Chiến dịch "trả đũa" của không quân Liên Xô tại Berlin năm 1941

Thứ Hai, 17/04/2006, 08:00

Ngày 22/6/1941, Hitler phát động chiến tranh xâm lược Liên Xô. Ngày 21/7/1941, gần 300 chiếc máy bay Đức điên cuồng ném bom nhiều nơi ở thủ đô Moskva. Từ đó cho đến tháng 8/1941, hàng ngày hầu như Moskva đều bị máy bay phát xít Đức không kích. Với sự ngăn chặn ngoan cường của không quân và sự bắn trả quyết liệt của pháo phòng không Liên Xô, máy bay Đức bị tổn thất đáng kể.

Trước tình hình đó Stalin đã ra lệnh cho không quân nghiên cứu hành động chiến lược để đối phó với các đợt không kích của phát xít Đức... Lúc đó, một phần lãnh thổ phía tây Liên Xô đã rơi vào tay Đức phát xít, không có sân bay sử dụng, chỉ còn tàu sân bay Hạm đội Baltic là gần Berlin nhất, có thể sử dụng máy bay cất cánh tập kích Berlin. Một số thành viên đại bản doanh cùng Tổng Tư lệnh Hải quân Kuznetsov và Tham mưu trưởng Hải quân Arafeyzov đã nghiên cứu tính khả thi của hành động chiến lược này. Họ cho rằng, nếu như cất cánh từ Hạm đội Baltic ở Leningrad có thể bay đến Berlin, nhưng đường bay quá dài, máy bay không thể trở về sân bay của mình. Biện pháp duy nhất là cất cánh từ đảo Eszel đến tập kích Berlin. Phương án được một số chuyên gia quân sự nghiên cứu, lập luận chứng và nhất trí cao.

Vấn đề đặt ra lúc đó là, lực lượng Không quân Hải quân Liên Xô chỉ có thể sử dụng máy bay oanh tạc đường dài DB-3; nạp đầy 3.000kg nhiên liệu, chở bom đạn không quá 800kg, mới có thể bay đến Berlin và quay về đảo Eszel. Theo tính toán, máy bay ném bom đường dài DB-3 khi chở đầy xăng dầu và bom đạn chỉ bay được 7 giờ 25 phút; nếu như mất gần 7 giờ bay đến Berlin và về thì thời gian cơ động chỉ còn khoảng 20-30 phút; cho nên kế hoạch phải thực hiện thật chuẩn xác, máy bay mới có thể hoàn thành nhiệm vụ ném bom Berlin và kịp trở về sân bay Eszel.

Tổng Tư lệnh Hải quân Kuznetsov đem phương án tác chiến đến báo cáo với Đại nguyên soái - Tổng Tư lệnh tối cao Stalin. Sau khi nghe xong, Stalin kéo rèm, mở bản đồ trên tường, vạch một đường kẻ từ đảo Eszel đến Berlin phê chuẩn phương án của Hải quân. Stalin còn nói, hành động ném bom chiến lược lần này mang ý nghĩa chính trị nhiều hơn là quân sự, phải bằng mọi cách hoàn thành.

Kuznetsov ý thức được chiến dịch này là rất quan trọng. Ông đã nhanh chóng bí mật tổ chức thực hiện phương án. Trung tướng Zavolukov, Tư lệnh Lực lượng Không quân Hải quân Hạm đội Baltic đảm nhiệm chức vụ Tổng chỉ huy. Hội đồng quân sự Hạm đội Baltic đã chọn ra các phi công ưu tú và xác định đội máy bay gồm 15 chiếc thuộc Trung đoàn bay ném bom số 1 Hải quân thực hiện nhiệm vụ tác chiến. Sĩ quan chỉ huy cả tốp bay là Thượng tá Puliozenski; Phó chỉ huy là Đại úy Coliseshinicov; Đại đội trưởng là Đại úy Efeylimov; Cơ trưởng chuyên gia dẫn đường giỏi nhất của Hạm đội: Đại úy Khokhelov. Các thành viên khác trong tổ bay đều là những phi công giàu kinh nghiệm chiến đấu và kinh qua trên 2.000 giờ. Thời gian ném bom Berlin được xác định đêm ngày 7/8/1941.

Ngày 30-7-1941, đích thân Trung tướng Kuznetsov bay đến đảo Eszel, kiểm tra và đôn đốc tình hình chuẩn bị tác chiến. Công việc chuẩn bị gặp rất nhiều khó khăn. Thứ nhất, sân bay trên đảo Eszel là sân bay cho máy bay tiêm kích, được xây dựng từ trước chiến tranh, đường băng chỉ dài 1.300m, điều này gây khó khăn cho máy bay ném bom hạng nặng lên xuống; từ đó yêu cầu kỹ thuật lái của phi công phải rất cao. Thứ hai, sân bay thiếu cơ sở bảo đảm, xăng dầu và đạn dược phải chuyển từ Talin, thủ phủ Estonia (đang bị bao vây) đến, quá trình vận chuyển phải qua vịnh Phần Lan rải đầy bom mìn. Ngoài ra, thực hiện nhiệm vụ ném bom lần này không có máy bay tiêm kích dẫn đường hộ tống. Vì vậy, tốp máy bay khi lên bầu trời là hoàn toàn bị hỏa lực pháo mặt đất của địch uy hiếp, tỉ lệ thương vong có thể rất lớn.

Nhưng khó khăn này đã không ảnh hưởng tới tinh thần dũng cảm của lực lượng tham chiến. Công việc được chuẩn bị khẩn trương và có trình tự, khó khăn dần được khắc phục. Đêm mùng 2 rạng sáng 3/8/1941, tốp máy bay DB-3 tiến hành diễn tập ném bom tại căn cứ hải quân Shweinimtdi để kiểm tra, kết quả khá lý tưởng. Khoảng 23 giờ ngày 4/8/1941, 15 máy bay ném bom DB-3 từ Leningrad bí mật di chuyển đến sân bay trên đảo Eszel, khẩn trương chuẩn bị tác chiến.

Đêm ngày 5/8/1941, 5 chiếc máy bay Liên Xô đã tiến hành trinh sát Berlin, thêm một bước nắm tình hình phòng không ở đây. Theo trinh sát cho biết, bán kính phòng không của Berlin là 100 km, có đèn pha phát hiện mục tiêu trên không ở độ cao 6.000m... Căn cứ kết quả trinh sát, Không quân Liên Xô đã khẳng định được phương án bay chiến đấu.

21 giờ ngày 7/8/1941, Puliozenski, Thượng tá chỉ huy, cơ trưởng cất cánh đầu tiên, sau đó là 14 máy bay bám theo, tiến thẳng đến Berlin. Tin tốp máy bay cất cánh cũng lập tức được báo về Stalin.

Sau khi cất cánh, biên đội đã nhanh chóng bay ở độ cao 6.000m trên biển Baltic sau gần 3 giờ đã đến bầu trời nước Đức. Quân Đức không nghĩ được rằng máy bay Liên Xô có thể bay đường dài thẳng đến Đức nên các đài quan sát mặt đất đã tưởng là máy bay của mình, bị nhầm đường bay; hơn nữa còn chủ động báo phương vị sân bay gần nhất, đồng thời kiến nghị các máy bay này cần hạ cánh.

Đến thủ đô Berlin, Thượng tá Puliozenski ra lệnh cho tốp máy bay tản ra, theo kế hoạch công kích mục tiêu đã định. Khi trái bom đầu tiên ném xuống, quân Đức mới biết là đang bị tập kích, chúng vội vàng kéo còi báo động. Lúc này, trên mặt đất là sự hỗn loạn, pháo cao xạ bắn lên tứ tung, máy bay tiêm kích cũng vội vàng cất cánh để ngăn chặn. Nhưng đã muộn, máy bay ném bom Liên Xô sau khi trút xuống các khu đóng quân của quân Đức hàng trăm quả bom (mỗi quả 100 kg), đã vọt lên cao và an toàn trở về sân bay Eszel. Tin thắng lợi ngay lập tức được báo về đại bản doanh.

Ngày hôm sau, báo chí và Đài Phát thanh Đức đưa tin: “Tối hôm qua, quân Anh đã tập kích Berlin, có người chết, 6 máy bay Anh bị bắn rơi”. Anh nghe tin này, lập tức đã khẳng định là tin bịa đặt. Ngày 9/8/1941, báo Sự thật của Liên Xô công bố tin Không quân Liên Xô ném bom quân Đức tại Berlin và trở về an toàn. Đến lúc này, phát xít Đức mới bừng tỉnh.

Những ngày tiếp theo, một số sư đoàn máy bay ném bom đường dài của Không quân Liên Xô cũng tham gia vào đội hình với không quân Hạm đội Baltic tiếp tục ném bom Berlin. Trong gần 1 tháng, Không quân Liên Xô hơn 10 lần ném bom Berlin, phá hủy nhiều mục tiêu của quân Đức. Do quân Đức đã phòng bị và chống trả nên những lần ném bom về sau, Liên Xô đã tổn thất 18 máy bay.

Ngày 5/9/1941, Liên Xô ngừng ném bom Berlin cho đến mùa xuân năm 1945, khi Liên Xô mở chiến dịch công phá Berlin, Không quân Liên Xô mới tiếp tục ném bom.

Để biểu dương chiến công của Lực lượng Không quân Hải quân Liên Xô, ngày 13/8/1941, Đoàn chủ tịch Xôviết tối cao đã tuyên dương danh hiệu Anh hùng và thưởng huân chương cho các thành viên lần đầu tiên tham gia ném bom chiến lược vào Berlin. Thượng tá Puliozenski, Đại úy Coliseshnikov, Đại úy Efeylimov, Khokhelov và Puletzin được nhận danh hiệu Anh hùng.

Lần đầu tiên trong chiến tranh Vệ quốc, Quân đội Liên Xô thực hiện ném bom chiến lược thủ đô Berlin, Đức. Trận chiến đấu này tuy không ảnh gây hưởng lớn như  các chiến dịch nổi tiếng khác nhưng tinh thần dũng cảm không sợ hy sinh của phi công đã để lại mãi mãi trong sử sách của quân đội Liên Xô

Nguyễn Mau (theo Tri thức không quân)
.
.