Chiến lược hợp tác không gian Mỹ-Nhật
- Mỹ-Nhật kỷ niệm ngày ký thỏa thuận lịch sử
- Thỏa thuận thương mại Mỹ-Nhật được kỳ vọng ký trong tháng 9
Ấn tượng "hai cú trình làng"
Hôm 18/5, Lực lượng tác chiến vũ trụ của Nhật Bản đã chính thức ra mắt và trở thành một đầu mối nằm trong ASDF. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono đã trao cờ thành lập cho đại diện của đơn vị này và giao nhiệm vụ chính là theo dõi các hoạt động ngoài không gian.
Theo tin từ Hãng Japanese Times, đơn vị này đóng quân tại căn cứ Fuchu ở thủ đô Tokyo với biên chế ban đầu gồm 20 người và sẽ được tăng dần trong những năm tiếp theo để đạt khoảng 100 thành viên vào năm 2023. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Lực lượng phòng vệ Nhật Bản có một lực lượng chuyên trách tác chiến vũ trụ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại căn cứ quân sự ở Maryland sau khi ký quyết định thành lập Lực lượng vũ trụ. Ảnh: Bloomberg. |
Cũng theo Japanese Times, ý tưởng thành lập Lực lượng tác chiến vũ trụ đã được Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhiều lần đề cập từ tháng 9 năm ngoái với lý giải rằng đây "không phải là một giấc mộng viển vông" trong một môi trường an ninh đang thay đổi nhanh chóng từng ngày.
Tháng 1 vừa qua, chính phủ Nhật đã trình lên Quốc hội dự thảo cải danh tên gọi của ASDF vào trong Luật Phòng vệ và Luật xây dựng Bộ Quốc phòng, trong đó đưa thêm một số quy định về nhiệm vụ của ASDF trong không gian vũ trụ, khu vực được xác định là không gian có độ cao trên 100km.
Biên chế cố định của ASDF hiện nay vào khoảng 47.000 người nhưng theo dự thảo mới, sẽ có 70% biên chế hiện nay tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ truyền thống của ASDF tới nay, còn lại 30% sẽ được bổ sung nhiệm vụ bảo vệ không gian vũ trụ. Và từ năm 2020, Lực lượng tác chiến vũ trụ phải được thành lập để đến năm 2026 phóng lên các loại vệ tinh có nhiệm vụ giám sát các vệ tinh bị khả nghi trong không gian...
Và với sự thúc đẩy tích cực của Thủ tướng Shinzo Abe, hôm 17-4, Thượng viện Nhật Bản đã thông qua Luật Quốc phòng sửa đổi cho phép thành lập Lực lượng tác chiến vũ trụ, trực thuộc ASDF.
Bên kia bờ Thái Bình Dương, ngày 15/5, đồng minh thân thiết của Nhật là Mỹ cũng đã trình làng Lực lượng vũ trụ, quân chủng mới nhất và là quân chủng thứ 6 của quân đội Mỹ. Tổng thống Mỹ Donald Trump còn có mặt tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng để ký Tuyên ngôn Ngày các lực lượng vũ trang 2020 với tuyên bố "Giờ đây chúng ta là người lãnh đạo trong không gian".
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Kono Taro trao cờ thành lập cho Lực lượng tác chiến vũ trụ. |
Theo đài NPR, Lực lượng vũ trụ Mỹ dự kiến gồm khoảng 16.000 thành viên và có nhiệm vụ bảo vệ hạ tầng không gian chiến lược của Mỹ.
Cho đến hết tháng 5, lực lượng này đã nhận được đơn xin gia nhập của hơn 10.000 người, phần lớn là các quân nhân đang hoạt động trong các quân chủng khác (chủ yếu là không quân Mỹ). Những người đủ tiêu chuẩn được nhận vào lực lượng này sau đó sẽ phải tham gia các khóa đào tạo chuyên sâu với thời gian từ 6 đến 12 tháng. Giới quan sát nhận định, động thái này của Mỹ cho thấy Washington đã phát hiện ra những thiếu sót nghiêm trọng về việc quan tâm đến lĩnh vực không gian, vũ trụ.
Các khoản chi khổng lồ
Vì coi vũ trụ là chiến trường quan trọng không kém trên bộ, trên không và trên biển nên Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phân công một tướng 4 sao - người sẽ giữ vị trí thành viên thứ 8 trong Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, đứng đầu đơn vị này. Đồng thời, ông chủ Nhà Trắng cũng yêu cầu Lầu Năm Góc từng bước thực hiện Đạo luật chi tiêu quốc phòng 2020 (NDAA) đã được ký hồi cuối tháng 12 năm ngoái.
Cụ thể, trong năm 2020, NDAA được tăng thêm 2,8%, lên thành 738 tỷ USD và ưu tiên hàng đầu là Lực lượng vũ trụ.
Tháng 3/2020, Lực lượng vũ trụ Mỹ ra mắt vũ khí tiến công đầu tiên là hệ thống gây nhiễu liên lạc vệ tinh (CCS). Hệ thống này được đặt tại căn cứ không quân Peterson của Mỹ và là phiên bản nâng cấp mới nhất của CCS trong biên chế không quân Mỹ từ năm 2004.
Hãng tin AP dẫn lời một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, CCS này có thể gây nhiễu và chặn tín hiệu truyền phát từ vệ tinh liên lạc của đối thủ. Cũng theo thông tin từ hãng này, trước mắt, trong năm 2020, Lực lượng vũ trụ sẽ được rót khoản tiền gần 50 tỷ USD trong tổng số 738 tỷ USD ngân sách quân sự.
Phác thảo sơ đồ kế hoạch phát triển bảo vệ không gian của Nhật Bản. |
Trong khi đó, theo đánh giá của tờ South China Morning Post, với việc thành lập Lực lượng vũ trụ, Mỹ có thể kích hoạt cuộc chạy đua vũ trang mới ở ngoài vũ trụ; đem đến sự quân sự hóa không gian một cách rộng lớn và đe dọa đến an ninh toàn cầu. Mỹ hiện cũng đang nỗ lực xây dựng một mạng lưới vệ tinh giúp đánh chặn vũ khí do Nga và Trung Quốc phóng lên không gian. Kế hoạch này bao gồm phóng 150 vệ tinh có thể theo dõi vũ khí siêu âm trên quỹ đạo vào năm 2024.
Cơ quan Phát triển Vũ trụ (SDA) của Mỹ đang phối hợp với Lực lượng vũ trụ tìm kiếm một nhà thầu thiết kế và chế tạo 8 vệ tinh có cảm biến hồng ngoại để theo dõi vũ khí siêu âm, ấn phẩm công nghệ quân sự trực tuyến của Mỹ. Chưa hết, Mỹ còn có kế hoạch phóng hơn 42.000 vệ tinh ra ngoài vũ trụ để giám sát mọi thứ (bao gồm vũ khí siêu âm, tên lửa chống vệ tinh và các công nghệ tiên tiến khác) thuộc sở hữu của Nga và Trung Quốc.
Và với sự trợ giúp của mạng truy tìm vệ tinh SDA, trong không gian, Cơ quan phòng thủ tên lửa Mỹ (MDA) sẽ có khả năng đánh chặn và hạ gục tất cả các loại vũ khí trên không do Nga và Trung Quốc phóng ra.
Về phía Nhật Bản, Thủ tướng Shinzo Abe trong lần trả lời phỏng vấn Hãng AP hồi tháng 1 khẳng định, Tokyo cần phải tự bảo vệ mình trước các mối đe dọa xâm hại từ không gian mạng và gây nhiễu điện từ đối với các vệ tinh. Nội các Nhật Bản tháng 12 năm ngoái đã phê duyệt khoản ngân sách 460 triệu USD cho các dự án liên quan đến không gian, vũ trụ.
Toàn bộ khoản tiền nói trên sẽ được giao cho Lực lượng tác chiến vũ trụ quản lý, chi dùng. Ngân sách quốc phòng của Nhật Bản năm 2020 (tính từ 1/4) cũng sẽ gia tăng 1,2% và đạt mức 47,88 tỷ USD. Để duy trì sức mạnh quân sự hiện đại hóa hơn các quốc gia khác trong khu vực Đông Bắc Á, chính quyền Tokyo hiện cũng đang đặt mua 9 máy bay chiến đấu tàng hình F-35 do Lockheed Martin sản xuất cùng nhiều loại vũ khí tối tân khác.
Tổng thống Mỹ Donald Trump từng tuyên bố tham vọng rằng Mỹ sẽ là người lãnh đạo trong không gian. ảnh: Reuters |
Dự kiến, vào năm 2023, Nhật Bản cũng sẽ triển khai một hệ thống radar ở tỉnh Yamaguchi để giám sát từ cả bầu trời và mặt đất các hoạt động như cách tiếp cận của các vệ tinh khác.
Và kế hoạch hợp tác lâu dài
Hãng tin Interpreter nhận xét, trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Mỹ và Liên Xô (cũ) là hai cường quốc vũ trụ thống trị và cả hai đều làm việc siêng năng để phát triển vũ khí không gian. Nhưng kể từ khi Liên Xô (cũ) sụp đổ, số lượng các quốc gia tham gia vào không gian vũ trụ đã tăng lên rõ rệt.
Khi thế giới trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào các hệ thống không gian, thái độ về an ninh không gian vì thế cũng thay đổi. Nhật Bản trong nhiều năm đã ủng hộ việc sử dụng không gian một cách hòa bình, hạn chế sử dụng trong lĩnh vực quốc phòng. Nhưng việc ban hành Luật vũ trụ cơ bản năm 2008 đã mở đường cho việc chính quyền Tokyo sử dụng không gian cho an ninh quốc gia.
Lực lượng vũ trụ Mỹ cho biết, hệ thống mạng 5G đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ an ninh không gian. ảnh: Getty. |
Thực tế thì từ năm 2013, Washington và Tokyo đã nhiều lần thảo luận một chương trình hợp tác rộng lớn trong lĩnh vực không gian, kể cả việc dùng vệ tinh theo dõi tàu bè trên biển. Một thông cáo do Bộ Ngoại giao Nhật Bản công bố hồi tháng 3/2013 cho biết, đại diện các bộ và cơ quan chính phủ của hai nước có cuộc họp đầu tiên "đối thoại chung về không gian" ở thủ đô Tokyo.
Sau đó một tháng, trong cuộc gặp thượng đỉnh được tiến hành ở thủ đô Washington của Mỹ, Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Barack Obama và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đồng ý thúc đẩy hợp tác song phương trong lĩnh vực không gian với nhiều chủ đề hợp tác gồm quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên; theo dõi thiên tai, theo dõi môi trường; phát triển công nghệ và các phát minh khoa học; an ninh quốc gia và quốc tế; tăng trưởng kinh tế.
Hai nước cũng đã đạt được một khuôn khổ pháp lý về việc Mỹ cung cấp cho Nhật Bản thông tin về các mảnh vụn không gian. Hàng chục cuộc họp chi tiết hơn về hợp tác đã được tiến hành vào những năm sau đó.
Bước ngoặt trong kế hoạch hợp tác này diễn ra vào tháng 6 năm 2019 khi giới chức quân sự cấp cao Mỹ-Nhật thống nhất sẽ đẩy nhanh tiến trình hợp tác trong các lĩnh vực mới, bao gồm lĩnh vực không gian vũ trụ và không gian mạng.
Tại cuộc đối thoại này, hai bên lần đầu xác nhận, nếu xảy ra các vụ tấn công mạng nghiêm trọng nhằm vào Nhật Bản thì hai bên sẽ coi như tấn công vũ trang và sẽ phối hợp phản ứng theo Điều 5 Hiệp ước an ninh Mỹ- Nhật, theo đó Mỹ có nghĩa vụ phải bảo vệ Nhật Bản. Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan còn cho biết Đại cương Kế hoạch Phòng vệ Nhật Bản mới được thông qua cuối năm 2018 là sự bổ sung cho chiến lược quốc phòng của Mỹ.
Hai bên cũng đã đẩy nhanh các cuộc thảo luận nhằm đề ra chính sách phối hợp cụ thể giữa Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và quân đội Mỹ để đảm bảo ưu thế của hai nước trong lĩnh vực không gian vũ trụ và không gian mạng; nhất trí tăng cường giám sát không gian vũ trụ bằng cách gắn thiết bị cảm biến của Mỹ lên vệ tinh của Nhật Bản... Kể từ đây, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đã nhận được hỗ trợ kỹ thuật từ Mỹ thông qua chương trình bán hàng quân sự nước ngoài (FMS) và có kế hoạch hoàn thành hệ thống trong năm tài chính 2022.
Mục tiêu mà Mỹ-Nhật Bản đề ra là hệ thống SSA mới của SDF sẽ được liên kết với hệ thống của quân đội Mỹ và bắt đầu hoạt động vào năm tài chính 2023 cùng những nỗ lực sẽ được thực hiện để gắn kết cả hệ thống của JAXA. JAXA hiện đã bắt đầu chia sẻ thông tin với quân đội Mỹ và những diễn biến sắp tới dự kiến sẽ đẩy nhanh quá trình trao đổi thông tin giữa ba bên.
Bởi vì các tiền đồn của quân đội Mỹ ở Châu Á bị hạn chế, trinh sát trên không ở khu vực này cũng gặp khó khăn nên theo một quan chức của Bộ Quốc phòng Nhật Bản, "sự đóng góp của Nhật Bản đang được tìm kiếm (theo cách sắp xếp này) là điểm cộng cho quân đội Mỹ. Hiện tại, Bộ Quốc phòng Nhật cũng đang tìm kiếm sự hợp tác của Mỹ trong việc bảo vệ các vệ tinh của Nhật Bản, đồng thời hướng tới phát triển công nghệ độc lập để loại bỏ các mảnh vỡ không gian và trốn tránh các cuộc tấn công vệ tinh trong tương lai.