Chuyện những xạ thủ bắn tỉa trong cuộc chiến chống IS

Thứ Sáu, 06/10/2017, 11:20
Ngày 30-9 vừa qua, Abu Tahsin al-Salhi, một cựu binh quân đội Iraq và được mệnh danh là “vua bắn tỉa” đã thiệt mạng trong trận chiến giành lại thành phố Hawija, vùng kiểm soát cuối cùng của phiến quân IS tại Iraq sau loạt chiến thắng liên tiếp của quân đội Chính phủ Iraq và liên minh.

Trong lần đầu tiên xuất hiện công khai vào năm 2016, cựu binh đã 63 tuổi này nghiễm nhiên được xem là biểu tượng cho cuộc chiến ngoan cường của các tầng lớp nhân dân Iraq trước đạo quân cuồng tín IS. Al-Salhi đã không còn nhưng đồng đội ông và những tay súng thiện xạ của liên quân chống IS vẫn bền bỉ trong cuộc chiến chưa có điểm dừng này.

“Vua bắn tỉa” chỉ di chuyển một mình

Ahmad al-Assadi, người phát ngôn của Hashed al-Shaabi - một lực lượng gồm đa số người Hồi giáo Shiite chống IS cùng quân Chính phủ Iraq, đã xác nhận ông al-Salhi hy sinh trong trận chiến giành lại thành phố Hajiwa. Cái chết của ông al-Salhi xảy ra không lâu sau khi IS công bố đoạn băng được cho là ghi âm lời kêu gọi thánh chiến trả thù của Abu Bakr Al-Baghdadi, thủ lĩnh IS (từng có rất nhiều đồn đoán cho rằng al-Baghdadi đã thiệt mạng trong các vụ không kích của Mỹ và Nga ở Syria).

Người đàn ông được mệnh danh là “vua bắn tỉa” hay “diều hâu săn mồi” này kể từ khi tham gia cuộc chiến chống lại phiến quân IS năm 2014 đã tiêu diệt 321 tay súng IS, đứng đầu danh sách các tay súng bắn tỉa. Al-Salhi hy sinh ở tuổi 63, cái tuổi mà rất nhiều người đàn ông đã nghỉ hưu.

Một trong những hình ảnh cuối cùng của Abu Tahsin Al-Salhi tham chiến tại Hawija trước khi bị bắn hạ hôm 30-9. Nguồn: Arabnews.

Al-Salhi tham gia lực lượng bắn tỉa quân đội Cộng hòa Iraq từ năm 1973 dưới thời Saddam Hussein đến tận năm 2003 khi Mỹ tấn công Iraq. Xuất ngũ, ông làm công việc dân sự và lại cầm súng chiến đấu vào năm 2013 khi tình nguyện gia nhập lực lượng vũ trang mở rộng Iraq (PMU) trong vai trò lính bắn tỉa.

PMU là một nhóm tình nguyện khoảng 40 chiến binh người Hồi giáo dòng Shiite, Cơ đốc hoặc người thiểu số Yazidi. Năm 2016, trong một đoạn video tuyên truyền được nhóm chiến binh PMU đăng tải, người đàn ông này, khi đó được biết đến dưới cái tên Abu Tahseen, bằng giọng tự hào đã khẳng định rằng, các tay súng IS rất sợ đi qua khu vực nằm trong “tầm ngắm” của ông.

“Thấy chỗ đó không” - Abu Tahseen chỉ tay và nói trong đoạn video - “tôi thề là không tên nào giữ nổi mạng khi qua đó”. Al-Salhi cho biết, ông đã học được rất nhiều kỹ năng từ quân đội Nga và mới tiêu diệt được 1 chỉ huy của IS có tên Abu Hudaifa cùng 2 tên tùy tùng của hắn.

Theo lời al-Salhi kể thì ông đã từng trải qua 4 cuộc chiến khác nhau là Yom Kippur, Iran-Iraq, Kuwait và Vùng Vịnh. Al-Salhi bắt đầu dấn thân vào cuộc chiến chống IS ở Jurf al Sakhar, phía nam Baghdad và đã chiến đấu ở mọi điểm nóng trên khắp đất nước. Ông yêu thích việc chiến đấu chống khủng bố đến mức, có lần được nghỉ phép 1 tháng nhưng ông đã quay trở lại chiến trường sau 12 ngày.

Trong chiến công của mình, loại vũ khí giúp al-Salhi nổi danh chính là khẩu súng trường hạng nặng sử dụng đạn 12.7mm AM-50 Sayyad do Iran chế tạo. Loại súng này được phát triển từ mẫu súng trường bắn tỉa Steyr HS.50 Iran mua từ Áo.

AM-50 Sayyad khá phổ biến trong biên chế quân đội Iran và các nhóm, tổ chức quân sự bán vũ trang người Shiite đang tham chiến tại Iraq và cả Syria. Thiết kế của AM-50 Sayyad khá đơn giản, súng có trọng lượng khoảng 12kg và dài tới 1,5m. Tầm bắn hiệu quả của AM-50 Sayyad lên đến 1.500m và có thể xa hơn tùy điều kiện tác xạ cũng như kỹ năng của xạ thủ, tốc độ bắn của súng lên đến 5 phát/phút.

Bên cạnh kính ngắm quang học đơn thuần, AM-50 Sayyad còn được trang bị cả kính ngắm quang ảnh nhiệt dùng cho ban đêm. Tổ chiến đấu được trang bị AM-50 Sayyad thường có 2 người, tuy nhiên với trường hợp của “vua bắn tỉa” al-Salhi, ông chỉ di chuyển một mình.

Kỷ lục của xạ thủ người Canada

Trong thành phần liên quân chống IS không thiếu những xạ thủ tài ba như Al-Salhi, chỉ có điều nếu so về tuổi đời thì họ thua xa al-Salhi. Vào tháng 6-2017, cũng trên chiến trường Iraq, một xạ thủ thuộc lực lượng đặc nhiệm Canada đã phá vỡ kỷ lục về phát bắn tỉa xa nhất thế giới: viên đạn bay suốt 10 giây hạ gục phiến quân IS từ khoảng cách 3.540 mét.

Quân đội Canada cho biết họ có video và những dữ liệu khác để xác thực cú bắn này. Những người từng là lính bắn tỉa dày dạn chiến trường cho rằng, đây là một kỳ tích khó có thể lặp lại, bởi ngoài kỹ năng của xạ thủ, phát bắn ở khoảng cách xa như vậy còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố như hướng gió, góc ngắm, ánh sáng... Hơn nữa, lập được kỳ tích như vậy, người lính bắn tỉa Canada đã phải trải qua một quá trình huấn luyện lâu dài và gian khổ.

Để trở thành xạ thủ bắn tỉa, quân nhân Canada bắt buộc phải tốt nghiệp khóa trinh sát rồi trải qua khóa huấn luyện bắn tỉa cơ bản. Lính bắn tỉa Canada thường được chia làm 3 cấp độ, gồm bắn tỉa cơ bản, tổ trưởng tổ bắn tỉa và sau đó là bắn tỉa cấp cao, mỗi cấp độ đòi hỏi họ tham gia các khóa huấn luyện với thời gian khác nhau.

Lính bắn tỉa Canada trên thao trường.

Chương trình huấn luyện này thường kéo dài 8-10 tuần mỗi khóa, chủ yếu tập trung vào các kỹ năng và trình độ mà người lính bắn tỉa ở mỗi cấp cần có. Tuy nhiên, ngay cả trong chương trình huấn luyện cấp cao, lính bắn tỉa Canada cũng không thường xuyên tập bắn ở khoảng cách 3,5 km. Trên thực địa chiến trường, họ thường tìm mọi cách tiếp cận mục tiêu gần nhất có thể để khai hỏa mà vẫn đảm bảo được sự an toàn cho bản thân.

Trong trường hợp đặc biệt đã đề cập, người lính đặc nhiệm Canada này có thể đang thực hiện nhiệm vụ cảnh giới từ xa cho đồng đội của mình, nhằm đảm bảo an toàn cho một khu vực hoặc một đơn vị nhất định. Anh ta rất có thể đã phát hiện mối đe dọa từ phiến quân IS có thể khiến đồng đội gặp nguy hiểm, nên đã quyết định thực hiện phát bắn từ khoảng cách xa như vậy.

Việc diệt mục tiêu bằng súng bắn tỉa từ khoảng cách 3,5 km là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, gần như không tưởng với phần lớn các xạ thủ. Người lính bắn tỉa phải tính toán rất nhiều yếu tố, bởi viên đạn phải bay mất 10 giây mới tới được mục tiêu. Trong 10 giây đó, rất nhiều thứ có thể xảy ra ảnh hưởng đến quỹ đạo đường đạn.

Gió là yếu tố lớn nhất mà xạ thủ bắn tỉa phải tính đến. Ở khoảng cách gần, hướng gió không tác động quá nhiều đến đường bay của viên đạn, nhưng ở cự ly 3,5 km, những cơn gió thổi ngang hoàn toàn có thể khiến viên đạn bay chệch mục tiêu. Trong phát bắn đầy khó khăn này, tỷ lệ may rủi chỉ chiếm khoảng 5-10%, còn kỹ năng của xạ thủ chiếm tới 90-95%. Các đặc nhiệm bắn tỉa của Canada đều có kỹ năng rất tốt, và chuyện họ lập được kỳ tích trên là hoàn toàn có thực.

Nói cho công bằng, người đóng vai trò quan trọng thứ hai trong phát bắn này chính là trợ thủ của lính bắn tỉa. Kỹ năng của xạ thủ là lấy và duy trì đường ngắm một cách ổn định nhất, sau đó kéo cò theo đúng những quy tắc và kỹ năng đã được tôi luyện. Điều thay đổi duy nhất ở đây chính là tình huống, môi trường xung quanh xạ thủ, những yếu tố chỉ có thể được xác định bởi trợ thủ.

Trợ thủ chính là người thông báo cho xạ thủ hướng gió, tốc độ gió ra sao, cần phải điều chỉnh đường ngắm về phía nào để bù tốc độ gió và viên đạn đã trúng vào đâu sau phát bắn thứ nhất để có sự điều chỉnh kịp thời. Trợ thủ bắn tỉa thường được trang bị kính ngắm mạnh hơn cả ống ngắm trên súng của xạ thủ. Với kính ngắm này, trợ thủ có thể thấy đường bay của viên đạn tốt hơn rất nhiều so với xạ thủ.

Không hổ danh đặc nhiệm SAS

Trong các kỷ lục bắn tỉa diệt mục tiêu xa nhất thế giới hiện nay, xạ thủ Canada xếp ở vị trí thứ nhất, thứ ba, thứ tư, xạ thủ Anh ở vị trí thứ hai, trong khi xạ thủ Mỹ xếp cuối cùng. Sự xếp hạng này dựa trên thành tích của liên quân ghi nhận trường hợp một người lính bắn tỉa thuộc đội đặc nhiệm SAS của Anh chỉ bắn lần duy nhất từ khẩu súng bắn tỉa Barret 50 Cal nhắm vào tên đồ tể vốn nằm trong “danh sách tiêu diệt” bởi cách hành quyết tù nhân man rợ của hắn.

Việc này xảy ra vào đầu tháng 1-2017, đội đặc nhiệm SAS di chuyển tới một vị trí quan sát phía trên ngôi làng ở Raqqa thì phát hiện 12 tù nhân gồm 8 người đàn ông và 4 phụ nữ sắp sửa bị những tên IS thiêu sống. Viên đạn được bắn đi từ khoảng cách 1.500 m, trúng vào thùng xăng sau lưng tên đồ tể và phát nổ thành một quả cầu lửa lớn, giết chết thêm 3 tay súng IS khác đang đứng gần đó để quay phim vụ hành quyết.

Hạ sĩ Craig Harrison của quân đội Anh. Ảnh: WarHistoryOnline.

Theo thông tin đăng tải trên tờ Daily Mail của Anh, vào đầu tháng 5-2017 ở Mosul, Iraq, liên quân cũng đã ghi nhận một kỳ tích của xạ thủ Anh thuộc lực lượng đặc nhiệm SAS tiêu diệt mục tiêu phiến quân IS cách 2.400 mét. Xạ thủ người Anh dùng khẩu súng bắn tỉa CheyTac M200 Intervention nổi tiếng của Mỹ, hiện là một trong những khẩu súng trường mạnh nhất thế giới, và có giá lên tới 13.800 USD. Viên đạn khai hỏa từ khẩu súng bắn tỉa M200 phải mất 3 giây mới trúng vào cổ chiến binh IS.

Daily Mail mô tả: “Tình thế lúc đó giống như trò chơi mèo vờn chuột. Có lúc xạ thủ Anh gần như bỏ cuộc khi nghĩ rằng tay súng IS đã chui xuống hầm. Đúng lúc đó, phiến quân IS di chuyển đến vị trí mà hắn nghĩ là an toàn nên nhấc khẩu súng lên vai và trúng viên đạn duy nhất của đặc nhiệm SAS”.

Bản thân tay súng bị hạ gục cũng là một lính bắn tỉa dùng khẩu Dragunov cướp được từ quân đội Iraq. Theo báo Anh, các xạ thủ SAS luôn ghi nhớ bài học rằng, sau mỗi phát bắn, người lính sẽ phải ẩn nấp trong 1 giờ trước khi giương súng tìm mục tiêu tiếp theo.

Trước đây, hạ sĩ Craig Harrison từng được xem là biểu tượng của lục quân Anh với phát súng bắn ở cự ly 2.475m giúp cứu mạng sống của đồng đội. Harrison tham gia bảo vệ đoàn xe quân sự Anh ở Afghanistan vào tháng 11-2009. Lúc đó, Harrison đang ở phía sau đoàn xe khi anh phát hiện một đội súng máy gồm 2 tên Taliban đang bắt đầu nhả đạn vào các xe đi trước.

2 tên phiến quân sử dụng một khẩu súng máy PKM có khả năng xuyên phá rất mạnh. Đoàn xe quân sự Anh gồm vài chiếc xe quân sự Jackal bị bắn dữ dội. Chiếc xe Jackal của Harrison đi ở phía sau hơn 1km. Anh nhảy khỏi xe và nấp trong một tòa nhà gần đó để có thể bắn tỉa mà không bị phát hiện.

Harrison lôi người lái xe theo mình để hỗ trợ phát hiện mục tiêu dù cho quân nhân này không được huấn luyện để làm điều đó. Tình hình lúc này trông chờ vào Harrison cùng khẩu súng trường bắn tỉa tầm xa L115A3 của anh và kỹ năng tính toán đạn đạo.

Hai tên Taliban nằm cách vị trí của Harrison khoảng 2,5km, nằm ngoài tầm bắn hiệu quả của khẩu súng anh mang là 457m. Tuy nhiên anh vẫn quyết định bắn, tính toán tốc độ gió và tất cả các yếu tố khác ảnh hưởng đến đường đi của viên đạn. Anh tính toán đường đạn trong một thời gian ngắn kỷ lục, tính cả lực hút của trái đất và việc mất gia tốc đầu nòng, trong khi chịu áp lực của việc có thể mất mạng hoặc không kịp cứu đồng đội.

Viên đạn đầu tiên thật hoàn hảo; nó găm trúng bụng tên Taliban trực tiếp bắn súng máy. Phát kế tiếp (có điều chỉnh một chút) kết liễu tên lính Taliban thứ hai. Để không kẻ nào nữa có thể dùng súng máy PKM, Harrison bắn thêm phát thứ ba, xé nát khẩu súng này.

Thời gian tác chiến ở Afghanistan còn ghi nhận thêm hơn 20 vụ bắn tỉa thành công khác đã được xác nhận của Harrison. Anh bị thương vài lần, bao gồm một vết thương ở đầu. Có lần anh bị gãy cả hai tay khi xe chở anh vấp phải một quả mìn. Sau khi giải ngũ, Craig Harrison đã viết một cuốn sách về thời chinh chiến của mình với tựa đề “Phát đạn xa nhất”.

Trong cuốn sách này, anh kể rằng mình đã bị sang chấn tâm thần - hội chứng rối loạn tâm thần phổ biến ở những tay súng bắn tỉa.

Quang Học (tổng hợp)
.
.