Chiến lược châu Phi của NATO
Cuộc chiến Libya của NATO đang bước sang tháng thứ 3, với nỗ lực tăng cường không kích cả ngày lẫn đêm nhằm loại bỏ nhà lãnh đạo Gaddafi. Giới phân tích nhận định, cuộc chiến tại Libya không chỉ đơn thuần là “bảo vệ dân thường”, mà đó còn là một phần trong chiến lược xâm lấn châu Phi của NATO trong thế kỷ XXI này.
Chiến dịch không kích Libya cũng được xem như một trường hợp thử thách thực tế đầu tiên để sát hạch khả năng ứng phó tình huống của Bộ Chỉ huy châu Phi (AFRICOM) còn non trẻ của Mỹ.
Bắt đầu hoạt động từ tháng 1/2008, AFRICOM là một bước mở rộng mạng lưới chỉ huy quân sự ở nước ngoài đầu tiên kể từ sau Chiến tranh lạnh. Nhiệm vụ của AFRICOM khi tham gia Chiến dịch Bình minh Odyssey ở Libya là tấn công các mục tiêu trên mặt đất bằng tên lửa hành trình, đồng thời dùng tàu chiến khống chế Hải quân Libya trong Địa Trung Hải. Không khó để nhận ra một điều rằng các hoạt động của AFRICOM và việc triển khai chiến lược châu Phi của NATO đang được phối hợp chặt chẽ và lồng ghép với nhau.
Trong cơ cấu tổ chức của NATO, Chỉ huy Tối cao quân đồng minh châu Âu (SACEUR) là một trong hai vị trí lãnh đạo chiến lược và là vị trí chỉ huy tác chiến của quân đồng minh (ACO). Người đang nắm giữ vị trí quan trọng này là Đô đốc James Stavridis - người cũng đồng thời đứng đầu Bộ Chỉ huy quân Mỹ tại châu Âu (EUCOM). Vì vậy, cũng có thể nói rằng AFRICOM đi vào hoạt động chính là một bước mở rộng phạm vi tác chiến của NATO tại khu vực phía đông và vùng Sừng châu Phi.
Trong một phát biểu gần đây, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga - Alexander Grushko - đã đưa ra nhận định rằng: "Chiến dịch ở Libya đang được sử dụng làm bài kiểm tra sát hạch đối với khái niệm Chiến lược mới của NATO". Điều mà ông Grushko đề cập chính là cái gọi là Khái niệm Chiến lược (Strategic Concept) mới được 28 nước thành viên NATO mang ra thảo luận và thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Lisbon, Bồ Đào Nha vào tháng 11/2010. Đây cũng là lần đầu tiên trong thế kỷ XXI, NATO đưa ra một chiến lược như thế.
Khái niệm Chiến lược mới nói gì? Điểm đáng chú ý đầu tiên là sự khẳng định "NATO có những khả năng chính trị và quân sự độc nhất vô nhị để xử lý những cuộc khủng hoảng có nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh các nước thành viên. NATO sẽ chủ động sử dụng và phối hợp các khả năng đó để ngăn chặn xung đột, kìm hãm xung đột tiếp diễn và củng cố sự ổn định sau xung đột nhằm bảo đảm an ninh cho châu Âu - Đại Tây Dương".
Khái niệm Chiến lược xem sự bất ổn và xung đột bên ngoài biên giới NATO có thể trực tiếp đe dọa an ninh của khối. Vì thế NATO sẽ can thiệp ở nơi nào có thể và khi nào thấy cần thiết, nhằm ngăn chặn, kiểm soát và chấm dứt khủng hoảng. Một khi nỗ lực kiểm soát khủng hoảng không thành, NATO sẽ chuyển sang cơ chế "chiến tranh lâu dài". Đây chính là những gì NATO đã và đang triển khai tại Libya và nhiều điểm xung đột khác trên thế giới.
Trong Khái niệm Chiến lược mới, châu Phi đã và đang trở thành nơi để NATO "thí nghiệm" tính hiệu quả của cái gọi là Lực lượng Phản ứng nhanh NATO (NATORF). Đây là một "sáng kiến" được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Donald Rumsfeld đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh NATO năm 2002 ở Cộng hòa Séc. Về lý thuyết, NATORF có thể triển khai trong vòng 5 ngày ở bất kỳ địa điểm nào trên thế giới, kể cả các sứ mệnh tác chiến, và có thể duy trì chiến dịch đến 6 tháng. Đây là lực lượng tiến công cơ động quốc tế đầu tiên được hình thành và triển khai trên thực tế.
Bước tiếp theo, năm 2006, NATO đã tổ chức một cuộc tập trận quy mô lớn kéo dài 2 tuần ở đảo quốc Cape Verde, Tây Phi. Cuộc tập trận mang tên Steadfast Jaguar là cuộc tập trận đầu tiên phối hợp cả 3 binh chủng: Hải-Lục-Không quân và là cuộc thử nghiệm năng lực tác chiến đầu tiên của lực lượng tiến công quốc tế của NATO.
Lực lượng phản ứng nhanh của NATO sẵn sàng triển khai khắp thế giới. |
Cuộc tập trận quy tụ đến 8.000 quân đến từ 25/26 quốc gia thành viên lúc đó, kể cả các lực lượng đặc nhiệm Mỹ; các khí tài quân sự bao gồm máy bay tiêm kích, trực thăng tấn công, tàu chiến, có cả soái hạm USS Mount Whitney của Hạm đội 6 của Mỹ tham gia.
Mục tiêu của cuộc tập trận, theo báo chí Mỹ, là nhằm "giúp NATO chuyển từ một tổ chức phòng thủ thụ động, chỉ biết quanh quẩn ở châu Âu, thành một tổ chức an ninh, quân sự toàn cầu". Để nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc tập trận, Tổng thư ký NATO khi đó là Jaap de Hoop Scheffer và toàn bộ đại sứ các nước thành viên trong Hội đồng Bắc Đại Tây Dương đều có mặt tại Cape Verde để trực tiếp chứng kiến tập trận.
Cũng tại cuộc tập trận đó, tướng James Jones - người phụ trách 2 vị trí chỉ huy SACEUR và EUCOM lúc đó - đã phát biểu trên báo chí, thông tấn quốc tế phác họa vai trò quan trọng của NATORF trong việc tuần tra kiểm soát khu vực hải phận phía Tây châu Phi để bảo vệ các tàu chở dầu qua lại khu vực này, đồng thời có thể bảo đảm an toàn cho các khu vực sản xuất, khai thác và kho dự trữ dầu hỏa trong vùng châu thổ Niger. (Tướng James Jones chính là người đã tạo điều kiện để các khí tài quân sự Mỹ và NATO được triển khai túc trực trong Vịnh Guinea ngay sau khi nhận chức chỉ huy SACEUR và EUCOM vào năm 2003.)
Bên cạnh đó, NATO cũng mở rộng sự hiện diện tại châu Phi bằng hàng loạt hoạt động hỗ trợ lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên minh châu Phi (AU), như chiến dịch hỗ trợ vận chuyển 30.000 quân AU đến Darfur trong các năm 2005-2007, và hàng ngàn quân Uganda và Burundi đến thủ đô Mogadishu để hỗ trợ quân Chính phủ Somalia.
Bắt đầu từ năm 2008, Hải quân NATO đã tăng cường túc trực trong vùng biển ngoài khơi vùng Sừng châu Phi, trong vịnh Aden (Yemen) và trong biển Arập, với các chiến dịch mang tên Tiếp ứng đồng minh (Allied Provider), Bảo vệ đồng minh (Allied Protector), và từ năm 2009 thêm chiến dịch Lá chắn Đại dương.
Ngoài ra, báo chí gần đây còn tiết lộ các tàu chiến của Hải quân NATO đã thực hiện vai trò như "cảnh sát biển" quốc tế, chặn bắt những chuyến tàu chở vũ khí nhằm thực thi lệnh cấm vận hàng hải đối với Eritrea - một quốc gia nhỏ bé trong vùng Sừng châu Phi.
Điều đáng chú ý là Eritrea là một trong 4 quốc gia châu Phi (trong đó có cả Libya hiện đang bị NATO "dập") đã từ chối, không chấp nhận làm đối tác của AFRICOM trong các chiến dịch tập trận quân sự trong khu vực (như Flintlock, Africa Endeavor, Natural Fire,…) do quân đội Mỹ chỉ huy và các nước châu Phi tham gia tập trận chung.
Thông tin trên báo chí và trên các website của các tổ chức quân sự gần đây nói nhiều đến việc NATO đẩy mạnh hợp tác quân sự với AU, trong đó phía AU giao cho AFRICOM và NATO cùng nhau phối hợp chỉ huy Lực lượng Dự bị châu Phi (ASF). Lực lượng này hiện đang triển khai hoạt động từ Đông Phi sang tận Tây Phi và có kế hoạch triển khai ở Bắc, Trung và Nam châu Phi.
Chẳng hạn, trên website của NATO, tháng 2/2010 đăng thông tin: "Bộ chỉ huy liên quân ở Lisbon (JCL) là cơ quan đầu não chỉ huy tác chiến phối hợp NATO-AU và có cử một Sĩ quan Liên lạc quân sự Cao cấp (SMLO) tại Tổng hành dinh AU ở Addis Ababa, Ethiopia. NATO cũng hỗ trợ huấn luyện nhân sự cho AU để hỗ trợ cho Phái bộ AU ở Somalia (AMISOM) và giúp AU triển khai hoạt động của lực lượng ASF - một lực lượng tác chiến có cơ chế hoạt động tương tự như Lực lượng Phản ứng nhanh của NATO".
Tiếp theo, trên website của AFRICOM vào tháng 1/2011 đăng thông báo về một hội nghị quân sự sẽ được tổ chức vào tháng 6/2011 tới đây tại Mali, với thành phần tham dự là 180 người đến từ 41 quốc gia châu Phi, châu Âu và Bắc Mỹ, và các quan sát viên là các thành viên Cộng đồng kinh tế Tây Phi (ECOWAS), Cộng đồng kinh tế Trung Phi (ECCAS), Lực lượng Dự bị Đông Phi và NATO. Mục đích của hội nghị là để vạch kế hoạch hợp tác chia sẻ thông tin quân sự giữa các nước tham gia.
Tháng 2/2011, báo chí ở Kenya đưa tin Ủy viên AU về Hòa bình và An ninh Ramtane Lammanra khẳng định NATO sẽ ký kết một thỏa thuận hợp tác quân sự với AU, trong đó đặc biệt nhấn mạnh việc trao lực lượng ASF cho NATO và AFRICOM chỉ huy.
Chỉ 4 tháng sau Hội nghị Lisbon, Khái niệm Chiến lược mới đã được NATO thi triển trong chiến dịch quân sự ở Libya. NATO đang quyết tâm thể hiện sức mạnh quân sự "vô song" của mình bên ngoài biên giới của khối, đồng thời thông qua đó muốn chứng minh tính hiệu quả của Khái niệm Chiến lược mới.
Theo thống kê trên website của NATO, các máy bay chủ yếu của Anh, Pháp, Mỹ trong 2 tháng triển khai Chiến dịch Unified Protector (tính từ 31/3/2011) đã thực hiện 7.200 phi vụ và hơn 2.800 phi vụ tác chiến.
Ngày 28/5 là ngày thứ 6 liên tiếp NATO tăng cường không kích Tripoli trong nỗ lực tiêu diệt nhà lãnh đạo Gaddafi của Libya. Sự hung hãn của quân đội và quyết tâm chính trị của các cường quốc trong khối NATO đang cho thế giới thấy rằng, tổ chức liên minh quân sự này đang muốn làm một tổ chức "sen đầm quốc tế", sẵn sàng hành động theo ý mình, bất chấp luật pháp và công ước quốc tế, kể cả Hiến chương Liên Hiệp Quốc