Tội phạm sử dụng mạng xã hội lừa đảo dân di cư bất hợp pháp:

“Chúng tôi đang bán giấc mơ châu Âu”

Thứ Ba, 08/09/2015, 21:35
Mới thoạt nhìn, chúng có vẻ như là những quảng cáo du lịch. Nhưng, khi đọc kỹ các quy định dành cho hành khách - bao gồm cấm mang theo hành lý và khăn trùm đầu để cho giống du khách phương Tây - mới thấy rõ đây không đơn thuần là những chuyến du lịch đến London, Paris hay Hy Lạp.

Thật ra, quảng cáo loại này đang tràn ngập trên các trang Facebook với mục đích đưa những người Syria và Iraq đang sống trong tuyệt vọng đi tìm “miền đất hứa” châu Âu với giá hàng ngàn USD. Bọn buôn người kiếm tiền một cách dễ dàng từ hàng chục ngàn gia đình trung lưu sẵn sàng thí mạng mình trước lời hứa hẹn về một chuyến đi “an toàn”.

Đằng sau những lời mật ngọt về tương lai xán lạn - được minh họa bằng tòa nhà Quốc hội Anh hay tháp Eiffel của Pháp - là hiện thực ác nghiệt của nạn buôn người.

Những lời có cánh về hành trình đến miền đất hứa

Bọn buôn người trong khu vực Địa Trung Hải rầm rộ quảng cáo "dịch vụ" của chúng trên Facebook, hứa hẹn những chuyến vượt biển đưa người di cư đến châu Âu an toàn. Các trang Facebook của chúng phơi bày rõ ràng mạng lưới buôn người trải rộng trên khắp 3 lục địa, thu về hàng trăm triệu USD. "Khởi đầu mùa du lịch mới, chúng tôi có một loạt các chuyến du hành "giảm giá". Thổ Nhĩ Kỳ - Libya - Italia với 3.800 USD. Algeria - Libya - Italia với 2.500 USD. Sudan - Libya - Italia với 2.500 USD… Những chiếc tàu được đóng toàn bằng gỗ chất lượng tốt… Nếu các bạn có câu hỏi, hãy tiếp xúc với chúng tôi trên Viber hay WhatsApp".

Một trang Facebook mời chào người Syria và Iraq nhập cư sang châu Âu.

Đây không phải là quảng cáo từ tờ rơi du lịch. Đó là một update Facebook được post từ tên buôn người Abdul Aziz từ cảng Zuwara của Libya vào ngày 21/4/2015. Abdul Aziz chỉ là một trong hàng trăm tên buôn người hiện đang lợi dụng mạng truyền thông  xã hội để quảng bá "dịch vụ" đưa người di cư và người tị nạn đến được châu Âu… một cách an toàn! Các trang của bọn người này quảng cáo tất tần tật mọi "dịch vụ" - từ giấy tờ giả cho đến chuyến du hành an toàn bằng đường bộ, đường biển hay cả đường hàng không.

Nhân viên cứu hộ Thổ Nhĩ Kỳ bế thi thể bé trai Syria thiệt mạng trên hành trình vượt Địa Trung Hải khiến cả thế giới bàng hoàng mấy ngày qua.

Nhiều tên buôn người còn minh họa "dịch vụ" của chúng với nhiều bức ảnh chụp những chiếc tàu vượt biển sang trọng hay những tấm hộ chiếu mới cứng. Và còn bao gồm cả những giao dịch trọn gói, "trẻ em được miễn phí". Đằng sau những hứa hẹn cực kỳ hấp dẫn này là thế giới tàn nhẫn của bọn buôn người và những kẻ bội tín kiếm tiền trên sự nhẹ dạ cả tin của những người di cư.

Mạng lưới này không chỉ gói gọn trong khu vực Địa Trung Hải và Trung Đông mà còn lấn sâu vào vùng Hạ Sahara của châu Phi! Abdul Aziz tuyên bố, hắn có cả mạng lưới "nhân viên" ở "khắp các quốc gia Arập" và nếu như ai không thể đến được nơi muốn đến, tôi có cách hợp pháp và cả bất hợp pháp".

Năm 2014, khoảng 220.000 dân di cư vượt Địa Trung Hải để nhập cư bất hợp pháp vào châu Âu (so với 60.000 người năm 2013), phần lớn rời Libya trên những chiếc tàu của bọn buôn người trước khi được lực lượng tuần duyên hay hải quân Italia giải cứu. Từ đầu năm đến nay, đã có khoảng 35.000 người vượt biển đến Italia và hơn 1.800 người bỏ mạng dưới lòng biển. Ít nhất từ 30 năm qua, dân di cư châu Phi đã khởi hành từ cảng Zuwara của Libya.

Sự phát triển rầm rộ của những trang Facebook bằng tiếng Arập đã phản ánh nhu cầu đang tăng từ người di cư Syria và Arập sau sự kiện Mùa xuân Arập năm 2011. Nhiều tên buôn người cung cấp trên Facebook số điện thoại di động của chúng để tiện liên lạc. Abdul Aziz cho biết, mỗi ngày có 10 - 20 người tiếp xúc với hắn qua Facebook: "Trước năm 2012, chúng tôi hoàn toàn không sử dụng mạng xã hội. Hiện nay, mạng xã hội giải quyết được khoảng từ 30 - 40% công việc làm ăn của tôi".

Sự sụp đổ của chính quyền Libya cũng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho bọn buôn người, giúp chúng tự giới thiệu bản thân trực tuyến mà không hề sợ bị cảnh sát bắt giữ. Abdul Aziz cười to khi được hỏi liệu trang Facebook của hắn có gây chú ý cho chính quyền. "Chính quyền gì? Không có chính quyền nào hết. Thậm chí cũng không có một chế độ. Hoàn toàn không có gì cả".

Giampaolo Musumeci, nhà báo Italia viết cuốn sách về những băng nhóm buôn người Bắc Phi, nhìn thấy sự ra đời của mạng xã hội là "một phần trong chiến dịch tiếp thị cho tập đoàn du hành bất hợp pháp lớn nhất thế giới". Theo Musumeci, Năm 2014 "tập đoàn" này kiếm được chừng 300 - 600 triệu euro (215 - 430 triệu USD) từ hoạt động đưa người di cư chạy trốn sự nghèo đói, hỗn loạn và chiến tranh đến châu Âu.

Một tên buôn lậu người Pakistan ở Italia tiết lộ với Musumeci: "Những gì tôi đang bán là giấc mơ châu Âu". Đó là giấc mơ không thể nào trở thành hiện thực thông qua những kênh hợp pháp!

Trang Facebook của Abdul Aziz nêu chi tiết giá cả vượt biển đến châu Âu.

Ayham al-Faris, nhà hoạt động chống chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria, rời khỏi đất nước vào tháng 10-2011 vì lo sợ cho mạng sống của mình. Trước khi rời khỏi Syria, Ayham cố gắng xin visa từ các đại sứ quán Pháp và Australia ở Damascus nhưng không nơi đâu chịu cấp. Sau đó, Ayham tự mình tìm đường đến Hy Lạp, nơi đây anh sử dụng Facebook để tiếp xúc với một tên buôn người gọi là Hafez. Ayham kể: "Hắn bảo có thể đưa tôi đến bất cứ nơi nào tôi muốn. Điều quan trọng nhất là trong túi tôi phải có tiền".

Thế nhưng Hafez vẫn không đưa được Ayham rời khỏi Hy Lạp. Cuối cùng, Ayham phải mua hộ chiếu giả từ một tên buôn người khác để bay đến Paris, Pháp. Hiện Ayham đang sống tị nạn ở Hà Lan. Nhà báo Musumeci cho biết: "Bọn buôn người nghĩ ra đủ cách để đưa người vào châu Âu. Bọn chúng giao tiếp và giữ liên lạc thường xuyên với nhau". Một tên buôn người còn cho Musumeci biết: "Chúng tôi nghiên cứu châu Âu, nghiên cứu luật pháp. Và càng đến gần biên giới, chúng tôi càng cần nhiều tiền hơn".

Chiến dịch JOT Mare của Europol

Lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đang đề nghị phân chia người di cư ra khắp các quốc gia thành viên đồng thời phá vỡ các mạng tội phạm ngầm có thể giúp giảm bớt nạn buôn lậu người vào châu Âu. Nhưng Musumeci cho rằng, sẽ không thể làm gì được để ngăn những chuyến tàu vượt Địa Trung Hải. Điều cần nhất là phải có sự cải thiện tình trạng hỗn loạn chính trị tại các phần của châu Phi và Trung Đông.

Dimitris Avramopoulos - Ủy viên phụ trách nhập cư của EU.

Theo Musumeci: "Chúng ta cần tập trung vào Libya, Syria hay Somalia. Nghe có vẻ ngây thơ, song đó là cách duy nhất để làm ngưng lại làn sóng di cư. Chúng ta làm ngưng lại làn sóng này bằng cách đóng hết những cánh cửa sẽ chẳng giải quyết được vấn đề. Tôi đã nói chuyện với hàng chục người di cư và họ bảo sẵn sàng chết để được vào châu Âu".

Các thành viên đảng Bảo thủ Anh kêu gọi mở cuộc điều tra khẩn cấp để xác định có bao nhiêu người từ Syria và Iraq đến nước này mỗi năm. Họ cũng nhấn mạnh cần có những quy định mới để hạn chế sự đi lại tự do trong khối EU nếu như số lượng người di chuyển cao bất thường.

Giám đốc Europol Rob Wainwright.

Europol, cơ quan hành pháp của EU, mới đây đã khởi động JOT Mare - đơn vị tình báo hàng hải phối hợp được cho là có thể phá vỡ hay xóa bỏ các mạng lưới buôn người. Người phát ngôn cho Europol khẳng định: các đặc vụ của họ sẽ săn lùng sự hiện diện trực tuyến của bọn buôn người, nhưng cũng thừa nhận "Europol không có thỏa thuận hợp tác chiến dịch với Libya" - điểm xuất phát của tuyệt đại đa số người di cư.

JOT (Đội Chiến dịch Phối hợp), Mare - là chương trình tình báo phối hợp giữa Anh và 12 quốc gia khác trong EU - văn phòng tại trụ sở của Europol ở The Hague, Hà Lan. Giới chức EU cho rằng Libya bị chiến tranh xé nát đã tạo nên mảnh đất màu mỡ cho các băng nhóm tội phạm buôn người gửi những thuyền nhân tuyệt vọng đến châu Âu.

Chiến dịch JOT Mare kiểm soát những con đường nhập cư.

Các quốc gia thành viên của JOT Mare bao gồm: Bỉ, Síp, Đan Mạch, Pháp, Đức, Hy Lạp, Italia, Malta, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Thụy Điển. EU hiện nay cũng đang triển khai chiến dịch kiểm soát biên giới gọi là Triton với vài con tàu và chỉ giới hạn trong vùng nước thuộc lãnh thổ châu Âu. Gerald Hesztera, người phát ngôn cho Europol, cho biết các lực lượng cảnh sát quốc gia sẽ gửi chuyên gia đến làm việc cho JOT Mare.

Mục đích chính của JOT Mare - chính thức hoạt động từ ngày 17/3/2015 - là thu thập thông tin tình báo về bọn tội phạm buôn người. Theo Giám đốc Europol Rob Wainwright, các băng nhóm tội phạm ngày càng có tổ chức chặt chẽ hơn, thường xuyên thay đổi đường đi và phản ứng nhanh với những hành động của lực lượng chấp pháp. JOT Mare sẽ sử dụng các nguồn tình báo từ Europol, Frontex (Cơ quan Kiểm soát biên giới của EU), Interpol và các nền tảng khác phù hợp với luật pháp châu Âu. Nghị sĩ Công đảng Anh Frank Field, đồng chủ tịch Ủy ban về nhập cư cân bằng, cho biết đã đến lúc cần tạm ngưng các quy định về đi lại tự do trong EU.

Trong một bài diễn văn hoan nghênh sáng kiến JOT Mare, Dimitris Avramopoulos - Ủy viên phụ trách nhập cư của EU - cho biết Frontex hiện đang giám sát chặt chẽ vài cảng không phải của châu Âu và khoảng chục chiếc tàu lớn ở Địa Trung Hải được cho là "có thể được bọn tội phạm sử dụng để vận chuyển người nhập cư". Rob Wainwright phát biểu: "Những bi kịch mà chúng ta đã nhìn thấy trên biển liên quan đến dân nhập cư đòi hỏi phải có hành dộng phối hợp tức thì ở cấp độ EU. Do đó, sự ra đời của JOT Mare là rất đúng lúc".

Trang Thuần (tổng hợp)
.
.