Có hay không những vòng đàm phán giữa Syria và Israel

Thứ Hai, 29/01/2007, 13:00
Theo tờ báo Haaretz (Israel), trong giai đoạn từ tháng 9/2004 cho tới tháng 7/2006, các đại diện của Israel và Syria đã bí mật gặp gỡ tại châu Âu để soạn thảo một hiệp ước hòa bình không chính thức. Tuy nhiên hiệp uớc đã không thể hình thành vị cuộc chiến tranh Liban lần 2.

Vai trò trung gian của Istambul

Thế giới lại tập trung sự chú ý xung quanh chủ đề về những vòng đàm phán bí mật giữa IsraelSyria. Cụ thể theo như công bố của tờ báo Haaretz (Israel), trong giai đoạn từ tháng 9/2004 cho tới tháng 7/2006, các đại diện của Israel và Syria đã bí mật gặp gỡ tại châu Âu để soạn thảo một hiệp ước hòa bình không chính thức giữa hai nước. Trước mắt, cả Tel-Aviv cũng như Damascus đều lên tiếng bác bỏ thông tin về những cuộc đàm phán bí mật trên...

Mọi chuyện được bắt đầu từ 3 năm trước. Tháng 1/2004, Tổng thống Bashar Assad của Syria có một chuyến viếng thăm quan trọng tại Thổ Nhĩ Kỳ. Hoàn toàn tình cờ là vào thời điểm đó, Alon Liel (cựu Tổng giám đốc trong Bộ Ngoại giao và cựu Đại sứ Israel tại Thổ Nhĩ Kỳ) cũng có mặt tại Istambul và ở cùng trong một khách sạn với đoàn đại biểu Syria.

Khi đó, một vài người bạn trong Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã bật mí với Liel rằng, chủ đề Israel đang chiếm một vị trí quan trọng trong những cuộc hội đàm giữa Assad và Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ.

Chỉ vài ngày sau khi trở về Israel, Liel bất ngờ được mời đến gặp Đại sứ Feridun Sinirlioglu của Thổ Nhĩ Kỳ tại Tel-Aviv. Viên đại sứ này thông báo với Liel rằng, ông Assad đã đề nghị ông Erdogan tận dụng những quan hệ tốt với Israel để giúp xây dựng một kênh đàm phán với nước này.

Liel được đề nghị thông báo cho Thủ tướng Israel khi đó là Ariel Sharon để thăm dò xem ông ta có đồng ý đàm phán với Syria thông qua Thổ Nhĩ Kỳ không. Để có thể đảm đương vụ này, Liel còn kéo theo Geoffrey Aronson, một quan chức của Quỹ Hòa bình Trung Đông tại Washington, người thường xuyên qua lại thủ đô của nhiều nước Trung Đông, kể cả Damascus, Beirut và Amman.

Về phần mình, chuyên gia người Do Thái này còn gợi ý nên mời thêm  Ibrahim  Suleiman, một thương gia gốc Syria đang sống tại ngoại ô Washington DC. Gia đình Suleiman trước đây ở cùng một làng với gia đình của Tổng thống Assad.

Nhiều quan chức của Mỹ trước đó đã tận dụng các kỹ năng trung gian rất tốt của Suleiman trong một số vụ việc tiếp xúc với Damascus, chẳng hạn như đề nghị Syria tạo điều kiện cho những người gốc Do Thái muốn trở về Israel.

Thế là Suleiman lên đường ngay để tới Damascus. Một thời gian sau, ông ta tới nhà riêng của Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria thông báo về việc Syria đã sẵn sàng đàm phán ngay lập tức với Israel. Có điều là bộ máy của Thủ tướng Israel lại tỏ ra thờ ơ đến khả năng đàm phán này với lý do: người Mỹ chưa sẵn sàng muốn tiếp xúc với Syria.

Những cuộc gặp bí mật tại Châu Âu

Cuối mùa hè năm 2004, Sinirlioglu lấy làm tiếc thông báo cho Liel rằng, kênh đàm phán thông qua Thổ Nhĩ Kỳ đã lâm vào ngõ cụt. Nhưng thực tế này không làm cho bộ 3 Liel - Aronson - Suleiman phải nản lòng.

Tháng 9 năm đó, họ gặp nhau tại thủ đô một nước châu Âu, quốc gia đã đồng ý giúp đỡ và cả cung cấp tài chính cho kênh đàm phán bí mật Israel - Syria thông qua một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao nước mình. Tính ra đã có tới 7 cuộc gặp gỡ giữa các đại diện của hai bên.

Cứ sau mỗi cuộc gặp, Liel lại ngay lập tức quay về Israel, làm một báo cáo chi tiết gửi lên lãnh đạo Bộ Ngoại giao. Văn phòng của Ariel Sharon tất nhiên cũng nhận được báo cáo đầy đủ về tình hình. Ngay cả Suleiman và đại diện trung gian của châu Âu cũng đã có lần đích thân tới Jerusalem để thông báo cụ thể về quan điểm của Syria với các quan chức ngoại giao Israel.

Với mục đích để quan chức trung gian tại châu Âu gây được ấn tượng tốt đối với phía Syria, Suleiman đã đề nghị Liel cùng đi với mình tới Damascus. Đôi khi, cả hai còn có những cuộc gặp trực tiếp với Bộ trưởng Ngoại giao Walid Muallem và một quan chức cao cấp của tình báo Syria

Quan chức trung gian của châu Âu cho biết là, giới lãnh đạo Syria rất quan tâm tới kênh đàm phán bí mật này. “Tôi tin rằng, người Syria muốn ký kết hiệp ước hòa bình với các bạn” - ông này đã tuyên bố như vậy trước các đồng nghiệp Israel, không lâu trước khi xảy ra vụ ám sát cựu Thủ tướng Liban Rafik Hariri vào tháng 2/2005.

Khi có mặt tại Damascus, quan chức trung gian này còn nhận thấy khả năng của Syria sẵn sàng đưa mối quan hệ của họ với Iran, Hezbollah và Hamas vào nội dung chương trình các cuộc đàm phán với Israel.

Nội dung các cuộc đàm phán giữa hai bên liên quan đến rất nhiều vấn đề như đường biên giới, nước sinh hoạt, an ninh và khả năng bình thường hóa quan hệ. Suleiman, đại diện cho quan điểm của Syria, ngay từ đầu đã khẳng định, sẽ uổng phí thời gian nếu tìm cách thuyết phục Syria thay đổi quan điểm của họ về vấn đề đường biên giới từ ngày 4/6/1967.

Tuy nhiên, phía Syria lại tỏ ra mềm mỏng một cách đáng ngạc nhiên trong một số vấn đề bàn bạc khác, chẳng hạn như lịch trình di tản cộng đồng người Do Thái khỏi cao nguyên Golan, sử dụng nước sinh hoạt v.v...

Theo các văn kiện đàm phán dự thảo, Israel sẽ trao trả lại toàn bộ khu vực cao nguyên Golan (là vùng lãnh thổ tranh chấp giữa hai bên kể từ cuộc chiến năm 1967). Về phần mình, Syria sẽ ngừng ủng hộ Hezbollah cũng như các nhóm khủng bố khác đang hoạt động chống phá Israel.

Văn kiện hoàn tất để đi đến ký kết cuối cùng đã được sẵn sàng vào tháng 8/2005. Suleiman khi đó thông báo là phía Syria đã làm tất cả mọi việc để thúc đẩy việc ký kết thỏa thuận hòa bình với Israel.

Ông ta còn đề xuất về một cuộc gặp gỡ chính thức cấp thứ trưởng giữa Syria và Israel, trong đó có sự tham gia của cả David Welch, khi đó là Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách các vấn đề Trung Đông.

Tuy nhiên, cuộc gặp gỡ cuối cùng đã chấm dứt khoảng một năm sau đó, vào đúng ngày bùng nổ cuộc chiến Liban lần thứ hai, khi các tên lửa do Hezbollah phóng xuống vùng Galilee, đã giết chết 8 người Israel

Linh Nga (tổng hợp)
.
.