Chuyện về chuyên cơ của các lãnh đạo quốc gia

Thứ Hai, 22/11/2010, 22:50
Một chiếc máy bay mới cho một công việc mới. Lên đường đến Seoul dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 lần này và nhất là để nhận lấy trọng trách chủ tịch luân phiên 20 cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy lần đầu tiên sử dụng chiếc máy bay vừa sắm Airbus A330-200.

Loại máy bay này có 324 chỗ ngồi nhưng để phục vụ Tổng thống Pháp thì Hãng Airbus đã thiết kế lại hoàn toàn theo kiểu "hạng sang" với vỏn vẹn 60 chỗ ngồi, một phòng ngủ 2 giường, một phòng tắm, một phòng họp và cả phòng hút thuốc có máy điều hòa nhiệt độ.

Theo tiết lộ của Bộ Quốc phòng thì chuyên cơ của Tổng thống Pháp Sarkozy được trang bị các loại máy móc "tối tân nhất, bảo đảm nhất và an toàn nhất" đặc biệt là các loại trang thiết bị viễn thông. Ngoài ra còn có hệ thống chống tên lửa

Được biết trị giá chiếc máy bay tối tân và hiện đại này của chủ nhân Điện Elysée là vào khoảng 180 triệu euro và trong 3 năm vận hành đầu tiên, tức từ nay cho tới năm 2013, thì chi phí bảo trì hàng năm lên tới 49 triệu euro. Kể từ năm thứ tư trở đi thì khoản tốn kém này chỉ còn là 10 triệu euro.

Báo chí mệnh danh chuyên cơ mới của nguyên thủ quốc gia là chiếc "Air Sarko One" để tương xứng với chiếc Air Force One của Tổng thống Mỹ. Dự án sắm một chuyên cơ mới cho Tổng thống Pháp bắt nguồn từ chỗ mỗi lần đi dự Hội nghị Thượng đỉnh G20, Tổng thống Nicolas Sarkozy cảm thấy chuyên cơ của mình không sánh kịp với các nguyên thủ khác trên thế giới, nhất là thua chiếc Air Force One của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Như vậy chiếc Airbus A330-200 phục vụ Tổng thống Pháp thay thế chiếc A 319 CJ hoạt động từ năm 2002 tức dưới thời Tổng thống Jacques Chirac.

Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và phu nhân bước xuống từ chiếc chuyên cơ mới.

Vào lúc Chính phủ Pháp kêu gọi toàn dân thắt lưng buộc bụng, nhiều tiếng nói trong hàng ngũ đối lập chỉ trích chính quyền Sarkozy tiêu xài phung phí. Thậm chí một tờ báo còn cho hay là máy bay riêng của Tổng thống Pháp có trang bị một bồn tắm lớn!

Không biết thực hư thế nào, chỉ biết rằng ngay sau đó phát ngôn viên chính phủ đã phải vội vã cải chính và trong một cuộc họp báo ông Luc Chatel đã phải thanh minh rằng, máy bay riêng của Tổng thống Nicolas Sarkozy không trang bị các thứ xa hoa không cần thiết!

Theo thông tin của báo chí Pháp, quả thật Tổng thống Sarkozy cũng muốn có bể bơi trên máy bay nhưng ông được khuyến cáo rằng, nếu có nhiều nước trên máy bay, khi gặp lốc, máy bay chao đảo, nước tràn ra ngoài dễ làm chập mạch điện rất nguy hiểm cho máy bay.

Ngoài ra, theo Bộ trưởng Nội các Christian Fremont, việc mua chiếc máy bay này là cần thiết vì 2 chiếc A-319 đã quá cũ không đảm bảo được cho đường bay dài. Ví dụ, muốn bay tới châu Á, chiếc A-319 phải quá cảnh ở Novosibirsk để tiếp nhiên liệu. Ngoài ra hệ thống thông tin liên lạc trên máy bay A-319 không có nên Tổng thống không thể nắm tình hình khi bay. "Điều đó thật nguy hiểm khi Pháp là nước có vũ khí hạt nhân", ông Fremont nói.

Cả hai chiếc A319 này đã được chuyển về sân bay Bordeaux để được tân trang lại trước khi Nhà nước Pháp chuyển nhượng lại cho nước bạn là Senegal một chiếc với cái giá hữu nghị 31 triệu euro. Còn chiếc thứ hai thì sẽ được đem đi bán đấu giá. Theo chính nguồn tin từ Điện Elysée thì có rất nhiều khách hàng muốn sử dụng lại chiếc máy bay từng có dấu ấn của hai tổng thống Chirac và Sarkozy.

Dù cho giải thích thế nào đi nữa thì người dân Pháp vẫn khó chấp nhận việc Tổng thống Sarkozy có máy bay mới trong lúc lương hưu và nhiều khoản trợ cấp xã hội bị cắt giảm mạnh. Chỉ số tín nhiệm của ông cũng xuống mức thấp nhất trong lịch sử của các nhà lãnh đạo Pháp. Cũng vì tiêu xài công quỹ hoang phí, hồi tháng 9,  Bộ trưởng phụ trách phát triển hải ngoại của Pháp  ông Alain Joyandet đã phải từ chức vì dám thuê một máy bay tư nhân gần 188.000 USD để tới Caribbean.

Nếu như Tổng thống Pháp có chuyên cơ mới thì Nga cũng không thua kém. Tổng thống Medvedev tới Seoul dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 vừa qua đã dùng chiếc TU-214 PU. Thiết kế nội thất của chiếc máy bay này không được tiết lộ nhưng các quan chức Nga chỉ cho biết rằng Tổng thống có thể ra lệnh cho quân đội hoặc liên lạc với bất kỳ ai khi đang trên máy bay.

Năm 2001, chính quyền Nga chi 10 triệu bảng cho một công ty Anh nhằm nâng cấp nội thất để khiến nó lộng lẫy hơn với phòng tắm dát vàng và sàn nền bằng đá cẩm thạch. Chiếc máy bay này đã bay thử trong vòng 3 năm. Chiếc máy bay sản xuất tại nhà máy Kazan. Trước đó, nhà máy này cũng đã sản xuất 2 chiếc chuyên cơ khác và chuyển giao vào đội máy bay của Tổng thống Nga. Ngoài ra, Nga cũng đang chuẩn bị mua chiếc Antonov An-158 của Ukraina cho Tổng thống Medvedev và một chiếc khác nữa là Sukhoi Superjet 100 cũng sẽ được mua để bổ sung vào đội máy bay của ông Medvedev.

Trong khi đó, nhiều lãnh đạo khác, kể cả nước Anh giàu có cũng phải còn thuê máy bay. Từ thời Thủ tướng Anh Tony Blair, đã có kế hoạch trang bị cho ông này một chiếc chuyên cơ nhưng sau khi ông Gordon Brown giữ ghế Bộ trưởng Tài chính, kế hoạch này bị gác lại cho tới nay.

Một số nước, lãnh đạo không có chuyên cơ mà dùng chung với nhiều mục đích khác. Thủ tướng Nhật Naoto Kan sử dụng chiếc Boeing 747-400 của chính phủ. Ngoài việc chở nguyên thủ, máy bay này được tận dụng hết công suất khi được triển khai để đưa lực lượng gìn giữ hòa bình tới Iraq hay sử dụng để sơ tán người dân khỏi các khu vực nguy hiểm.

Chính phủ Ấn Độ mua chiếc Boeing 747-437B với nhiều mục đích. Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và các nhà lãnh đạo khác của Trung Quốc sử dụng máy bay của Hãng Hàng không Quốc gia như Boeing 737, Boeing 747 hay Boeing 767 tùy vào chuyến đi xa hay gần. 

Thế giới vẫn còn nhớ câu chuyện đau lòng về chiếc máy bay Tu-154 cũ kỹ chở vợ chồng Tổng thống Ba Lan Lech Kaczynski và hàng loạt quan chức cấp cao đã rơi hồi tháng 4/2010 làm toàn bộ số người trên máy bay thiệt mạng. Người dân Ba Lan cảm phục trước một vị tổng thống luôn biết lo cho dân, thậm chí không muốn mua máy bay mới cho chính các chuyến đi của mình

Trương Minh (tổng hợp)
.
.