Chuyến tàu định mệnh đi Auschwitz
- Những tù nhân trẻ em ở trại tập trung Auschwitz/ Người đầu tiên bóc trần tội ác man rợ ở trại tập trung Auschwitz
"Phòng đợi" của những chuyến tàu tử thần
Ngày 23/6/1943, viên hạ sĩ SS Ernst Tremmel (năm đó 20 tuổi) cùng đồng đội của Sư đoàn Totenkopf (đầu thần chết) đợi chuyến tàu mang số hiệu 55 xuất phát từ trại tập trung Drancy khoảng 50 tiếng trước đó. Đối với những người mặc đồng phục xanh xám, nai nịt gọn gàng này thì đây là công việc thường ngày. Được cắt đặt vây quanh đoàn tàu, Tremmel cùng đồng đội lùa tất cả nạn nhân xuống, chúng ra lệnh cho họ bỏ lại vali và túi xách trên tàu hoặc cạnh đường tàu, thả chó xua những người tụt lại đằng sau, đẩy những người già yếu, bệnh tật, những bà mẹ trẻ cùng con cái của họ lên những chiếc xe tải sẽ đưa họ đến các phòng hơi ngạt, còn những người khỏe mạnh thì bị tách riêng và đưa tới trại tập trung, ở đó, họ sẽ lao động khổ sai cho tới khi chết vì đói, lạnh, bệnh tật hoặc bị tra tấn. Trong số 1.003 người trên chuyến tàu 55, chỉ có 102 người sống sót.
Những thanh niên Do Thái tại trại Drancy. |
Paulette Sarcey, Julia Wallach và Hélène Kesbi chẳng nhớ mặt tên hạ sĩ Tremmel, cũng chẳng nhớ bất cứ ai trong số những tên sĩ quan SS làm phận sự trong cái ngày nắng chói chang của mùa hè năm 1943 đó. Thế nhưng, có 3 phụ nữ sinh tại Pháp, cha mẹ là người Ba Lan, đã trốn thoát được và không thể quên mọi điều về chuyến đi bi thảm trên con tàu 55 đó. Những lời làm chứng của họ sẽ rất quý giá đối với các quan tòa ở phía bên kia sông Rhin. Bất chấp gánh nặng tuổi tác, bà Julia vẫn "sẵn sàng sang Đức để kể cho các quan tòa nghe về những gì người ta đã làm với các nạn nhân". Còn bà Paulette thì dường như không còn mấy niềm tin vào công lý nữa. Đã từng dự phiên tòa xét xử các cựu sĩ quan SS của trại Auschwitz tại Francfort năm 1977, bà chỉ có thể tóm gọn trong một từ "Lừa bịp". Ba người phụ nữ này đã kể cho phóng viên tạp chí Express nghe chuyến đi về địa ngục của họ.
Paris, ngày 24/4/1943. Cô gái Julia, năm đó 17 tuổi, bị bắt giữ trong căn hộ trên đường Nemours, nơi mà sau đó bà còn sống thêm 70 năm nữa. Bà nói: "Tôi bị tố giác vì đang che giấu cha và chú tôi". Khi mấy tên cảnh sát tra còng vào tay cô con gái độc nhất của mình, ông Joseph Kac liền bước ra khỏi chiếc tủ sát tường, nơi ông đang trốn. Ông không muốn xa Julia. Sau vài tuần ở trong nhà tù Conciergerie, giữa những tên vô lại và mấy cô gái điếm, hai cha con bị dẫn sang trại giam Drancy, phía đông bắc thủ đô Paris. Cô Hélène Kesbi 16 tuổi và chị là Marie 19 tuổi cũng cùng một số phận. Hai cô cũng bị tố giác.
Hai vợ chồng Paulette và Henri cùng đi trên chuyến tàu 55 và cùng sống sót. |
Còn Paulette thì bị rơi vào tay bọn Hiến binh đặc biệt vào ngày 23/3/1943, là những cảnh sát Pháp có nhiệm vụ lùng bắt "bọn thù trong". Đó là những người như chồng cô, anh Henri Krasucki, sau này là Tổng thư ký của Tổng Liên đoàn Lao động, cùng 56 thanh niên Do Thái, thành viên của FTP-MOI, tức là nhóm nhân công nhập cư cùng những người du kích và đồng đội. Trong vòng 8 ngày, cô gái kiên cường 18 tuổi này bị giam giữ tại trụ sở cảnh sát, bị thẩm vấn và bị tra tấn dã man, sau đó, nhờ một ông bác sĩ thương cảm, viện cớ cô bị đau ruột thừa, đã gửi cô tới Bệnh viện Rothschild. Sau một thời gian, cô bị tống vào trại Drancy. Đó là ngày 18/5/1943.
Paulette khám phá ra rằng, cái nhà tù lộ thiên này có lẽ là kiểu nhà phố có vườn, ruộng đầu tiên ở Pháp. 5 tòa tháp cao lừng lững vượt lên trên 10 tòa nhà 4 tầng lầu và một công trình xây dựng đồ sộ hình chữ U. Tòa nhà xây dựng chưa xong này được chuyển đổi thành nơi giam giữ lính Pháp và lính Anh vào năm 1940. Năm sau, nó tiếp nhận những tù nhân Do Thái. Kể từ vụ bắt giữ hàng loạt tại trường đua xe đạp Mùa Đông vào các ngày 16 và 17/7/1942, Drancy trở thành nơi tập kết tù nhân trước khi đưa họ tới các lò thiêu ở phía đông.
Bức điện tín báo giờ khởi hành của chuyến tàu 55 ngày 23/6/1943. |
Cho dù mặt trời chiếu sáng suốt mùa xuân năm 1943, nhưng cuộc sống rất khắc nghiệt sau hàng rào kẽm gai và các đài quan sát. Khẩu phần ăn ít ỏi, phòng ngủ tập thể với nền xi măng thô ráp chất đầy người, sàn trải rơm đầy rận và bọ chét. Tù nhân được phép nhận những gói thức ăn và quần áo tối đa là 3kg, và được đi tản bộ trong sân rộng. "Đối với tôi, Drancy là một cái phòng đợi rộng mênh mông của một nhà ga trong khi chờ tàu", bà Addy Mandelbaum, một nữ tù nhân trốn thoát khỏi chuyến tàu 55 sau này kể lại. Không ai biết được nhà ga cuối cùng của những toa tàu này ở đâu. Tù nhân nghĩ cho nó một cái tên: "Pitchipoi", một từ với những phụ âm tiếng Do Thái để nói về "Xứ sở không ở đâu cả". Bà Paulette nhớ lại: "Chúng tôi có nghe một ai đó nói trên đài London rằng, người ta đang thiêu người Do Thái ở miền Đông. Chúng tôi không tin điều đó, nó vượt quá tầm hiểu biết của chúng tôi”.
Chuyến tàu chở người Do Thái sắp bị biến thành xà phòng
Tháng 6/1943, một tên chỉ huy mới đến nhận nhiệm vụ tại Drancy: đại úy Alois Brunner. Là người thân cận với Adolf Eichmann, kẻ sắp đặt cuộc tận diệt người Do Thái tại châu Âu, viên sĩ quan SS này chịu trách nhiệm cho chạy lại cỗ máy đưa người đến trại tập trung. Brunner cho những người Do Thái từ các trại khác đến tập trung tại Drancy. Ngày 21/6, anh Henri Krasucki và mẹ là bà Léa gặp Paulette và những người khác. Hôm sau đó, những người được chở đi trên đoàn tàu 55 được báo động. Họ mau chóng viết vội vài dòng cho người thân.
Chàng thanh niên David Alfandari cố gắng trấn an cha mẹ: "Con sẽ đi tới một nơi chưa biết là đâu, nên con xin cha mẹ đừng lo nếu không nhận được tin con, vì chắc con sẽ không thể viết thư cho cha mẹ được”. Bà Anna Dreksler quá đỗi lo lắng cho cậu con trai Mauri của bà. Vào đêm trước ngày khởi hành, tất cả được tập trung tại các văn phòng của dãy cầu thang số 1. Dọc theo lối đi suốt đoàn tàu vang lên bài “Marseillaise” và những tiếng kêu gọi kháng cự của các đoàn viên thanh niên Cộng sản.
Rạng sáng ngày 23/6, những chuyến xe buýt chở 1.003 người tới nhà ga Le Bourget ở Drancy. Người ta dồn từ 50, 60 cho tới 70 người vào những toa tàu chở gia súc, mỗi toa có một cái xô đầy nước và một cái chậu gỗ làm thùng đựng chất thải. Trên tàu có rất nhiều người Pháp và người Ba Lan, nhưng cũng có cả người Hy Lạp, người Nga, Hà Lan, Tiệp Khắc, Bỉ… Có khi cả gia đình Friedmann (3 gái, 3 trai). Paulette, Henri và bạn bè của họ chen sát vào nhau để cùng ở bên nhau.
Chỉ có 102 người sống sót trong số 1.003 tù nhân trên chuyến tàu 55. |
Cuối cùng rồi đoàn tàu cũng chuyển bánh lúc 10 giờ. Mỗi người nhận một mẩu bánh mì, một tí phô mai và mứt. Trời nóng đến nỗi viên trưởng đoàn áp giải ra lệnh mở hé các cánh cửa lên xuống. Khi tới hạt Epernay, tỉnh Marne, có 4 tù nhân nhảy tàu trốn thoát. Để trả đũa, tất cả những người đàn ông còn lại đều bị lấy mất giày. Bà Julia nói: "Bọn Đức cho biết, sẽ giết những người già nếu còn có người chạy trốn”.
Sau khi vượt qua sông Rhin, các toa tàu đều bị cài then. Xô nước đã cạn từ lâu, thùng chất thải tràn ra ngoài. Bà Hélène nhớ lại: "Thật kinh khủng, trời nóng khủng khiếp, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc ghê tởm. Người ta xô đẩy, thở dốc, đánh nhau để lần cho được tới lỗ cửa thông hơi nhỏ xíu. Chúng tôi quên mình là con người…". Đoàn tàu chạy, chạy mãi. Rồi nó chạy chậm dần khi tới Katowice, Ba Lan. Một tù nhân nghe được vài mẩu đàm thoại và dịch lại: "Đây là chuyến tàu chở bọn Do Thái sắp bị biến thành xà phòng”. Trên tàu chẳng ai hiểu câu nói đó. Sau khi khởi hành từ Drancy được 2 ngày 2 đêm, tàu dừng hẳn. Bà Paulette kể: "Một người trong số chúng tôi nhìn qua khe hở và đọc được tên nhà ga "Oswiecim" (tiếng Ba Lan là Auschwitz).
Viên hạ sĩ Tremmel có mặt ở đó, trong số những tên lính la hét và bọn chó ngao sủa inh ỏi. Ngày 1/11/1942, hắn cũng làm nhiệm vụ khi chuyến tàu đến đây từ Westerbork (Hà Lan), và ngày 19/5/1942, với chuyến tàu đến từ Berlin. Các cựu cai tù SS bị kết tội đồng lõa trong vụ tàn sát 1.003 người Do Thái bằng hơi ngạt được đưa đến từ những chuyến tàu đó. Phiên tòa xử Tremmel, nay đã 92 tuổi, sẽ được mở vào tháng 1/2016. Tuy nhiên, chẳng có ai kể cả ông ta có thể trả lời cho câu hỏi vẫn đang dằn vặt bà Julia Wallach sau 72 năm: "Tại sao những tên Quốc xã Đức căm ghét chúng tôi đến thế?".