Chính phủ Anh từng soạn sẵn diễn văn cho Nữ hoàng về Thế chiến II

Thứ Tư, 28/08/2013, 23:00

Trong số hồ sơ mà Cơ quan Lưu trữ Quốc gia Anh mới đưa ra công khai, sau 30 năm hết thời hạn bảo mật vào đầu tháng 8 vừa qua, đáng lưu ý là tập công văn tài liệu thuộc Văn phòng cố Thủ tướng Margaret Thatcher (1925-2013), liên quan đến việc sửa soạn cho Thế chiến III đỉnh điểm của cuộc đối đầu Đông - Tây trong thời Chiến tranh lạnh.

Tiêu điểm của tập tài liệu này là số hồ sơ dày 320 trang đề cập đến Thế chiến III "khó tránh khỏi", căn cứ vào báo cáo thường xuyên từ Đại sứ Anh Iain Sutherland ở Liên Xô gửi về trong giai đoạn cuối năm 1982 đầu năm 1983, khẳng định đường lối đối ngoại cứng rắn của ban lãnh đạo mới ở Điện Kremlin, do Tổng bí thư Yuri Andropov (1914-1984) đứng đầu. Trong đó nổi bật là một bài diễn văn do Văn phòng Chính phủ Hoàng gia chấp bút, soạn sẵn để Nữ hoàng Elizabeth II đọc trước quốc dân đồng bào, một khi bùng nổ Thế chiến III đi kèm là cuộc chiến hạt nhân khốc liệt.

Lời văn hùng hồn y hệt bài diễn văn lịch sử do cố Thủ tướng Anh Winston Churchill (1874-1965) đọc, khi phải đối mặt với chiến dịch ném bom ồ ạt thủ đô London của trùm phát xít Đức Hitler vào Thế chiến II. "Chúng ta phải tái chuẩn bị lòng dũng cảm để tồn tại bất chấp những thăng trầm của lịch sử. Chúng ta đều biết những nguy hiểm đe dọa Vương quốc Anh là lớn hơn bao giờ hết! Lần thứ 3 trong thế kỷ này chúng ta lại phải tranh đấu cho cuộc chiến sinh tồn", đó là những câu mở đầu bài diễn văn của người đứng đầu thể chế quân chủ lâu đời nhất thế giới.

Tiếp đến trong diễn văn soạn trước của mình, Nữ hoàng Elizabeth II đã kêu gọi người dân Anh cùng đồng lòng vượt qua mọi khó khăn thời chiến, cũng như biết nuôi hy vọng về một tương lai tốt đẹp sau chiến tranh. Thậm chí ở phần cuối bài diễn văn, người đứng đầu vương triều Anh còn đề cập đến gia đình riêng, nhắc tới người con trai thứ 2 Andrew đang là phi công lái trực thăng trong Không lực Hoàng gia: "Thế chiến III đã khởi sự và có thể Andrew yêu quý sẽ không trở về... Tôi đề nghị chúng ta cùng cầu nguyện cho sự an toàn của tất cả các chiến sĩ đang phục vụ trên đất Anh cũng như ở nước ngoài, bởi chúng ta đều biết sự nguy hiểm mà họ phải đối mặt kể từ ngày hôm nay còn ghê rợn hơn những gì ông cha họ từng đối mặt trong quá khứ để một lòng bảo vệ quê hương".

Đồng thời trong số hồ sơ mới giải mật còn bao gồm cả học thuyết quân sự của khối Liên minh Phòng thủ Bắc Đại Tây Dương (NATO), quy tụ các quốc gia Tây Âu và Bắc Mỹ được gọi theo mã quốc phòng chung là Wintex-Cimex 83, thể hiện sách lược đánh đòn hạt nhân phủ đầu lên đối thủ tiềm tàng được gọi bằng mật danh "Oranges" (phe Vàng), ám chỉ Liên Xô và các đồng minh Đông Âu thân cận trong khối Minh ước Warsaw.

Ngoài ra là số tài liệu do bộ sậu của "Bà đầm thép" M. Thatcher soạn thảo, khẳng định rằng ban lãnh đạo Liên Xô "hiếu chiến" ắt sẽ khơi mào cuộc đại chiến thế giới mới. Đầu tiên họ sẽ sử dụng vũ khí thông thường "xâm lăng" Tây Đức, Bắc Âu, Italia và Thổ Nhĩ Kỳ. Kế đến sẽ dùng đến vũ khí hóa học và hạt nhân tấn công phần còn lại của lục địa già, bao gồm cả Vương quốc Anh và Ireland.

Từ trái qua phải: Thủ tướng Đức Kohl, Nữ hoàng Elizabeth II, Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và "Bà đầm thép" M.Thatcher tại Cung điện Buckingham ngày 10/6/1984.

Thậm chí chính giới ở London còn "vẽ" ra viễn cảnh sau khi Thế chiến III mở màn, rằng dân chúng sẽ đổ xô tích trữ thực phẩm nhất là thức uống có cồn cốt để "quên sự đời", còn các cửa hàng tân dược sẽ bị vơ vét hết sạch trong khoảnh khắc(?!).

Tài liệu lưu trữ vừa công bố còn cho thấy kết luận "gây sốc" từ Hiệp hội Y khoa Anh, mô tả bức tranh ảm đạm về hậu quả của chiến tranh. Giới nhân viên y tế đưa ra giả định, rằng với bất kỳ một cuộc tấn công nguyên tử nào thì số nạn nhân trên toàn quốc sẽ lên đến 33 triệu người, chiếm hơn phân nửa dân số Anh. Trong khi con số thương vong do chính phủ dự tính lại ít hơn, bởi tin vào học thuyết Wintex-Cimex 83 nên các cuộc tấn công hạt nhân đầu tiên có thể được phương Tây áp dụng.

Trong số tài liệu mới giải mật được phổ biến rộng rãi, là lượng thông tin đồ sộ về các cuộc mạn đàm của bà M. Thatcher với các nhà lãnh đạo ngoại quốc đồng cấp khác. Tiêu điểm là những buổi trao đổi với Thủ tướng Tây Đức Helmut Kohl, qua đó nữ Thủ tướng Anh ủng hộ kế hoạch giảm một nửa số người Thổ Nhĩ Kỳ đang sinh sống tại Đức. Điều đó chứng tỏ đường lối kỳ thị chủng tộc nhất quán trong hàng ngũ chính khách chóp bu của đảo quốc sương mù.

Riêng người phát ngôn Điện Buckingham Kenneth Rose không lên tiếng bình luận gì về số tài liệu mới giải mật, cũng như không cho biết Nữ hoàng Elizabeth II đã mục sở thị bài diễn văn soạn sẵn cho bà đọc hay chưa. "Trung bình mỗi ngày Nữ hoàng nhận được hàng nghìn tài liệu và thông tin khác nhau", phát ngôn viên K. Rose đánh trống lảng khi được báo giới gặng hỏi

T.Q.Long (theo The Guardian)
.
.