Chu Ân Lai với sự kiện Lâm Bưu chạy trốn

Thứ Năm, 19/04/2007, 09:30
Cách đây gần 36 năm, khi Lâm Bưu và đồng bọn lên máy bay chạy trốn, đúng là Chu Ân Lai đã thay mặt Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) hạ lệnh cấm bay trên toàn quốc. Lâm Bưu và đồng bọn bị chết.

Dư luận trong và ngoài Trung Quốc đặt câu hỏi: Thứ nhất: lệnh cấm bay phát ra lúc nào, khi đó máy bay chở Lâm Bưu đang ở đâu? Thứ hai, thái độ của Trung ương ĐCSTQ muốn Lâm Bưu quay trở lại hay muốn ông ta ra đi? Thứ ba, có phải đúng là Lâm Bưu muốn xin hạ cánh máy bay?

Có phải Chu Ân Lai không cho máy bay chở Lâm Bưu hạ cánh?

Trong Đại cách mạng Văn hóa, bọn Lâm Bưu, Diệp Quần (vợ Lâm Bưu), Lâm Lập Quả (con trai Lâm Bưu) sau khi âm mưu làm chính biến vũ trang bị bại lộ, sáng sớm ngày 13/9/1971, đã hốt hoảng leo lên chiếc máy bay Trident số hiệu 256 bỏ chạy và chết tan xác cùng máy bay rơi tại đồng cỏ gần Ondorchaan, nước Cộng hòa Nhân dân Mông Cổ. Đó là “sự kiện 13/9” gây chấn động dư luận Trung Quốc và thế giới.

Trong một khoảng thời gian khá dài sau đó, sự kiện 13/9 vẫn được nhiều người quan tâm, nghiên cứu, nhất là chuyện máy bay rơi.

Gần đây trong cuốn "Cambridge: Lịch sử nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa", xuất bản tại London (Anh), dẫn ra quan điểm cho rằng, chiếc máy bay Trident chở Lâm Bưu và đồng bọn thoạt tiên bay xuống phía nam trong thời gian 10 phút, sau đó vòng lại bay về Sơn Hải Quan, nhưng phát hiện sân bay này đã đóng cửa theo chỉ thị của Thủ tướng Chu Ân Lai.

Bài viết ngầm biểu thị rằng, chính Chu Ân Lai không cho máy bay Lâm Bưu  tiếp đất, để buộc ông ta phải bay đi Liên Xô. Như vậy ông ta sẽ đứng về phía đối lập với nhân dân, trở thành kẻ phản bội đất nước.

Tương tự, trong một cuốn sách xuất bản trong nước cũng viết: “Sau khi máy bay cất cánh chừng hơn 20 phút, những nhân viên lưu lại “Văn phòng Lâm Bưu” tại tòa lầu số 96 bỗng nghe thấy tiếng động cơ máy bay vòng lại. Mọi người trong tòa nhà 96 đều tập trung trên sân thượng, nhìn về phía sân bay nơi xa, và nghe thấy tiếng máy bay ầm ì lượn vòng trên không trung nên đều cho rằng máy bay đã quay về, nhất định là đang muốn hạ cánh.

Khi đó, người của Văn phòng Lâm Bưu không một ai ngờ được rằng sau khi máy bay chở Lâm Bưu cất cánh, Trung ương ĐCSTQ liền hạ lệnh phong tỏa sân bay, đèn hoa tiêu dưới mặt đất đều tắt hết, nên máy bay vô phương hạ cánh. Máy bay bay về Liên Hoa Phong, lượn vòng trên không phận tòa nhà 96, rồi bay thẳng về phương Bắc, không thấy quay trở lại nữa.”

Dụng ý của hai đoạn văn trên muốn nói Lâm Bưu khi ở trên máy bay vẫn không muốn chạy sang Liên Xô, nên lệnh cho phi công đưa máy bay quay về sân bay Sơn Hải Quan, nhưng do Chu Ân Lai hạ lệnh đóng cửa sân bay khiến máy bay không hạ cánh được, nên không thể không bay về phương Bắc.

Thực ra, chỉ cần có chút kiến thức, mọi người đều hiểu ra rằng, máy bay Trident có tốc độ bay 900km/giờ thì làm thế nào có thể lượn vòng phía trên nóc tòa nhà số 96 ở Bắc Đới Hà như một chiếc máy bay cỡ nhỏ được?

Sân bay Sơn Hải Quan, nơi chiếc Trident chở Lâm Bưu cất cánh cách Bắc Đới Hà xa cả trăm dặm, bằng mắt thường không thể nhìn thấy được, vậy làm thế nào mà có thể “nhìn về phía sân bay nơi xa, và còn có thể nghe thấy “tiếng động cơ máy bay quay lại” được? Đây quả thật là chuyện của những người rất giàu "tưởng tượng".

Sự thật về việc hạ lệnh cấm bay

Sau khi máy bay chở Lâm Bưu cất cánh, Chu Ân Lai thay mặt Bộ Chính trị Trung ương ra lệnh cấm bay. Đây là sự thật không cần tranh cãi.

Trong cuốn “Chuyện Chu Ân Lai” có ghi như sau: “Khi Lâm Bưu đột ngột lên máy bay chạy trốn, Chu Ân Lai lệnh cho Lý Đức Sinh trực chỉ huy tại Bộ Tư lệnh không quân, theo dõi sát sao hướng di chuyển của máy bay. Cử Dương Đức Trung cùng Ngô Pháp Hiến tới sân bay Tân Giao, cử Kỷ Đăng Khuê tới Bộ Tư lệnh Không quân Bắc Kinh để tiện nắm tình hình các mặt. Đồng thời ông ra lệnh cấm bay trong toàn quốc, đóng cửa tất cả các sân bay, ngừng cất cánh mọi  loại máy bay, khởi động tất cả các dàn radar để giám sát bầu trời.

Chu Ân Lai còn lệnh cho các điều độ viên dùng vô tuyến điện liên lạc với chiếc Trident chở Lâm Bưu và đồng bọn, yêu cầu họ quay trở về, báo cho họ biết bất kể là máy bay hạ cánh xuống sân bay nào trong nước, Chu Ân Lai cũng đến tận sân bay đón tiếp. Nhưng trên máy bay tịnh không hồi âm".

Giáo sư Vu Nam - một chuyên gia nghiên cứu kỹ về sự kiện Lâm Bưu cũng đã viết trong bài “Về việc khảo sát một số vấn đề lịch sử của sự kiện Lâm Bưu”: “Chu Ân Lai sau đó từ Đại lễ đường nhân dân tới nơi ở của Mao Trạch Đông trong Trung Nam Hải. Uông Đông Hưng, Trương Diệu Từ dường như lúc đó cùng tới.

Chu Ân Lai ra lệnh tất cả các trạm radar vùng Hoa Bắc bật máy giám sát chặt chiếc máy bay chạy trốn, và tìm cách liên lạc với những người trên máy bay, báo cho họ biết rằng máy bay có thể xin hạ cánh tại bất kỳ sân bay nào, nhưng chiếc máy bay số hiệu 256 không trả lời.

Lâm Bưu (đọc diễn văn) cùng Mao Trạch Đông (ngoài cùng bên phải) trong Đại Cách mạng Văn hoá.

Trạm radar mặt đất không ngừng thông báo hướng bay làm động tác giả của máy bay chở Lâm Bưu, thoạt đầu bay chếch hướng 2900 tức thẳng hướng Bắc Kinh, Đại Đồng, nhưng hơn 10 phút sau, lúc 0h40’ liền chuyển hướng bay là 3100, hướng miền Tây Mông Cổ theo đường bay Ulanbato – Irkutsk”.

Những điều này đã nói rõ, sau khi máy bay chở Lâm Bưu cất cánh, thái độ của Trung ương ĐCSTQ là muốn ông ta quay lại, bởi vậy mới từ mặt đất liên tục phát tín hiệu liên lạc với chiếc máy bay này. Hơn thế nữa, Chu Ân Lai ngỏ ý sẵn sàng tới sân bay đón Lâm Bưu, đây có thể coi là hành động rất vị tha và nhân đạo.

Ghi chép của người trong cuộc

Vấn đề mấu chốt là “lệnh cấm bay” của Chu Ân Lai phát ra lúc nào? Rất may ghi chép của người đã nhận lệnh của Chu Ân Lai đêm 13/9/1971 và trực tiếp gọi điện thoại truyền lệnh cấm bay đi toàn quốc đã ghi lại toàn bộ sự việc một cách chính xác. Đây là chứng cứ đầy sức thuyết phục để trả lời câu hỏi này. Người đó là Chu Bỉnh Tú - sĩ quan tham mưu tác chiến trực ban Sở Chỉ huy Không quân Trung Quốc lúc ấy.

Bản ghi chép như sau: “Chu Ân Lai chỉ thị, Sở Chỉ huy dùng đài đối không liên lạc thẳng với Phan Cảnh Diễn (phi công điều khiển chiếc máy bay của Lâm Bưu), bảo anh ta lái máy bay quay trở lại. Sân bay Tây Giao và sân bay thủ đô đều có thể hạ cánh được.

Lúc này, tại Sở Chỉ huy sân bay Tây Giao, Ngô Pháp Hiến cũng thân chinh cầm ống nói liên tục kêu gọi Phan Cảnh Diễn điều khiển máy bay quay về, và hứa sẽ không để xảy ra chuyện gì. Nhưng trước sau cũng không nhận được câu trả lời của anh ta.

Theo dõi màn hình radar thấy mục tiêu đã tiến sát tới vạch giới tuyến quốc gia, lúc 1h50’, máy bay thoát ra khỏi biên giới, bay vào không phận của nước Cộng hòa Nhân dân Mông Cổ, và đang hạ dần độ cao, cho tới khi tín hiệu mục tiêu trên màn hình radar trước mặt tôi bị xóa hoàn toàn tại tọa độ phía nam Ondorchaan trên đất Mông Cổ.

Lý Đức Sinh lập tức báo cáo với Chu Ân Lai về vị trí cuối cùng khi tín hiệu bị mất trên màn hình radar. Đồng thời ông ra hiệu cho tôi nhanh chóng cầm bút ghi chép lại, rồi đọc từng câu mệnh lệnh của Bộ Chính trị do Chu Ân Lai truyền đạt trong điện thoại: “Bắt đầu từ giờ phút này, mọi mệnh lệnh không có chữ ký liên danh của Mao Chủ tịch, Phó chủ tịch Lâm Bưu, Thủ tướng Chu Ân Lai, Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Vĩnh Thắng, Tư lệnh trưởng Không quân Ngô Pháp Hiến, thì không một chiếc máy bay nào được phép cất cánh!”.

Ghi xong tôi đọc lại cho Lý Đức Sinh nghe một lượt. Ông nói: "Được rồi", chuyện Lâm Bưu chạy trốn khi đó là phải tuyệt đối giữ bí mật, số người được biết sau khi mệnh lệnh được truyền đạt xuống là khá đông, do đó trong mệnh lệnh không thể không ghi: “Phó chủ tịch Lâm Bưu. Việc truyền đạt “lệnh cấm bay” này bắt đầu từ 1h56’ đến tận 2h20’ mới hoàn tất”.

Chu Ân Lai trực tiếp gọi điện tới Ban Chỉ huy sân bay quân sự Sơn Hải Quan truyền đạt mệnh lệnh này là vào hồi 1h50’, sau khi máy bay chở Lâm Bưu cất cánh lúc 0h32’, hơn 1 giờ đồng hồ, vậy nên tin đồn cho rằng Lâm Bưu muốn quay về, nhưng bị Chu Ân Lai lệnh đóng cửa sân bay, cấm hạ cánh nên đành phải “một đi không trở lại” là bịa đặt hoang đường

Bùi Hữu Cường (Trích Tư liệu của Đảng CSTQ, đăng trên báo Chuyện Văn học – TQ)
.
.