Một số nhà quan sát nghi ngờ đây là một hành động nằm trong thỏa thuận ngầm trao đổi tù nhân giữa Paris với Tehran mà hai nước ký kết với nhau trong chưa đầy 24 giờ trước đó. Tuy nhiên, quan chức Iran và Pháp đều phủ nhận về sự tồn tại của bất cứ thỏa thuận bí mật nào giữa hai quốc gia.
Ali Vakili Rad, người Iran, bị giam 16 năm sau khi phạm tội ám sát cựu Thủ tướng Iran Shahpour Bakhtiar năm 1995. Bakhtiar là thủ tướng cuối cùng dưới thời Vua Shah của Iran và đang sống lưu vong ở vùng ngoại ô Paris khi ông bị ám sát. Quyết định của tòa án phúc thẩm diễn ra chưa đầy 1 ngày sau khi Bộ trưởng Nội vụ Pháp Brice Hortefeux ký lệnh trục xuất Vakili Rad về Tehran. Tuy nhiên, động thái của Hortefeux đã làm nổi lên mối nghi ngờ ở Pháp bởi vì sự kiện xảy ra ngay sau khi Clotilde Reiss được Tehran cho phép trở về nước này vào ngày 16/5/2010 - tức là đúng 48 giờ trước khi Ali Vikili Rad được thả.
Clotilde Reiss, nữ nghiên cứu sinh đặc biệt 24 tuổi người Pháp, bị bắt giam ở Tehran ngày 1/7/2009 vì nghi ngờ làm gián điệp và liên quan đến những người biểu tình phản đối chế độ Iran sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2009 gây nhiều tranh cãi ở nước này. Giới chức lãnh đạo Pháp liên tục tố cáo vụ buộc tội chống lại Clotilde Reiss là sai lầm.
Trong khi đó, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy luôn thẳng thừng cự tuyệt mỗi khi Tehran lên tiếng đề nghị một thỏa thuận nào đó để mở đường cho việc trả tự do cho nữ giáo viên đang bị giam giữ. Căn cứ theo lập trường của người Pháp, lệnh trả tự do cho Vakili Rad thực hiện đúng 48 giờ sau khi Reiss trở về nhà.
Người phát ngôn của đảng Xã hội Benoit Hamon phát biểu trên Đài Phát thanh France-Info vào ngày 18/5/2010: "Nếu tuyên bố đã không có sự trao đổi nào thì chẳng khác gì nói người dân Pháp ngu ngốc". Nhưng không chỉ có phe đối lập với những chính khách bảo thủ đang cầm quyền của Pháp đánh hơi thấy sự thỏa thuận bí mật giữa Paris và Tehran. Nhật báo Midi Libre đã lường trước việc Vakili Rad sẽ được thả là điều chắc chắn: "Những gì mà chúng ta có thể rút ra được từ sự kiện này là Iran đã lôi kéo và thách thức thế giới dân chủ, đặc biệt là nước Pháp".
Trong cuộc phỏng vấn của Đài Phát thanh Radio J ngày 16/5/2010, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Bernard Kouchner đã kịch liệt phủ nhận những ám chỉ cho rằng thỏa thuận trao đổi tù nhân đang diễn ra, và quy cho sự quyết định thời gian trả tự do chỉ là sự trùng hợp của hệ thống tư pháp mỗi quốc gia. Ông nói: "Ở nước Pháp, chúng ta không tác động đến quyết định của các thẩm phán. Không hề có chuyện mặc cả gì ở đây cả, cũng không có bất cứ thỏa thuận nào".
|
Clotilde Reiss. |
Theo lời luật sư người Iran của Reiss, quyết định của Tòa án Iran là thay thế bản án 10 năm tù giam ban đầu dành cho Reiss thành mức tiền phạt 300.000 USD. Sorin Margulis, luật sư của Vakili, nói rằng quyết định trả tự do cho thân chủ của ông đã có từ ngày 2/7/2008, nghĩa là Vakili Rad "trong tình thế được trả tự do trước khi" phiên tòa xét xử Reiss bắt đầu vào tháng 8/2009. Tuy nhiên, những người hoài nghi nói họ có đủ bằng chứng lịch sử để hoài nghi.
Vào đầu tháng 5 vừa qua, một tòa án Pháp đã chống lại yêu cầu dẫn độ sang Mỹ một doanh nhân người Iran tên là Majid Kakavand bị bắt giữ tại Pháp từ tháng 3/2009. Mỹ tin rằng Kakavand đã sử dụng một địa chỉ ở Malaysia để mua thiết bị điện tử có thể được sử dụng vào các mục đích quân sự và sau đó cho vận chuyển thiết bị bằng đường thủy về Iran bất chấp lệnh cấm vận nhằm vào những loại hàng hóa như thế. Để giải thích cho quyết định không dẫn độ của mình, Tòa án Pháp nói rằng Kakavand - người luôn phủ nhận mọi sự cáo buộc của Mỹ - đã không vi phạm luật pháp nước Pháp trong mọi giao dịch của mình.
Tuy nhiên, các quan chức Mỹ cho rằng quyết định của Tòa án Pháp đã cho thấy rõ mọi nỗ lực của Paris nhằm bảo đảm sự tự do cho Reiss. Nếu đúng như thế, có lẽ đây không phải là lần đầu tiên nước Pháp hướng đến một thỏa thuận ngầm khiến Washington và London tức tối. Trong thập niên 80 thế kỷ trước, nước Pháp cũng đã từng trả tiền chuộc và có vài sự nhượng bộ đối với bọn bắt cóc tống tiền ở Liban đang giam giữ các con tin Pháp.
Năm 1987, Paris cũng trả tự do cho một nhân viên Đại sứ quán Iran bị nghi ngờ đạo diễn một loạt những vụ đánh bom năm 1986 nhằm vào Paris trong động thái mà các báo cáo của giới truyền thông đại chúng Pháp cho rằng để trao đổi tự do cho những con tin Pháp bị giam ở Liban.
Và 3 năm sau, nước Pháp đã lên tiếng xin lỗi và trục xuất về Tehran 4 người từng bị buộc tội ám sát hụt Bakhtiar năm 1980 và đã giết chết 2 người trong âm mưu này. Tuy nhiên, mọi nghi ngờ về thỏa thuận ngầm trao đổi tù binh giữa Paris và Tehran sẽ có thể tan biến nếu như Tổng thống Sarkozy lấy lại vai trò đầu đàn của mình trong nỗ lực quốc tế chống lại chương trình phát triển hạt nhân của Iran