huy quân nổi loạn Fonday Kalai hết sức bất ngờ trước việc quân Anh xuất hiện trong khu trại của mình ngay tại ngôi làng nhỏ Gberi Bana, cũng là nơi giam các con tin. Trước đó, hắn ta hoàn toàn tin tưởng vào các vị trí được bố trí quanh đó. Nói chung, những tên phiến quân trong tình trạng luôn có men rượu và thiếu sự chỉ huy gần như không có sự kháng cự đáng kể trước những người lính đặc nhiệm của Anh.

Tuy vậy, những phiến quân có một nhóm gồm 60 tên được bố trí ở một vị trí khác có nhiệm vụ hỗ trợ hỏa lực cho trại chính trong trường hợp bị tấn công. Chúng tập trung hỏa lực súng máy nhằm vào lực lượng đổ bộ. Mọi chuyện chỉ kết thúc sau khi nhóm SAS thứ hai cùng một số lính đổ bộ đột nhập từ phía nam qua một thung lũng và bất ngờ tấn công dập tắt các cụm hỏa lực của quân phiến loạn.

Cùng lúc này, nhóm tìm kiếm con tin đã phát hiện được các đồng đội của mình. Họ nhanh chóng tiêu diệt bọn phiến quân và dẫn con tin ra chiếc trực thăng đã đợi sẵn. Trong quá trình di tản con tin, một lính nhảy dù bị thương nặng và sau đó đã không qua khỏi.

Phần lớn các nhân viên trong nhóm tìm kiếm con tin cũng bị thương. Trong điều kiện bị đối phương vãi đạn đuổi theo, chiếc trực thăng vẫn kịp cất cánh rút lui. Cho dù gặp không ít khó khăn, toàn bộ chiến dịch chỉ diễn ra trong vòng 12 phút. Các con tin được giải cứu và đưa bằng trực thăng tới một chiếc tàu đang đợi sẵn ở cảng Freetown. Trong khi đó, hai chiếc trực thăng Chinook khác đã hạ cánh xuống một khu trại ở phía nam dưới sự yểm hộ của một chiếc Westland Links. Cuộc chiến ở đây đã kéo dài khoảng 30 phút.

Kết quả là nhóm phiến loạn bị đánh tan cùng những khu trại chính của chúng. Kalai khi cố gắng rút lui về phía bắc cùng với một nhóm tàn quân của mình đã bị bắt, sau đó được trao cho Chính phủ Sierra-Leone. Đơn vị đặc nhiệm cuối cùng của Anh rút khỏi chiến trường vào lúc gần 16 giờ. Phía Anh có 1 người chết, 13 người bị thương. Quân phiến loạn có 25 tên bị tiêu diệt, 18 tên bị bắt làm tù binh.

Chiến dịch mang mật danh “Barras” đã cho thấy khả năng phối hợp tác chiến cao, tác chiến nhanh hạn chế thương vong của các đơn vị đặc nhiệm Anh

Hồng Sơn (Theo Special Operations)
.
.