Có hay không “cuộc hành quân chết” năm 1951

Thứ Ba, 22/11/2005, 13:02

Hai "cuộc hành quân chết" diễn ra ở hai nơi: một tại Philippines vào mùa hè năm 1942 và một tại bán đảo Triều Tiên vào năm 1951. Riêng "cuộc hành quân chết" thứ hai, thì Nhà Trắng vu cho Quân tình nguyện Trung Quốc (tại mặt trận Triều Tiên) sát hại nhiều tù binh Mỹ (?!). Thực hư của chuyện này ra sao?

“Cuộc hành quân chết” thứ nhất từ Philippines

Thực ra, cái gọi là “cuộc hành quân chết” đã xảy ra trên quần đảo Philippines thuộc chiến trường Thái Bình Dương trong Thế chiến II. Mùa hè năm 1942, quân đội Nhật Bản liên tiếp tấn công điên cuồng vào đảo Bataan và đảo Glyxiry. Trong những cuộc chiến đấu sau đó, liên quân Mỹ - Philippines đại bại, Tư lệnh quân Viễn Đông - Mỹ MacArthur đưa vợ xuống tàu ngầm lặng lẽ rời khỏi chiến trường.

Theo chỉ thị của Nhà Trắng, Thiếu tướng Ventlair được chỉ định thay thế cho MacArthur tiếp tục chỉ huy các trận đánh chống quân đội Nhật Bản. Thế nhưng ông đã sớm nhận ra rằng, nếu tiếp tục kháng cự sẽ phải bỏ mạng một cách vô ích, nên cuối cùng ông đã ra lệnh cho toàn bộ quân Mỹ - Philippines đầu hàng vô điều kiện. Sau đó quân Nhật đã cử người áp giải Thiếu tướng Ventlair về giam tại nhà tù Thẩm Dương, TQ, đồng thời ra lệnh mở cuộc hành quân dẫn giải số tù binh bị bắt người Mỹ - Philippines này về trại tập trung Sant Frinando.

Quãng đường hành quân dài hơn 1.000 km. Lúc này là thời gian giữa hè, thời tiết oi bức, ẩm thấp, là điều kiện thuận lợi để dịch bệnh lan tràn; hơn nữa, việc thiếu lương thực trầm trọng trong quá trình hành quân đã khiến lính Nhật giảm sút ý chí, do đó số tù binh này ngày một tăng. Khi đến địa điểm tập kết, tức trại tập trung Sant Frinando, thì số người thương vong là hơn 25.000 người. Rất may mắn, mấy ngày sau đó, có 3 lính Mỹ chạy trốn khỏi trại tập trung này, rồi dũng cảm vượt biển đến Blystan, Australia, đem theo toàn bộ bí mật trong “cuộc hành quân chết” này.

Sau khi nhận được thông tin, tướng MacArthur vô cùng tức tối, vội ra lệnh công bố toàn bộ chi tiết về sự kiện này cho báo chí biết. Trước đó, vì muốn che giấu thất bại thảm hại của mình trên chiến trường Thái Bình Dương nên lãnh đạo tối cao của Washington quyết định cấm không cho công bố thông tin này. Thế nhưng sau khi vụ việc vỡ lở trước công chúng và báo chí, thì chân tướng của “cuộc hành quân chết” ngày càng được công bố rộng rãi.

Tình hình sau đó đã cho thấy sự lo lắng của Chính phủ Mỹ trước đó là hoàn toàn thừa, bởi sau khi thông tin về cuộc hành quân này được công bố, nó không những không ảnh hưởng đến ý chí chiến đấu của lính Mỹ, mà ngược lại, quân đội Mỹ còn tranh thủ được sự ủng hộ mạnh mẽ của dân chúng nước này cũng như cộng đồng thế giới.

"Cuộc hành quân chết thứ 2" trên bán đảo Triều Tiên?

Từ ngày 25/10 đến 24/12/1951, quân tình nguyện TQ liên tiếp tiến hành hai chiến dịch quy mô lớn. Kết quả, tiêu diệt được 51.800 binh lính thuộc lực lượng “quốc quân liên hợp” và quân Nam Triều Tiên, đập tan hoàn toàn “cuộc tổng tiến công kết thúc chiến tranh Triều Tiên trước Noel” của Tư lệnh MacArthur, sơ bộ xoay chuyển tình thế cuộc chiến tranh này. Qua hai chiến dịch, quân đội TQ đã bắt sống được 14.211 tù binh, trong đó có  3.781 lính Mỹ, 147 lính Anh, Pháp.

Một nguyên tắc bất di bất dịch của mọi cuộc chiến tranh là không bao giờ được tập trung những tù binh bắt được của đối phương gần chiến tuyến. Do vậy quân tình nguyện quyết định vận chuyển số tù binh này về  trại tù binh phía sau ở phía Bắc Triều Tiên để dễ dàng quản lý. Nhưng quá trình vận chuyển tù binh đã gặp rất nhiều khó khăn.

Lúc đó, mặc dù liên tiếp thất bại ở chiến trường nhưng  với ưu thế của không quân và hải quân, quân đội Mỹ lần lượt điều các loại máy bay oanh tạc trong số 1.600 máy bay chiến đấu ở khu vực Thái Bình Dương nhằm phong tỏa các tuyến đường vận chuyển, hành quân của quân tình nguyện. Mỗi ngày, quân đội Mỹ thả xuống những nơi này mấy vạn tấn bom, tất cả mục tiêu quân sự hay dân sự đều trở thành mục tiêu bắn phá của các loại tên lửa và máy bay chiến đấu, oanh tạc của Mỹ.

Chính sự bắn phá điên cuồng này của Không quân Mỹ là nguyên nhân chính dẫn tới việc các tù binh của “quốc quân liên hợp” không được đưa về phía sau kịp thời an toàn, gây ra hàng loạt cái chết đáng tiếc cho cả hai phía.

Trong lần vận chuyển số tù binh này, quân tình nguyện TQ đã chia ra làm nhiều đợt nhằm hạn chế tối đa hy sinh của tù binh và người áp giải. Thế nhưng, hầu hết các lần vận chuyển đều đã gặp phải các cuộc oanh tạc dữ dội của quân đội Mỹ, thậm chí có lần số người sống sót chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Lý Nạp Văn, phiên dịch viên tiếng Triều Tiên thuộc Ban Chính trị trung đoàn, binh đoàn và quân tình nguyện đã kể:

Ngay sau khi kết thúc hai chiến dịch, trung đoàn của anh ta đã  bắt sống được 114 lính Mỹ và cần vận chuyển gấp về trại tù binh Bích Đồng bên sông Áp Lục. Để làm được việc, trung đoàn đã tổ chức ra một lực lượng làm nhiệm vụ dẫn giải bao gồm Đội trưởng là  Tư vụ trưởng Ban Chính trị trung đoàn, một giáo viên văn hóa làm phiên dịch tiếng Anh, một nhân viên y tế và Lý Nạp Viên. Ngoài ra, Trung đoàn còn cử theo 6 lính cảnh vệ để đảm bảo an toàn trong quá trình dẫn giải.

114 tù binh người Mỹ này được thu gom trên toàn chiến trường sau khi hai chiến dịch kết thúc, họ là những người may mắn sống sót sau khi phải chống chọi với cái đói và rét khắc nghiệt của mùa đông. Hầu hết những người trong số họ đều bị chấn thương, bệnh tật ở những mức độ khác nhau, tinh thần đã quá uể oải, rệu rã...

Để tránh  các cuộc oanh tạc của Không quân Mỹ, họ quyết định hành quân trong đêm, thế nhưng tốc độ hành quân khá chậm chạp do địa hình và thời tiết, bởi vậy đoàn quyết định đi vào ban ngày và tốc độ có tăng đôi chút. Thế nhưng trong một trận tập kích, 4 chiếc máy bay chiến đấu của quân đội Mỹ bay ập tới, bắn chết 8 người, trong đó có 1 nhân viên y tế và 7 tù binh, một số người khác đều bị thương.

Tuy vậy, điều khó khăn nhất với họ là thiếu lương thực, số lương thực họ đem theo chỉ đủ cho các tù binh bị thương cầm hơi. Đứng trước tình trạng đó, nhiều lính Mỹ ngày càng cảm thấy tuyệt vọng, họ chán nản, tinh thần suy sụp. Một buổi tối, tại một ngôi làng nhỏ, khi mà những chiếc máy bay vừa rời khỏi các cuộc tập kích tọa độ đêm. Bất ngờ một lính Mỹ thường ngày lầm lũi, ít nói chồm tới và giật lấy khẩu súng trong tay một lính cảnh vệ. Nhưng điều ngạc nhiên là anh ta không bắn vào quân tình nguyện, mà ngắm thẳng vào đám tù binh đang ngơ ngác rồi bóp cò, vừa bắn anh ta vừa hét to: “Nhân danh Chúa, tôi đến cứu rỗi và giải thoát cho các người đây!...”. Kết quả: 5 lính Mỹ chết ngay tại chỗ, 7 người bị thương, phía quân tình nguyện 1 lính cảnh vệ thiệt mạng, đội trưởng bị thương ở đầu.

Ngày hôm sau, họ đến một cánh rừng rậm sau ngôi làng. Trong cuộc nói chuyện sau đó giữa Tư vụ trưởng với cái đầu băng kín với số tù binh Mỹ sau đó, do trình độ tiếng Anh của giáo viên văn hóa không tốt lắm, anh ta không chuyển tải được thông tin trao đổi giữa hai bên, nên một tù binh là thượng úy Lục quân Mỹ đứng ra xin làm phiên dịch trước sự ngỡ ngàng của hai bên. Viên thượng úy tỏ ra rất sợ hãi, hoang mang trước thông tin rằng, sau khi đến trại tập trung tù binh, họ sẽ bị giết chết. Nhưng Tư vụ trưởng đã trấn an và hứa sẽ đảm bảo an toàn cho họ như những người lính đang thi hành nhiệm vụ của mình.

Từ sau buổi nói chuyện đó, tinh thần số tù binh này ngày một yên tâm, họ hy vọng có thể đến nơi tập kết nhanh hơn. Và đúng như những gì họ mong đợi, vào tối ngày hôm sau, khi các lãnh đạo địa phương nhận được thông báo, họ lập tức điều ngay một chiếc xe jeep quân sự tới, mang theo hai thùng quần áo cùng lương thực thuốc men. Nửa đêm, những người bị thương nặng nhất được chiếc xe jeep chở đi đến trạm cứu chữa gần nhất. Một tuần sau, số tù binh còn lại đều đến khu vực tập trung một cách an toàn...

Đây là một trong những cuộc hành quân vận chuyển tù binh thành công nhất của quân tình nguyện TQ khi mà số người thương vong do chính bom đạn của quân đội Mỹ giáng vào thấp hơn nhiều các cuộc vận chuyển khác. Từ đây có thể thấy, người đã đưa những tù binh người Mỹ và quân đồng minh vào “tử địa” chính là các tướng lĩnh quân đội Mỹ, những người đã trực tiếp phê chuẩn các kế hoạch oanh tạc các tuyến đường hành quân của quân tình nguyện. Bởi đằng sau những đợt kích đó là một âm mưu nhằm tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế và tăng thêm “ý chí” cho quân lính liên quân ngày càng thất thế trên chiến trường Bắc Triều Tiên

Vũ Anh Tiến (Theo Bí ẩn lịch sử)
.
.