Bí mật chuyện tình của cố Tổng thống Pháp Francois Mitterrand (tiếp theo và hết)

Chủ Nhật, 30/10/2016, 14:35
"Bí mật" rồi cũng được đưa ra ánh sáng vào ngày 3-12-1994, cả nước Pháp ngỡ ngàng phát hiện sự tồn tại của cô con gái yêu ngoài giá thú của chính khách Pháp đầu tiên giữ chức Tổng thống hai nhiệm kỳ liền. Một loạt ảnh chụp tổng thống và cô con gái rơi đăng độc quyền trên tờ Paris-Match.

Hạnh phúc cuối tuần ở khu an dưỡng

Mazarine sinh ngày 18-12-1974 tại Avignon. Ông Mitterrand, lúc đó là chủ tịch đảng Xã hội theo trường phái "muốn sống hạnh phúc nên sống ẩn dật". Quả vậy,    ông Mitterrand luôn cảm nhận được một cảm giác hạnh phúc bình dị và ấm áp khi lui tới "phòng nhì" với cô bé Anne và người tình Mazarine Pingeot và niềm hạnh phúc này là một bí mật chỉ có vài người thân cận của ông biết. Tài xế riêng Pierre Tourliet nằm trong số này.

Mỗi buổi sáng, Pierre có nhiệm vụ dắt Mazarine đi bộ đến trường mẫu giáo, đến chiều "vú em của bí thư thứ nhất đảng Xã hội" - biệt danh của Pierre - chở sếp đến nhà bà Anne Pingeot nằm trên đường Jacob, sau đó lại chở ông về nhà "bà lớn" ở đường Bievre.

Con gái riêng Mazarine của Tổng thống Mitterrand và người tình Pingeot.

2 năm sau khi bắt đầu cuộc tình, vào năm 1965, lần đầu tiên Francois Mitterrand viết thư nói với Anne Pingeot về quyết định sẽ ra tranh cử tổng thống kèm thêm dòng yêu thương: "Em có biết rằng tôi đang nghĩ về em và tình yêu Anne-Francois thật tuyệt vời phải vậy không em?". Năm 1980, ông viết rằng, sẽ yêu Anne "cho đến khi chết, nhưng thật quá khó để giữ cho riêng mình những điều quan trọng nhất".

Ngày 10-5-1981, Francois Mitterrand trở thành Tổng thống Pháp với 51,75% phiếu bầu. Được ông báo qua điện thoại, Anne Pingeot giật thót tim. Liệu ngài Tổng thống, người mà cô yêu trong vòng bí mật 18 năm nay có sợ mang tiếng đã ngoại tình và có con ngoài giá thú? Và liệu ông có đủ dũng khí để không xa rời mẹ con cô?

Về sau, Anne Pingeot thú thật: "Ngày Francois đắc cử Tổng thống Pháp chính là ngày đen tối nhất trong đời tôi". Còn hôm ấy, trong khi bà Danielle ngồi trong xe ôtô con cùng hát bài Quốc tế ca (được dùng làm quốc ca Pháp) với Francois Mitterrand, Anne phải đứng lẫn trong đám đông đứng dàn ra hai bên vỉa hè đại lộ Champs Elysee, khẽ khàng giơ tay vẫy chúc cho người tình thành công trên đường công danh sự nghiệp.

Tháng 6-1982, do những thành tích xuất sắc khi chỉ huy đơn vị GIGN (Đội quân cơ động của Vệ binh Quốc gia) trong 9 năm, Thiếu tá Christian Prouteau được chuyển vào điện Elysee làm nhiệm vụ cố vấn kỹ thuật.

Khi vào xin ý kiến Tổng thống để biết những người thân cận nào của tổng thống cần được bảo vệ, Mitterrand chỉ thị: "Các cháu nội của tôi được ưu tiên. Vợ tôi, bà Danielle, anh không cần phải chăm lo đến. Các con trai tôi cũng tự lo được rất tốt, với các cảnh sát viên của họ".

Sau đó, Mitterrand hạ giọng một cách khó hiểu: "Phần việc còn lại anh hãy đi gặp Francois de Grossouvre". Vị cố vấn tin cẩn của Mitterrand, người nắm các hồ sơ nhạy cảm không vòng vo lâu: "Chuyện thế này nhé, có một gia đình thứ hai. Tổng thống có một cô con gái nhỏ cùng với mẹ đang sống ở quận 6. Cô bé này vào tháng 12 này vừa tròn 8 tuổi, tên là Mazarine, và tôi là cha đỡ đầu của bé".

Mấy ngày sau, cuộc gặp đầu tiên của viên chỉ huy đội bảo vệ diễn ra trong căn hộ của họ ở phố Jacob. Bà Anne Pingeot thủ thế: "Tôi được biết là mẹ con chúng tôi cần được bảo vệ. Tuy nhiên, tôi báo trước với các ông nhé: Chúng tôi sẽ không thay đổi cách thức sinh hoạt đâu".

Phải thực thi nhiệm vụ bí mật này, C.Prouteau tuyển chọn từ 40 lính vệ binh hình thành đội GSPR (Đội Bảo vệ an ninh Phủ tổng thống). 8 người trong số này được giao nhiệm vụ đặc biệt: bảo vệ cô Mazarine. Thiếu tá Prouteau chú ý lựa chọn các thanh niên trẻ đều xuất thân từ GIGN, giỏi võ nghệ và tinh nhạy nhưng vẻ ngoài không quá "hầm hố". Trong 13 năm, những chàng trai này là các "thần hộ mệnh của tiểu thư bé nhỏ". Cho tới lúc 21 tuổi, Mazarine vẫn thường xuyên có ít nhất hai vệ sĩ đi kèm sát.

Ở thành phố Paris, để đội bảo vệ có chỗ cư trú, một căn hộ nhỏ được thuê ở phía trên căn hộ của bà Pingeot. Sau đó, Mazarine và mẹ cô dọn đến "lâu đài Alma", nhà công vụ của Phủ tổng thống, ở đường Bến tàu Branly - ở đây ông Mitterrand có một căn hộ kề cận với căn hộ của ông Francois de Grossouvre.

Để đánh lạc hướng những kẻ tò mò, người đứng tên chủ căn hộ số 11 là cố vấn của tổng thống để ông Mitterrand ngày nào cũng tạt qua thăm "bà hai" và con gái, đêm nào cũng kể chuyện cho cô bé nghe trước khi đi ngủ. Nhưng ông cố vấn vẫn bàn với tổng thống cần phải có một địa điểm để ông có thể gặp gia đình bí mật của mình ở nơi hoàn toàn yên tĩnh. Ông Mitterrand quyết định chọn "khu an dưỡng"của Tổng thống ở Souzy-la-Briche, trong vùng Essonne, cách Paris khoảng 40km về phía nam.

Trong khuôn viên rộng rãi của khu đất có tòa lâu đài nhỏ xây theo kiến trúc thời Phục hưng, đài phun nước và vườn hồng bao quanh được chủ nhân là người vợ góa của một chủ ngân hàng nhượng lại cho nhà nước vào năm 1972. Ngay từ tháng 12-1982, chính ở Souzy-la-Briche, cô bé Mazarine đã đến làm lễ mừng sinh nhật lần thứ 8 của mình.

Ở đây, Francois Mitterrand đã sống những thời khắc tràn đầy hạnh phúc bên cạnh con gái và một nhóm hạn chế các bạn bè. "Tổng thống tới khu an dưỡng Souzy vào cuối buổi chiều ngày thứ bảy và ở đó gần cả ngày hôm sau. Khoảng 20 giờ tối Chủ nhật thì ông quay trở lại phố Bievre để ăn tối cùng đệ nhất phu nhân và hai con trai", một cựu bảo vệ nhớ lại...

Tổng thống yêu chiều con gái hết mực, đáp ứng mọi yêu cầu của con, ví dụ như việc cô muốn được gặp Phidel Castro, ông tìm cách đưa con sang Cuba, lệnh cho tổ chức một bữa tiệc ở Đại sứ quán Pháp và mời Phidel đến dự. Có điều, ông luôn luôn giới thiệu con gái với quan khách là "cháu gái họ", "bạn gái nhỏ". Trước mọi người, kể cả người nhà, ông không dám nhận Mazarine là con, dù ngày 25-4-1984, trước mặt công chứng viên, ông vẫn ký văn bản chính thức nhận cô là con mình.

Ngay với anh trai, ông cũng giấu tông tích Mazarine, dù sáng thứ tư nào ông cũng ăn điểm tâm với anh. Một lần bất ngờ anh ông vào nơi ông đang ăn tối cùng Anne Pingeot và Marie Mazarine, ông luống cuống giới thiệu: "Đây là hai con mèo của em" (!). Năm 1986, theo "gợi ý" của Tổng thống Pháp, bảo tàng Orsay được thành lập và người phụ trách bảo tàng là Anne Pingeot. Có nhiều nguồn tin còn cho rằng, chính bà là người khơi nguồn ý tưởng cho việc xây tòa kim tự tháp pha lê ngự trong khuôn viên Bảo tàng quốc gia Louvre.

Tuổi thơ của Pingeot trôi qua chậm rãi cùng với những cuốn sách, bầy thú cưng và 8 vệ sĩ mặc thường phục ngày đêm có mặt quanh mẹ con cô. Những lúc một mình,  bà Pingeot làm thơ và đọc văn của Flaubert, Balzac và Zola bởi vì như bà nói "văn chương đồng hành với cảnh sống hiu quạnh" còn tổng thống thì thích đi ăn nhà hàng cùng với con gái rồi tản bộ dọc bờ sông Seine thơ mộng. Đôi khi cô gái còn lén vào điện Elysee để được gặp cha mặc dù có cánh cửa hậu dẫn thẳng đến những căn hộ riêng của Mitterrand. Vào những ngày mùa đông, 3 người cùng ăn tối với nhau bên lò sưởi trong thư viện…

Cây kim trong bọc

Francois Mitterrand tái đắc cử Tổng thống nhiệm kỳ thứ hai vào ngày 8-5-1988, và ông nhận thấy rằng, việc bảo vệ "tiểu thư bé nhỏ" ngày càng trở nên phức tạp". Mazarine đã trưởng thành, khi bước vào tuổi mới lớn, cô bé rất thèm được cảm nhận mình có "tự do", Christian Prouteau kể lại (ông đã được bổ nhiệm Cảnh sát trưởng năm 1985).

Từ phải qua: Anne Pingeot (đội mũ đen, khăn lưới che nửa mặt), cô Mazarine Pingeot. Vợ Tổng thống là bà Danielle Mitterrand, quàng khăn trắng, tại đám tang Tổng thống, năm 1996.

Qua nhiều năm, ngày càng nhiều người biết được điều bí mật: đó là hiệu trưởng các trường mà Mazarine theo học, cha mẹ của các bạn học của Mazarine, các nhà buôn của phố Jacob, cũng như chủ tiệm ăn "Les Assassins" ngay đối diện với nhà của cô  người thường xuyên nhận ra Francois Mitterrand đỡ con gái ông (Mazarine) lên xe, xuống xe...

Pascal Rostain là tác giả của nhiều bức ảnh "nhạy cảm" có thể làm tiêu tan sự nghiệp của các chính khách. Để chụp được những bức ảnh lịch sử vén màn "bí mật Mazarine", Rostain lần mò cả năm trời, bắt đầu từ một nguồn tin "bé cái nhầm".

Một nhà báo về hưu bắn tin cho Rostain: Tổng thống Mitterrand đang bí mật chung sống với bà thủ tướng Edith Cresson! (bí thư đảng Xã hội, từng hai lần là Bộ trưởng Ngoại thương và một lần là Bộ trưởng các vấn đề châu Âu). Nhà báo này còn chỉ chỗ ở là số 11 Bến tàu Branly, quận 7 Paris. Thế là Rostain thuê một căn hộ nằm trên cùng một tòa nhà bên kia cầu Alma rất thuận tiện để chụp ảnh nhà số 11.

Tổng thống vô tư ra vào nhà số 11 vì đã có nhân viên GSPR cảnh giới 24/24. Có nhiều hôm Rostain mất dấu tổng thống và anh ta để ý thấy một phụ nữ chạy xe đạp ngược chiều lên Bến Branly nhưng hoàn toàn không biết đó là Anne Pingeot, sống ở lầu một. Đó là những lần bà đi về nhà sau ngày làm việc ở bảo tàng Orsay.

Ngày 21-9-1994, Rostain chụp được bức ảnh vô giá: Tổng thống Mitterrand ôm hôn Mazarine, không phải trước cửa nhà số 11 mà ở trước nhà hàng Divellec gần đó với ống kính télé 1.200 mm. Rostain chạy ngay đến bộ phận ảnh tuần báo Paris-Match. Michel Sola, trưởng phòng ảnh, đắn đo: "Làm sao in được bức ảnh này đây?".

Tập đoàn Filipacchi, chủ tờ Paris-Match, nhờ Stephane Denis, người quen của Tổng thống, thương lượng với văn phòng điện Elysee. Denis đưa bức ảnh cho tổng thống xem. Ông buông câu: "Báo chí muốn làm gì thì làm", người nghe có thể hiểu theo hai nghĩa "tôi không phủ nhận cũng không cho phép". Tổng thống chỉ yêu cầu đợi Mazartine thi xong tú tài. Cuộc thương thảo tiếp tục tại một nhà hàng hải sản gần dinh tổng thống.

"Bí mật" rồi cũng được đưa ra ánh sáng vào ngày 3-12-1994, cả nước Pháp ngỡ ngàng phát hiện sự tồn tại của cô con gái yêu ngoài giá thú của chính khách Pháp đầu tiên giữ chức Tổng thống hai nhiệm kỳ liền. Một loạt ảnh chụp tổng thống và cô con gái rơi đăng độc quyền trên tờ Paris-Match.

Rostain đã bán bức ảnh lịch sử đó được bao nhiêu? 500.000 francs, cái giá mà Rostain cho là "bèo" nhất trong sự nghiệp cầm máy. Nhưng có một chi tiết đáng chú ý: Thời điểm báo Paris-Match tiết lộ bí mật là vào cuối nhiệm kỳ tổng thống của ông Mitterrand. Chuyện này ông Mitterrand cũng báo trước cho con gái biết và ông ra sức bảo vệ con gái riêng vì sợ những điều không hay xảy ra cho cô.

Trong cuốn sách "En Toutes Libertés" (Tự do hoàn hảo) xuất bản năm 1996, bà Mitterrand - người nổi tiếng với những hoạt động từ thiện đã qua đời năm 2011 - cho biết, bà đã biết về sự tồn tại của Mazarine Pingeot từ lâu trước khi chồng mất. Bà viết: "Đó không phải là khám phá hay bi kịch. Tôi chịu trách nhiệm về điều đó".

Được chẩn đoán mắc bệnh ung thư từ năm 1981, Tổng thống giấu biệt nhưng rồi Anne Pingeot cũng là người đầu tiên được Mitterrand thông báo chuyện này. 

Năm 1995, vài tháng trước khi qua đời, ông còn viết thư cho bà bằng giọng nồng nàn "Anne, em là điều may mắn nhất trong cuộc đời tôi". Trong lễ Noel cuối cùng của mình vào tháng 12-1995, 8 ngày trước khi mất, Mitterrand đã cùng con gái đón Giáng sinh ở Ai Cập.

Ngày 8-1-1996, Francois Mitterrand, vị tổng thống cánh tả duy nhất của đệ ngũ Cộng hòa Pháp qua đời trong sự thương tiếc của nhân dân Pháp. Không còn gì phải che giấu nữa, nỗi mất mát và lòng cảm thông đưa hai gia đình xích lại gần nhau trong đám tang ông. Pingeot đến gặp hai người anh cùng cha khác mẹ của mình vài ngày sau tang lễ của cha và khám phá ngôi làng quê hương của cha mình ở miền Nam nước Pháp vào giữa năm 1996.

Rời Bảo tàng Orsay, bà Pingeot chuyển sang giảng dạy môn Triết học ở Đại học Aix-Marseille, đồng thời làm báo và viết văn. Trong thời gian 7 năm, bà ấn hành 7 đầu sách, trong đó có một khảo luận về triết gia Descartes và một tiểu thuyết về tội ác giết trẻ con. Bà còn cộng tác cho Đài phát thanh Europe 1, tham gia vài chương trình truyền hình và tiếp tục dạy Triết học ở Đại học Paris 8.

 Tháng 6-2012, Mazarine Pingeot được mời tham dự lễ nhậm chức Tổng thống của Francois Hollande ở điện Elysee. Đây là lần đầu tiên bà chính thức có mặt tại nơi này kể từ khi ông Mitterrand rời khỏi chức vụ vào năm 1995. Hơn 20 năm tỉ mẩn chép tay 1.200 bức thư tình vào sổ tay và 53 năm âm thầm giấu vào cõi riêng, giờ đây ở tuổi 73, bà mới đồng ý ấn hành chúng trong một tập sách, như món quà kỷ niệm nhân dịp 100 năm ngày sinh của Mitterrand vào cuối tháng này.

Quốc Hùng (tổng hợp)
.
.