Có hay không “đường dây Bulgaria” mưu sát Giáo hoàng?

Thứ Ba, 15/12/2009, 19:50
Cách đây hơn 28 năm, vào ngày 13/5/1981 vụ ám sát Giáo hoàng John Paul đệ nhị đã xảy ra trên Quảng trường Thánh Peter giữa trung tâm Vatican. Hung thủ Ali Agja người Thổ Nhĩ Kỳ bị bắt ngay tại chỗ, nhưng điều người ta muốn khám phá nhiều hơn rằng ai đứng đằng sau "vụ án bài Công giáo của thế kỷ" này?

Trong quá trình hỏi cung, Ali Agja đã khai ra các "đồng sự" của hắn. Đứng đầu là Sergei Antonov - nhân viên đại diện Hãng Hàng không dân dụng Bulgaria (Balkan) tại Rome. Kế đến là 3 nhân viên ngoại giao Bulgaria khác đang công tác tại Italia: Ivan Donchev, Zeliu Vasilev và Todor Aivazov. Nhưng cả 3 người này đều rời đất Italia hợp pháp theo quy chế ngoại giao.

Chỉ có S.Antonov bị bắt tại nhà riêng ở Rome đêm 25/11/1982, cùng lời buộc tội là kẻ tòng phạm trong vụ mưu sát. Cuộc điều tra quy mô suốt hai năm rưỡi sau đó nhằm bóc trần "đường dây Bulgaria", đã dẫn tới phiên tòa mở trong tháng 5/1985 và kéo dài suốt 10 tháng ròng. Trong quá trình xử án có sự tham gia bào chữa của các luật sư người Italia và Bulgaria, "kẻ chủ mưu" S. Antonov một mực phủ nhận sự liên quan của mình: không có quan hệ với Cơ quan Tình báo Bulgaria; không hề quen biết Ali Agja; cũng như không tham gia vào cái gọi là "âm mưu xếp đặt trước" nhằm hạ thủ người đứng đầu giáo hội.

Quá trình xét xử đã trở thành đề tài nổi cộm trong giới truyền thông phương Tây thời gian đó, hòng ra sức bôi nhọ các thể chế Đông Âu "vô thần" giữa bối cảnh Chiến tranh lạnh đối đầu thường trực. Rốt cục S.Antonov được tòa tha bổng vì thiếu bằng chứng và an toàn hồi hương trong dịp lễ Phục sinh năm 1986. Ông đã mất ngày 1/8/2007 ở Sofia, thọ 59 tuổi. Còn A.Agja lĩnh án chung thân, đã ra khỏi nhà tù Italia từ năm 2006 và hiện đang "nằm ấp" tại Ankara.

Giáo hoàng thân chinh gặp kẻ ám sát mình tại xà lim cấm cố

Trong lần diện kiến Giáo hoàng dạo cuối năm 1995, Tổng thống Bulgaria Zeliu Zelev đã hỏi: "Ngài có tin rằng người Bulgaria có dính dáng đến vụ mưu sát ngài không?". J.Paul II đáp thẳng thừng: "Làm gì có chuyện đó! Nước Bulgaria đâu có lỗi, A.Agja đơn phương hành động một mình".

Bản thân Giáo hoàng cũng tái khẳng định sự việc trong chuyến thăm Bulgaria lúc sinh thời vào tháng 5/2002: "Cái gọi là "đường dây Bulgaria" trong vụ ám sát tôi là một điều vu khống. Đó là sự bất công". Còn hung thủ A.Agja trong cuộc trả lời phỏng vấn của nhật báo Italia Corriere Dalla Sera ngày 9/10/1996, cho biết, vào ngày 13/5/1981 tự thân hắn quyết định bắn Giáo hoàng, nhưng các nhân viên mật vụ Italia cứ khăng khăng phải thêm "đường dây Bulgaria" vào.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Marko Neze, Agja nhấn mạnh: "Đường dây Bulgaria" là sự bịa đặt từ các cơ quan mật. Giờ đây, khi Giáo hoàng đang bệnh nặng, tôi có thể nói rằng tất cả những điều xoay quanh vụ án chỉ rặt sự vu cáo trơ trẽn".

Các kết luận công bố từ những cuộc điều tra khác nhau trong hơn 1/4 thế kỷ qua không đưa ra được bằng chứng xác đáng nào về một âm mưu có tính toán trước trong "vụ án bài Công giáo của thế kỷ".

Về phía Nhà nước Bulgaria, vào đầu tháng 7/1997 cả Bộ trưởng Nội vụ Bogomil Bonev lẫn Bộ trưởng Ngoại giao Nadezda Mikailova đều gửi công hàm đề nghị các cơ quan nội chính Đức rà soát xem, phải chăng từng tồn tại "đường dây Bulgaria" trong hồ sơ lưu trữ của Stasi (Tình báo Đông Đức trước đây) về vụ ám sát Giáo hoàng John Paul II. Hai tháng sau Sofia nhận được bản sao tập hồ sơ về các công văn mật trao đổi giữa Stasi với Ủy ban An ninh Nhà nước Bulgaria cũ, trong đó không mảy may hiện diện bất cứ điều gì về "đường dây mưu sát" nói trên.

Đó là toàn bộ sự thật về những điều thổi phồng liên quan đến vụ án

T.H. (theo Nhân chứng & Sự kiện)
.
.