Chính khách nước Đức và vụ bê bối về vắcxin cúm A/H1N1

Thứ Ba, 08/12/2009, 16:15
50 triệu liều vắcxin ngừa cúm A/H1N1 đến nước Đức vào ngày 19/10 và sau đó có tin đồn giới chính khách nước này sẽ được tiêm loại vắcxin tốt hơn, an toàn hơn loại vắcxin dành cho dân thường. Nhưng lập tức các chính khách hàng đầu nước Đức đã lên tiếng bác bỏ thông tin vô căn cứ này.

Theo tin đồn thì Thủ tướng Angela Merkel, các bộ trưởng và quan chức chính phủ khác của bà sẽ được tiêm loại vắcxin do Hãng Baxter sản xuất - cùng loại với vắcxin mà quân đội Đức lựa chọn. Tờ Bild của Đức ngày 19/10 cũng nhấn mạnh với độc giả rằng "các chuyên gia đang buộc tội chính phủ" cung cấp "y khoa hạng 2" cho dân thường nước này.

Cuộc tranh cãi gây xôn xao dư luận Đức tập trung vào một chất phụ thêm vào vắcxin do Công ty dược khổng lồ GlaxoSmithKline chế tạo. Chất phụ thêm này bao gồm một giống virus cúm nguyên vẹn thay vì những đoạn virus. Những người chỉ trích nói chất phụ thêm này có thể làm tăng nguy cơ phản ứng phụ từ vắcxin cúm như sốt và nhức đầu.

Những người ủng hộ thì cho rằng, chất phụ thêm là an toàn và việc sử dụng nó cho phép công ty dược nhanh chóng sản xuất nhiều liều vắcxin hơn. Riêng tờ Spiegel thì nói rằng vắcxin của GlaxoSmithKline, có chất phụ thêm, đã trải qua nhiều thử nghiệm hơn loại vắcxin của Baxter.

Người phát ngôn của Bộ Nội vụ Đức nói với tờ Spiegel rằng, vắcxin của Baxter được đặt mua để cung cấp cho tất cả các bộ trưởng và các cơ quan khác cũng như đội ngũ nhân viên của Viện Paul Ehrlich (PEI), cộng đồng có trách nhiệm phê duyệt vắcxin. Ulrich Wilhelm, người phát ngôn của Thủ tướng Merkel đã lên tiếng bác bỏ thông tin cho rằng bà Merkel sử dụng loại vắcxin tốt hơn vắcxin chỉ định cho thường dân Đức. 

Các bác sĩ hàng đầu của nước Đức cũng kêu ca về kế hoạch chủng ngừa của nhà nước. Martin Exner, lãnh đạo Viện Vệ sinh và Y tế công cộng của Đại học Bonn, nói: "Sự việc các chính khách và quan chức cấp cao được tiêm  ngừa vắcxin loại tốt hơn vắcxin dành cho dân thường là một điều không thể chấp nhận".

Nhà virus học Alexander Kekule Hall nói sự việc "các thành viên của chính phủ liên bang và các cấp chính quyền được tiếp cận với loại vắcxin khác đúng là một vụ bê bối". Tuy nhiên, Wolfgang Schauble, nữ phát ngôn của Bộ Nội vụ, cho biết sự khác biệt giữa hai loại vắcxin của Baxter (được chính phủ đặt làm) và GlaxoSmithKline là không đáng kể.

Trong khi đó Viện PEI luôn ủng hộ quyết định cung cấp cho dân chúng Đức loại vắcxin có tên gọi Pandemrix của Công ty dược GlaxoSmithKline. Nước Anh cũng đã đặt mua 60 triệu liều vắcxin Pandemrix.  Mới đây Cơ quan Y khoa châu Âu (EMA) cũng đã chuẩn y vắcxin Pandemrix cho người dân trước nguy cơ dịch bệnh sẽ trở nên dữ dội hơn khi mùa đông đến.

Ulla Schmidt, Bộ trưởng Y tế Đức, nói: "Tôi cũng sẽ được tiêm ngừa vắcxin cùng loại tiêm cho dân thường". Wolf-Dieter Ludwig, Chủ tịch của Ủy ban Thuốc của Hiệp hội Y khoa Đức, gọi chiến dịch tiêm ngừa có kế hoạch của Đức là một "vụ bê bối" và nói rằng các công ty dược chỉ đơn giản muốn kiếm lời từ dịch cúm A/H1N1. 

Trong cuộc chiến với dịch bệnh, đương nhiên phía chiến thắng vẫn luôn là ngành công nghiệp dược phẩm. Quả có thế, các công ty dược luôn am hiểu chính sách thúc giục khách hàng của mình - và không nơi nào trơ tráo hơn Tập đoàn Dược Novartis ở Thụy Sĩ. Vào ngày 12/5 năm nay, Tập đoàn này đã gửi cho Bộ Y tế Đức các bản hợp đồng trong đó bao gồm một hợp đồng phụ vốn không được thỏa thuận trước.

Theo hợp đồng phụ, hợp đồng chính sẽ không có hiệu lực nếu các liều vắcxin không được đặt mua trong vòng 14 ngày. Các chính quyền liên bang chỉ ký hợp đồng chính và do đó phải đồng ý giá cả cao hơn mức giá của GlaxoSmithKline đến 40%.

Trong khi GlaxoSmithKline định giá 8,33 euro một liều vắcxin cúm A/H1N1 thì Novartis muốn 11,90 euro, tùy theo khối lượng đơn hàng. Nhưng dù sao Novartis cũng chỉ là nhà cung cấp thứ hai bởi vì GlaxoSmithKline sẽ cung cấp lô vắcxin đầu tiên cho Đức.

Vào cuối tháng 7 vừa qua, Đức đã đặt mua các liều vắcxin từ GlaxoSmithKline dành cho 30% dân số với giá 410 triệu euro. Vào thời điểm đó không ai biết dịch cúm A/H1N1 sẽ lan rộng đến mức nào nên số lượng đặt mua chỉ là biện pháp đảm bảo an toàn. Nhưng bây giờ trước sự lan rộng của dịch bệnh, Viện PEI muốn tiêm  ngừa cho toàn bộ dân số thay vì chỉ ưu đãi cho những nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao.

Đối với các tập đoàn dược phẩm khổng lồ, dịch cúm A/H1N1 đem lại lợi nhuận hàng tỉ euro cho họ. Hệ thống ngân hàng khổng lồ của Thụy Sĩ USB đánh giá việc đặt mua hàng loạt vắcxin cúm sẽ mang lại cho Novartis 1,1 tỉ euro và GlaxoSmithKline là 1,5 tỉ euro. Và bảo hiểm y tế sẽ phải thanh toán hóa đơn. Nhưng ngược lại, giá vắcxin ở Thụy Sĩ sẽ là 16 euro, còn ở Đức đến 28 euro.

Những nghiên cứu sơ bộ về vắcxin của Novartis cho thấy chỉ một mũi tiêm duy nhất đã có thể cung cấp sự bảo vệ đầy đủ. Nhưng hiện tại các quan chức y tế lại cho rằng mỗi người cần được tiêm chủng 2 lần. Do đó, với 50 triệu liều vắcxin được đặt mua thì 25 triệu người Đức có thể được miễn dịch với cúm A/H1N1. Tuy nhiên, các cơ quan y tế cảnh báo rằng, dịch bệnh sẽ trở nên nguy hiểm hơn vào mùa đông sắp đến.

Theo công bố mới nhất của Viện Robert Koch, nghiên cứu 10.000 ca nhiễm cúm đầu tiên ở Đức cho thấy đối tượng dễ bị tấn công nhất là từ độ tuổi 15-25. Còn theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thì đối tượng gặp nguy cơ cao nhất là những người mắc bệnh mạn tính. Ủy ban Chủng ngừa thường xuyên (STIKO) của Viện Robert Koch cũng ngả theo ý kiến cho rằng cần mở rộng chương trình chủng ngừa trong dân chúng

Diên San (tổng hợp)
.
.