Chiến dịch phi tang xác chết dưới chế độ Pinochet

Thứ Bảy, 27/10/2007, 11:56
Theo nhiều tờ báo ở Chile, phương pháp bỏ xác vào bao và ném xuống núi hay xuống biển vẫn được áp dụng sau năm 1975, thậm chí kéo dài đế năm 1982. Ngay cả các của những tù nhân bị chôn vội vàng tại căn cứ Peldahue hay tại sa mạc Atacama cũng bị quật mồ cho vào bao rồi ném xuống biển hay xuống các vùng núi cao.

Rõ ràng, đây là những vụ phi tang tập thể nhằm trốn tránh mọi trách nhiệm liên đới của những kẻ chủ mưu từng tham dự trong chiến dịch Puerto Montt.

Vào tháng 6/2004, sau một cuộc điều tra kéo dài một năm rưỡi về số phận những tù nhân mất tích dưới chế độ Pinochet ở Chilê, thẩm phán Juan Guzman đã cho công bố hồ sơ dày 20.000 trang về chiến dịch thủ tiêu tù nhân có tên gọi Puerto Montt và buộc tội những nhân vật chủ chốt của chiến dịch này.

Những chi tiết được phơi bày trong hồ sơ điều tra về chiến dịch Puerto Montt (được đặt tên theo một mật mã của Cơ quan mật vụ DINA)  làm người ta rùng mình: từ năm 1974 (nhưng theo nhiều nhân chứng là từ cuối năm 1973) đến năm 1978, hơn 40 chuyến bay bằng trực thăng loại Puma đã được thực hiện với sự tham gia của các phi công, thợ máy thuộc Đơn vị biệt kích không quân và nhân viên mật vụ DINA.

Mỗi chuyến bay chở theo từ 8-15 túi bằng đay đựng xác tù nhân. Tất cả đều được vứt xuống biển hay trên vùng núi cao, với con số tổng cộng khoảng 400-500 nạn nhân. Hẳn nhiên, bí mật này đã được các phi công, thợ máy và nhân viên mật vụ DINA ém nhẹm suốt một thời gian dài.

Khi cuộc điều tra được tiến hành vào đầu năm 2003, đa phần trong số họ cố tình - hoặc do biết mình sẽ bị tù tội - chối tội khi được thẩm vấn về những phi vụ bí mật này. Tuy nhiên có đến 20 người trực tiếp tham gia các chiến dịch phi tang đã phẫn uất kể lại mọi việc, chỉ vì trước đó đã bị chế độ Pinochet bỏ rơi tàn nhẫn.

Theo thú nhận của những người này với thẩm phán Guzman thì mỗi phi công, thợ máy và nhân viên mật vụ đều ít nhất tham gia 1 phi vụ, có người đến 3 phi vụ.

Từ thú nhận này, đến ngày 14/11/2004, thẩm phán Guzma đã kết tội Đại tá Diaz - một trong những chỉ huy của chiến dịch phi tang xác chết - và 4 phi công và thợ máy khác là đồng phạm trong vụ phi tang xác của Marta Ugarte. Trong số tất cả những xác bị  ném xuống biển, chỉ có xác của nữ chiến sĩ Cộng sản này được vớt lên.

Nữ chiến sĩ Cộng sản Marta Ugarte, nạn nhân của chiến dịch Puerto Montt.

Tháng 9/1976, xác của Marta được ném ở khu vực bờ biển La Ballena, gần hải cảng nhỏ Los Molles, cách thủ đô Santiago của Chile 250km về phía nam. Một thợ máy tham gia phi vụ ném xác Marta đã khai nhận với thẩm phán Guzman.

Nhiều lời khai khác cũng giúp thẩm phán Guzman buộc tội bắt cóc và giết người đối với Đại tá Carlos Lopez Tapia, nguyên Giám đốc nhà tù Villa Grimaldi. Đây là một trung tâm giam giữ khủng khiếp, tra tấn trong bí mật và thủ tiêu những người cộng sản.

Từ những thông tin bí mật về các chiến sĩ cộng sản bị bắt giữ được cung cấp bởi  DINA, Đại tá Tapia  ra lệnh tra tấn và đánh đập nạn nhân cho đến chết. Công đoạn này chỉ là một phần của chiến dịch Puerto Montt .

Công đoạn quan trọng nhất của chiến dịch Puerto Montt diễn ra tại căn cứ quân sự Peldehue, gần thành phố nhỏ Colina, cách thủ đô Santiago 70km. Tại đây, hai ba xe tải quân sự đậu sẵn ở một địa điểm được canh gác cẩn mật, thùng xe đậy bạt trắng, dưới đó là xác các nạn nhân đưa đến từ nhà tù Villa Grimaldi.

Khi trực thăng đến, nhiều người sẽ chuyển xác lên trực thăng. Trực thăng chở xác đến những vùng núi cao như Quintero, San Antonio hay Santo Domingo và ném xuống. Kết thúc phi vụ, trực thăng sẽ quay về lại căn cứ Peldehue để chuẩn bị thực hiện những phi vụ kế tiếp mà đích đến là vùng biển La Ballena, Los Lanos.

Theo nhiều tờ báo ở Chile, phương pháp bỏ xác vào bao và ném xuống núi hay xuống biển vẫn được áp dụng sau năm 1975, thậm chí kéo dài đế năm 1982. Ngay cả các của những tù nhân bị chôn vội vàng tại căn cứ Peldahue hay tại sa mạc Atacama cũng bị quật mồ cho vào bao rồi ném xuống biển hay xuống các vùng núi cao. Rõ ràng, đây là những vụ phi tang tập thể nhằm trốn tránh mọi trách nhiệm liên đới của những kẻ chủ mưu từng tham dự trong chiến dịch Puerto Montt.

Một nhân chứng quan trọng từng tham gia chiến dịch Puerto Montt là Carlos Herrera Jimenez, cựu giám thị nhà tù Villa Grimaldi. Carlos không ngần ngại kể lại với thẩm phám Guzman những tội ác mà mình và cấp trên gây ra. Từ năm 1973-1974, tại nhà tù Villa Grimaldi đã diễn ra 150 vụ hành quyết tù nhân một cách bí mật. Là quân nhân chuyên nghiệp, Carlos chỉ nhận và thi hành lệnh của cấp trên.

Theo tự thú của Carlos thì những vụ hành quyết diễn ra vào rạng đông. Carlos không nhớ chính xác số người mà y đã giết, chỉ biết rằng là nhiều lắm. Sau đó xác của những tù nhân này được chở bằng xe vận tải quân sự đến căn cứ Peldahue để chờ đưa đi phi tang bằng máy bay trực thăng.

Những nhân vật chủ chốt trong chiến dịch Puerto Montt là ai? Đó là tướng Manuel Contreras, chỉ huy Cơ quan mật vụ DINA. Contreras được Pinochet giao nhiệm vụ cai quản trực tiếp nhiều nhà tù, trại tạm giam và trung tâm thẩm vấn là những địa ngục chuyên hành hạ tù nhân cho đến chết.

Bộ trưởng Tư pháp Monica Madariaga, nhân vật tích cực trong chiến dịch Puerto Montt.

Theo hồ sơ điều tra của thẩm phán Guzman thì con số nạn nhân của Contreras phải lên đến hàng ngàn  người. Luật sư Pablo Rodriguez, chỉ huy phong trào khủng bố mang tên Patria Libertad cũng bị buộc tội có liên quan đến chiến dịch Puerto Montt. Là bạn thân với Contreras, Rodriguez được bổ nhiệm chánh án của một tòa án đặc biệt chuyên kết tội những người chống lại chế độ Pinochet và quyết định thủ tiêu họ.

Nhân vật nữ duy nhất là Monica Madariaga, em họ của Pinochet. Là Bộ trưởng Tư pháp trong giai đoạn 1977-1983 dưới thời Pinochet, Madariaga đã chỉ đạo nhiều tòa án làm biến mất hồ sơ tư pháp của những người bị thủ tiêu trong chiến dịch Puerto Montt nhằm tìm cách bưng bít những hành động dã man này.

Trong hồ sơ điều tra của thẩm phán Guzman về chiến dịch Puerto Montt, còn nêu danh tính của 30 sĩ quan cao cấp khác trực tiếp hay gián tiếp liên quan đến hành động phi tang xác những người cộng sản, những người chống lại chế độ Pinochet bằng cách ném hết xuống biển và xuống các vùng núi cao

Hoàng Phú (theo Historia)
.
.