Chiến thuật truy sát khủng bố bằng máy bay không người lái của CIA

Thứ Hai, 28/06/2010, 16:45

Mới đây, báo cáo viên đặc biệt Philip Alston của Liên Hiệp Quốc (LHQ) vừa đưa ra một bản báo cáo đáng chú ý, trong đó buộc tội Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) đang vi phạm luật pháp quốc tế bằng việc sử dụng các thiết bị bay không người lái (UAV) để tiêu diệt những người được cho là quân Taliban tại Pakistan.

Trên thực tế, bản báo cáo 29 trang của Philip Alston, ông là một giáo sư  luật người Australia đang giảng dạy tại Trường đại học Tổng hợp New York - có liên quan đến tình trạng những vụ tử hình ngoài tòa án, những vụ tử hình không có điều tra xét xử hay còn có thể nói là tùy tiện trên thế giới. Trong báo cáo này, Mỹ đã được nhắc tới hàng đầu với vai trò một quốc gia thường xuyên áp dụng chiến thuật tiêu diệt hàng loạt và thậm chí còn đang áp dụng rộng rãi hơn chiến thuật này.

Theo lời ông Alston, những hành động tương tự như trên theo nguyên tắc chỉ được áp dụng trong điều kiện xung đột quân sự, khi có binh lính hay dân thường của đối phương tham gia vào các trận đánh. "Nhưng trong thời gian gần đây, những vụ này lại thường xảy ra ở cách xa chiến trường bằng cách sử dụng các thiết bị bay không người lái" - đại diện của LHQ nhận xét.

Báo cáo cho biết, nước Mỹ hiện nay đang sử dụng vũ lực tại một loạt quốc gia dựa trên cái gọi là quyền tự vệ trước Al-Qaeda và các băng nhóm khủng bố. Tuy nhiên, tình trạng áp dụng quá mức quyền tự vệ này đang mâu thuẫn với hiến chương LHQ, và hơn nữa có thể trở thành một tiền lệ nguy hiểm. Nhiều quốc gia khác có thể viện lý do kiểu này để thẳng tay truy sát những đối tượng mà họ cho là khủng bố, dẫn tới sự rối loạn về luật pháp trên toàn thế giới.

Trên thực tế, nhiều nước đang có xu hướng tăng cường đội ngũ UAV của mình, do chúng có thể thực thi những vụ truy sát hàng loạt mà lại không gây nguy hiểm.

Philip Alston nhận xét, CIA đã dựng lên một bức màn bí mật xung quanh những đối tượng bị tiêu diệt và nguyên nhân tiêu diệt họ, khiến công luận rất khó có thể giám sát xem hành vi đó có thể được chấp thuận về mặt pháp lý hay không. Thực trạng này còn gây khó khăn hơn cho việc truy tìm và trừng phạt những kẻ chịu trách nhiệm về cái chết của những người vô tội trong các vụ truy sát tương tự.

Thông qua báo cáo, quan chức LHQ cũng đề nghị Chính phủ Mỹ nên chuyển giao quyền kiểm soát về chương trình tiêu diệt khủng bố cho Lầu Năm Góc, do quân đội có những quy tắc rõ ràng hơn trong chiến tranh, nhưng điều chủ yếu là hoạt động của họ minh bạch hơn đối với chính phủ và công luận Mỹ so với CIA. Alston đưa ra dẫn chứng về trường hợp xảy ra tại tỉnh Uzurgan (Afghanistan) vào tháng 2 vừa qua, khi có tới 23 dân thường thiệt mạng vì những đòn không kích của UAV. Chính quân đội đã điều tra thành công vụ việc và xác định được nguyên nhân thảm kịch là do lỗi của bộ phận thao tác.

Các loại UAV hiện đại như Predator hay Reaper đang là công cụ chủ lực của Mỹ trong cuộc chiến chống lại các tay súng Taliban và Al-Qaeda tại Pakistan.

Ông Alston đã kêu gọi CIA cần phải công khai hơn trong lĩnh vực này. Cụ thể, quan chức này đề xuất phải công bố thông tin về những cá nhân bị tiêu diệt trong những chiến dịch sử dụng UAV. Alston cũng nhắc tới một thực tế cho thấy, phần lớn những vụ tấn công của UAV đều không được nhắc tới, chỉ rất hiếm khi chính quyền Mỹ mới thông báo về việc tiêu diệt được một thủ lĩnh phiến quân nào đó. Vị giáo sư này còn kêu gọi xây dựng một đạo luật quốc tế mới quy định việc sử dụng UAV để đảm bảo luôn tuân thủ theo các luật lệ thời chiến.

Chiến thuật không kích bằng UAV còn gây ra một nguy cơ tiềm tàng nữa về mặt tâm lý. Đơn giản là do nó đang biến một hành vi giết người trên thực tế trở thành một việc tương tự như trò chơi trên máy tính, do các thao tác viên UAV thường ở cách xa hàng ngàn dặm so với chiến trường thực tế, chỉ tiếp nhận những gì đang diễn ra qua hình ảnh trên màn hình máy tính. Từ năm 2004, CIA đã tiến hành ít nhất 150 vụ tấn công bằng UAV tại khu vực tây bắc Pakistan làm hàng trăm người chết và bị thương. Tần suất các vụ tấn công kiểu này theo ghi nhận còn tăng lên kể từ khi Tổng thống Obama lên nắm quyền.

Cụ thể theo như điều tra viên Jane Mayer của tạp chí The New Yorker, trong 9 tháng rưỡi đầu tiên lên cầm quyền, Tổng thống Obama đã phê chuẩn ít nhất 41 vụ không kích tại Pakistan, tức là tương đương tần suất mỗi tuần một vụ - bằng với số phi vụ mà người tiền nhiệm Bush đã phê chuẩn trong 3 năm cuối cùng tại Nhà Trắng. Những vụ tấn công này đã sát hại tổng cộng gần 500 người.

Dù Mỹ không chính thức thừa nhận sự tồn tại của chương trình sử dụng UAV tiêu diệt khủng bố, nhưng cả Nhà Trắng và Langley - trụ sở của CIA vẫn đưa ra phản ứng trước chỉ trích từ bản báo cáo trên. Như đại diện CIA đã bác bỏ những kết luận của Alston, đồng thời tuyên bố, tình báo Mỹ đang hành động trong khuôn khổ luật pháp, dưới sự kiểm soát của chính quyền, đồng thời các mục tiêu luôn được lựa chọn cẩn thận

Linh Nga (tổng hợp)
.
.