Chuyện chưa kể về những chủ nhân điện Élysée

Thứ Ba, 23/05/2017, 16:00
Kể từ khi Hoàng đế Napoléon đệ I sở hữu tòa dinh thự nguy nga và duyên dáng Élysée vào năm 1808 và đổi tên thành Elysée-Napoléon, tòa lâu đài Hôtel d'Évreux được bao bọc bởi hàng cây tiêu huyền cổ thụ bắt đầu gắn liền với lịch sử quyền lực của nước Pháp. Những biến cố lịch sử quan trọng và những câu chuyện ly kỳ được khơi nguồn từ đây- nơi cư ngụ và làm việc của nhiều đời tổng thống Pháp.


Tòa dinh thự của các đấng quân vương, nguyên thủ phong tình

Khu vực phố Faubourg Saint-Honoré ngày nay tọa lạc điện Élysée vào đầu thế kỷ XVIII là một bãi chăn thả gia súc và một cánh đồng trồng rau. Kiến trúc sư Armand-Claude Mollet có một mảnh đất nối từ làng Roule tới Grand Cours (nay là đại lộ Champs-Elysée) bán mảnh đất này cho Henri-Louis de la Tour d'Auvergne - bá tước Évreux vào năm 1718. Được xây dựng từ năm 1718-1720 dưới thời vua Louis XV, lâu đài Élysée lúc đầu mang tên Hôtel d'Évreux (hôtel trong Pháp ngữ cổ có nghĩa là lâu đài nhỏ).

Có giai thoại cho rằng, tuy mang tước phẩm cao quý nhưng là người không có nhiều tài sản nên để có tiền trang trải cho việc xây tòa dinh thự, bá tước Évreux lúc ấy 32 tuổi đã cưới cô vợ "nhí" mới 12 tuổi để được cha vợ tặng "của hồi môn" là món tiền lớn lên đến 2 triệu franc.

Điện Élysée.

Nhưng Évreux là một nhà quý tộc đầy sĩ diện nên ông đã dùng phần lớn số tiền ấy hùn hạp với một công ty hàng hải chuyên giao thương với Ấn Độ nên sau ngày khánh thành lâu đài Élysée không lâu, cuộc hôn nhân "chồng già vợ nhí" kết thúc, ông đem số tiền sinh lời hoàn trả cho cha vợ.

Sau khi bá tước Évreux qua đời vào năm 1753, vua Louis XV đã mua dinh thự Evreux làm quà tặng cho nữ hầu tước Pompadour, lúc đó đã 32 tuổi nhưng là người tình mà ông sủng ái nhất trong số những người tình xinh đẹp. Vị trí của Hôtel d'Évreux trở nên thuận tiện vừa đối với nữ hầu tước do gần tu viện Saint-Honoré là nơi con gái bà đang tu, vừa đối với vua Louis XV vì dư luận không ưa gì quý bà Pompadour nổi danh với thói tiêu pha như nước. Năm 1773, sau khi nữ hầu tước qua đời, Nicolas Beaujon, Giám đốc Ngân hàng Paris mua lại tòa dinh thự. Già cả nhưng thích chơi "trống bỏi", Beaujon nhiều đêm đưa về lâu đài một lúc 5- 6 cô gái chỉ để… thủ thỉ ru ông ta ngủ. Lúc hơi đã tàn và lực đã kiệt, Nicolas Beaujon bán lại tòa dinh thự cho vua Louis XVI vào năm 1786.

Chủ nhân cuối cùng của Hôtel Beaujon trước Đại Cách mạng tư sản năm 1789 là nữ công tước Bathilde d'Orléans, em họ vua Louis XVI với giá "chuyển nhượng" là 600.000 franc và từ đó Hôtel Beaujon đổi tên lại là Hôtel de l'Élysée-Bourbon. Theo huyền thoại, "Élysée" có nghĩa là nơi an nghỉ dưới âm phủ (địa ngục) của những vị anh hùng.

Cách mạng 1789 nổ ra, đối tượng mà những tầng lớp quần chúng lầm than trút căm hờn là những gia đình quý tộc có liên quan đến hai "tội đồ" của nước Pháp là vua Louis XVI và hoàng hậu Marie Antoinere. Để tránh liên lụy, nữ Công tước Bathilde d'Orléans đem dâng tòa dinh thự cho chính quyền cách mạng lâm thời.

Được trao trả lại vào năm 1795 nhưng không đủ tiền để tu bổ một tòa dinh thự rộng lớn, từ năm 1797, Bathilde d'Orléans phải cho thuê tòa lâu đài làm nơi tổ chức dạ tiệc vì thế Élysée nhanh chóng xuống cấp. Đến năm 1805, Thống chế Joachim Murat, em rể của Hoàng đế Napoléon Bonaparte mua lại dinh thự với một giá rất rẻ và tiến hành một cuộc đại trùng tu để "đưa vợ về dinh"- quận chúa Caroline Bonaparte. Từ đó, Hôtel Élysée lấy tên chính thức là Điện d’Élysée.

Năm 1818, vua Louis XVIII lên ngôi, ông lấy lại Điện Élysée để tặng cho cháu là công tước de Berry, người được ông tin yêu và chuẩn bị nhường ngôi, nhưng không ngờ vào năm 1820, công tước de Berry bị người thợ tên là Louis-Pierre Louvel ám sát vì muốn tuyệt diệt vương triều Bourbon. Cho đến năm 1848, Điện Élysée chỉ dùng làm nơi tạm trú cho các vua chúa và quan khách nước ngoài kinh lý đến Pháp.

Chân dung Tổng thống Louis-Napoléon Bonaparte.

Bước sang nền Đệ nhị Cộng hòa năm 1848, Louis-Napoléon Bonaparte, 40 tuổi, cháu của Hoàng đế Napoléon đệ I đắc cử tổng thống Pháp- ông là tổng thống đầu tiên đắc cử do hình thức phổ thông bầu phiếu (do chính dân bầu) và ngày 20-12-1848 dọn vào Điện Élysée thay vì Điện Tuileries. Tân tổng thống đã tìm lại căn phòng mà người cậu Napoléon đệ I đã viết bức thư nhường ngôi cho con là Napoléon đệ II. Vị tổng thống hậu duệ của Hoàng đế Napoléon tính tình trăng hoa không khác gì các bậc tiền bối, đã mở thêm một cửa hậu sau dinh để qua thẳng (đường) rue du Cirque, nơi có nhà của nhân tình ông, một cô gái người Anh giàu có tên là Elizabeth Howard mà ông quen trong thời gian bị lưu đày ở London.

Tổng thống Louis-Napoléon Bonaparte chỉ được tại vị trong 4 năm và theo hiến pháp của nền Đệ nhị Cộng hòa không được tái ứng cử, nhưng vì tham quyền cố vị nên ông tiến hành một cuộc "đảo chính" để trở thành Hoàng đế Napoléon III vào ngày 1-12-1851. Theo lời khuyên của người em cùng mẹ khác cha là công tước de Morny, sau này làm Bộ trưởng Nội vụ rằng, Élysée "là nơi nhiều ám khí" nên Hoàng đế dời sang Điện Tuileries, Điện Élysée chỉ dành để tiếp đón các vua chúa Châu Âu.

Sang dinh thự mới, Napoléon III cũng không quên mở một đường hầm bí mật qua số 18 đường Élysée đến tận nhà của nhân tình Marie-Louise de Mercy-Argenteau. Thảm bại trong trận Sedan trước nước Đức, Napoléon III mất ngôi vào năm 1871, Đệ tam Cộng hòa ra đời năm 1875. Tổng thống đầu tiên là Adolphe Thiers, dáng người thấp bé chỉ cao 1m55 nhưng có cung "đa thê" nên vui vầy với "tình chị duyên em": tình nhân Félicie chính là em ruột của vợ mình là bà Élise Thiers, cả 3 người ở cùng nhà mà vẫn giữ hòa khí! Trước đó ông cũng "tòm tem" với bà Eurydice Dosme, mẹ vợ của mình!

Những Tổng thống có số phận nghiệt ngã

Ngày 3-12-1887, chính khách Marie Francois Sadi Carnot Sadi Carnot xuất thân từ trường kỹ thuật xây dựng dân dụng trở thành tổng thống thứ 4 của nền Đệ tam Cộng hòa Pháp. Tên gọi Sadi là để vinh danh người bác Nicolas Léonard Sadi Carnot - nhà vật lý chuyên về nhiệt động học. Cả ông và bác mình đều được gọi ngắn gọn là Sadi Carnot. Tình hình chính trị lúc đó vô cùng phức tạp, các đảng phái chống nhau bằng mọi thủ đoạn, kể cả dùng bạo lực, đến nỗi năm 1889, Lực lượng phòng vệ Phủ Tổng thống (Garde Républicaine) phải liên tục tuần hành và chặn các cửa ra vào Élysée vì sợ tướng Boulanger làm đảo chính.

Nhân kỷ niệm 100 năm ngày Đại Cách mạng tư sản 1789 và nhân dịp khánh thành tháp Eiffel, Tổng thống Carnot cho xây lại mặt trước của sân danh dự và phòng nghi lễ đồng thời điện hóa cho Điện Élysée. Ngày 24-6-1894, khi Tổng thống Sadi Carnot từ chối ân xá cho tên khủng bố cực tả Vaillant, ông bị một tên đồng bọn tên là Caserio ám sát bằng dao tại Lyon. Linh cữu của ông được đem về Điện Élysée và sau đó đưa vào Panthéon-đền thờ các vĩ nhân nước Pháp. Tổng thống Carnot ở điện Élysée được 6 năm và 6 tháng, chưa hết nhiệm kỳ.

3 ngày sau khi Sadi Carnot bị ám sát, Jean Casimir-Périer, 47 tuổi được Hội đồng tối cao bầu làm Tổng thống, việc này hoàn toàn nằm ngoài ý muốn của ông. Ông sinh trưởng trong một gia đình giàu có và chấp nhận trách nhiệm vì… bà vợ hám danh vọng thúc đẩy ông nhận chức tổng thống. Có lẽ vì phải ngồi ghế tổng thống trong tình thế như vậy nên ông thích làm việc ngoài vườn hơn trong các văn phòng trang hoàng lộng lẫy nhưng kín như bưng. Năm 1895, khi Thủ tướng Charles Dupuy từ chức, ông cũng từ chức theo, chỉ ở Điện Élysée có 6 tháng và 20 ngày- nhiệm kỳ ngắn nhất!

Tổng thống Felix Faure.

Cái chết của Tổng thống Félix Faure (1895-1899) được xem là chuyện ly kỳ nhất ở điện Élysée. Felix Faure từng giữ chức Bộ trưởng Hải quân, cũng "bị bầu" lên chức Tổng thống vào năm 54 tuổi. Người ta nói rằng, Felix Faure nổi tiếng do cái chết nhiều hơn là những gì ông làm được khi còn sống. Năm 1897, tại Chamonix, Felix Faure gặp vợ của họa sĩ Adolphe Steinheil, bà Marguerite Steinheil, hay còn gọi là Meg, một phụ nữ có sức quyến rũ kỳ lạ.

Vào thời điểm đó, vị họa sĩ này được giao trọng trách vẽ một bức tranh quan trọng cho Điện Élysée. Nhân việc này, Felix Faure hay có mặt tại biệt thự của cặp vợ chồng họa sĩ tại số 6, ngõ Ronsin, Paris. Vốn là một phụ nữ lẳng lơ và có thuật mồi chài những người đàn ông danh giá, Marguerite Steinheil nhanh chóng trở thành tình nhân của Felix Faure và thường xuyên đến gặp ông tại "phòng xanh" của Điện ElÁysée.

Vào ngày 16-2-1899 định mệnh, Felix Faure đã điện thoại cho tình nhân hẹn gặp nhau vào lúc 17 giờ sau buổi họp với Hội đồng Bộ trưởng, liên quan đến "vụ án gián điệp Dreyfus", ồn ào dư luận lúc bấy giờ. Cả hai người vào "phòng xanh" không được bao lâu, bất thình lình chánh văn phòng Le Gall nghe thấy tiếng la thất thanh.

Ông chạy vội vào xem thì phát hiện tổng thống trên người không y phục, nằm bất động trên sofa, bàn tay co quắp nắm lấy đầu tóc của tình nhân. Vài giờ sau đó, chính xác lúc 22 giờ, Felix Faure qua đời do xung huyết não. Tin tức tổng thống qua đời trong vòng tay người tình nhanh chóng lan truyền khắp Paris. Một số tờ báo lúc bấy giờ như tờ Journal du Peuple số ra ngày 18-2 khẳng định tổng thống qua đời vì "chiều giai nhân quá sức". Số khác thì cho rằng, ông chết vì bị đầu độc, tức ám chỉ đến vụ án gián điệp Dreyfus.

Tổng thống Paul Deschanel.

Năm 1920, Điện Élysée có chủ nhân mới - Tổng thống Paul Deschanel. Nhà trí thức vẹn toàn này từng được bầu làm Chủ tịch Quốc hội nhiều lần, tính công minh, tài hùng biện của ông đã làm hài lòng tất cả các phe phái trong Quốc hội.  Tuy vậy, ông lại có tính hay thay đổi, buồn vui thất thường. Từ trước khi ông đắc cử, những người thân của ông đã biết ông là người dễ bị kích thích và dễ xúc động. Nhưng khi đã đắc cử, mục đích cả đời được toại nguyện, người ta lại có cảm tưởng tổng thống đang suy sụp và mất hết nghị lực- ông đang bị những cơn suy nhược thần kinh giày vò.

Người ta bắt đầu nói xa xôi về "những điều kỳ cục của tổng thống" vốn rất khó che giấu khi chúng xảy ra vào lúc ông thực hiện các cuộc giao tế. Đó là những lời phát biểu rời rạc không ăn nhập gì với nhau trước một hội đồng đại biểu địa phương nào đó; hay trong một bữa tiệc, tổng thống đột nhiên đứng dậy và rời khỏi phòng không một lời giải thích, để mặc các quan khách ngơ ngác.

Những người thân cận của tổng thống luôn luôn phải cảnh giác và họ cũng đã giải thích về các hành động này, tuy nhiên những lời giải thích đó không làm người ta thỏa mãn. Không lâu sau đó, nhiều biểu hiện của tổng thống làm nước Pháp phải lo sợ.

Tháng 5-1920, Deschanel lên tàu hỏa rời Paris đến Montbrison để khánh thành công trình tưởng niệm một thượng nghị sĩ hy sinh ngoài chiến trường, nhưng khi đến ga Roanne, người ta không thấy tổng thống ngồi trong toa của ông nữa. Lúc nửa đêm, khi đang nửa tỉnh nửa mê, ông đã nhảy xuống tàu. Thấy ông mặc bộ đồ ngủ đi trên đường ray, một nhân viên đường sắt đã đưa ông về trạm gác chắn tàu gần nhất. Deschanel tự giới thiệu nhưng người ta không tin, may sao một bác sĩ đã nhận ra ông và báo ngay cho Phó tỉnh trưởng tỉnh Montargis. Cả nước Pháp náo động: Văn phòng tổng thống và Chủ tịch Hội đồng phải cho đăng các thông cáo trong đó đưa ra một cách giải thích hợp lý đối với công chúng cho sự kiện đã xảy ra. Nhưng sự thật nhanh chóng bị lộ tẩy và ngài tổng thống đáng thương trở thành đề tài đàm tiếu vì… mắc bệnh thần kinh.

Những người thân cận khuyên ông nên đi nghỉ một thời gian ở Rambouillet, ở đó ông sẽ đủ minh mẫn để chủ trì các cuộc họp của Hội đồng Bộ trưởng và ký các văn bản chính thức. Mọi người đã bắt đầu hy vọng rằng, sau khi được nghỉ ngơi, Tổng thống sẽ bình phục. Nhưng không lâu sau, hy vọng này mất hẳn. Từ tháng 9, các cơn khủng hoảng thần kinh lại bắt đầu.

Ngày 10-9, người ta thấy Tổng thống Paul Deschanel gần như trần truồng, lội bì bõm trong hồ cảnh của lâu đài Rambouillet. Các bác sĩ đề nghị ông nghỉ ngơi hoàn toàn, nhưng cho dù không có thực quyền thì tổng thống vẫn cần thiết phải hiện diện để các thể chế chính trị hoạt động bình thường. Ông có thể chỉ định người đứng đầu chính phủ trong trường hợp khủng hoảng và chỉ mình ông có thể làm việc đó. Từ chức vào ngày 10-9-1920, Paul Deschanel ngồi ghế tổng thống được 9 tháng.

(Còn tiếp)

Quang Học (tổng hợp)
.
.