Chủ tịch ngân hàng Vatican bị nghi ngờ rửa tiền

Thứ Tư, 29/09/2010, 15:20
Các cơ quan hành pháp Italia vừa chính thức mở cuộc điều tra liên quan đến giới lãnh đạo ngân hàng của Vatican. Theo Hãng tin ANSA của Italia, người đứng đầu ngân hàng này là Chủ tịch Ettore Gotti Tedeschi cùng Tổng giám đốc của cơ quan tài chính này đang bị nghi ngờ vi phạm luật pháp với hành vi tham gia rửa tiền. Nếu lần lại quá khứ, đây không phải là vụ khuất tất đầu tiên trong cơ quan tài chính hàng đầu của Vatican...

Vụ bê bối được biết đến từ hôm 21/9 vừa qua, khi đại diện Cơ quan Cảnh sát Italia tuyên bố về việc thu giữ 23 triệu euro được lưu giữ tại một tài khoản trong Ngân hàng Vatican, được biết tới cái tên Viện Phụ trách các công việc về tôn giáo (Institute for Religious Works - IOR).

Còn theo Hãng tin AP, vụ thu giữ trên nằm trong khuôn khổ của một chiến dịch điều tra hình sự về tội phạm rửa tiền, một trong những đối tượng tình nghi không ai khác chính là Ettore Gotti Tedeschi, hiện là Chủ tịch IOR.

Những nghi vấn bắt đầu nảy sinh từ vụ điều tra theo sáng kiến của Ngân hàng Italia. Ngay từ ngày 15/9, các quan chức của Ngân hàng Italia đã nghi ngờ IOR âm mưu tổ chức một giao dịch trái phép. Họ quyết định cho ngừng chuyển một khoản tiền lớn tới 23 triệu euro được IOR gửi tại ngân hàng nhỏ Credito Artigiano đến một số cơ quan tài chính khác tại châu Âu - như các ngân hàng J.P.Morgan Frankfurt và Banca del Fucino của Italia. 6 ngày sau, cảnh sát chính thức thu giữ khoản tiền đáng ngờ này.

Được biết là Gotti Tedeschi chính thức đảm trách cương vị lãnh đạo hàng đầu tại Ngân hàng Vatican từ tháng 9/2009. Trước đó, nhân vật này từng điều hành chi nhánh tại Italia của Santander Consumer Bank. Với việc giao trọng trách trên cho Tedeschi, giới lãnh đạo Vatican khi đó tin tưởng rằng, quan chức mới này có thể giúp chấn chỉnh và đưa IOR lên một tầm phát triển mới.

Cần nói thêm, cơ quan tài chính hàng đầu của Tòa thánh Vatican trong quá khứ đã dính líu vào nhiều bê bối tài chính khác nhau. Ngay như Chủ tịch tiền nhiệm Angelo Caloia trước đó đã buộc phải từ chức vì những vụ bê bối liên quan đến rửa tiền cho mafia và những cáo buộc có những hoạt động tín dụng khuất tất. Caloia đã buộc phải rời bỏ chiếc ghế lãnh đạo IOR, sau khi báo chí Italia cho đăng tải nhiều chi tiết về vụ điều tra của cảnh sát được bắt đầu từ năm 2009.

IOR là ngân hàng chính thức của Giáo hội Roma. Được thành lập từ năm 1924, IOR là một cơ quan luôn được điều hành bởi một chuyên gia tài chính chuyên nghiệp, trực thuộc Hội đồng Hồng y giáo chủ và Giáo hoàng.

Trên thực tế, IOR không phải hoàn toàn chỉ là một ngân hàng theo đúng ý nghĩa bình thường. Những nhiệm vụ quan trọng của nó còn bao gồm thu hút tiền bạc từ các nhà quyên góp, cũng như điều hành và đầu tư những khoản tài chính của Giáo hội. Nguồn thu chủ yếu của Giáo hội hiện nay có được từ đầu tư cổ phiếu, trái phiếu và bất động sản; cũng như từ tiền quyên góp của các tín đồ trên khắp thế giới. Chính vì vậy, IOR được coi là một chủ sở hữu đất đai và là nhà đầu tư cỡ lớn, với việc nắm giữ cổ phiếu của nhiều công ty trong mọi lĩnh vực trên thế giới.

IOR không bao giờ công bố dữ liệu về tài chính của mình, tuy nhiên theo đánh giá của các ông chủ ngân hàng, tổng số vốn của IOR ước tính khoảng 5 tỉ USD. Dù đã được Giáo hoàng Joan Paul II trước đây cải cách rất nhiều vào năm 1992 sau các vụ bê bối, nhưng IOR vẫn được đánh giá là một tổ chức tài chính cực kỳ thiếu minh bạch.

Các điều tra viên đã phát hiện ra trong giai đoạn 2006-2008, tại một tài khoản trong Chi nhánh Ngân hàng Unicredit nằm ngay sát Vatican đã có hơn 180 triệu euro "tiền bẩn" được rót vào. Các bằng chứng gián tiếp đều cho thấy, trong những trò gian lận trên có sự dính líu của IOR. Chính vì vậy, không cần chờ đợi những lời buộc tội chính thức được đưa ra, Caloia đã tự động từ chức. Trọng trách phục hồi uy tín của IOR được trao vào tay Tedeschi, người giờ đây lại tiếp tục trở thành đối tượng bị điều tra của một vụ án hình sự khác.

Trong "hồ sơ tiền án" của IOR còn phải kể tới vụ bê bối Ambrosiano. Cụ thể là vào năm 1982, cảnh sát bắt đầu mở cuộc điều tra với quy mô lớn về những tình tiết đáng ngờ trong vụ phá sản của Ngân hàng Ambrosiano. Trong vụ này, IOR lại là cổ đông chính của Ambrosiano, đồng nghĩa với việc phải đứng ra chịu trách nhiệm trả khoản nợ gần 1,3 tỉ USD.

Ngay sau khi hoạt động điều tra được bắt đầu, ông chủ Roberto Calvi cũng bị sát hại trong điều kiện hết sức bí ẩn. Phải đến tận năm 2007, cơ quan điều tra mới tuyên bố, đứng đằng sau vụ sát hại Calvi chính là mafia, tổ chức đã tuồn tiền bất minh vào cho Ngân hàng Ambrosiano chịu trách nhiệm "rửa" từ nhiều năm trước đó. Sau tiết lộ trên, báo chí Italia còn xì xào rằng, chính cơ quan giáo hội tại Vatican có liên quan đến các nhóm tội phạm địa phương, góp phần tạo ra sự phá sản của Ngân hàng Ambrosiano.

IOR ban đầu đã từ chối chi trả những khoản nợ lớn của Ambrosiano, nhưng về sau cũng phải chấp nhận trả một phần gần 241 triệu USD. Tuy nhiên, các quan chức đại diện IOR vẫn gọi việc chi trả trên chỉ là "một cử chỉ thiện chí", đồng nghĩa với việc phủ nhận trách nhiệm về sự phá sản của Ambrosiano.

Giáo hoàng đã bày tỏ "sự ngạc nhiên và thắc mắc" về vụ điều tra người đứng đầu Ngân hàng Vatican. Thông báo chính thức của Vatican còn khẳng định, Giáo hoàng luôn tin cậy vào Tedeschi. Theo thông tin mới nhất của tờ Financial Times, Tedeschi và một quan chức cao cấp khác của IOR là Tổng giám đốc Paolo Cipriani đã chính thức bị bắt giữ vì bị nghi ngờ tham gia rửa tiền

Quỳnh Lai (tổng hợp)
.
.