Chiến dịch thâm nhập “Công quốc Carfagen”

Thứ Hai, 22/05/2006, 08:00

Trong lịch sử của Cơ quan Tình báo đối ngoại Nga có không ít những chiến dịch thành công. Dưới đây là một chiến dịch độc nhất vô nhị mà tình báo Liên Xô đã tiến hành vào đầu những năm 60 của thế kỷ trước. Chiến dịch có tên Chiến dịch thâm nhập "Công quốc Carfagen" do phóng viên Valentin Dvinhin kể lại.

Robert Lee Johnson được tình báo KGB tuyển chọn từ năm 1953, khi anh còn phục vụ tại doanh trại quân đội Mỹ đóng ở Tây Berlin. Sau khi cãi một trận sống mái với chỉ huy của mình, Robert cùng với Hedi lúc đó là vợ chưa cưới chạy sang Đông Đức và vào Sứ quán Liên Xô xin tị nạn chính trị. Sau cuộc nói chuyện nghiêm túc, Robert nhất trí tham gia cộng tác với KGB, coi đó là biện pháp tốt nhất để trả thù những người đã làm anh tức giận. Mặc dù đã tuyển chọn Robert, nhưng KGB hiểu rằng với hoàn cảnh lúc đó, trước mắt xếp anh là điệp viên dự trữ.

Điệp viên dự trữ

Tuy nhiên, Robert Lee Johnson cũng cố gắng nắm vững những thủ pháp bí mật. Anh còn lôi kéo cả Hedi vào công tác tình báo với tư cách là liên lạc viên và thậm chí còn thu hút cả bạn của mình là James Allen Mitkenbo. Sự trưởng thành về mặt nghề nghiệp như một điệp viên thực thụ của Robert Lee Johnson được khẳng định vào năm 1956 khi anh được điều về Mỹ và trở thành  bảo vệ của một trong những căn cứ tên lửa của Mỹ.

Robert Lee Johnson đã có được các kế hoạch bố trí tên lửa, chụp ảnh, và có lần đã khôn khéo thu được mẫu nhiên liệu tên lửa và chuyển cho tình báo KGB. Khi Robert Lee Johnson chuẩn bị ký hợp đồng mới với quân đội, KGB đã khéo léo tạo điều kiện để anh ta được điều đến Pháp, nơi đang bố trí đại bản doanh Bộ chỉ huy lực lượng quân sự Mỹ ở châu Âu và Ban Tham mưu tối cao các lực lượng đồng minh NATO. Cho đến khi Vitali Victor thiết lập tiếp xúc với Robert Lee Johnson, thì anh đang phục vụ tại một căn cứ quân sự Mỹ ở Orlean, cách Paris 115 km.

Lúc đó, khả năng thu và nhận tin tức từ Robert Lee Johnson bị hạn chế.

A. I Lazarev, Robert Lee Johnson, Victor, Felik.

Chính vì vậy, Robert Lee Johnson đã đến Paris để gặp gỡ trao đổi và thống nhất khả năng chuyển anh ta đến một địa điểm gần với các cơ quan tham mưu của Mỹ và NATO đóng ở khu vực gần thủ đô Paris.

Mùa hè năm 1960, Hedi mắc bệnh rối loạn thần kinh và được đưa đến điều trị tại một bệnh viện quân y của Mỹ nằm ở ngoại ô thủ đô Paris. Với lý do vợ cần phải ở gần quân y viện, Robert Lee Johnson đã đề nghị lên chỉ huy cho anh chuyển về gần Paris. Sau khi Robert bị từ chối, anh đã trao đổi với một thượng sĩ trong ban tham mưu và được anh ta khuyên cố gắng xin được vào Trung tâm giao thông liên lạc của các lực lượng quân sự Mỹ đóng tại thành phố Orly, ngoại ô Paris.

“Đó là cái gì vậy?” - Robert hỏi lại. “Đó là bưu điện trung chuyển các bưu phẩm bí mật”, - viên thượng sĩ thiện chí kia giải thích. Hóa ra đây chính là trung tâm giao liên đang cần bổ sung nhân lực. Và yêu cầu thuyên chuyển của Robert Lee Johnson được đáp ứng. Điệp viên Robert Lee Johnson từ dự trữ đã trở thành điệp viên hành động thực sự.

Căn phòng két sắt

Trung tâm giao liên Mỹ là một công trình bằng bêtông và chỉ có một cửa ra vào, xung quanh có hàng rào dây thép gai. Công trình này nằm ở góc tận cùng sân bay Orly, khi đó là sân bay chính của Mỹ. Không có biển đề và thường xuyên có đội bảo vệ được vũ trang đã nhấn mạnh tầm quan trọng của mục tiêu này.

Trong điều kiện như vậy việc thâm nhập mục tiêu là cực kỳ khó khăn. Tuy nhiên, việc cần làm vẫn cứ phải làm. Và việc nghiên cứu được xúc tiến. Trong buổi gặp gỡ với Robert Lee Johnson, Victor đã hỏi cặn kẽ về chế độ làm việc và tổ chức bảo vệ, yêu cầu ghi nhớ kỹ tất cả những gì khi Robert có điều kiện vào bên trong.

Qua tìm hiểu, Robert biết được là sau lần cửa ra vào có một buồng nhỏ, tại đó có đặt một chiếc bàn để phân loại bưu phẩm. Còn bộ phận chính của boongke là một buồng két sắt. Chỉ có thể vào trong đó sau khi đã mở được hai cánh cửa sắt nặng nề. Cánh cửa thứ nhất được cài then với hai chiếc khóa treo có mã số. Còn cánh cửa thứ hai có khóa gắn liền cánh cửa với hình thù phức tạp.

Một hoặc hai lần trong tuần giao thông viên quân sự sẽ chuyển từ Mỹ sang những bưu phẩm được đóng gói trong những chiếc túi bằng da và được kẹp bằng những chiếc kẹp đặc biệt. Sĩ quan trực và nhân viên, kể cả nhân viên bảo vệ được phép tiếp xúc với những bưu phẩm trên, phân loại và đặt vào các ngăn của căn phòng két sắt.

Sau một thời gian những giao thông viên đến lấy những túi bằng da đó và đem phân phát theo các địa chỉ. Bằng biện pháp theo dõi chặt chẽ từ bên ngoài, KGB đã xác định được rằng ngoài Sứ quán Mỹ ở Paris, một số tài liệu, bưu phẩm còn được gửi đến các đại bản doanh của NATO và các đơn vị quân đội Mỹ đóng ở châu Âu, kể cả Hạm đội 6 của Mỹ đóng ở Italia.

Nhiệm vụ hàng đầu là Robert Lee Johnson phải được tiếp cận với công việc tiếp xúc với tài liệu bí mật.

Trong thời gian trực trong trung tâm giao liên, Robert đã giúp sĩ quan trực ban phân loại và xếp các bưu phẩm trong các phong bì có dấu đỏ và dấu xanh theo từng ngăn. Thế nhưng, việc một mình vào buồng két sắt bị tuyệt đối nghiêm cấm. Và chỉ có các sĩ quan mới được biết mã số của các khóa treo và có chìa khóa vào buồng trong. Lúc này, nhiệm vụ mở khóa được đặt lên hàng đầu.

Victor đã cung cấp cho Robert một hộp chất dẻo để nếu có thời cơ có thể lấy mẫu của chiếc khóa cửa bên trong. Và thời cơ đó đã đến. Một lần viên sĩ quan trực ban mở cánh cửa tủ sắt gắn vào tường bên trong cánh cửa ra vào, Robert nhìn thấy còn một bộ chìa khóa dự trữ khác ở đó. Ngay trong lần sau, khi viên sĩ quan trực ban còn bận vào việc phân loại bưu phẩm, Robert đã nhanh chóng lấy chùm chìa khóa dự trữ ra... và sau đó trả lại chỗ cũ. Một tuần sau, Victor đã trao cho Robert chùm chìa khóa được chế tạo tại Moskva.--PageBreak--

Với bộ mã số của những chiếc khóa treo thì phức tạp hơn. Đứng sau lưng viên sĩ quan trực ban, Robert không tài nào liếc nhìn được viên sĩ quan bấm những số nào để mở được khóa. Nhưng hoàn cảnh đôi khi lại giúp người. Cứ sau một thời gian nhất định, theo hướng dẫn bảo mật, mã số lại được thay đổi. Một hôm, viên đại úy mới đến trực không nắm được mã số mới thay. Anh ta gọi điện cho một sĩ quan khác và hỏi. Lúc đầu viên sĩ quan kia từ chối thông báo mã số qua điện thoại. Nhưng sau một phút lưỡng lự anh ta đã thông báo. Viên đại úy lấy mảnh giấy chép mã số mở khóa. Mở xong, hắn vứt mảnh giấy đó vào sọt rác. Và Robert có được nó dễ dàng.

Tổ tình báo của KGB ở Paris lúc đó do Đại tá A.I.Lazarev đứng đầu đã quyết định thời điểm để thâm nhập vào buồng két sắt chính là đêm thứ bảy và chủ nhật.

Theo chỉ dẫn của Victor, Robert xin nhận trực vào các tối thứ bảy, với lý do những ngày thường phải đưa vợ đến khám tại bệnh viện.

Thời điểm quyết định

Tần số những cuộc gặp với Robert ngày càng tăng lên. Victor dặn dò Robert quan sát  kỹ xem có hệ thống báo động trong khu vực để két sắt và Victor đã tạo điều kiện để Felik làm quen với Robert.

Felik Ivanov đã tốt nghiệp Trường MGIMO. Anh là chuyên gia về các vấn đề quốc tế tại UNESCO, một cơ quan chuyên ngành của Liên Hiệp Quốc có trụ sở tại Paris.

Chính Felik là người phải liên lạc với Robert để nhận những tài liệu lấy được từ trung tâm giao liên. Trên chiếc “Peugeot 404” với biển số thông thường của Paris được mua để chuyên dùng cho chiến dịch này, Felik đã nhiều lần chở Robert đến những nơi gặp gỡ ban đêm. Họ phải tính toán chính xác đến từng giây và thống nhất những tín hiệu đề phòng nguy hiểm. Sau đó, Felik mang đến cho Robert hai cái túi của Hãng Hàng không Air France thường giống hệt như cái túi mà Robert vẫn mang thức ăn đi trực ban đêm.

Một trong những chiếc túi đó để Robert đựng tài liệu lấy được từ buồng két sắt. Còn chiếc thứ hai có một chai rượu cognac, vài miếng bánh mì kẹp thịt, mấy quả táo và 4 viên thuốc màu trắng được gói trong tờ giấy ăn.

“Đó là loại rượu cognac đặc biệt, - Felik giải thích - Nếu như ai đó bỗng nhiên xuất hiện, anh hãy mời họ uống và người đó sẽ nhanh chóng ngủ thiếp đi. Còn nếu gặp trường hợp anh phải uống thì hãy uống trước 2 viên thuốc này, sau 5 phút uống tiếp 2 viên còn lại. Những viên thuốc đó sẽ giúp cho anh khỏi say và không buồn ngủ”.

Chiến dịch đầu tiên lấy tài liệu từ trung tâm giao liên diễn ra vào đêm 15 rạng sáng ngày 16/12/1962. Robert Lee Johnson chỉ mất chưa đầy 10 phút để vào được buồng két sắt. Sau đó nhét đầy các tài liệu, nhẹ nhàng đóng cả hai cửa và đi đến địa điểm gặp gỡ.

Như đã quy định trước, đúng 0h15, Robert trao chiếc túi cho Felik. Trong khi đó nhóm chuyên gia cao cấp được phái từ Moskva sang đã sẵn sàng làm việc tại căn buồng trên tầng 3 của một ngôi nhà ở Paris. Họ biết rằng họ chỉ có trên 1 tiếng đồng hồ để chụp lại toàn bộ nội dung mớ tài liệu và sau đó đóng gói trở lại không để lại bất cứ dấu vết gì nghi ngờ.

3h15, theo lịch trình, Felik dừng xe tại con đường bên cạnh nghĩa địa và trao lại cho Robert gói tài liệu.

Sau một tuần, vào đêm 22 rạng sáng ngày 23/12 chiến dịch lấy cắp tài liệu từ trung tâm giao liên được lặp lại. Và chiến dịch lại thành công. Robert đã chuyển cho Felik chiếc túi đầy tài liệu mà các giao thông viên mới chuyển đến.

Trong lần gặp Robert tiếp theo ngay sau Lễ Giáng sinh, Felik tỏ ra rất phấn khởi. Anh nói với với Robert: “Tôi xin chúc mừng anh đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp hòa bình. Để ghi nhận công lao đó, anh được Bộ trưởng Quốc phòng Liên Xô phong hàm Thiếu tá". Felik cũng trao cho Robert một món tiền lớn và chúc anh nghỉ ngơi vui vẻ trong kỳ Lễ Giáng sinh.

Về sau được biết rằng, những tài liệu thu được hết sức quan trọng. Đó là những tài liệu liên quan đến kế hoạch của Bộ chỉ huy quân sự Mỹ chuẩn bị tiến hành những hành động quân sự của phương Tây chống các nước trong khối quân sự Varsava. Trong đó nêu rõ những nhiệm vụ và mục tiêu tấn công hạt nhân vào các cơ sở, trung tâm công nghiệp và những thành phố lớn của Liên Xô và các nước đồng minh; xác định các phương tiện và các đơn vị của lực lượng hạt nhân Mỹ ở châu Âu, những tàu chiến và tàu ngầm của hạm đội Mỹ, những mục tiêu tấn công hạt nhân do các nước đồng minh NATO đảm nhiệm. Trong trường hợp quân đội Liên Xô tiến sang Tây Âu hoặc có mối đe dọa của Liên Xô tấn công, thì các cuộc tấn công của Mỹ và NATO sẽ đối phó như thế nào. N.S Khrutshev đã trực tiếp đọc các tài liệu đó.

Thế rồi cứ hai tuần một lần suốt thời gian từ tháng 12/1962 đến tháng 4/1964, cứ đến ca trực Robert lại chuyển tài liệu cho người của tình báo Liên Xô. Mãi đến năm 1964 Mỹ mới phát hiện ra việc các tài liệu bí mật bị lọt ra ngoài, song đến lúc đó KGB đã chấm dứt chiến dịch này. Còn Robert Lee Johnson đã chuyển về Lầu Năm Góc làm việc. Tuy nhiên, KGB không thể không quan tâm đến Robert bởi anh thường xuyên thể hiện tâm lý mệt mỏi. Rất có thể do hoàn cảnh tác động và do mâu thuẫn với vợ, bởi vợ anh tâm thần không ổn định, hay đau ốm... Và một lần, Hedi đã kể lại với những người hàng xóm rằng chồng cô ta là điệp viên của KGB.

Tất cả những điều đó đã đến tai Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) nhưng lúc đầu họ không chú ý. Nhưng ngày 4/2/1964, một tên phản bội đã tiết lộ về nhân thân của Robert Lee Johnson và anh đã bị FBI bắt giữ. Năm 1965, Robert Lee Johnson đã bị Tòa án liên bang Mỹ tuyên phạt 25 năm tù

Lê Văn Thắng (theo báo Điện tử Nga)
.
.