Có một nhà tù Guantanamo ở Afghanistan

Thứ Tư, 13/08/2014, 22:40

Theo tiết lộ của tờ Guardian căn cứ theo nhiều nguồn cũng như sự cung cấp thông tin từ một cựu tù nhân, 38 tù nhân không phải người Afghanistan - trong đó phần đông là người Pakistan - bị giam giữ trong nhà tù bí mật của Mỹ ở Parwan bên ngoài sân bay Bagram (còn gọi là Trại giam Bagram), đã liên tục tuyệt thực đòi quyền lợi.

Họ tuyệt thực để chống đối sự cung cấp nước uống mất vệ sinh. Có lúc họ tuyệt thực do những bạn tù khác bị giam trong khu vực cách ly, hay họ tuyệt thực vì bất mãn do không được phép tiếp xúc với nhân viên Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) - nguồn duy nhất kết nối họ với gia đình và thế giới bên ngoài. Trong khi đó, quân đội Mỹ từ chối tiết lộ về điều kiện giam giữ tù nhân tại đây.

Giáo sĩ Abdul Sattar  người Pakistan bị giam giữ 2 năm rưỡi ở Bagram trước khi được trả tự do vào tháng 5 vừa qua cho biết, những cuộc tuyệt thực diễn ra do không có sự lựa chọn nào khác: "Đây là cách chúng tôi chống đối để có được những gì mình muốn. Người Mỹ không bao giờ chịu ngồi bàn luận về các vấn đề với chúng tôi. Họ không chịu lắng nghe".

Sattar nói chuyện qua điện thoại với tờ Guardian thông qua người phiên dịch, cho biết, anh tham gia 5 - 6 cuộc tuyệt thực, thậm chí không uống nước, khi bị giam ở Bagram.

Khi bị binh lính Mỹ ở tỉnh Paktika của Afghanistan bắt giữ vì bị nghi ngờ mang vũ khí trên ôtô, Sattar cân nặng 75kg. Nhưng nay Sattar chỉ còn 50kg. Cuộc tuyệt thực mới nhất được ghi nhận vào giữa tháng 4 vừa qua và kéo dài khoảng 2 tuần.

Năm 2013, cuộc tuyệt thực của 2/3 số tù nhân ở Guantanamo được hé lộ đã dẫn đến làn sóng giận dữ trên toàn thế giới, buộc chính quyền của Tổng thống Barack Obama phải đẩy mạnh hơn nữa những nỗ lực nhằm đóng cửa nhà tù này. Tuy nhiên, những cuộc tuyệt thực ở Bagram bắt đầu với sự bất lợi do nhà tù nằm trong bí mật khó được thế giới biết đến. Những tù nhân ở đây, nếu không phải người Afghanistan thì sẽ không được gặp luật sư riêng của mình.

Binh sĩ Mỹ tại trại giam quân sự Bagram.

Các nhà quan sát nhân quyền thường xuyên đến Guantanamo để nắm tình hình tù nhân, nhưng không ai đến Bagram. Chỉ ICRC có lần được phép thăm các tù nhân ở Bagram nhưng với điều kiện phải giữ bí mật tuyệt đối. Nói tóm lại, số phận các tù nhân không phải người Afghanistan ở Bagram được giữ bí mật. Có một vài vụ tù nhân được phóng thích vào  năm 2013 và tháng 5/2014 diễn ra trong im lặng.

Thông tin về việc trả tự do cho 6 tù nhân Pakistan khỏi nhà tù Bagram vào tháng 11/2013 chỉ được loan báo bởi Dự án Công lý Pakistan (JPP) - tổ chức nhân quyền Pakistan tạo điều kiện cho cuộc phỏng vấn của tờ Guardian với Abdul Sattar. Nhưng, thoát khỏi nhà tù Bagram không có nghĩa là sẽ được tự do hoàn toàn mà họ sẽ tiếp tục bị chính quyền Pakistan giam giữ "một cách bất hợp pháp tại một nơi bí mật, không được tiếp xúc với gia đình hay luật sư của họ".

Các nhóm nhân quyền cũng không biết những tù nhân tham gia tuyệt thực có bị quân đội Mỹ "cưỡng bức ăn" qua những cái ống thông dạ dày như ở Guantanamo hay không - biện pháp đối phó với biểu tình tuyệt thực của quân đội Mỹ mà một thẩm phán liên bang mô tả là "gây đau đớn, sỉ nhục và hạ thấp phẩm giá con người".

Sattar cho biết có vài tù nhân tuyệt thực bị "cưỡng bức ăn" theo cách này, trong đó có một người Pakistan tên là Fazal Kareem được tin là vẫn còn bị giam giữ ở Bagram. Theo Sattar, biện pháp "cưỡng bức ăn" được thực hiện tại trạm y tế cho nên không biết nó được tiến hành như thế nào

Thiên Minh (tổng hợp)
.
.