Chuyện nghe lén của NSA thời chiến tranh lạnh: Từ “Núi Quỷ” đến "Minaret"

Thứ Sáu, 21/04/2017, 13:16
Sau khi Chiến tranh thế giới lần 2 kết thúc, trong khu rừng Grunewald ở phía tây thành phố Berlin mọc lên một ngọn đồi nhân tạo cao gần 116 mét rồi trở thành căn cứ tuyệt mật chuyên trách nhiệm vụ nghe lén và gián điệp các cuộc giao tiếp tín hiệu của đối thủ Liên Xô cùng các nước khối Đông Âu của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA).

Trong khi binh sĩ Mỹ gọi căn cứ nghe lén này bằng cái tên đơn giản là "The Hill" (Ngọn đồi) thì người địa phương lại gọi là "Teufelsberg" (Núi Quỷ).

Trung tâm nghe lén trên ngọn đồi nhân tạo

Do quân Đồng minh không thể phá hủy được công trình xây dựng dang dở của Đức Quốc xã - Học viện quân sự ưu tú, được giao cho kiến trúc sư Albert Speer thiết kế trong dự án tạo dựng một thành phố Germina siêu việt - cho nên giải pháp được chọn là vùi lấp nó!

Từ đó, quả đồi Teufelsberg cao gần 120m ấy được hình thành từ đống gạch vữa đổ nát của khoảng 400.000 ngôi nhà trong thành phố Berlin bị bom đạn chiến tranh phá hủy. Mỗi ngày có đến 80 lượt xe tải vận chuyển khoảng 7.000 mét khối gạch vữa được gom lại bởi phần đông phụ nữ địa phương rồi vận chuyển đến khu rừng phía tây thành phố Berlin.

Núi Quỷ là điểm ngắm cảnh và tụ tập của nhiều thanh niên.

Người Mỹ xây dựng trạm nghe lén đầu tiên trên đỉnh đồi trong năm 1961, trước khi nâng cấp năm 1963 và tiếp tục phát triển trong những năm sau đó. Trong suốt thời Chiến tranh Lạnh, Núi Quỷ trở thành trung tâm nghe lén tuyệt mật của NSA thu thập thông tin tình báo tín hiệu về những gì đang diễn ra ở phía đông Berlin nằm dưới sự kiểm soát của người Nga Xôviết.

Do "Núi Quỷ" nằm trong khu vực người Anh kiểm soát tại Berlin nên Washington phải chia sẻ thông tin tình báo với London, từ đó nó biến thành một phần tử quan trọng trong mạng lưới nghe lén ECHELON nổi tiếng thế giới của NSA và biến Berlin thành trung tâm tình báo của Anh và Mỹ trong thời kỳ này.

Đây là nơi làm việc của hơn 1.000 điệp viên Mỹ, thiết kế gồm 3 phần với 2 khu hình cầu hai bên và một trụ chính ở giữa. Trạm nghe lén tọa lạc trên "Núi Quỷ" được xây dựng từ hơn 12 triệu mét khối gạch vỡ. Mỗi tháp vòm khổng lồ được trang bị hệ thống ăngten vệ tinh cao 12 mét cho phép Mỹ thu thập các tín hiệu vệ tinh, sóng radio, những kết nối vi sóng cũng như mọi kỹ thuật truyền tin khác.

Trái với suy đoán của mọi người, không hề có thiết bị radar nào (để phát hiện máy bay, tên lửa) được trang bị tại Núi Quỷ có lẽ bởi quân đội Đồng minh đã có mạng lưới radar phòng không tại các sân bay Tegel, Tempelhof và Gatow cho nên chức năng chính của Núi Quỷ chỉ là nghe lén. Các đơn vị nghe lén di động đầu tiên của Mỹ có mặt tại Núi Quỷ vào tháng 7-1961 và trung tâm này vẫn tiếp tục hoạt động cho đến khi Bức tường Berlin sụp đổ. Sau khi trạm nghe lén Núi Quỷ ngưng hoạt động vào năm 1991 và bỏ hoang, toàn bộ trang thiết bị tình báo đều được di dời, song các tòa nhà và tháp vòm ăngten vẫn còn đó.

Lúc đó, số phận mạng lưới các trạm nghe lén được giải quyết theo 3 hướng: chúng sẽ bị đóng cửa hoàn toàn, được di chuyển đến các cơ sở lớn hơn gọi là các trung tâm chiến dịch khu vực SIGINT hoặc cải tạo thành các cơ quan nghe lén của nước chủ nhà để hoạt động phối hợp với NSA. Năm 1994, Núi Quỷ được sử dụng làm trạm kiểm soát không lưu phục vụ những chuyến bay dân sự, song điều đó không kéo dài.

Năm 1996, khu vực Núi Quỷ rộng 4,7 hecta được bán cho hai kiến trúc sư Hartmut Gruhl và Hanfried Schutte với giá 5,2 triệu mác Đức thời đó. Họ có kế hoạch xây dựng các căn hộ cao cấp, một khách sạn và nhà hàng cũng như một nhà bảo tàng tình báo phục vụ du lịch. Tuy nhiên, dự án đã bị bỏ dở giữa chừng do khó khăn về tài chính. Tháng 2-2008, Hartmut Gruhl và Hanfried Schutte thỏa thuận bán lại khu Núi Quỷ cho nhà làm phim David Lynch. Nhưng rồi mọi dự án xây dựng của David Lynch cũng gặp thất bại do không nhận được sự đồng ý từ chính quyền Berlin.

Các cựu công nhân xây dựng Núi Quỷ mong muốn bảo quản trung tâm nghe lén thời Chiến tranh Lạnh của NSA thành một địa điểm tưởng niệm. Họ lên tiếng chỉ trích những người không tôn trọng sự nguyên vẹn của Núi Quỷ và dẫn đến sự ra đời của chiến dịch gọi là "Giải cứu Núi Quỷ".

Những nghệ sĩ đường phố trang hoàng những bức tường tòa nhà trên Núi Quỷ.

Trong một thời gian, nhiều du khách tò mò dễ dàng xâm nhập khu vực Núi Quỷ để thoải mái quan sát trước khi Shalmon Abraham bắt đầu thuê vùng đất năm 2011 và ra quy định thu tiền vé vào cửa. Abraham mời các nghệ sĩ đường phố đến trang trí cho những bức tường tòa nhà trên Núi Quỷ - một đề nghị có lợi cho cả hai bên: nghệ sĩ có nơi sáng tác còn Abraham thu được tiền vào cửa tham quan từ du khách!

Thế nhưng, hợp đồng thuê Núi Quỷ bị hủy bỏ sau khi có cuộc tranh cãi về việc Abraham không trả tiền thuê. Hiện nay, người thuê mới căn cứ nghe lén Núi Quỷ là Marvin Schutte và ông có một số kế hoạch lớn cho địa điểm này như xây dựng một quán cà phê, quán bia sân vườn và gallery nghệ thuật. Marvin cũng đề nghị thêm nhiều nghệ sĩ đường phố đến trang hoàng cho những bức tường tòa nhà trên Núi Quỷ. Dĩ nhiên, các tour du lịch cũng được lên kế hoạch chu đáo.

"Minaret" nghe lén thành phần đối lập và phản chiến trong lòng nước Mỹ

Theo một tài liệu được giải mật vào tháng 10-2013 của Cơ quan Lưu trữ quốc gia thuộc Đại học George Washing, NSA trong hai thập kỷ 1960, 1970 từng thực hiện một chương trình do thám "ít vẻ vang và thậm chí còn bất hợp pháp" có mật danh Minaret, chuyên nghe lén các cuộc đàm thoại của hàng nghìn công dân Mỹ, trong số đó có nhiều nhân vật nổi tiếng kịch liệt phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam.

Đầu năm 1965, trước nguy cơ phá sản của chiến lược "Chiến tranh đặc biệt", Mỹ ồ ạt đưa quân viễn chinh và quân chư hầu cùng với vũ khí, phương tiện chiến tranh vào miền Nam Việt Nam. Sự can thiệp quân sự của Mỹ tại Việt Nam chính thức chuyển sang giai đoạn "Chiến tranh cục bộ". Trước các bước leo thang chiến tranh của Nhà Trắng  và Lầu Năm Góc, phong trào phản đối chiến tranh trong lòng nước Mỹ xuất hiện từ giữa thập kỷ 1960 bùng phát mạnh.

Tổng thống Lyndon B. Johnson - người chỉ đạo và bật đèn xanh cho chương trình Minaret.

Quy mô và cấp độ các cuộc biểu tình phản chiến này ngày một lớn, gây nhiều lo ngại cho Tổng thống Johnson và người kế nhiệm Richard Nixon. Là những người chống Cộng điên cuồng, hai nhân vật đứng đầu Nhà Trắng luôn bị ám ảnh bởi câu hỏi: Liệu các cuộc biểu tình trong nước này có sự liên hệ gì với các chính phủ nước ngoài? Chính quyền Johnson và Nixon yêu cầu cộng đồng tình báo Mỹ phải tìm cho được câu trả lời.

Cục Tình báo Trung ương (CIA) được giao trọng trách thực hiện "Chiến dịch hỗn loạn" (Operation Chaos) bằng phương thức theo dõi các công dân Mỹ có liên quan đến phong trào phản đối chiến tranh, xác định xem có sự hỗ trợ của các tổ chức hay chính phủ nước ngoài nào đối với phong trào phản chiến này hay không.

Trong khi đó, NSA nhận được chỉ thị phối hợp với CIA, Cục Điều tra Liên bang (FBI)... lập danh sách những nhà hoạt động phản chiến nổi bật, theo dõi các cuộc điện đàm của những người này với nước ngoài. Ý tưởng của chiến dịch nghe lén quy mô này được manh nha hình thành từ những năm đầu thập niên 1960, với tên gọi "danh sách theo dõi" (Watch List ), đến năm 1967 được bắt đầu triển khai, chính thức công khai vào năm 1969 và kéo dài trong 6 năm (1967 - 1973). 

Mục đích của chiến dịch Minaret là tìm kiếm, theo dõi, thu nhận, xử lý thông tin theo yêu cầu từ Nhà Trắng, FBI, Tổng chưởng lý. Nội dung báo cáo bao gồm: Các dấu hiệu về việc chính phủ nước ngoài hậu thuẫn, kiểm soát hoặc có ý đồ hậu thuẫn, kiểm soát hoạt động của các nhóm "hòa bình" Mỹ, "các tổ chức quyền lực của người da đen"; những chứng cứ về hoạt động của nước ngoài nhằm phát triển, thúc đẩy phong trào phản đối chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam và các cuộc biểu tình trong nước; xác định các cá nhân và tổ chức tại Mỹ có mối liên hệ với các điệp viên, cá nhân thuộc chính phủ nước ngoài.

Cuối cùng, theo yêu cầu của CIA, NSA tổ chức theo dõi "các hoạt động của các công dân Mỹ có tham dự vào các hoạt động gây bạo loạn dân sự, các hoạt động của thanh niên, sinh viên, phong trào chống chiến tranh, trốn quân dịch..." mà CIA cho là quá khích. Sau khi nhận được chỉ thị từ Nhà Trắng và yêu cầu của các cơ quan tình báo Mỹ, Giám đốc NSA đã thiết lập đường thông tin trực tiếp nối thẳng với Giám đốc CIA, tất cả các thành viên trong Ban tình báo Mỹ.

Bộ thiết bị do thám hình cầu nằm trên nóc một tòa nhà ba tầng. Thiết bị cao nhất tương đương một tòa nhà sáu tầng.

Nhưng NSA cũng nhận ra rằng, nhiệm vụ lập "danh sách theo dõi" có sự khác biệt lớn so với các nhiệm vụ tình báo truyền thống của tổ chức mật này. Nó đi vào những chủ đề nhạy cảm, trong đó có cả việc bảo vệ tổng thống, chống chủ nghĩa khủng bố, bạo động dân sự. Việc xử lý hậu quả khi chương trình này bại lộ sẽ gặp nhiều rắc rối từ dư luận. Thêm nữa, Minaret lúc đó nằm trong lằn ranh giới mong manh về tính hợp pháp. Các quan chức NSA lúc đó đã gọi đây là "điệp vụ chưa có trong tiền lệ, hoàn toàn khác biệt so với nhiệm vụ thông thường của NSA".

Những bộ não của NSA bắt đầu tìm cách hợp pháp hóa cho Minaret. Khi mà các cuộc thoại thu được chỉ liên quan đến một người Mỹ, sản phẩm tình báo của NSA chỉ được phổ biến đến một số đầu mối giới hạn. Nhưng nếu đó là cuộc thoại của 2 người Mỹ, NSA không để lộ ra mình là đầu mối cung cấp tin. Báo cáo dạng này đều được in trên giấy trắng không kèm theo biểu tượng (logo) của NSA hoặc là dấu mật, chỉ có dòng chữ "dùng để tham khảo" đề góc trên, kèm theo đó là dấu "không sao chép" ở góc dưới.

Nhân viên NSA sau đó mang trực tiếp các báo cáo này đến các địa chỉ nhận là các "sếp" ở Nhà Trắng hoặc ở Washington - những người hiểu rõ rằng đây là báo cáo mật. Phó Giám đốc NSA giải thích rằng, cách làm như vậy là để đảm bảo "không có bất kỳ một dấu vết nào của các dữ liệu này lộ ra ngoài NSA". Như vậy, với Minaret, NSA có thẩm quyền theo dõi tất cả các cuộc đàm thoại "đến, đi" có liên quan đến công dân Mỹ, dù về mặt công khai, nó được thực hiện trong phạm vi "tình báo nước ngoài".

Chương trình "Minaret" chính thức bị ngừng năm 1973 khi Giám đốc NSA ký lệnh hủy. Theo các tài liệu được giải mật, trong suốt 6 năm, NSA đã hoàn thiện 1.900 báo cáo tình báo chuyên về phong trào chống đối, phản chiến trong nước; theo dõi hơn 1.650 cá nhân, trong đó có nhiều nhân vật nổi tiếng trong lĩnh vực hoạt động xã hội và văn chương nghệ thuật, các nhà báo tên tuổi và thậm chí nhiều nghị sĩ quốc hội có quan điểm đối lập chính phủ đương  nhiệm.

Trang Thuần - Hiếu Thảo(tổng hợp)
.
.