Chó nghiệp vụ trong tác chiến quân sự hiện đại

Chủ Nhật, 19/01/2020, 11:23
Việc sử dụng chó trong các chiến dịch quân sự ngày càng nhận được sự quan tâm nhiều hơn của công chúng khi chú chó nghiệp vụ mang tên Conan đã góp công trong chiến dịch đột kích của Mỹ tiêu diệt trùm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) Abu Bakr al-Baghdadi ở Syria hồi tháng 10-2019.

Thực ra, chó đã hỗ trợ những nỗ lực quân sự trên khắp thế giới trong hàng nghìn năm qua. Chó được đề cập trong các ghi chép về các cuộc chiến thời cổ đại như trong cuộc xâm chiếm Hy Lạp của vua Ba Tư Xerxes vào năm 479 TCN.

Còn ở Mỹ, việc sử dụng chó trong hoạt động quân sự là cả một câu chuyện dài và đa dạng. Nếu chỉ nghĩ rằng chó nghiệp vụ là những chú chó Bécgie của Bỉ chỉ làm nhiệm vụ đánh hơi xem nơi nào có bom thì đó chỉ là một phần của câu chuyện.

“Tài sản ngàn vàng”

Trong Thế chiến I, Mỹ có một đội chó không chính thức phục vụ trong quân đội và đội chó này chỉ được thừa nhận chính thức vào ngày 13-3-1942 khi một tổ chức tư nhân, mang tên Hội chó quốc phòng, được thành lập để chiêu mộ những chú chó của dân nuôi vào làm việc cho một chương trình chó chiến tranh của quân đội Mỹ, mang tên là Đội Cảnh khuyển K-9.

Chó phục vụ trong quân đội Mỹ.

Ngoài ra, một nguồn cung cấp chính khác của chó nghiệp vụ thời Thế chiến I là Câu lạc bộ nuôi chó Doberman Pinscher của Mỹ, vốn có mối liên hệ với Thủy quân lục chiến Mỹ.

Hiện nay, phần lớn chó nghiệp vụ được gây giống, nuôi dưỡng và huấn luyện tại phi đoàn huấn luyện 341 tại Căn cứ chung San Antonio ở Lackland, Texas.

Đây là chương trình huấn luyện chó nghiệp vụ của Bộ Quốc phòng, nằm dưới sự giám sát của Không quân Mỹ. Phi đoàn này chịu trách nhiệm mọi thứ liên quan chó nghiệp vụ, từ việc mua chó, huấn luyện, điều hành, giao nhiệm vụ và bất kỳ nhiệm vụ nào sau khi hết thời gian "quân ngũ".

Tại đây, chó được huấn luyện khả năng tuần tra, dò tìm thuốc nổ và các sứ mệnh đặc biệt khác cho Bộ Quốc phòng Mỹ cũng như cho các cơ quan chính phủ khác.

Chó được gây giống tại phi đội huấn luyện này, từ khi mới sinh ra cho đến khi được 8 tuần tuổi, được chăm sóc tại Trung tâm Chó Nghiệp vụ của Căn cứ không quân Lackland.

Các chuyên gia phát triển làm việc "với những chú chó con từ khi sinh ra, đưa chó con tiếp xúc với những hoạt động kích thích phát triển ở nhiều loại hình khác nhau vốn đóng vai trò nền tảng cho chúng phát triển khả năng trong giai đoạn trưởng thành tiếp theo. Điều thú vị nữa là những người dân bản địa tình nguyện nuôi dưỡng chó cũng đóng vai trò trong giai đoạn phát triển của chúng.

Ví dụ, môi trường nuôi dưỡng trong gia đình sẽ tạo cho chó những cơ hội tiếp xúc với những môi trường và con người khác nhau để phát triển toàn diện tính cách xã hội của chó nghiệp vụ.

Theo Thiếu tá Matthew Kowalski, chỉ huy phi đoàn huấn luyện 341, vai trò của chó nghiệp vụ đã thay đổi trong nhiều năm qua.

Ông chia sẻ với hãng tin CNN: "Trong Chiến tranh Triều Tiên, chó được sử dụng như là công cụ để canh gác và dẫn đường. Ngày nay, chó nghiệp vụ còn làm nhiệm vụ tiêu diệt và dò tìm bom mìn hoặc lần tìm dấu vết người".

Mặc dù không chia sẻ những nhiệm vụ và kỹ năng cụ thể đối với chú chó tham gia cuộc đột kích trùm khủng bố IS ở Syria song ông Kowalski nói rằng hiện nay chó được huấn luyện để thực hiện nhiệm vụ thám tử hoặc tuần tra và thường là kết hợp cả hai nhiệm vụ này.

Ngoài ra, chó nghiệp vụ còn có thể thực hiện được những nhiệm vụ không ai có thể thay thế được.

Ông Kowalski nói: "Chó nghiệp vụ là tài sản quý ngàn vàng. Con người đổ nhiều công sức vào nghiên cứu khoa học và công nghệ trong nhiều năm qua để cố tìm ra một thứ gì đó có thể làm được những việc mà chó nghiệp vụ đang làm. Thế nhưng, thực tế là tuyến khứu giác của chó nhạy cảm gấp 10.000 lần so với bất kỳ loại công cụ nào mà loài người có thể chế tạo được, Vì vậy, các nhiệm vụ như trinh thám, tìm vật liệu nổ những việc mà không thứ gì có thể thay thế được chó nghiệp vụ".

Ngoài ra, còn có những giá trị vô hình khi chó nghiệp vụ trở thành những người "đồng hành quý giá" và mối quan hệ này thường tồn tại lâu dài ngay cả sau khi chó hết thời gian phục vụ trong quân đội.

Ngày nay, nguồn cung và nhu cầu sử dụng chó nghiệp vụ tăng cao đột biến. Theo Louis Robinson, cựu huấn luyện đội khuyển cảnh K9, một chú chó nghiệp vụ được đào tạo bài bản khả năng dò tìm bom mìn có giá trên 150.000 USD và nếu tính đến số mạng người mà một chú chó như vậy có thể bảo vệ thì có thể coi chú chó đó là tài sản vô giá.

"Hàng phòng thủ tuyến đầu"

Theo Hiệp hội chó trong chiến tranh Mỹ, phần lớn chó được huấn luyện để phục vụ trong quân đội Mỹ là giống chó Bécgie của Bỉ và chó chăn cừu có nguồn gốc Hà Lan (hay chó Bécgie Hà Lan). Hai giống chó này được lựa chọn vì "chúng rất hiếu chiến, thông minh, trung thành và thể lực tốt". Bình luận về khả năng của những giống chó này, Ron Aiello, cựu huấn luyện chó Bécgie nói: "Chúng là hàng phòng thủ tuyến đầu".

Trong cuộc đột kích của đội đặc nhiệm Hải quân Mỹ nhằm tiêu diệt trùm khủng bố Al-Qaeda là Osama bin Laden hồi năm 2011, một chú chó Bécgie của Bỉ đã tham gia sứ mệnh này.

Gần đây nhất, hồi tháng 10-2019, một chú chó Bécgie của Bỉ mang tên Conan đã tham gia cuộc đột kích ở Syria, giúp tiêu diệt trùm khủng bố IS Abu Bakr al-Baghdadi. Những chú chó này được ghi danh trong bảng danh sách những chú chó nghiệp vụ anh hùng của Mỹ từ Thế chiến.

"Lính thường trực"

Những chú chó nghiệp vụ có chiến công như chú chó tìm ra thủ lĩnh IS nói trên được coi như những "binh lính thường trực". Đôi khi chúng cũng có cấp bậc và luôn cao hơn cả cấp bậc của người huấn luyện chúng, mặc dù cấp bậc này không chính thức.

Sự liên kết giữa chó nghiệp vụ và người huấn luyện đóng vai trò quan trọng trong việc hoàn thành nhiệm vụ. Người huấn luyện cần có khả năng đọc được những thay đổi và sự tinh tế trong hành vi của chó để thu thập thông tin về môi trường hoặc mục tiêu của nhiệm vụ và thậm chí để hiểu được chó đang cảm nhận như thế nào.

Mối quan hệ giữa người huấn luyện và chó nghiệp vụ đóng vai trò quan trọng để hoàn thành nhiệm vụ.

Ví dụ, nếu chó cảm thấy không có hứng làm việc hoặc không đáp ứng được một số nhiệm vụ nào đó thì người huấn luyện cần phải nghe ngóng và hiểu được những tín hiệu này để rồi sau đó "tung" ra thêm các công cụ hỗ trợ, thêm huấn luyện và động lực cần thiết để chú chó hoàn thành nhiệm vụ.

Mặc dù cấp bậc của chó nghiệp vụ chỉ mang tính hình thức, không phải cấp bậc chính thức như binh lính, song điều này là nhằm khuyến khích huấn luyện viên đối xử với những chú chó của mình với tình yêu và sự tôn trọng. Huấn luyện viên phải có khả năng truyền tải và giao tiếp những gì mà những chú chó nghiệp vụ đang "nói" với họ, và cần phải biết chắc chắn rằng chó sẽ tuân thủ mệnh lệnh của huấn luyện viên.

Những chú chó sau khi được mua về, chủ yếu mua từ các nước châu Âu, sẽ trải qua một chương trình huấn luyện kéo dài 93 ngày để củng cố các kỹ năng của chúng và trải qua kỳ thực hành trong các tình huống thực tế. Trong số những chú chó được mua về, chỉ có khoảng 50% trong số đó có thể trở thành chó nghiệp vụ có thể đảm nhiệm được nhiệm vụ yêu cầu.

Tân trang

Một tin vui cho chó nghiệp vụ của Mỹ nói riêng và của các nước trên thế giới nói chung là quân đội Mỹ thiết kế thiết bị bảo vệ thính giác cho đội chó nghiệp vụ, tránh nguy cơ bị mất thính giác trong những điều kiện làm việc có thiết bị nổ hoặc bom nổ mạnh.

Mũ chùm đầu bảo vệ thính giác cho chó nghiệp vụ.

Các nhà nghiên cứu trong quân đội đã phát triển một loại thiết bị đeo trên đầu chó nghiệp vụ để bảo vệ khả năng thính giác nhạy cảm của chúng khi làm việc trong những điều kiện tiếng ồn lớn hoặc khi phải tham gia các hoạt động tìm kiếm sau những vụ nổ lớn hoặc khi đi trên máy bay trực thăng.

Thiết bị đeo đầu công nghệ cao này là loại mới nhất trong "kho áo giáp" bảo vệ chó nghiệp vụ và được thiết kế vừa với bất kỳ chủng loại chó nghiệp vụ nào được các lực lượng vũ trang Mỹ sử dụng. Thiết bị mới này có tính năng ngăn chặn tác động của âm thanh và được làm bằng vật liệu mềm. Chúng sẽ thay thế loại mũ cứng đang được sử dụng hiện nay vốn gặp nhiều khó khăn khi đội lên đầu chó.

Với tên gọi đầy đủ là Hệ thống Bảo vệ Thính giác cho chó (Canine Auditory Protection System), viết tắt là CAPS, thiết bị này nhằm ngăn chặn nguy cơ mất khả năng thính giác trong ngắn hạn mà nhiều chó nghiệp vụ mắc phải khi chúng làm việc ở môi trường gần máy móc thiết bị gây ồn lớn.

Với độ dày chỉ khoảng 3cm và được làm bằng vật liệu mềm, linh động, mũ chùm đầu cho chó nghiệp vụ có thể hấp thụ âm thanh, loại bỏ những âm thanh gây ồn lớn vốn có thể gây tổn thương tạm thời hoặc vĩnh viễn đến thính giác của chó.

Do quân đội Mỹ sử dụng nhiều loài chó nghiệp vụ khác nhau, nên loại mũ chùm đầu này cần phải được thiết kế sao cho nó có thể co giãn hoặc thu hẹp để vừa đầu của bất kỳ giống chó nào song vẫn đảm bảo giảm thiểu tối đa tác động của âm thanh.

Loại mũ chùm bảo vệ này sẽ được bổ sung vào "kho áo giáp" hiện nay với mũ bảo hiểm, kính bảo hộ và nhiều loại thiết bị đeo trên đầu có tính năng bảo vệ khác.

Theo Stephen Lee, chuyên gia kỹ thuật nghiên cứu trong quân đội, chỉ cần đi trên một chuyến bay ngắn trên máy bay trực thăng cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng thính giác của chó, gây ra tình trạng mất thính giác và không thể nghe mệnh lệnh của người điều khiển, điều có thể cản trở việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Chuyên gia này khẳng định loại thiết bị mới này có thể bảo vệ chó nghiệp vụ khi thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau và có thể kéo dài "thâm niên làm việc" của chó nghiệp vụ.

Thiết bị bảo vệ này được phát triển theo một chương trình trợ cấp nghiên cứu sáng tạo dành cho doanh nghiệp nhỏ do quân đội Mỹ cung cấp. Hai đơn vị nhận được khoản trợ cấp phát triển thiết bị này là Đại học Cincinnati và công ty công nghệ y học và sinh quốc phòng, mang tên ZeteoTech.

Trước khi được đưa vào sử dụng, thiết bị đã trải qua các cuộc thử nghiệm kéo dài do các đơn vị quân đội và cơ quan thực thi pháp luật triển khai. Mục đích là nhằm đảm bảo thiết bị có đủ khả năng bảo vệ những đôi tai nhạy cảm của chó nghiệp vụ và đảm bảo rằng chúng luôn có thể lắng nghe được mệnh lệnh cho dù đang ở giữa tiếng ồn.

Trong tương lai, việc sử dụng thiết bị mới này sẽ cho phép chó nghiệp vụ có khả năng làm việc trong phạm vi môi trường rộng lớn hơn, cùng với con người hoặc cùng với các hệ thống vũ khí tự hành.

Tuy nhiên, mối quan tâm lớn hơn của các nhà nghiên cứu thiết bị dành cho những loại chó nghiệp vụ làm việc cùng với máy bay trực thăng. Lý do là tiếng ồn của động cơ máy bay trực thăng thường vượt quá 90dB (decibels), mức độ cảnh báo thứ 3 trong 4 cấp độ cảnh báo mức độ nguy hiểm của âm thanh, vốn có thể hủy hoại khả năng thính giác của chó.

Hà Ngọc (tổng hợp)
.
.