Cố Tổng thống Mỹ Reagan bị tố liên quan đến vụ thảm sát người Maya

Thứ Sáu, 29/01/2016, 20:00
Carlos Chen Osorio, giống như nhiều người dân khác đang đi tìm công lý, khẳng định ông sẽ tìm cách đưa cựu Tổng thống Guatemala Efrain Rios Montt và cố Tổng thống Mỹ Ronald Reagan ra trước công lý để xét xử vì tội diệt chủng ở vùng cao nguyên Guatemala những năm 1980 làm chết ít nhất 70.000 người Maya.


Trong tháng 1-2016, những nạn nhân sống sót đã tổ chức một cuộc tuần hành qua thủ đô Guatemala để nhắc nhở mọi người về tội ác diệt chủng dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Rios Montt.

Ngày 13-3-1982, Carlos Chen Osorio đau đớn nhìn từ trên đỉnh núi Rio Negro cảnh quân đội tàn sát 177 phụ nữ và trẻ em, gồm cả người vợ đang mang thai và các con của ông.  Kể câu chuyện xảy ra đã 30 năm, nước mắt giàn giụa khi ký ức kinh hoàng ập về. 

Tổng thống Mỹ Reagan.

“Miễn là Chúa còn cho tôi sống, tôi sẽ kể câu chuyện cuộc đời mình”, Osorio nghẹn lời khi trả lời phỏng vấn báo chí Mỹ ở thị trấn miền núi Baja Verapz, nơi có đông người Maya sinh sống. Trong thời gian Efrain Rios Montt tiến hành chiến dịch tàn sát cộng đồng thiểu số Maya ủng hộ kháng chiến du kích, Tổng thống Mỹ Reagan còn tàn nhẫn đánh tiếng rằng ông sẽ “có gói viện trợ khẩn cấp”.

Khi chiến dịch diễn ra, Rios Montt chỉ cầm quyền trong 17 tháng, từ năm 1982 đến năm 1983, nhưng trong khoảng thời gian đó, ông ta đã tăng cường chiến dịch đàn áp nổi dậy hung bạo hơn so với những người tiền nhiệm. Vào tháng 5-2013, Rios Montt bị tuyên 80 năm tù vì tội diệt chủng và tội ác chống nhân loại. Nhưng bản án bị lật ngược bởi Tòa án hiến pháp chỉ 10 ngày sau. Và đến nay công lý khó có thể được thực thi khi tòa án sẽ hoãn xét xử vì sức khỏe của Rios Montt bị suy giảm ở tuổi 89.

Rios Montt (giữa) khi đang nắm giữ quyền lực.

Mọi bản cáo trạng, phiên tòa đều cho thấy những vụ giết người, cưỡng hiếp và cướp bóc kinh hoàng các làng mạc Guatemala dưới thời Rios Montt. “Các vụ xét xử thật sự cần thiết để khẳng định câu chuyện lịch sử có thật”, bà Pamela Yates, một nhà làm phim tư liệu từng làm phim về phiên tòa xét xử Rios Montt và cuộc nội chiến Guatemala kết thúc năm 1996 cho biết. Còn Osirio thì không bao giờ quên cái thảm cảnh ấy.

Osirios tuyệt vọng đến phát điên khi không còn nhận ra xác vợ và các con trong số những người dân bị tàn sát. “Làm thế nào có thể đổ tội cho những đứa trẻ là du kích. Nếu có du kích ở Rio Negro, sẽ có một cuộc đối đầu”, Osorio cho biết. Một ủy ban sự thật được thành lập năm 1988 ở Guatemala đã xem xét nhiều bằng chứng để đi đến kết luận tội ác diệt chủng của Rios Montt có sự “tiếp tay” từ chính quyền Ronald Reagan là “thảm sát sắc tộc Maya trong thời kỳ nội chiến Guatemala”.

Những người Maya Guatemala bị giết trong chiến dịch diệt chủng dưới thời Rios Montt.

Nhà làm phim Yates đã phơi bày sự thật đẫm máu trong một bộ phim tư liệu nói về bạo lực năm 1983 có tựa đề “Khi những rặng núi run rẩy”.  “Truyền thông chính thống ở Guatemala luôn im lặng. Họ không bao giờ dám đưa tin về những sự kiện xảy ra ở vùng cao nguyên”, bà Yates khẳng định.

Thông qua các cuộc phỏng vấn và viếng thăm những khu vực có đông cộng đồng dân tộc thiểu số sinh sống, bà Yates đã thu thập chứng cứ về tội ác thảm sát tàn bạo đối với những người dân không một tấc sắt trong tay. Tư liệu được giải mật sau này xác nhận nhiều vụ tấn công của quân đội chính phủ trước đây chủ yếu nhằm vào người Maya.

Khi Washington chứng kiến những sự kiện đó, sự tàn bạo bị bao phủ bởi những lời lẽ ngụy biện. “An ninh quốc gia của toàn thể người dân Mỹ đang bị đe dọa ở…Trung Mỹ”, cựu Tổng thống Mỹ Ronald Reagan từng phát biểu như vậy vào năm 1983 khi yêu cầu Quốc hội tái mở “gói cứu trợ để “những người dân Trung Mỹ có thể giữ vững đường dây liên lạc chống xâm lược được hỗ trợ từ bên ngoài”.

Tổng thống Jimmy Carter trước đó đã chấm dứt việc gửi quân đến Guatemala vào năm 1977 vì vi phạm nhân quyền nghiêm trọng. Nhưng R. Reagan không cần thông qua Quốc hội và đã gửi  ngay “viện trợ” cho Rios Montt vào tháng 12-1982. Thời gian đó, chính quyền Reagan liên tục yêu cầu Quốc hội nối lại viện trợ cho Trung Mỹ, bao gồm Guatemala. Thậm chí, không cần Quốc hội phê chuẩn, Reagan vẫn bí mật gửi viện trợ quân sự, nhiều nhất là trực thăng.

Theo kế hoạch “Chiến dịch Sofia” đàn áp những thành phần nổi dậy của cựu Tổng thống Rios Montt, quân đội Guatemala tấn công hơn 600 thôn, làng và có khoảng 70.000 người bị sát hại hoặc mất tích. Các tướng lĩnh chế độ độc tài thường được du học ở những trường võ bị khét tiếng ở Mỹ, sau đó hồi hương để “xây dựng sân sau” của Mỹ ở khu vực Mỹ Latinh. Sự liên quan của Mỹ đối với tội ác diệt chủng phần lớn bị giấu nhẹm dưới thời  Rios Montt cầm quyền và các vụ án xét xử được gọi là “nhân quyền” ở Guetamala.

Tuy nhiên, cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton từng cố gắng chuộc lỗi lầm trong một chuyến thăm Guatemala năm 1999. Khi đó ông đã xin lỗi vì sự can thiệp của Mỹ trong cuộc nội chiến. “Một lời xin lỗi chỉ là sự khởi đầu, nhưng tôi không dám nghĩ điều đó đã đủ. Làm sao người bị giết có thể sống lại? làm thế nào để trả lại đất đai cho người dân bị đánh cắp? Tôi nghĩ việc bồi thường cần phải thực hiện”, nhà làm phim Yates cho biết.

Phạm Anh Trúc (tổng hợp)
.
.